3 CÂU HỎI LỚN VỀ MỐI QUAN HỆ CHA MẸ – CON CÁI

Mối giao tiếp cha mẹ – con cái không phải bao giờ cũng đơn giản. Ba câu hỏi lớn về quan hệ phức tạp này là một sự thách đố cho mọi gia đình. Jacquaes Salomé, tác giả những cuốn sách có giá trị về hôn nhân – gia đình sẽ giải đáp 3 vấn đề lớn này cho các bậc cha mẹ.

  1. Ngày nay các bậc cha mẹ và con cái có thật sự chia sẻ tình cảm với nhau?

Hiện nay có một sự chia rẽ, một thái độ lạnh lùng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Một nghịch lý là trong thời đại hôm nay con cái được tự do bộc lộ suy nghĩ, ý muốn của mình, nhưng cha mẹ không chịu lắng nghe chúng.

Tôi đã nhận được thư của các em thiếu niên. Trước đó chỉ có người lớn mới viết thư cho tôi. Trong số này có 3 loại câu hỏi đặt ra: “Làm thế nào để giúp cha mẹ cháu giao tiếp tốt hơn với cháu?”, “Cháu muốn học tập để giao tiếp tốt hơn”, “Người ta có thể làm gì để mọi việc diễn ra tốt đẹp hơn, giữa trẻ em và người lớn?”.

Ở đây có một sự hiểu lầm ở trẻ em. “Diễn ra tốt đẹp hơn” đối với các em có nghĩa là “người lớn hay cha mẹ cháu phải đồng ý với cháu”. Trẻ em thường quá tin rằng giao tiếp là “đồng ý” hay có cùng quan điểm với người khác!

Tôi rất muốn nghe đứa con gái 12 tuổi của tôi xin tôi đi dự một liên hoan khiêu vũ tại nhà riêng kéo dài đến 2 giờ sáng. Tôi rất hiểu mong muốn của cháu, tôi không đối lập nhưng cũng không tán đồng để làm vừa lòng cháu, những điều này khác hẳn nhau. Không nên để con trẻ đinh ninh rằng giao tiếp, chia sẻ là đồng ý những ý muốn hay sự chờ đợi của chúng. Giao tiếp, chia sẻ không là “đồng tình với nhau” theo nghĩa đồng ý, ưng thuận, mà theo nghĩa “cha lắng nghe ý muốn của con, nhưng cha sẽ có thái độ lại”.

Thế nhưng tỏ thái độ đối với con cái không có nghĩa là nghiêm khắc, cứng nhắc, hay từ chối mọi sự đối thoại, mà cũng đừng rơi vào thái cực ngược lại.

  1. Các bậc cha mẹ có biết giải mã mọi sắc thái ngôn ngữ của con cái?

Ngượi với những gì mà người lớn thường nghĩ, trẻ con ít sử dụng các từ ngữ để “bộc lộ ý muốn”. Chúng hay dùng đến các dạng ngôn ngữ khác, như ngôn ngữ diễn đạt qua cơ thể. Đấy là đặc điểm của trẻ em: nói bằng thân thể của chúng. Bao nhiêu lần viêm tai là bấy nhiêu lần đứa trẻ muốn nói: “Con đau chính chỗ này này, chỗ mà cha mẹ không chịu lắng nghe con”. Có biết bao thứ: viêm họng, nổi mề đay, táo bón, tăng hay giảm cân, chán ăn, háu ăn…

Đây là một trong nhiều trường hợp cụ thể. Một phụ nữ đến tìm tôi và kể lại: “Tôi chưa biết ông. Cách đây 6 tháng tôi chợt nghe được một trong các cuộn băng cassette của ông giảng về mối quan hệ giao tiếp cha mẹ – con cái.

Đứa con gái 16 tuổi của tôi, từ lúc lên 4 đã bị nổi mụn mủ khắp 2 đùi, đến mức không dám mặc đồ tắm. Chợt nghe qua cassette bài nói của ông tựa đề “nói về thân thể và tiếng khóc”, tôi mới vỡ lẽ. Theo như lời ông nói, tôi đã tiến hành “một cầu nối” giữa một sự kiện và chứng bệnh ngoài da của con gái tôi.

Ông ngoại nó mất khi nó lên 4 tuổi, đây là người mà nó vô cùng gắn bó. Vợ chồng tôi giấu biệt tin ông ngoại mất. Chỉ vài tháng sau khi chôn cất xong xuôi, vợ chồng tôi mới cho nó hay tin buồn. Mới đây tôi tôi mới hiểu ra là những mụn mủ của con gái tôi xuất hiện ngay từ thời gian đó. tôi liền nói với con gái: “Mẹ biết cha mẹ đã phạm sai lầm khi giấu con chuyện ông ngoại qua đời”. Con gái tôi khoá oà lên và bảo: “Con rất muốn cha mẹ báo tin cho con, cha mẹ không có quyền che giấu. Con muốn có mặt tại nơi chôn cất ông bởi vì con rất thương yêu người”. Tôi trả lời: “Mẹ sẽ dẫn con ra thăm mộ ngoại để con khóc thương ông ngoại”. Thật là thần diệu những mụn mủ của nó biến mất”.

Còn một loại ngôn ngữ khác, đó là “những bước chuyển sang hành động”, tức là những dạng bạo lực mà một đứa trẻ gây ra cho người khác: tát, đánh đấm, ăn cắp, hoặc thậm chí cho bản thân nó, như nó tự gây tai nạn cho mình… Tình trạng bạo lực trong các trường trung học các vùng ngoại ô là biểu hiện của những thiếu niên không được cha mẹ lẫn xã hội quan tâm lắng nghe.

Trẻ con cũng bộc lộ sự sợ hãi. Tôi sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên khi nói rằng các dạng sợ hãi cùng là một ngôn ngữ của trẻ. Chúng là thứ ngôn từ ẩn dụ gián tiếp. Một đứa trẻ thú nhận sự sỡ hãi tức là nó muốn nói điều gì đó. Nếu ta cố gắng dập tắt sự sợ hãi đó, ta sẽ không nghe được những tì mà đứa bé định nói ra. Một điều ngược đời là đừng bao giờ trấn an, mà phải lắng nghe. Ví dụ một đứa bé sợ bóng đêm, điều đó có thể là nó sợ cha nó bỏ đi. Lúc đó nó bắt đầu thấy sợ hãi chó sói hay bóng đêm. Các bậc cha mẹ thường cố gắng xoa dịu, để đàn sáng và đến vỗ về con 10 lần trong đêm. Sau đó quá mệt mỏi, họ lại thiếp đi. Họ đã không biết sự sợ hãi là một dạng ngôn từ quan trọng, rằng ngôn ngữ này cần được lắng nghe.

Thay vì trấn an, vỗ về, cha mẹ nên để cho đứa con nói ra sự sợ hãi của nó. Bằng cách trấn an trẻ, người ta đã vô tình bịt miệng chúng không cho nói. Thế là nỗi sợ của con trẻ có nguy cơ phát triển sáng hướng khác, gây nên những sự âu lo.

Trẻ con cũng bộc lộ lời nói qua sự tượng trưng hoá. Chúng trình bày ý muốn của mình bằng các trò chơi mang tính tượng trưng. Qua hiện trạng bừa bộn của căn phòng, qua bé muốn nói với cha mẹ: “Con chỉ cho cha mẹ thấy sự hỗn loạn trong quan hệ tồn tại giữa cha mẹ”.

  1. Cha mẹ có dám nói chuyện với con cái không?

Trẻ con luôn đòi hỏi một quan hệ rõ ràng, sống động. Nhưng nhiều bậc cha mẹ có ý muốn thoát ra, giải quyết mọi vấn đề bằng cách nói: “Mà con biết là cha yêu con chứ!”. Điều đó chưa đủ. Đứa bé cần cha hoặc mẹ xác định rõ vai trò của mình trong mối quan hệ. Nó cần người lớn như là người đối thoại, chịu lắng nghe.

Nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng yêu quý con tức là phải làm vừa lòng nó. Một quy tắc cần được tôn trọng là không nên nhầm lẫn giữa nhu cầu và ước muốn. Cha mẹ có mặt để đáp ứng các nhu cầu của con, chứ không phải cho các ước muốn của chúng.

Tôi lấy một ví dụ. Con trai tôi 6 tuổi, muốn có một con mèo. Như vậy nó có một ước muốn. Vai trò làm cha của tôi là không được mua ngay cho nó một con mèo, nhưng phải dụ nó làm gì đó để có được cái nó ước muốn và tôi bảo nó: “Con có muốn làm cái gì đó để đạt mục đích riêng không?”. Trong khi nó chưa hành động thì tôi chưa nhúc nhích. Trong 15 ngày, tôi không nghe nói gì về con mèo nữa. Tôi thấy nó lui cui làm việc với anh nó. Nó đóng một cái hộp để sữa cho con mèo, nó tìm những bức vẽ, nó dẫn tôi đến trước một tủ kính bày bán mèo. Tôi sững sờ thấy cu tí 6 tuổi của tôi có thể làm nhiều chuyện để có được con mèo. Lúc đó tôi có thể giúp nó tìm được một con mèo.

Cha mẹ thấy khổ sở khi đứa con thất vọng, đau buồn vì ước muốn không đạt được. Họ cảm thấy mình có tội và muốn xoa dịu ngay cơn đau của đứa con. Vì nó không thể chịu bất hạnh. Với tư cách cha mẹ, chúng ta không nên vì thế mà nói: “Con chờ chút đã, mẹ sẽ chuộc lỗi với con”, mà nên nói: “Con buồn vì bạn con không muốn chơi với con, con đau khổ vì con chó yêu của con bị cán chết hay con đau xé lòng vì ông ngoại qua đời… Đó là nỗi buồn của con, đó là những tình cảm riêng của con, mẹ sẽ có mặt bên những tình cảm đó, mẹ sẽ không gạt bỏ chúng”.

Tình yêu cha mẹ là tình yêu duy nhất có thể giúp con cái trưởng thành, để một ngày nào đó chúng có thể xa rời chúng ta mà kiến tạo cuộc sống riêng.

Trần Thanh Phong (theo Vie et Santé)

(Kiến Thức Ngày Nay số 139, trang 62, CẦN DẠY TRẺ BIẾT NHƯỜNG NHỊN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *