BI HÀI CHUYỆN KHAI ẤN TRẦN

Trở lại câu chuyện lễ hội, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với TS NGUYỄN XUÂN DIỆN – phó giám đốc thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam:

 

* Theo tìm hiểu của ông, xuất phát điểm của khai ấn đền Trần là như thế nào? Vài năm gần đây, bỗng dưng nó ầm ĩ, khốc liệt và bi hài quá.

– Lễ khai ấn trở nên náo loạn và lộn xộn như thế mới chỉ 3-4 năm gần đây thôi. Chứ trước kia không ai biết đâu. Vậy vì sao, cơ duyên nào làm nên hiện tượng này? Chúng ta phải lần lại ngọn nguồn lịch sử. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên ở Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đi tìm tất cả tài liệu và thư tịch xưa nay, không có chỗ nào nói về việc khai ấn đền Trần cả. Chính vì vậy, theo ông ấy, lễ khai ấn với việc tổ chức và cách hiểu như hiện nay là một sự xuyên tạc lịch sử.

Các nhà khoa học không tìm thấy một cái gì liên quan đến lễ khai ấn đền Trần cả. Thành thử trong văn bản xin mở hội, người ta phải ghi là “tương truyền” và “theo các cụ già… kể lại”. Các cụ kể thì “khẩu thiệt vô bằng”, nói thế nào cũng được. Hồ sơ để ra đời lễ khai ấn kiểu hiện nay chỉ bắt đầu bằng những chữ “tương truyền”. Họ cũng không tìm được cái ấn cổ từ ngày xưa, bởi làm gì có cái ấn để làm việc “khai” như họ đang làm hiện nay đâu.

Hiện nay công tác lễ hội mới chỉ làm được một việc là tổ chức giữ xe, bán hàng, bảo vệ, tổ chức y tế để cấp cứu… Tất cả chỉ là thế thôi, và lễ hội đền Trần vừa rồi là như thế.

Họ thu lợi từ vé gửi xe, thu từ các nhà hàng, từ việc bán ấn hoặc những hòm công đức, nhà hàng, khách sạn…, chưa kể còn quảng cáo trong không gian lễ hội nữa chứ.

NGUYỄN XUÂN DIỆN

* Theo nhiều chuyên gia và theo lời kể của những người đáng tin cậy, hình như có thủ tục khai ấn thật, nhưng quy mô rất nhỏ…

– Cái lễ này, nếu như nó có theo “lời kể của người già” thì chỉ là nghi lễ được tiến hành ở trong khuôn viên của đền Trần, với những con cháu nhà Trần và là nghi lễ rất nhỏ bé, ít người tham gia. Theo các cụ già kể, đêm 14 rạng 15, chỉ có chín miếng giấy, mảnh vải được đóng ấn thôi. Ông thủ từ của ngôi đền chay tịnh thanh khiết đóng ấn đó lên chín bản ấn vào giờ lành. Và rồi người ta ban chín cái mảnh đó ra cho chín ngôi đền khác ở cụm di tích đó thôi, chứ không ban cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào cả. Như một nét đẹp, một hiệu lệnh của đức Thánh Trần thế thôi.

Và cái ấn đền Trần hiện nay đang phân phát cho mọi người mới chỉ được làm trong thời gian gần đây. Việc chế tác cái ấn đó với mẫu chữ cũng là chữ lấy trong máy vi tính ra, chứ không tạo tác bằng thủ công hoặc do người ta khắc vào từ thời cổ. Chữ vuông chằn chặn ở trong máy vi tính mà. Năm ngoái, chữ “vô cương” trong vụ này còn bị khắc thiếu mất bộ “thổ”, biến thành một chữ khác, rất bi hài, như sau: chữ “tích phúc vô cương” viết sai biến thành “tích phúc vô cường”, tức là từ chỗ tích phúc vô bờ bến (cương), biến thành tích phúc để… không lớn mạnh (cường)!

 

* Nếu xin lộc lá và thăng quan tiến chức, chỉ có người đã làm quan mới đi xin thôi?

– Từ nhiều năm nay, xe biển xanh, biển đỏ, xe công đến xin ấn rất đông. Người ta thấy đó toàn là công chức nhà nước, người làm trong cơ quan nhà nước. Họ chính là những người hi vọng sau khi có ấn sẽ được thăng quan tiến chức, êm ả lộ trình… làm quan. Họ không hiểu gì về ấn đền Trần. Tại lễ khai ấn cũng không có một dòng chữ, một âm thanh nào nói về thời đại của các vua Trần. Ðó là gì, là hào khí Ðông A, gồm: tinh thần khai phóng, “thượng mã đề thương hạ mã đề thi” (lên ngựa cầm ngang ngọn giáo xông thẳng vào quân thù, xuống ngựa thì làm thơ); đúng như nhà thơ Huy Cận viết “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, tinh thần đoàn kết muôn người như một.

Nay họ làm ngược lại với hào khí đó: tất cả đều xông vào lấy lộc lá (họ tưởng tượng ra) của nhà Trần, rồi ao ước thăng quan tiến chức, chứ không ai nghĩ mảy may gì về võ công văn trị của nhà Trần. Tất cả đều: ôi linh thiêng lắm, ôi lộc lá, thăng quan, ai không đi thì nhờ người lấy hộ, ai không lấy và cướp được thì đi mua, chí chết là lấy ấn về thì mới bằng lòng.

 

* Vậy nếu được góp ý, sang năm, theo ông, ta nên tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần ra sao?

– Lỗi đầu tiên là UBND tỉnh Nam Ðịnh, họ bịa ra lễ, khiến tỉnh Hà Nam bịa ra chuyện phát lương của nhà Trần, rồi Hưng Hà (Thái Bình) cũng sôi nổi việc tương tự. Nguy hiểm hơn, nó kéo theo việc nhiều nơi nữa ban ấn của các vị vua Trần và nhiều ông vua khác. Nhưng nghĩ lại: nếu như Viện Văn hóa nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL chịu kê cứu lịch sử, trả lời đích xác với địa phương là không có chuyện đó thì họ không dám làm như vậy.

Sang năm, chúng ta cần tuyên truyền cho bà con biết tất cả chỉ là tương truyền. Cho bà con hiểu và tự hào về hào khí Ðông A, về vua tôi nhà Trần cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc mà không tham danh vọng, lộc lá của các vị như Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn… Cho bà con hiểu cái ấn đó chỉ là ấn tín ngưỡng, nó như hàng vạn cái ấn tôi có thể mua 100 chiếc một lúc hiện nay, ngay ở Hà Nội, bán đầy phố Tô Tịch.

Ðồng thời, cần tuyên truyền cho nhân dân biết việc đóng những cái ấn đó không có linh thiêng gì cả, ấn đó được đóng cách giờ “khai ấn” cả tháng bởi mấy chú xe ôm nhuộm tóc các màu. Chuyện đó cũng như chuyện đi vào Văn Miếu lấy lửa rước đi đã xảy ra. Rằng trong Văn Miếu không bao giờ để sẵn “ngọn lửa học tập”, người ta bèn hỏi ông thủ từ là bác có lửa không, ông bảo “tôi không hút thuốc không có lửa”, ông lại sai người lon ton ra chỗ mấy người bán sức lao động đầu phố thợ mượn cái bật lửa để bật lên, thì đấy là lửa của cái ông thợ nhễ nhại mồ hôi đấy chứ!

NGUYỄN THỊ THANH TÂM thực hiện

Nỗi buồn lễ hội

Xuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết, tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.

Chỉ đáng buồn những lễ hội dân gian ngày nay đã không còn đẹp và nguyên sơ như thuở nào. Trẩy hội chùa Hương, khách thập phương không khỏi hổ thẹn bởi la liệt hàng quán, thương nhân chen chân buôn bán sát tới nơi thờ Phật. Thèm khát lộc rơi lộc vãi, hậu duệ của đức Thánh Trần đè lên nhau xông vào xin ấn. Trần sao âm vậy, tiền âm phủ in nhái ngoại tệ mang toan tính đời thường nơi dương thế tràn tới cửa phủ, cửa chùa. Ồn ào đến mất cả linh thiêng, nếu không kịp chấn chỉnh, nhiều lễ hội chỉ còn vọng lại những tiếng sóng cuộn lên từ lòng ham muốn. Lễ sẽ mất dần tính trang nghiêm cung kính và hội sẽ không còn là những cuộc tự tình, tự giáo dục của cả cộng đồng.

Người ta bảo dân tộc ta có văn hóa cổ kính, dùng văn để trị, để giáo hóa con người. Truyền thống văn trị ấy đề cao “khắc kỷ phục lễ”, tức là rèn con người biết kìm hãm ham muốn riêng để phục hồi phép tắc lễ nghĩa. Lễ hội, vì lẽ ấy phải góp phần giáo dục con người biết tiết độ dục vọng, biết dừng lại và xấu hổ vì những ham muốn vật chất của mình, dùng những nghi lễ để tri ân tiền nhân và giúp con cháu không quên suy ngẫm về bổn phận hậu thế.

Không thể để đám đông với những ham muốn vô bờ xô đẩy lễ hội ngày càng xa dần với giá trị nhân bản truyền thống của nó. Việc ấn định lại khuôn khổ hợp lý cho các lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ các sinh hoạt có màu sắc thương mại ở những nơi thờ tự, tín ngưỡng hay cơ sở tôn giáo thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước.

Một nhà nước mạnh mẽ trước hết phải thể hiện ở chỗ thực hiện nghiêm chỉnh lệnh cấm công chức sử dụng xe công đi lễ chùa, nghiêm cấm công chức lập nơi thờ tự ngay trong công sở mà mình phụng sự. Cũng nên suy tính để nghiêm cấm việc in tiền âm phủ nhái hình thức và màu sắc của đồng nội tệ hay ngoại tệ, cấm lập các hòm công đức tràn lan và thả tiền lẻ bừa bãi ở những cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Tránh những trào lưu tự phát, một khuôn khổ pháp luật nghiêm khắc thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước việc giới hạn hoạt động của các lễ hội đã trở nên cần thiết.

Chỉ còn gần 10 năm nữa nước ta tiến đến cái ngưỡng để trở thành một quốc gia công nghiệp. Chúng ta cần những con người biết ứng xử văn minh tương xứng với thời đại công nghiệp ấy. Không tự rèn luyện, không nỗ lực cạnh tranh, chỉ tranh giành nhau một chút lộc thánh những mong đạt lợi, không khéo những thế hệ chúng ta ngày càng đắc tội với cả tiền nhân và hậu thế.

PHẠM DUY NGHĨA

Nguồn tuoitre.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *