CÂY NHANG TRONG VĂN HÓA TÂM LINH

LCV – bài này được đăng tải suy nghĩ về nhiều mặt văn hóa đa dạng., trong tinh thần tôn trọng  những quan điểm khác biệt giữa người với người và người với Thiên Chúa, không mang tính chủ quan.

Trong cuộc sống tâm linh người Việt, nén nhang luôn đi kèm nghi thức dâng hương mà hầu như người Châu Á nào cũng được biết. Không phải là mê tín dị đoan nhưng từ sâu trong tìm thức mỗi người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đều tin rằng nhang, khói nhang là cầu nối tâm linh của người sống và người chết, của cuộc sống thực và cõi hư vô, của thế giới hữu hình và vô hình. Chuyện thắp hương như là một nét đẹp văn hoá truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết, giỗ chạp…cùng với những giá trị văn hoá khác, nén hương đã góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của văn hoá dân tộc Việt Nam.

Nhang đã có trong văn hoá Việt Nam từ xa xưa, từ chuyện chàng thạch sanh khố rách áo ôm, nương tựa dưới bóng cây đa vẫn gắng giữ tròn chữ hiếu, gởi tấm lòng hiếu thảo qua nén nhang ngày giỗ cha mẹ, đến nén hương tri kỷ trong truyền thuyết về chàng trương ba và đế thích ngày xưa. Như điệu hát ru của mẹ dịu dàng đưa trẻ thơ vào giấc ngủ an bình, nén hương toả khói ấm áp trong những dịp lễ tết, ngày giỗ chạp đưa con người ta gần nhau hơn, gần với thế giới những người đã khuất hơn.

Ngược dòng về quá khứ xa xôi, mây mù thời gian dường như che khuất con đường tìm về cội nguồn tục đốt hương của người á đông ta. Tương truyền, tục đốt hương có từ lâu đời, từ khi con người khám phá ra lửa, những loại cây bị cháy thường toả ra mùi hương, mỗi cây lại có một mùi hương khác nhau. Dần dần theo đà phát triển con người biết sử dụng hương thơm của các loại cây để chữa bệnh, xua đuổi tà khí…hương đốt lên toả khói nghi ngút, làm ấm áp không gian…

Lại có ý kiến khác cho rằng nguồn gốc việc đốt hương đã có từ hàng ngàn năm trước từ những quốc gia có nền văn minh cổ đại như ai cập, Babylon…Thời đó, hương đốt được làm từ nhựa lấy từ thân của loài cây Boswellia mọc rất nhiều ở miền Nam Ả Rập và Somalia . Người xứ Sumeria và dân xứ Babylone đã đốt những chất này trong niềm tin là chúng có thể làm vui lòng Thượng đế cùng các vị thánh, thần để họ tịnh hoá và gia trì các ngôi đền của loài người. Ở Ai Cập, hương đã được sử dụng từ triều đại thứ XVIII ( 1570-1293 trước dl). Trong quyển ” Egyptian Book of the Dead”, Tử thư của ngài Ai Cập, tài liệu viết tay đầu tiên nói về các nghi lễ tôn giáo và các pháp thuật phù thủy – nói rằng việc đốt các chất tạo mùi thơm là một việc quan trọng trong các nghi thức chôn cất. Cùng với sự phát triển mậu dịch trao đổi, các nền văn minh Tây phương xa xưa cũng áp dụng sự đốt hương, và trong các triều đại Ai Cập như Sheba, Hadramaout và Qataban, đất nước này đã giàu phất lên từ việc xuất khẩu hương liệu. Sophocles, nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại, đã viết trong những dòng mở đầu của vở Oedipus như sau : ” Thành phố. Trở nên nặng nề trong đám bòng bong hiển hiện của đủ loại âm thanh mùi vị , những tiếng kêu la rên xiết của dân nghèo và người nô lệ, những lời hát ca cầu nguyện của dân chúng , những lời tán tụng của giáo sĩ, và đủ loại mùi hương “. Tại Rome ( thủ đô La Mã ), bạo chúa Nero đã từng đặt mua một khối lượng hương đốt khổng lồ tương đương với số lượng hương mà nước Ả Rập sản xuất trong một năm để đem đốt trong lễ an táng Popea- người vợ yêu dấu của ông. Tuy trầm hương có mặt phổ biến trong thế giới cổ đại, chính ở Đông phương mới là nơi nắm giữ thật sự ý nghĩa gốc của việc sử dụng hương trong toàn bộ các nền văn hoá . Dù tục đốt hương lan truyền từ Trung Đông đến những phần đất cuối cùng của Á châu như một số giả thuyết đã nêu, và cho dù việc đốt hương là một quá trình phát triển độc lập trong âm thầm, điều chắc chắn là nghi thức đốt gỗ chiên đàn đã được thực hành tại ấn Độ từ những thời rất xa xưa cũng như tại Trung Quốc, nơi mà các kinh điển Đạo giáo đều có đề cập đến việc sử dụng hương. Phát xuất từ ấn Độ, đã theo con đường lan truyền của Phật Giáo, tục đốt hương đã được hình thành tại khắp các xứ vùng Đông Nam Á. Ban đầu, chất nhựa thơm và trầm hương ( những chất thơm đắt giá nhất ở vùng Trung Đông , từng là những món quà của các thầy tư tế gửi đến Chuá Hài Đồng Jésus ) được sử dụng ở Viễn Đông phần lớn đều nhập từ Ả Rập. Tuy nhiên, dần dần những nhà sản xuất nhang thơm, đã tạo ra một công thức bột thơm phổ biến bao gồm nhiều chất khác nhau như: bột gỗ chiên đàn, long diên hương, cây húng quế, benzoin, camphor, hoa lài, cỏ thơm ba lá, cây xạ hương, và cây hoắc hương để tạo ra một loại nhang thơm đặc biệt

Thông thường người ta thắp nhang không đơn thuần chỉ lấy hương thơm và còn vì tín ngưỡng. Người ta tin rằng nén nhang khi đốt, khói toả lan mang theo ý nguyện của họ đến đấng thần linh họ tin cầu…trong văn hoá thắp hương, với những dân tộc khác nhau cách cắm hương, và đốt hương có khác nhau. Như người Trung Quốc nếu thắp nhang cho các vị thần ăn mặn họ sẽ đốt nhang có chân đỏ, thần ăn chay họ đốt nhang chân vàng, còn đối với cô hồn họ thắp nhang chân xanh.

Trong văn hoá dâng hương, người Việt Nam ta thường cắm nhang theo số lẻ hoặc cắm cả bó, không chú trọng vào số chẳn hay số lẻ. Đối với Phật Giáo, con số lẻ là con số linh thiêng phật giáo quan niệm cuộc sống không có gì là tuyệt đối nên không có gì có thể chẳn được, tất cả đều phải chuyển biến theo quy luật tự nhiên không thể không bất biến. Con số thường hiện diện nhất trong cách cắm nhang là số 1 hoặc số ba. Đối với Phật Giáo nếư đốt một cây nhang là chúng ta đang tưởng thưởng đến đời Phật trong hiện tại – Phật Thích Ca. Còn ba cây nhang là sự tượng trưng cho ba đời Chư Phật: Quá Khứ (A Di Đà) – Hiện Tại (Thích Ca) – Tương Lai (Di Lặc), sự tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Và Tăng. Nghi lễ Phật Giáo là một nghi lễ gắn liền với khói hương, qua làn khói, con người ta thể hiện lòng thành, theo đúng lễ nghi cúng dường chư phật thì chỉ cần hương, hoa, đèn và nước trong là đủ. Phật hiện diện không phải nơi chùa chiền mà trong tâm mỗi con người, chính vì thế ngoài nén hương đốt bằng ngọn lửa đỏ, con người ta còn dùng tâm thuần thành, tín ngưỡng để đốt lên nén tâm hương dâng cúng đấng tối cao. Ngày nay, đến chùa đôi khi quá vội vã nên người ta cắm hương cũng vội, cây nhang nghiêng theo sự hấp tấp của người đời. Cắm hương là là cách thức gieo xuống những nghiệp thiện, những hành động tốt đẹp, thơm tho dịu mát vào mảnh đất tâm của chính mình và mọi người. Đốt hết tất cả những não phiền đang thiêu đốt con người. Vì vậy, cây nhang lúc nào cũng ngay thẳng, như cõi lòng lúc nào cũng an trú trong chánh niệm. Nén hương, cũng có thêm một ý nghĩa đặc biệt khác nữa, đó là thắp nhang để nhớ đến sự vô thường. Vô thường là từ Hán-Việt, tức là không vĩnh viễn – tất cả đều giả tạm, cho nên lúc nén hương tắt cháy thì cũng tượng trưng cho đời người tắt chắy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương… Tàn tro của hương nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua, uổng phí tháng ngày.

Không chỉ Phật giáo, mà cả các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo cũng dùng hương trong các ngày lễ của mình. Người Thiên Chúa giáo xông hương trong các thánh lễ, trước bàn thờ, trước cuốn Kinh Thánh, mình Thánh, rượu Thánh và cả linh cửu của người đã mất… Trước thời Chúa Giê-xu (Jesus), những hương liệu như loại trầm frankincense có giá trị hơn cả vàng bạc châu báu. Đó là vì cổ nhân tin rằng những loài cỏ cây thơm là do chư Thiên ban cho từ trên cao và đã thấm nhuần hương thơm của Đức Chúa Trời.

Có tài liệu ghi rằng, khi Chúa Giê-xu giáng sinh, có ba vị vua đem ba thứ châu báu quý nhất trong nước thời đó để dâng lên cho ngài – đó là: Vàng, Hương Trầm, Dầu thơm đặc biệt từ rễ cây Myrrh. Điều này chứng tỏ hương trầm từ xa xưa vốn đã được xem như một vật quý giá thiêng liêng. Khói hương hòa vào không khí khiến cho không gian vạn vật xung quanh đều được thơm ngát. Những tôn giáo khác như Ấn Độ giáo (Hinduism) thì lại dùng hương để thư giản và tập trung hơi thở lúc ngồi Thiền. Trong khi đó, dạo Phù Thủy (Wiccanism) dùng hương để trở về với sức sống thiên nhiên để cảm thông với các vị nữ thần như Aphrodite. Trái lại, theo đạo Khổng (Confucianism) thì khói hương tượng trưng cho Đại Trượng Phu – chỉ bay lên chứ không bao giờ lặn xuống….

Như vậy có thể nói, từ đông sang tây, từ xưa tới nay, nhang, việc đốt nhang, như một món ăn không thể thiếu đối đời sống tâm linh của người việt nam nói riêng và người á đông nói chung. Tồn tại song hành cùng thời gian, nén hương sẽ luôn hiện diện gắn kết cuộc sống với thế giới tâm linh, đưa con người đến gần nhau hơn trong ý nghĩa thiêng liêng vốn có của nó…

Nguồn: http://www.autravelling.com/diendan/archive/index.php?t-344.html
Sưu tầm V.V.Thọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *