“CHIẾN DỊCH” THI HÀNH LUẬT MỘT CON Ở TRUNG QUỐC

Khi các viên chức thấy một phụ nữ Trung Quốc (TQ) sinh con thứ hai, họ bắt thân nhân để buộc chị phải triệt sản.

Khi ăn trưa vào một ngày tháng 4/2010, chị Nguỵ Liêu Cẩm (Wei Laojin), 35 tuổi, đang nấu món thịt heo cho 2 con trai ở nhà tại miền Nam Trung Quốc thì chị có điện của chồng gọi gấp. Anh chồng đã bị bắt. Cả chục viên chức TQ đã phá cửa và bắt anh ta đi. Chị Nguỵ hỏi: “Anh ấy làm sao vậy?”. “Không có gì. Nhưng anh ấy bị bỏ tù vì anh ấy có liên quan chúng ta” – chồng chị trả lời.

Chị Nguỵ bỏ thức ăn cháy trên bếp để nghe nói thêm. Chị cho biết: “Chồng tôi nói chúng tôi đã phá luật khi có hai con. Chính quyền sẽ bỏ tù anh chồng cho đến khi chúng tôi bị phạt. Ngay khi tôi biết đó là kế hoạch hoá, tôi đã khóc và lắc đầu”. Các cán bộ kế hoạch hoá gia đình ở Phổ Ninh (Puning), tỉnh Quảng Đông (Guangdong), sẽ bắt phạt những người vi phạm luật một con ở TQ: Họ bắt các thành viên trong gia đình của phụ nữ phá luật kế hoạch để làm con tin. Mục đích là ép buộc phụ nữ đó phải triệt sản. Chị Nguỵ nói: “Các cán bộ nói chỉ có một cách để anh chồng được thả là tôi phải triệt sản”.

Khi chị Nguỵ hoảng sợ, cảnh tương tự lại diễn ra tại các gia đình khác ở Phổ niNnh, vùng có 2,2 triệu dân, cách Quảng Châu (Guangzhou) khoảng 6 giờ đi xe buýt. Đầu tháng 4/2010, phòng kế hoạch hoá gia đình đưa ra chiến dịch “Bàn Tay Sắt” (Iron Fist Campaign) nhắm vào 10.000 phụ nữ có 2 con trở lên.

Theo thông tin địa phương, có 600 cán bộ được phân công đến các gia đình trong 28 khu vực trong vùng Phổ Ninh để bắt giữ các thành viên gia đình của các phụ nữ phá luật một con. Họ bắt các thân nhân là ông bà, anh chị em, thiếu niên, thậm chí là con nít. Các thân nhân bị giam vô thời hạn đến khi nào các phụ nữ kia chịu đi triệt sản.

Chiến dịch này chưa từng có trong lịch sử TQ. Theo Hà Nha Phú (He Yafu), một cán bộ kế hoạch hoá gia đình độc lập hàng đầu của TQ, đã có những trường hợp các thân nhân bị cản trở, và việc ép triệt sản là sự lạm dụng kết hợp với luật một con từ năm 1978, nhưng đây là sự đàn áp khắc nghiệt trên diện rộng.

Chiến dịch này áp dụng hầu như bất ngờ đối với cư dân vùng Phổ Ninh. Việc kế hoạch hoá gia đình trong vùng này đã trở nên lỏng lẻo vì cư dân địa phương đã khổ sở với việc phát triển kinh tế nguy hiểm. Tỉnh Quảng Đông là vùng sản xuất thành công nhất ở lục địa TQ, với thu nhập bình quân đầu người là 5.965 USD – gần gấp đôi bình quân quốc gia. Kinh tế gia Dean Peng nói: “Dân miền Nam khác. Họ cảm thấy luật ở những nơi khác không áp dụng với họ. Có vẻ như nhiều người ở đây tin rằng họ có thể có đại gia đình mà không ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Chị Nguỵ, một thợ may, biết rằng chị đã phá luật một con vì có 2 con trai. Đứa lớn 6 tuổi là Tiểu Kiệt (Xiaojie), đứa nhỏ 4 tuổi là Tiểu Minh (Xiaoming). Chiều theo ý thâm căn cố đế của TQ là thích con trai, đôi khi chính phủ cho phép các cặp vợ chồng có con thứ hai, nhưng với điều kiện con đầu là con gái. Coi như hình phạt, chính quyền không cho đăng ký con trai nhỏ khuyết tật, do đó cũng không cho anh gia nhập y tế và giáo dục cộng đồng. Gia đình còn phải nộp phạt 5.000 tệ (750 USD), chiếm 1/3 tổng thu nhập hằng năm (tiền phạt nặng nhất đối với người vi phạm luật hạn chế sinh sản là gấp 6 lần thu nhập hằng năm của vợ chồng). Chị Nguỵ biết sẽ có chuyện nếu sinh hai con, nhưng chị nói: “Con cái là hạnh phúc của dân ở đây. Gia đình càng đông càng vui. Đơn giản vậy thôi”.

Chính phủ TQ không đồng ý. Đất nước đông dân nhất thế giới này có 1,4 tỷ người (chiếm 1/5 dân số thế giới), nhà nước cho rằng việc hạn chế sinh sản là quan trọng để duy trì tài nguyên và phát triển kinh tế. Trong quá khứ, khi đa số dân chúng làm việc trong các nhà máy quốc doanh và nông trại, các cán bộ bắt buộc chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình với hiệu suất nghiêm ngặt. Phương pháp của họ là bắt phụ nữ phá thai dù thai kỳ đã 9 tháng, và giấu giếm trẻ sơ sinh rồi bỏ vô thùng rác. Các nữ công nhân phải chứng tỏ mình có kinh nguyệt bằng cách cho người giám sát thấy băng vệ sinh có máu hằng tháng. Nhưng khi TQ dần dần cấm các công ty quốc doanh để mở kinh doanh tư nhân, chính quyền phải dùng đến các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát phụ nữ và ngăn chặn những trường hợp mang thai bất hợp pháp.

Hấp dẫn là các tiêu đề báo chí nói rằng chính phủ TQ đang “nới lỏng” luật kế hoạch hoá gia đình, cho phép có hai con đối với các gia đình ở thành phố như Thượng Hải và Bắc Kinh, vì các nơi này tỷ lệ sinh giảm nhiều. Nhưng chính quyền phủ nhận việc nới lỏng luật, và việc bắt người thân làm con tin đã xác nhận điều đó.

Chị Nguỵ yêu đất nước mình, nhưng chị nghĩ gia đình là ưu tiên. Thật vậy, chị muốn sinh con thứ ba: “Tôi muốn có thêm đứa con gái để hai con trai có em gái. Chúng tôi đang để dành tiền chuẩn bị cho con gái”. Sau cuộc gọi điện thoại của chồng, chị gửi hai con trai cho người hàng xóm và đi gặp anh chồng là Hồng Lý (Hong-Li), 51 tuổi, đang bị bắt. Chị Nguỵ nói: “Những người gác cho biết tình trạng tệ đến mức nào. Anh Hồng Lý ở trong một phòng nhỏ ẩm thấp mà chứa đến 100 người. Có một phòng chỉ có thể đứng, không mền, không thức ăn. Không thể nhìn anh chồng khổ như vậy”. Trách nhiệm gia đình theo truyền thống TQ là lý do chính quyền áp dụng chiến thuật bắt giữ người thân. Chị Nguỵ nói: “Như kiểu tống tiền vậy. Tôi biết anh chồng có thể bị mất việc nếu bị tù, anh còn có con cái nữa. Tôi không còn cách nào khác là làm theo ý chính quyền”.

Khắp vùng Phổ Ninh, khoảng giữa tháng 4/2010, báo chí cho biết có 1.377 người thân của các phụ nữ vi phạm luật một con đã bị bắt giữ. Nhiều người đã lớn tuổi là cha mẹ hưu trí. Trong khi đó các bác sĩ ở các bệnh viện nhà nước làm triệt sản mỗi ngày cho hằng trăm phụ nữ. Một bác sĩ tên Tăng (Zeng) nói với Đài Truyền hình Phổ Ninh: “Chúng tôi làm việc không ngừng từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều để hoàn tất chỉ tiêu triệt sản”. Chị Nguỵ vừa khóc vừa đến bệnh viện triệt sản, chị thấy khẩu hiệu: “Hãy sinh ít con để cuộc sống hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, và xã hội cân đối”. Chị nói với các cán bộ là sẽ phẫu thuật, nhưng chị hỏi họ có thể chờ đến khi chị có kinh nguyệt hay không. Để tránh các biến chứng, các bác sĩ nói triệt sản chỉ nên làm khi hết kinh nguyệt 3 ngày. Họ không chấp nhận. Chị Nguỵ nói: “Thậm chí họ còn không cho tôi đi tắm nữa. Tôi lên bàn mổ cùng với 3 phụ nữ khác”.

Nói chung, ngày nay cuộc sống gia đình của chị với chồng và 2 con trai đã trở lại bình thường. Anh chồng đã được tự do và vẫn có việc làm. Chị Nguỵ nói chị cảm thấy bị xúc phạm và vẫn đau lòng đến phát khóc. Chị nói: “Mọi người nói là mọi chuyện đã qua, cố quên đi, nhưng tôi phải nói ra vì nếu không nói thì ai biết chuyện gì đã xảy ra? Các cán bộ kế hoạch hoá gia đình đã bắt hàng trăm người và ép buộc các bà mẹ phải triệt sản, thậm chí không ai dám nói gì”.

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

Nguồn: TTCG – Chuyển ngữ từ Marie Claire

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *