CÓ KHI CHÍNH BẠN LÀ KẺ THÙ CỦA MÌNH

Có khi chính bạn là kẻ thù của mình

Cali Today News – Mark Leary là giáo sư giám đốc ban Tâm lý thuộc Trường Đại học Wake Forest university có lần tâm sự là không biết nếu ông được mời phát biểu 15 phút để nói chuyện với các sinh viên sắp ra trường thì ông sẽ nói ra sao đây, vì ông đã nhiều lần dự các buổi lễ tốt nghiệp như thế và nghe không biết bao nhiêu bài diễn văn của các đồng nghiệp.

Cuối cùng ông nói: “Có thể tôi sẽ nói với các em là thách đố trong tương lai lớn nhất đối với các em có khi lại là các thách đố do chính các em tạo ra cho mình, nhiều khi một cách vô tình. Tôi sẽ nói là các em sẽ gặp nhiều thất vọng, nhiều vấn đề và thậm chí cả thảm kịch nữa mà nhiều cái trong số đó các em sẽ không thể nào kiểm soát hay chống lại, nhưng lý do chính của nỗi bất hạnh của các em chính là các em!”

Nhà biên khảo Eckhart tolle có một câu vô tình trúng phóc ý của câu trong nhà Phật là “tâm bình, thế giới bình” là “As within, so without”. Chính cái ngã của mình sẽ làm mình khổ triền miên. Cái mà GS Leary gọi là “self-awareness” sẽ làm nảy sinh vô số vấn đề cho chính bản thân như trầm uất, lo lắng, tức giận và ghen hờn. Chỉ nội việc nghiền ngẫm chuyện quá khứ và lo vơ vẩn trong tương lai cũng đủ làm một cá nhân hụt hẫng trong vấn đề xử lý các hiện trạng của tình huống và nhất là mối tương quan với người khác.

Dường như chúng ta lúc nào cũng “bước hụt” trong hiện tại, chúng ta bị chia cách với hiện tại bởi dòng thác ý nghĩ tuôn ồ ạt, các diễn dịch, các ý kiến và đánh giá và nguy hiểm nhất là chúng ta sống trong ảo tưởng về chính chúng ta.

Thiên hạ có thói quen tự đánh giá bản thân… cao hơn mức trung bình một chút về mọi phương diện và tai hại là tự coi chúng ta cao hơn người khác một chút đến nỗi mới đây tại một trường đại học khi các sinh viên được yêu cầu ghi 20 điểm tốt (như thông minh, chín chắn, rộng lượng…) và 20 tính xấu (như quạu quọ, bủn xỉn, có thành kiến…) của bản thân thì các sinh viên ghi mình có sơ sơ 38 tính tốt và chỉ có 2 hoặc 3 tính xấu mà thôi!

Cũng thế, thế nhân thường tình luôn tự xem mình lái xe an toàn hơn người khác, có đạo đúc hơn người khác và thậm chí yêu đương cũng cừ khôi hơn người khác!… Một bản khảo sát ở Úc cho thấy xứ này có đến 86% nhân viên tự đánh giá mức độ lành nghề của mình cao hơn bạn đồng nghiệp và chỉ có 1% tự xem mình không đạt đến yêu cầu nghề nghiệp.

Có một khảo sát còn… rùng rợn hơn về “cái tôi khủng khiếp” do chính tuần báo “US News and World report” tiến hành khi toà soạn hỏi 1.000 người Mỹ về các tên tuổi lớn xem họ có lên thiên đàng sau khi chết hay không thì mẹ Teresa được xếp cao nhất trong danh sách với 79% đánh giá của người được hỏi, vậy mà khi câu hỏi chuyển thành: “Còn bạn, bạn có nghĩ là mình cũng theo chân mẹ Teresa sau này khi lìa đời hay không thì có đến… 87% người được hỏi gật đầu! Có nghĩa là họ tự đánh giá bản thân xứng đáng lên thiên đàng hơn bất kỳ ai trong danh sách, kể cả mẹ Teresa. Một thông tin đáng suy gẫm!

Thiên hạ thương cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt ra phải biết. Brett Pelham, một nhà tâm lý xã hội, cho hay người thương cái “first name” của mình đến nỗi họ có cảm tình với cái tiểu bang nào có chữ cái đầu tiên giống với tên họ, thí dụ Louise thì mê Lousiana, Mary thì thích Maryland, Michelle hẳn là Michigan, Cary mê California và Georges thì chú ý liền tiểu bang Georgia!

Các nhà tâm lý đề nghị với chúng ta 5 kỹ thuật sau đây để dẹp bớt cái tôi đáng ghét (le moi haissable) của mình lại một chút:

  1. Tập bớt nói chuyện với trí não:Hãy làm sao để tâm trí ta được lặng yên. Chỉ nghĩ về mình khi nào cần giải quyết cái gì có tính thực tiễn của cuộc sống mà thôi. Thiền là phương pháp tốt nhất (meditetion) bạn sẽ bình thản hơn, chú ý hơn và bằng lòng hơn.
  2. Đừng tìm cách bảo vệ cái tôi: khi gặp thất bại đừng… chửi mắng mình, khi người khác thất bại, đặc biệt người thân thì đừng công kích họ. Đừng mất thì giờ và sức lực đi bảo vệ hình ảnh cái tôi của mình. Khi bạn thấy mình có vẽ muốn bảo vệ cái tôi dữ quá thì hãy nhớ các hăm doạ cho cái tôi này thường không có thật, hãy tập trung giải quyết các tình huống cụ thể bên ngoài thì tốt hơn.
  3. Hãy từ bi với chính mình(self-compassion); khi gặp thất bại, thất chí ngã lòng, hãy từ bi với bản thân. Nếu bạn đối xử với chính mình với lòng tử tế và kính trọng khi mọi chuyện nát bét ra hết, cái ngã (ego) của bạn sẽ không bị bão tố cuộc đời vùi dập và vì thế bạn đâu cần phải bảo vệ nó!
  4. Đừng nuôi dưỡng cái ngã:Thật ra nếu bạn có tưởng tượng ra mục tiêu của đời mình là gì thì cũng ok, nhưng coi chừng, kiểu cố gắng như thế để “biến tướng” cuộc đờì bạn theo ý mình chỉ tổ làm cho “cái tôi” của bạn thêm lớn lao và thêm… đáng ghét… Cứ chạy theo “mục tiêu, đích nhắm” trong cuộc đơì có thể sẽ làm bạn thấy mục tiêu của cuộc đơì là phải hoàn tất cái gì đó trong tương lai, khiến bạn sẽ quên là cuộc đời duy nhất mà bạn đang có chính là cuộc đờì vào ngay lúc này, chứ không phải của quá khứ và tương lai. Hãy nắm bắt cái hiện tại (the power of now).
  5. Đừng tin vào bất cứ cái gì bạn suy nghĩ:Cái cảm nhận của bạn về chính bạn và về thế giới thường được tựa vào các cách thức rất hẹp hòi vị kỷ của bản thân (cho nên mới có người cho là mình xứng đáng lên thiên đàng hơn mẹ Teresa). Hãy luôn tự nhủ là bạn không phaỉ lúc nào cũng nghĩ đúng về mình và về thế giới bên ngoài, cái đó các nhà tâm lý học gọi là “ego-skepticism”, rất tốt cho hạnh phúc dịu dàng của bạn.

Bởi vì chúng ta có cái ngã, nên chúng ta có thể quyết định làm nhiều điều để cái ngã thôi không bao phủ quyền lực độc tài của nó lên cuộc đơì của chúng ta. Hãy làm sao “cái ngã” làm việc cho chúng ta, hơn là chống lại chúng ta.

Phá ngã chấp là bước đầu lên đường nếm mùi vị “không thể tưởng tượng” của hạnh phúc, ngay bây giờ, tại đây!

Hồng Quang

Nguồn: “Psychology Today”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *