ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO PHƯƠNG ĐÔNG I

Hoành Sơn, S.J.

Những lý do và nguyên tắc làm cơ sở thần học cho Đối thoại tôn giáo nói chung, tôi đã có dịp trình bày trong tập sách nhỏ Đối thoại tôn giáo[1] và rải rác sau đó trong một số bài báo. Gần đây, trong CGvàDT nguyệt san, tôi đã có dịp áp dụng cụ thể vào tương quan với đạo Hồi.

Thật ra, Hồi giáo đến từ Trung Đông, nên hướng đi và cấu trúc Sê-mít của họ rất khác với các tôn giáo Đông Á và Nam Á. Nên nếu do tính thời sự của vấn đề Hồi giáo mà hôm nay, dù trên đất nước ít Hồi hữu này, chúng ta vẫn phải quan tâm đến họ, thì lại do tính bản địa của Phật giáo, Cao dài, mà chúng ta không thể không tập trung  chú ý vào những tôn giáo này.

Có điều tại Việt Nam chúng ta, Cao đài thì còn non trẻ, mà Khổng giáo lại suy vi rồi, nên tôn giáo ta phải coi trọng nhất không chi khác ngoài Phật giáo. Để hiểu hơn về Phật giáo, đôi lúc chúng tôi nói cả đến Ấn giáo nữa, khi mà Phật giáo đã từ Ấn giáo xuất thân, và chính Ấn giáo cũng có mặt từ lâu đời nơi đồng bào Chăm Thuận Hải.

Một số điểm dị đồng giữa KTG với các tôn giáo Phương Đông

Chúa Giê-xu Christ, tuy là Thiên Chúa nhập thể, đã không thể thành người nếu không vào khuôn người trong một văn hóa, và đây là văn hóa Do Thái. Kế đó, vì những nhà truyền giáo đầu tiên là người Do Thái, nên Phaolô và Bácnabê phải đấu tranh vất vả lắm mới rũ bỏ được tấm vải choàng Do Thái ấy, hầu các dân có thể gia nhập KTG dễ dàng. Sau này, vì KTG ổn định ở Âu Châu mười mấy thế kỷ trước khi từ đó được mang tới Việt Nam, nên KTG ấy không thể không mang bộ “veste” Tây trên vùng đất khăn đóng áo dài của chúng ta. Vâng, cần có những Phaolô-Bácnabê Việt Nam để rũ bỏ Đạo Trời khỏi cách suy nghĩ và ứng xử Âu Mỹ, hầu chúng ta có thể sống đạo sâu xa hơn từ chính con người (văn hóa) Việt của mình, đằng khác để KTG gần lại với các tôn giáo bản địa.

Điểm thứ nhất nó chia cách KTG với Thích-Đạo-Nho là tính kỳ thị mà KTG mang từ Trung Đông và Âu Châu đến. Quả thế, người Do Thái gọi người ngoại đạo là Yogim (Tây phương dịch là Pagani, paien), tức quê mùa, cục mịch. Có lẽ vì bên Phương Tây vào thời ấy, ngoài Do Thái giáo ra, chỉ có những tín ngưỡng đa thần và thờ ngẫu tượng rất bán khai, nên người Do Thái vừa khinh, vừa muốn tiêu diệt vì sợ lây sang dân mình[2]. Thừa hưởng cách nhìn Do Thái này, Hồi giáo thì chủ trương đánh giết người ngoại, còn Ki tô giáo thì coi rẻ họ. Ngoài ra, tuy “Con Người  đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc.19.10), nhưng đôi khi không theo kịp tinh thần bao dung ấy, đệ tử của Ngài muốn lửa trời thiêu rụi kẻ địch đi (Lc.9.54), do đó mới xảy ra  chiến tranh như giữa Tin Lành và Công giáo xưa.

Trái lại, chiến tranh tôn giáo không phải sở trường của Phương Đông. Không ai phủ nhận từng đã xảy ra chiến tranh giữa Ấn giáo với Hồi giáo và đạo Sikh. Thật ra chiến tranh với đạo Sikh không phải vì lý do tôn giáo, nhưng lý do chủng tộc và xã hội. Vâng, Ấn giáo phân chia giống người thành những tập cấp (castes), với người ngoài Ấn giáo được coi là ngoại tập cấp, đồ dơ bẩn không thể tiếp xúc với. Do đó các dân tộc ít người, vì rheo tín ngưỡng khác mà bị gạt ra ngoài, nên chống lại hệ thống tập cấp này cùng với thứ tôn giáo đã bao che cho nó. Còn Hồi giáo là những kẻ xâm lăng xưa đã đến phá nát Ấn giáo và triệt hạ những nơi thờ tự của người Ấn khắp nơi trên miền Bắc, nên xung đột dễ xảy ra ngày nay do mối thâm thù ấy[3]. Chứ Phật giáo và Jaina-giáo, từ ngay trong Ấn giáo do chống lại Veda và các thần Ấn giáo mà thành hình, đã không hề gậy chiến với các thấy bà la môn. Vâng, suốt nhiều thế kỷ, đôi bên chỉ cạnh tranh với nhau trên mặt trận tư tưởng thôi.

Thật ra trong bản chất, KTG cũng rất bao dung. Khi quở trách sứ đồ vì muốn xin lửa trời đến thiêu rụi kẻ không tiếp đón mình, Chúa Giê-xu Christ đã xướng xuất tinh thần bao dung tôn giáo ấy: bao dung tới độ cao nhất khi mà Ngài chỉ muốn cứu vớt chúng ta bằng tình thương, bằng cách hi sinh chính mình đi. Và như thế, Kitô giáo rất gần gũi với Phật giáo vốn chủ trương Từ bi hỉ xả.

Có điều Phật giáo đã duy trì được thái độ hiền hòa ấy nhờ môi trường hiếu hòa Đông phương. Như chúng ta đã thấy, Phật giáo đến với các nước Khổng, Đạo mà không hề bài bác Khổng, Đạo, cũng không bị các đạo này truy cản. Trái lại, cùng với Khổng giáo và Lão giáo, họ đã sáng tạo những nền tư tưởng thâm sâu mới cho Trung Quốc với sự phối hợp của cả ba hương đi, nhất là vào thời nhà Tống. Đấy là nơi tầng lớp trí thức. Còn ở giữa dân gian, tam giáo đã lẫn sang nhau và dung hợp với nhau trong niềm tin, cảm nghĩ và lối sống : niềm tin và lối sống Tam giáo đồng nguyên, mà từ đó mọc lên những tác phẩm văn học lớn như Tây du ký.

*

Giữa các tôn giáo lớn, chỉ Bà la môn giáo[4], Phật giáo, Jaina giáo và Cơ Đốc Giáo là có một đời sống nội tâm phong phú và tu hành cao, từ đó vọt lên những kinh nghiệm huyền bí, siêu kỳ, mà Phương Đông gọi là Đại định (samâdhi), satori, mà Cơ Đốc Giáo  gọi là Chiêm thiên phú (contemplation infuse).

Chính vì Phương Đông rất hướng nội, và cũng vì họ hay chỉ trích chúng ta sống hời hợt, chỉ biết có hoạt động xã hội, nghi lễ và cầu kinh thôi, nên Giáo Hoàng Giăng-Phaolô Ii, cùng với Thượng Hội đồng giám mục Á châu năm 1998, đã kêu gọi Cơ Đốc Giáo tại đây hãy làm chứng bằng một đời sống chiêm niệm sâu xa, mà chúng ta có sẵn ngay từ những thế kỷ đầu tiên, với những vùng tu ẩn và đơn tu nổi tiếng ở Syri, Sinai, Thêbáit (Ai Cập), Athos (Hy Lạp). Tại vùng núi Athos này, còn di tích của những đan viện lớn rộng như  thành phố, chứa cả mấy trăm, một ngàn tu sĩ vào thời xưa.

Thánh Augustin nói :”Thiên Chúa cao vượt chỗ cao nhất của tôi và sâu vượt chỗ sâu nhất của tôi”, nên chúng ta vừa phải ngẩng lên trong cầu nguyện, vừa phải đi sâu vào tâm hồn mình để gặp gỡ Chúa ở đấy. Có điều Tây phương quá nhấn vào sự cao xa của Chúa nên dễ quên nội tại tính của Ngài. Trái lại, Đông phương vì quá nhấn vào tính nội tại này mà dễ rơi vào chủ nghĩa nhất nguyên : Thiên địa vạn vật nhất thể! Vâng, cần giữ cân bằng giữa hai chiều kích, để dù nhìn Thiên Chúa như Đấng siêu việt, cũng phải hiểu rằng Ngài chỉ vượt tôi từ chính bề sâu của tôi.

Chính vì nhìn Thiên Chúa như Đấng ở trên tôi, nên Tây phương luôn vẽ các thánh với ánh mắt rực lửa, với mặt ngửa lên cao, trong khi đó thì  Phật giáo lại tạc tượng Phật với cặp mắt lim dim nhìn xuống, như chìm sâu vào trong mình.

Sở dĩ phương Tây nhìn Thiên Chúa bên trên, nên ngoài tôi, vì họ thiên về lý tính (rationality), mà lý trí thì hướng về đối tượng (object) nên bên ngoài, và biết bằng ý tưởng, nên cái Hữu mà nó thấy luôn “rõ ràng và sáng sủa”. Trong khi ấy, phương Đông lại ưa trực giác, nên “chủ quan” (subjective) hơn, nhất là ưa thứ trực giác huyền nhiệm ở đó Siêu việt xuất hiện như một cái gì không thể hiểu bằng lý trí, không thể tả nên lời, nên xem như Vô sánh với cái Hữu lý tính,  trong khi cái Hữu của kinh nghiệm và lý trí này cũng xem như Vô đối với những ai đã trải qua huyền thị. Do đó, nếu Cơ Đốc Giáo  (từ Tây đến) cứ hiểu và nói bằng ngôn ngữ lý tính, còn tôn giáo bên Đông lại chỉ nói bằng ngôn ngữ huyền nhiệm thôi, thì giữa hai bên chỉ còn sự đối thoại của những người điếc không hơn không kém. Do đó, mỗi bên phải bớt của mình và thêm của người, lại tự đặt mình vào vị trí của đối phương để cố hiểu đối phương qua ngôn ngữ và cách nhìn của họ.

*

Một điều nữa nên lưu ý : mỗi tôn giáo phương Đông thường phân đôi thành hai đạo rất khác nhau: đạo xuất thế của tỳ khưu đi tìm giải thoát, và đạo thờ tự của cư sỹ chỉ lo cầu lộc cầu tài cho cuộc sống này, đồng thời làm thiện để được thưởng mai sau ở một thiên đường không vĩnh cửu. Do đó để đối thoại, phải tùy thành phần mà đối thoại. Người đi vào đối thoại thường là tu sỹ của đôi bên, và đối thoại ấy thường diễn ra trên bình diện triết lý, tu hành hay luân lý. Thật ra thì cư sỹ Phật giáo cũng có người thông thạo Phật học và tu tại gia, trong khi tín đồ Cơ Đốc Giáo hôm nay cũng có người thi đậu thần học và tu cạn giữa đời, nên những người như thế dễ dàng tham gia đối thoại bề sâu cùng với nhà tu.

*

Điều khác biệt kế tiếp, là Cơ Đốc Giáo theo con đường nóng của trái tim, còn Phật giáo theo con đường lạnh của cái đầu. Vâng, Phật giáo cũng như Ấn giáo chủ trương đạt giác ngộ hay giải thoát tự mình, nhờ thứ trực giác huyền kỳ nó khiến nhìn ra sự thật về mình cũng như về tất cả. May thay, từ nhiều thế kỷ nay, không thỏa mãn với thứ tri thức lạnh lẽo ấy, ít là phân nửa Ấn giáo và Phật giáo đã quay sang con đường sùng mộ, hướng về Đức Phật hay Siêu việt như một Đấng Tối cao cứu nạn cứu khổ.

Quả thế, chi phái thờ Visnu trong Ấn Độ giáo đã biến Siêu việt thể lạnh lùng thành Đức Chúa từ bi, ban ân sủng (prasâda) cho kẻ thương Ngài và được Ngài thương, để rồi sau kiếp sống này cũng được về hưởng phúc chốn cực lạc với Ngài, chứ không biến mất trong Ngài. Việc của tín đồ cũng trở nên rất đơn giản : chỉ việc yêu Ngài, phó thác hết cho Ngài, và có làm gì cũng chỉ làm vì bổn phận, chứ không vì cái lợi cho mình nữa. Và đây là hành động vô cầu (karma-yoga)[5]. Với tông phái Đại thừa trong Phật giáo cũng thế, Phật tính hay Phật thể cũng biến thành một Chúa từ bi vô lượng (maitreya), dù giác ngộ rồi vẫn nguyện ở lại cùng chúng sinh khốn khổ trong một thể xác phiêu hốt, và đây là các bồ tát (bodhi-sattva)[6]. Phật tính đã thành Bồ tát và Chúa, nên dù tỳ khưu cũng cầu kinh, tụng niệm A di đà và lần chuỗi. Và như thế, đạo của tăng đã nhích gần đạo của tục. Và cũng vì thế, Phật giáo đã gặp Cơ Đốc Giáo ít là ở hướng đi Yêu thương và Từ bi hỉ xả này. Nhất là khi hướng đi luân lý ấy còn là phương thế đạt giác ngộ cho họ nữạ, chứ không chỉ là sự chuẩn bị đi vào con đường giác ngộ như trước đây[7]. Vâng, nhiều người trong Đại thừa coi Từ bi hỉ xả như là cách để diệt vị kỷ và giới hạn, cũng là để vong ngã luôn, nhờ đó trực tiếp đạt Niết bàn.

*

Sau khi đã trình bày những dị biệt và cách vượt qua những cản trở ấy, bây giờ thử xem thái độ đôi bên đã sẵn sàng cho tiếp xúc và đối thoại hay chưa. Trước hết, hãy thử xem bên Việt Nam này, Phật giáo nghĩ gì về Cơ Đốc Giáo, và ngược lại.

Vì không có khả năng làm một cuộc điều tra cẩn thận về vấn đề nói trên, nên tôi đành dựa vào kinh nghiệm riêng, cũng như dựa gián tiếp vào nghiên cứu của một số học giả về suy nghĩ của Phật giáo ở các nước xung quanh, suy nghĩ của cả Ấn giáo nữa khi mà Ấn giáo rất giống với Phật giáo về tôn giáo quan nói chung.

Ấn giáo với các tôn giáo khác

Như đã nói trên kia, từ nhất nguyên chủ nghĩa (Tôi với Thượng Thần là một), một nửa Ấn giáo đã chuyển sang đa nguyên (Tôi khác với Thượng Thần), nhưng dù đa nguyên, Visnu-giáo vẫn chấp nhận phe chủ trương nhất nguyên và sống thân cận với Siva-giáo. Ở chương IX tập kinh gối đầu giường của họ, kinh Bhagavad-gitâ, Đức Chúa Krsna (Thượng Thần nhập thể thành người) dạy đệ tử Arjuna như sau: Dù ai thờ cúng bất cứ thần nào, thì sự thờ cúng ấy cũng đi về phía Ngài, dù họ không biết Ngài cũng thế (c.23-25). Có điều kẻ nhờ Ngài sủng ái mà biết Ngài để phó thác hết cho Ngài trong thoát tục và mến yêu thâm sâu, thì rồi chỉ người ấy mới được Ngài thương và cho đạt hạnh phúc vĩnh cửu nơi Ngài (ch.XII). Và đây là chủ trương Thâu tóm hay Thôn tính (inclusivism), gom hết mọi đạo và thờ tự vào bên trong mình, nhưng cho họ một vai trò phụ thuộc và thiếu sót. Dù sao, đây cũng là một thái độ bao dung, và con đường sùng mộ, phó thác, cùng với học thuyết về ân sủng (prasâda) ấy cũng rất hợp với KTG chúng ta.

Có lẽ vì sự bao dung đã có sẵn trong tập kinh BhG, nên các nhà tư tưởng và thi nhân của họ như Râmânuja, Tukârâm và Satakopan luôn có thái độ cởi mở với các tôn giáo khác. Họ nghĩ rằng dù thần nào cũng do Đức Chúa Nârâyana (Krsna) của họ tạo nên, còn Đấng Tối cao mà những tôn giáo ấy thờ chẳng qua chỉ là những tên gọi khác của Đức Chúa đó thôi. Cho nên theo họ, các tôn giáo không hề mâu thuẫn nhau, mà bù trừ cho nhau[8]. Có điều, cũng theo các học giả ấy, con đường của các tôn giáo khác không giải thoát khỏi luân hồi và sự chết.

*

Kể từ lúc Tây phương xâm lăng đất Ấn Độ và các thừa sai Cơ Đốc Giáo theo chân họ sang truyền giáo, thì do phản ứng tự nhiên của ác cảm và mặc cảm tự ti, các học giả Ấn giáo thường đề cao những nét đẹp của đạo Hindu, như tính nội tâm (itteriority), mở rộng, so với tính loại trừ và hời hợt bên ngoài của Cơ Đốc Giáo. So sánh Đông Tây kiểu ấy, phải kể trước hết đến ba nhân vật có tên tuổi: Vivekânanda, Mahâtma Gandhi và Ram Svarup.

Vivekânanda (1863-1902), đệ tử của nhà huyền thị nổi tiếng Ramakrishna, dựa vào uy thế của Thầy đã lập nên tân giáo phái Ramakrishna Mission có mặt hiện nay ở nhiều nước Âu Mỹ. Theo ông, các tôn giáo quen cãi lộn nhau một cách vô bổ chỉ vì một cuốn kinh thư hay một vị thần. Thế mà chân lý thực sự lại nằm sâu trong nội tâm mỗi người, và chính triết lý Vedânta đã tiết lộ cho biết như thế. Vâng, chỉ có thể bắt gặp chân lý trong nội tâm, và phải “lấy tinh thần mà thờ tinh thần”.

Riêng Mahâtma Gandhi (tên đầy đủ : Mohandas K. Gandhi: 1869-1948) thi biết rất rõ KTG bởi ông say mê đọc Phúc âm và liên lạc mật thiết với Lev Tolstoi, tác giả của Chiến tranh và Hòa bình. Chính ông đã lấy tinh thần của Bài giảng trên núi  mà phổ vào luật Ahimsâ (giới sát) Ấn giáo, biến luật này thành nguyên tắc “Đấu tranh bất bạo động”. Đây là đấu tranh xã hội-chính trị mà ông theo đuổi để giành lại tự do cho Ấn Độ. Tuy đấu tranh chống người Anh, nhưng ông vẫn là bạn của toàn quyền Anh. Vâng, Ahimsâ trong lòng ông đã trở thành Tình yêu không biên giới, dù đây là biên giới quốc gia, màu da hay tôn giáo. Chính phong trào Ahimsâ này đã sinh ra các phong trào phản chiến bên Âu Mỹ và phong trào dòi quyền bình đẳng cho người da đen do Matin Luther King lãnh đạo.[9]

Với Ahimsâ hay nguyên tắc Tình yêu không biên giới ấy, Gandhi đã cố hòa giải Ấn giáo với Hồi giáo, do đó bị một Ấn hữu cực đoan đâm chết[10]. Ông cũng mong muốn Ấn giáo và KTG gần lại với nhau. Để đạt mục riêu này, ông tránh đi vào giáo lý, mà vào thực hành luân lý. Và đây là Yêu thương trong đường hướng Ahimsâ. Theo ông, Thiên Chúa với Chân lý chỉ là một, thế mà thước đo chân lý ở mỗi tôn giáo là thực hành Yêu thương. Ngược lại, cũng chỉ Yêu thương mới giúp chúng ta, dù trong tôn giáo nào cũng thế, thực hiện được Chân lý. Hướng về các bạn Kitô hữu, ông nói như sau:

-“Tôi không muốn bạn thành người Ấn giáo. Trái lại, tôi muốn bạn hoàn hảo lên như một Cơ Đốc Nhân bằng cách thâu nạp những gì là tốt trong Ấn giáo, những cái rất có thể không có hay bạn không thấy trong Cơ Đốc Giáo.”[11]

Ram Svarup (1920-1998), học giả và ký giả, đã viết rất nhiều để so sánh Ấn giáo với Cơ Đốc Giáo  và Hồi giáo. Về tôn giáo, ông có xu hướng loại trừ (exclusivist). Ông chỉ trích Cơ Đốc Giáo  quá hướng ngoại, với một Thiên Chúa ở cao trên Trời, chứ không ở sâu trong lòng chúng ta. Theo ông, đây là do truyền thống Sê mít[12] nó đã sản sinh ra cả Do Thái giáo lẫn Cơ Đốc Giáo và Hồi giáo. Trái với hướng suy nghĩ ấy, Ấn Độ giáo tìm giải thoát ở bề sâu bằng nhập định, tham thiền. Lại theo ông, do quá lý tính và hướng ngoại, tôn giáo phương Tây đầy ắp những tín điều nó đi đôi với phân rẽ, chiến tranh và tinh thần chinh phục hăng say.[13]

(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *