KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY

Cuộc sống là một dòng chảy. Dòng chảy của tình yêu. Dòng chảy của sự sống. Dòng chảy của ơn cứu độ. Thế nhưng, những dòng chảy này đã bị tắc nghẽn, bị những tảng đá chặn lại, làm cho những dòng chảy này không được tiếp tục truyền đi, không được tiếp tục lan ra, không được tiếp tục chảy tới mọi nơi, mọi thời và mọi người. Vậy, ai là người sẽ khai thông những dòng chảy này ?

Có phải là Đức Phật. Vâng, Đức Phật, nhưng ngài chỉ đưa tay giới thiệu và chỉ cho ta thấy trăng mà thôi, tự mình phải tìm đường giác ngộ để đạt tới Niếtbàn. Còn Đức Mahomet, Ngài rất khiêm tốn chỉ dám nhận mình là tiên tri. Ai nữa ? Hay là Đức Huỳnh Phú Sổ. Ngài chỉ giới thiệu mình là hiện thân của Phật.

Vậy ai khác nếu không phải là Giêsu thành Nagiaret. Ngài không những chỉ cho ta thấy trăng, giới thiệu cho ta biết Ngài là tiên tri, hiện thân của Thiên Chúa; mà còn cho ta biết chính Ngài là Thiên Chúa. Chính Ngài là Đường. Chính Ngài là Chân Lý. Chính Ngài là Sự Sống. Chính Ngài là nguồn phát sinh ơn Cứu Độ. Chính Ngài hướng dẫn và dẫn ta đi để đạt tới những cùng đích ấy. Và, cũng Ngài – Đấng duy nhất khai thông được dòng chảy, chỉ mình Ngài mới có thể lăn tất cả những tảng đá ra khỏi dòng chảy của tình yêu, của sự sống, của ơn cứu độ đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi những chất độc của tội nơi con người.

Tảng đá của ích kỷ, chỉ biết lo và thu gom cho mình. Như nhà phú hộ và Laxarơ.

Tảng đá của vật chất làm mê hoặc lòng người. Như chàng thanh niên giàu có sa sẩm mặt mày khi Chúa Giêsu yêu cầu bán tài sản rồi theo Ngài.

Tảng đá của xảo trá gian tà, vu oan cáo vạ. Như truyện người đàn bà bị kết án phạm tội ngoại tình, đáng phải ném đá.

Tảng đá của sự ngu dốt nơi những người kinh sư, biệt phái. Thấy, nghe Chúa nói và làm, nhưng lại không tin, trong khi khắp tứ phương thiên hạ lại tìm đến Ngài.

Tảng đá về tự do sai lầm, nghĩa là, tự cho mình muốn làm gì thì làm như những nhân vật trong bài thương khó: dân chúng, Philát, các vị lãnh đạo tôn giáo…

Tảng đá của sự cố chấp không chấp nhận sự thật, dù biết rằng mình không đúng. Như những người Do thái.

Tảng đá của đói nghèo thân xác. Chuyện Chúa hoá bánh ra nhiều, để rồi giới lương thực trường tồn.

Tảng đá của đói nghèo tinh thần. Chuyện những người đã xin đi theo làm Môn đệ Chúa. Như cụ Simêon, và Anna, như các tông đồ…

Tảng đá của mù quáng không biết phải trái và công bằng. Như Philát, như Thượng hội đồng; như Giuđa, hay những người gác dinh thượng tế; như những kẻ nhạo báng, hay như đám dân chúng ô hợp, hùa theo sự kích động của kinh sư, biệt phái.

Thay tảng đá của lên án và kết tội là bao dung và tha thứ. Như truyện ông Giakêu.

Tảng đá của từ bỏ. Như Mathiơ và các môn đệ.

Tảng đá của đui mù tâm hồn không còn nhận ra hiện thân của Thiên Chúa, còn anh chàng mù lại nhận ra và tung hô Ngài.

Tảng đá của nhu nhược, ham sống sợ chết. Như cha mẹ anh chàng mù từ khi mới sinh.

Tảng đá của bất hiếu nơi những nhà lãnh đạo tôn giáo. Phần lo cho cha mẹ, con đã dâng cho Thiên Chúa rồi…

Tảng đá của bệnh tật và đau khổ. Như người đàn bà bị còng lưng, người đàn bà bị băng huyết, người hầu của viên đại đội trưởng.

Tảng đá của tà thần, ma quỷ. Như người bị quỷ ám.

Tảng đá của sự chết. Như anh Laxarơ, như con bà goá 12 tuổi.

Cho dù lúc thì đông người đi theo: người vỗ tay, kẻ ủng hộ. Khi thì đơn phương độc mã hay có nhiều người tẩy chay, chống đối, lăng nhục. Ngài, dầu vậy, vẫn tiếp tục sứ vụ là khai thông dòng chảy để lăn những tảng đá, và đá tảng lớn nhất là sự chết cũng đã bị đẩy lui, được lăn ra bởi chính Ngài Giêsu. Và dòng chảy của tình yêu, của sự sống, của ơn Cứu độ lại tiếp tục được chảy lan đi mọi nơi, mọi nhà, mọi người.

Ta có thể nói: ôi, Chúa mới làm được như vậy chứ tôi là xác đất vật hèn, nhiều yếu đuối thì làm được gì bây giờ. Vâng, đúng như vậy. Ta không thể một mình làm được việc ấy. Cuộc sống là một hành trình của đức tin. Hành trình này chỉ hoàn tất, đạt tới cùng đích cuối cùng khi ta biết hết mình cộng tác với thầy Giêsu Chí Thánh để đẩy lui bóng tối, để lăn những tảng đá ấy ra khỏi cuộc đời, ra khỏi con người mình, ra khỏi gia đình mình.

Ta hãy lăn tảng đá của khô khan nguội lạnh về đạo đức. Thay vào đó là trung thành với Giavê Thiên Chúa, như ông Tôbít, như ông Gióp. Ta hãy biểu lộ đức tin mạnh mẽ và vững chắc như cụ Apraham, không phải là giữ đạo mà là sống đạo; không phải là ta sống đạo mà là gia đình ta sống đạo ; không phải là ta làm việc bác ái, mà là gia đình ta hăng say làm việc bác ái.

Ta hãy lăn tảng đá của bất nghĩa, bất kính, bất hiếu với ông bà cha mẹ, thay vào đó là hết lòng quan tâm, lo lắng, phụng dưỡng. Cả đời ta, dù có làm gì cũng không trả nợ hết được công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phúc kín công cha”, Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Ta hãy lăn tảng đá của thu gom ích kỷ. Đừng ngoảnh mặt mặt làm ngơ trước kẻ nghèo, người đau khổ, người bất hạnh: Nghèo về vật chất. Đau khổ về thân xác. Đói về tinh thần. Khát về kiến thức. Bất hạnh về tình yêu. Gian nan về đường đời. Nhưng biết bố thí, chia sẻ cách rộng rãi như ta đã nhận một cách hào phóng từ Thiên Chúa.

Ta hãy lăn tảng đá của mưu mô xảo quyệt, của bất công ra khỏi cuộc sống. Hãy sống công bằng. Công bằng về quyền lực. Công bằng về công việc. Công bằng trong cách cư xử với nhau : trong gia đình cũng như nơi xã hội.

Ta hãy lăn tảng đá của dối trá, kiêu căng ra khỏi cuộc sống. Ai trong chúng ta cũng yêu thích sự thật, nhưng có lúc chính ta lại nói dối không ngượng miệng; ai trong chúng ta cũng mến chuộng chân lý, nhưng có những lúc ta coi lời nói thật của bạn bè, của tha nhân, của Thiên Chúa là những lời chói tai. Và cho rằng đây là những đối tượng lừa bịp, gian dối, không đáng quan tâm.

Ta hãy lăn tảng đá mù quáng tự cho mình là đúng, là hay, là trung tâm của vũ trụ. Không, chỉ có Chúa Giêsu mới là trung tâm mà thôi. “Ngài là Đường, là Sự Thật và Là Sự Sống” (Giăng 14:6).

Ta hãy lăn tảng đá của kiêu căng, tự phụ. Thay vào đó là khiêm nhường. Khiêm nhường nhìn nhận sự thật về mình và về người; về mình và về Thiên Chúa.

Ta hãy lăn tảng đá của tự do lệch lạc, thay vào đó là tự vâng giữ luật Thiên Chúa và tuân theo Lời Ngài với tất cả lòng mến phục và yêu thương.

Cái khờ dại ngu dốt của đời người là đánh mất chính mình. Không biết mình là ai, giới hạn của mình tới đâu.

Cái khủng khiếp nhất của đời người không phải là không biết. Nhưng biết mà biết không tới nơi tới chốn. Thế rồi tự cho mình là thầy dạy của Giáo hội, là người lãnh đạo, điều khiển, sắp xếp cho Giáo hội và mọi người theo toan tính, theo mưu đồ của mình.

Cái đúng đắn của đời người là : hãy sống Mầu nhiệm Báp-têm của mình. Mục sư  (giáo phẩm) nên thánh trong ơn gọi của mình. Giáo dân chỉ có thể nên thánh trong ơn gọi giáo dân mà thôi.

Nếu ai cũng biết chăm lo chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình, tức là sống Mầu Nhiệm Báp-têm, thì đây là cách ta đang cùng với Chúa Giêsu lăn những tảng đá của hư hoại, của huỷ diệt, của chết chóc ra khỏi cuộc sống. Và thác tình yêu, suối sự sống và nguồn ơn cứu đổ sẽ được tuôn trào đi khắp nơi, đến với mọi người, trong đó có ta, gia đình ta. Amen.

THANH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *