KHỦNG HOẢNG, XUNG ĐỘT VÀ NGUYÊN NHÂN PHÂN LY

1. Sự mong manh của quan hệ vợ chồng

Trong những thập niên cuối này, gia đình đặc biệt là đôi vợ chồng, trụ cột của gia đình, đã phản chiếu những căng thẳng và mọi thứ xáo trộn đã làm thay đổi xã hội chúng ta. Có những dấu hiệu, một đàng là càng ngày người ta càng ít chọn lựa sống hôn nhân so với sự gia tăng những hình thức sống chung khác, đàng khác càng ngày càng có nhiều vụ ly thân, ly dị hơn.

Thế nhưng, giữa khủng hoảng và hy vọng, hoàn cảnh đó có thể trở thành một thách đố: nó có thể khiến chúng ta phải lao vào cuộc để làm thay đổi thực trạng hiện nay của liên kết hôn phối; nó có thể trở nên nguồn cho một thứ năng lượng mới, khả dĩ phát minh ra những nguồn tài nguyên đúng đắn, khả dĩ chỉ ra những viễn tượng mới, canh tân lời tiên tri.

Nếu người ta ý thức được tính chất phức tạp của hoàn cảnh chung và tìm cách phân tích, dầu chỉ tối thiểu nhưng một cách cởi mở để có thể đào sâu tìm ra những nguyên nhân của tình cảnh ấy, thì sẽ hữu ích. Bởi đó, người ta sẽ có thể làm sáng tỏ hơn một vài nhân tố của sự thay đổi hoặc của sự khủng hoảng tiềm tàng liên hệ tới chính tương quan vợ chồng. Hơn nữa, nếu thiếu ý thức về những hoàn cảnh, tình hình thực tế, của chính tương quan vợ chồng, thì sẽ vô ích khi ta cố tìm những giải pháp, cao và sâu hơn, dù là nhân văn hay đức tin, và nỗ lực làm cho tương quan ấy bắt rễ sâu vào chúng.
Việc nhìn nhận quyền tự do lựa chọn người bạn đời là một trong những cuộc cách mạng âm thầm mà lịch sử tây phương thế kỷ XIX vừa qua đã biết đến. Từ mấy ngàn năm qua việc lựa chọn bạn đời đã được định và phải tuân thủ theo những bận tâm hay lợi ích khác xa lạ với đôi bạn, và dĩ nhiên, cũng khác tùy theo họ thuộc giai cấp thống trị hay bị trị. Người ta đã bị (được) kết hôn chứ không kết hôn. Những cuộc hôn nhân ấy có thể bền chặt hơn bởi vì được bủa vây bởi một loạt những kiểm soát khá cứng cỏi từ phía xã hội, thế nhưng mối quan hệ nam-nữ sẽ khó có thể phát triển theo chiều sâu vì thiếu điều kiện tiên quyết là sự quí trọng nhau và sự tự do chọn lựa nhau. Hôn nhân bởi tình yêu chắc hẳn là mỏng manh, nhưng khá là phong phú hơn hôn nhân bởi sắp đặt. Ngày nay người ta lấy nhau vì tình yêu và cưới nhau mà không có tình yêu thì không còn ý nghĩa gì nữa. Mỗi người chọn lựa cho mình người phối ngẫu cách tự do và quyết định về chính số phận của mình[1].

Dần dần người ta xác định rằng trong cuộc sống lứa đôi điều quan trọng không phải là làm sao duy trì hôn nhân bằng mọi giá, dù phải kiên nhẫn chịu đựng lâu dài, phải trung thành trong lầm lì bất mãn, dù là giả dối với một đời sống chung mà không có sức sống, nhưng là tự nguyện dấn thân thật sự để ở với nhau, thích được gặp nhau. Tất cả những điều ấy là một trong những thay đổi quan trọng nhất đã thành hiện thực trong thế kỷ trước và hiện vẫn còn đang thay đổi ở bên trong tiến trình chuyển biến triệt để về ý nghĩa và giá trị của gia đình. Thế nhưng đó là một thay đổi sâu xa đến mức có vẻ như có kèm theo những nguy cơ mạnh mẽ: đó là người ta không nắm bắt được cái cốt lõi nhất của hoàn cảnh, bởi chính tính chất phức tạp của một phân tích nghiêm túc, và hệ quả của nó là, người ta có thể đánh giá và chọn lựa quá đơn giản và hời hợt.

Giải pháp được đề nghị là tránh hai thái cực đối nghịch: hoặc là cám dỗ theo một kiểu chung thủy vợ chồng duy hình thức mà thiếu sự dấn thân bằng cả tình cảm lẫn lý trí, hoặc là cám dỗ theo một thứ nổi loạn đập vỡ quá dễ dàng, cũng thiếu sự dấn thân với con tim và cái đầu đi tìm một giải pháp tích cực khả dĩ. Đó là một giải pháp khác, chắc chắn là phải bận tâm bận trí hơn, mà cũng mắc míu nhiều hơn. Nó đòi tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng một sự trung thành hằng ngày; tình vợ chồng phải được nối tiếp bằng những gặp gỡ nhau trong hân hoan và thích thú; những lúc khủng hoảng, căng thẳng, hiểu lầm nhau có ý nghĩa làm cho hai bên hiểu biết nhau sâu sắc hơn; không nên biến những xung đột thành những thất bại tiêu cực. Giải pháp đề nghị là: hôn nhân vẫn là một quan hệ rất ưu việt có thể tiến bộ và vượt qua được sự khủng hoảng mà không gãy đổ.

2. Nỗi cô đơn của đôi bạn gia đình hạt nhân

Làm một đôi bạn hạnh phúc và bền vững là một điều rất tốt mà mọi người đều muốn khi khởi đầu một cuộc tình. Thế nhưng không dễ dàng có được như thế, trước hết chính là vì người ta đã mong đợi quá nhiều ở quan hệ ấy[2], và hơn nữa, là vì đôi bạn cô đơn trước những khó khăn của mình.

Gia đình ngày nay nổi bật trước hết ở chỗ bị giản lược cách rốt ráo vào những chiều kích: dữ kiện này không chỉ là phân tích số liệu thống kê; thực ra, đó là yếu tố ảnh hưởng đáng kể trên thực tại mọi ngày và trên cách suy nghĩ và hành động. Đôi bạn và gia đình ngày nay thiếu sự an sinh hơn ngày xưa, sự an sinh được bảo đảm do bối cảnh rộng lớn hơn trong đó các cặp vợ chồng trẻ được cắm vào đó ngay. Đôi bạn và gia đình ngày nay bị tước đi nhiều nhiệm vụ mà trước đây được đảm nhiệm bên trong nhóm nhưng ngày nay được đảm đương bởi xã hội dân sự (lao động – giáo dục – y tế – thông tin – thời gian rãnh).

Như thế, đôi bạn ngày nay được đưa về với cái cốt yếu nhất, tức là nhiệm vụ hãy là chính mình, tạo ra và tìm thấy cách thức hiện hữu riêng của mình như là đôi bạn và như là gia đình vì con cái của mình.Thế nhưng, họ có thể qui chiếu vào mẫu mực nào đây khi mà với hoàn cảnh chung ngày nay nền văn hóa bị phân mảnh đã dẫn đến tình trạng mô hình gia đình duy nhất cũng bị tan vỡ theo, nhường chỗ cho một thực tế là có nhiều kiểu gia đình khác nhau[3] phát sinh và phát triển theo các tiến trình hình thành và chọn lựa giá trị khác nhau của từng đôi bạn riêng lẻ.

Một khi những chức năng mà trước kia xem ra chiếm ưu thế nay đã rơi rụng, thì giờ đây quan hệ liên vị và sự bền vững của quan hệ ấy là đối tượng chú ý hàng đầu của các đôi bạn. Thế nhưng, đôi bạn lẻ loi một mình vì họ phải tự nghĩ ra cách thức quan hệ, đôi bạn lẻ loi một mình vì họ phải tự tạo lập nền móng cho quan hệ của mình được bền vững, đôi bạn lẻ loi một mình vì họ phải tự sáng tạo ra kế hoạch sống tình yêu và tình chồng vợ. Đôi bạn lẻ loi một mình và trong nỗi cô đơn này mối bận tâm tập trung cho tương quan ấy cuối cùng có thể trở nên quá đáng vì họ mong đợi gặt hái từ chính quan hệ đó tất cả những gì mà họ không thể có được từ đời sống xã hội về các mặt nhu cầu như tình cảm, tương giao, bộc lộ mình.

Tuy nhiên, hoàn cảnh cô độc đó có thể trở thành một cơ hội và là một thách thức đặc biệt cho cuộc sống của họ, một thời kỳ của ân sủng đặc biệt để được sáng tỏ thêm ý thức về thực tại nhân bản là chính đôi bạn và về ý nghĩa sâu xa của đôi bạn trong lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa.
3. Xung khắc là không thể tránh được trong lịch sử của mọi đôi bạn[4] Quả thực đôi bạn lẻ loi có thể cảm thấy khó khăn trong sự cô đơn, không thể đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, những xung khắc, những căng thẳng lớn hay nhỏ. Nhưng cũng đúng là trong mọi cuộc hành trình hôn nhân đều không thể tránh khỏi tình trạng ngày càng phát triển và gia tăng những xung đột và căng thẳng. Chúng ta cần phải ý thức điều ấy với một thái độ bình thản.

Tình trạng thăng bằng là không bao giờ chắc chắn mãi mãi trong lịch sử của mọi cặp hôn nhân, đúng hơn đó là một thực tại liên tục đang thành, bởi lẽ luôn có những biến đổi bên trong lẫn bên ngoài phạm vi đôi vợ chồng làm cho tình trạng ấy không thể yên ổn và phải thay đổi, họ phải không ngừng tìm kiếm nhằm đạt tới được một đỉnh cao sao cho từ đó họ thấy được những không gian mới và chân trời mới. Đó là một cuộc lữ hành và một tiến trình, là chính cuộc sống của đôi bạn, một cuộc xuất hành liên tục đi ra khỏi tình trạng cũ trứớc cũng như hiện giờ để mở ngỏ cho mọi cơ hội đang hình thành trong quan hệ với người khác và với những người khác, trong một tiến trình liên tục biệt hóa-tích hợp (differenzizione-integrazione).[5]

Cho nên, không thể hình dung được một cuộc sống hôn nhân mà lại không có khủng hoảng, xung đột, hay căng thẳng. Đúng hơn, có khi chính sự thiếu vắng căng thẳng, chính sự yên ắng không sức sống, chính sự hòa bình không do xây dựng mà do chịu đựng là triệu chứng đáng lo ngại của một cuộc hôn nhân thực tế không được xây dựng hằng ngày bởi một dự phóng, mà từng ngày trôi qua trong quán tính và im lặng[6].

Xung đột, căng thẳng và khủng hoảng do đấy là không thể tránh khỏi, hay nói đúng hơn, là tất yếu. Dẫu thế, chúng có thể trở nên cơ hội quí báu để tái định hướng, lúc này hay lúc khác, cuộc hành trình của đôi bạn, miễn là, khi chúng xuất hiện người ta không nên chạy trốn hay né tránh nhưng cùng nhau đi xuyên qua bên trong, can đảm đối diện, để chuyển hóa từ chỗ chối bỏ hay giữ thinh lặng về sự kiện đó sang ý thức về những nguyên nhân đích thực của sự chia rẽ, trở ngại và đau buồn, của những bất ổn ngấm ngầm, những bực dọc và phiền muộn, để có thể tháo gỡ và vượt qua những khó khăn đó.

Có những giai đoạn của đời sống vợ chồng mà những xung đột xuất hiện rõ ràng hơn. Có thể nhìn vào chu kỳ đi theo đời sống một gia đình một cách kỹ lưỡng hơn và xác định một vài chặng đường mà mọi cặp vợ chồng xem ra đều phải trải qua: đó là, lúc khởi đầu tạo lập đời đôi bạn, cử hành lễ hôn phối và tách ly khỏi gia đình cha mẹ, lúc sinh con cái, khi con đến tuổi vị thành niên, khi chúng sống tách rời xa cha mẹ, khi đến tuổi về hưu, bị bệnh tật, một trong hai người phối ngẫu qua đời[7]. Những giai đoạn ấy là những thời gian mà người ta thấy rõ dễ xuất hiện nhất những bất hòa, những tình cảm xung khắc, những động lực tâm lý làm phai nhạt tình yêu, làm quan hệ vợ chồng bất ổn. Thực ra, hiểu theo cách nào đó, đó là những giai đoạn tiến hóa, nếu sống một cách tích cực và năng động, giúp đôi bạn thoát khỏi sự kềm chế của một giai đoạn ấu trĩ của quan hệ vợ chồng để đạt tới mức trưởng thành hơn.

Vạch ra những xung đột trong đời sống đôi bạn không chỉ là một dấu chỉ của tình yêu, mà còn là một hành động ngay thật. Hơn nữa, xung đột và căng thẳng cùng lắm không phải là triệu chứng của một hoàn cảnh thỏa hiệp, nhưng rất thường đó là một sự kiện thuộc sinh lý học có liên hệ tới sự tăng trưởng của đôi bạn, chứ không nhất thiết cứ phải là sự kiện bệnh lý dẫn đến chỗ khai tử đôi lứa.

Đời sống vợ chồng thực ra được xây dựng bởi một chuỗi những giai đoạn thường đánh dấu bởi những gãy vở, rách nát, khủng hoảng. Thực ra, qua sự tan rã cấu trúc của một trật tự đã thành công thức cũ kỹ, ít nhiều đã mãn nguyện, người ta có thể tái cấu trúc lại một trật tự, một công thức mới, ở một mức độ chín chắn hơn và toàn vẹn hơn.
Đôi vợ chồng lành mạnh, có sức sống và năng động, là đôi bạn sống hợp với biện chứng, nghĩa là có khả năng làm lộ hiện ra những xung khắc và khủng hoảng ngầm, có khả năng xác định bản chất của chúng, trải qua những khó khăn đó và để mình được đổi mới. Ngược lại đôi vợ chồng lâm vào tình thế nghiêm trọng là đôi vợ chồng khép kín, ù lì, không có khả năng làm lộ hiện những xung khắc, không có khả năng làm chủ chúng, không có khả năng chấp nhận đối mặt với bối cảnh bên ngoài, nghĩa là không có khả năng đi qua và đi ra khỏi khủng hoảng mà được đổi mới[8].

Đi cho đến tận cùng có thể dẫn đến chỗ sáng sủa của ban ngày cũng như bóng tối của đêm đen. Trong trường hợp nào đi nữa điều quan trọng khi vượt qua khủng hoảng là ý thức về những thời gian xung đột, biết cách sống cũng như biết cách vượt qua những xung đột ấy[9].

(còn tiếp)

ở bài tiếp theo sẽ giới thiệu về “Nguồn gốc và các lãnh vực xảy ra khủng hoảng” và cách để “đi qua khủng hoảng”. kính mời quý độc giả đón xem.

[1] X. N. Luhmann, Amore come passione, Laterza, 1987.
[2] G. Cereti, Amore e comunione nel matrimonio, Queriniana, 1983, 13.
[3] Các nhà xã hội học đã chỉ cho thấy trong xã hội ngày nay có những kiểu gia đình gia đình hạt nhân (famiglia nucleare) – là gia đình tạo nên bởi chỉ một hạt nhân, đôi vợ chồng và con cái của họ – khác nhau sau đây: gia đình qui-tâm-vào-trẻ-nhỏ (puerocentrica), đôi vợ chồng với các con trẻ vị thành niên; gia đình kéo dài (lunga), đôi vợ chồng với con cái đã trưởng thành chưa kết bạn và còn sống chung với cha mẹ; gia đình qui-tâm-vào-người-lớn (adultocentrica), gia đình nơi mà người lớn chiếm ưu thế hơn con cái.
[4] E. Schillebeeckx, Il matrimonio – realtà terrena e mistero di salvezza, Ed. Paoline, 1980, 27.
[5] Hành trình thực tế này đã được nhấn mạnh nhiều lần và còn được nhắc đến lần nữa ở ch. XII, Hành trình của đôi bạn. Những chặng đường yêu thương, đoạn 1 và 2.
[6] X. Ch. VIII, Tình Yêu và sự phong nhiêu, đoạn 1 và 2.
[7] Những giai đoạnn này sẽ được xem xét kỹ hơn chương XII, Hành trình đời đôi bạn. Những chặng đường yêu thương, đoạn 4.
[8] J. Lemarie, Vita e morte della coppia, Citadella Editrice, 1981.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *