LÒNG THƯƠNG CẢM

Có nhiều thứ bệnh xảy ra trong đời sống con người từ xưa nay. Không biết đó có phải là hậu qủa của tội tổ tông không? Tôi không biết.

Ðã là bệnh thì không tốt và cần phải chữa trị cho lành, bài trừ căn nguyên gây ra bệnh. Nhưng bệnh có phải là một tội lỗi không? Tôi nghĩ là không.

Ngày xưa thời Chúa Giêsu cách đây hơn hai nghìn năm, bệnh phong hủi là một thứ bệnh trầm trọng nguy hiểm. Phong hủi phá hủy đời sống người bệnh: thân thể, tâm hồn, liên lạc xã hội và cả niềm tin tôn giáo nữa.
Tứ chi thân thân thể họ dần bị rơi rụng; tinh thần vì thế bị kéo theo xuống dốc. Họ phải sống biệt lập một nơi riêng rẽ ngăn cách không có liên lạc gì với sinh hoạt xã hội con người nữa. Về tôn giáo họ bị ngăn cách hầu như bị „cất phép thông công“.

Người bị phong cùi bị cho là người không sạch sẽ, người tội lỗi! Họ sống mà như đã chết. Không ai được đụng chạm đến họ nữa! Ðó là luật lệ áp dụng thời đó cho người bị bệnh phong cùi.

Chúa Giêsu đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa, Ngài sống làm khác với thói quen luật lệ lúc đó. Gặp người bị phong cùi, Ngài không xa tránh họ, nhưng đưa tay ra đụng chạm vào họ, chữa lành vết thương cho họ. Chúa Giêsu qua đó muốn nói: con người, phải cả người bị bệnh có gía trị hơn lề luật thói quen.

Ngài động lòng thương số phận đời sống họ. Ngài là Thiên Chúa của người tội lỗi.

Chúa Giêsu, người tôi tớ của Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với người bị bệnh phong cùi, một người bị hành hạ đau đớn nơi thân xác dung mạo vẻ đẹp ( Isaia 53).

Thánh Phaolô diễn tả về Chúa Giêsu trong lời nhắn nhủ giáo đoàn Côrinthô: Tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa, Ðấng chẳng hề có tội gì, nhưng Thiên Chúa đã biến Người ( Chúa Giêsu) thành một tội nhân vì chúng ta, để chúng ta nên công chính trong người. ( 2 cor 5,20-21).

Một trao đổi kỳ lạ: Một người vô tội biến thành một người có tội, để con người chúng ta là người tội lỗi được trở nên thánh thiện công chính! Ðó là điều khó hiểu cho tâm trí con người chúng ta. Một Thiên Chúa của người tội lỗi!

Chúa Giêsu lúc qua đời, không chết trong đền thờ Giêrusalem, nhưng bị đóng đinh trên thập gía ở ngoại ô thành Giêrusalem giữa hai tên tội nhân cũng đồng bị kết án đóng đinh trên thập gía.

Chúa Giêsu cảm động chạnh lòng thương cảm với người bệnh bị bỏ rơi hất hủi, giơ tay ra chạm vào họ, chữa lành vết thương thể xác và tâm hồn họ. Ngài đã trả lại cho họ nhân phẩm con người của họ. Ðiều đó khác nào cho họ sống lại làm người.
Trong gia đình con cái cần sự yêu thương dùm bọc của cha mẹ. Ông bà cha mẹ cần tình thương săn sóc của con cháu, lúc bệnh tật, tuổi gìa sức yếu. Ðó là hạnh phúc trong đời sống

Ngoài xã hội con người, những người bất hạnh xấu số luôn cần đến tình liên đới, sự giúp đỡ của nhau. Ðó là lòng bác ái yêu người.

Lời nói thân ái, cử chỉ tình liên đới có sức vực dậy người trong cơn đau khổ bị hoạn nạn. Ðó là sống thể hiện tám mối phúc thật.

Gs. N.N.Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *