NHỮNG GIỚI HẠN VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG CÁC CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT VÀ TRONG SẢN XUẤT CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG NGHE – NHÌN

1. Chúng ta đã dành nhiều suy tư liên tục về ý nghĩa của những lời Đức Kitô loan báo trong diễn từ trên núi, trong đó Người khuyến khích có một tâm hồn thanh khiết trong khi nhắc nhớ người ta lưu ý tới «cái nhìn dục vọng». Chúng ta không thể quên những lời đó của Đức Kitô cả khi bàn tới lãnh vực hết sức rộng lớn của văn hóa nghệ thuật, nhất là nền văn hóa với đặc tính nặng về hình ảnh và trình diễn, cũng như trong lãnh vực văn hóa «đám đông» – điều rất quan trọng trong thời đại chúng ta ngày nay – vốn gắn liền với việc sử dụng các kĩ thuật truyền thông nghe-nhìn phổ biến. Chúng ta đã nhắc đến ở phần cuối trong lần trước lãnh vực hoạt động văn hóa của con người ngày nay đôi khi bị lên án là «khiêu dâm», cũng như trong lãnh vực văn chương trước đây một số tác phẩm đã từng bị lên án như vậy. Cả hai trường hợp đều bị coi là khiêu dâm khi người ta vượt quá giới hạn của sự xấu hổ, hay đúng hơn họ đã bỏ qua cảm thức nhân vị đối với những gì liên hệ đến thân xác con người, thân xác trần trụi của con người, khi mà trong công trình nghệ thuật qua kĩ nghệ sản xuất nghe nhìn người ta xâm phạm quyền bảo toàn sự thân mật riêng tư khi phô diễn thân thể trần truồng của người nam và người nữ và – xét cho cùng, khi mà người ta vi phạm cứu cánh thường hằng và sâu xa của tặng phẩm và sự dâng hiến cho nhau, vốn được ghi khắc trong giới tính là đàn ông là đàn bà của cấu trúc con người toàn thể. Sự ghi khắc sâu xa đó quyết định ý nghĩa hôn phối của xác thân con người, nghĩa là ơn gọi căn bản mà nó tiếp nhận để tạo nên mối «hiệp thông các ngôi vị» và tham dự vào trong đó.

 

2. Dĩ nhiên, trong các tác phẩm nghệ thuật, hay nơi các sản phẩm về nghệ thuật nghe-nhìn, cứu cánh thường hằng nói trên, tức là sự ghi khắc sâu xa ý nghĩa của thân xác đó, chỉ có thể bị xâm phạm trên bình diện ý hướng sản xuất và thể hiện lại thành tác phẩm: quả thực, vấn đề là – như đã nói trước đây – thân xác con người trở thành người mẫu hay được xem như một đề tài. Tuy nhiên, nếu như cảm giác xấu hổ và cảm thức về ngôi vị bị xâm phạm trong những trường hợp đó, điều đó xảy ra là bởi nguyên do người ta chuyển chúng vào trong chiều kích của «truyền thông xã hội», nghĩa là bởi vì người ta đã chuyển sang, có thể nói là, sở hữu công cộng những gì, theo cảm thức đúng đắn của con người, là vốn hoàn toàn thuộc về và phải thuộc về mối tương quan liên vị, nghĩa là những gì gắn liền – như đã được nhấn mạnh trước đây – với chính «sự hiệp thông các ngôi vị», và trong lãnh vực đó tương ứng với sự thật của nội giới con người, và cũng là sự thật toàn vẹn về con người.

Về vấn đề này chúng ta không thể đồng ý với những người đại diện trường phái duy tự nhiên (naturalismo), là những người đòi quyền về «tất cả những gì là nhân văn», trong các tác phẩm nghệ thuật và các sản phẩm về nghệ thuật, khi họ khẳng định làm như thế là nhân danh sự thật thực tiễn về con người. Chính sự thật đó về con người – sự thật toàn diện về con người – đòi hỏi ta phải xét đến hoặc cái cảm thức về cõi riêng tư thân mật của thân xác hoặc mối liên kết giữa sự trao hiến và chính thân xác với nam tính và nữ tính ấy, trong đó phản chiếu mầu nhiệm con người, cấu trúc nội giới của nhân vị. Sự thật đó về con người phải được xét đến cả trên bình diện nghệ thuật, nếu ta muốn nói đến một chủ nghĩa duy thực đầy đủ.

3. Thế nên, trong trường hợp này người ta nhận thấy rằng qui luật riêng của «sự hiệp thông các ngôi vị» tương hợp sâu xa với lãnh vực «truyền thông» (hay còn gọi là thông giao) rộng lớn và phong phú. Thân xác trần truồng con người – như ta đã xác định trong các phân tích trước đây (tham chiếu đến St 2,25) –, có ý nghĩa như là sự bộc lộ một nhân vị và như là tặng phẩm hiến trao của nhân vị ấy, hay đúng hơn là dấu chỉ của sự tin cậy và hiến dâng cho tha nhân kia, một tha nhân ý thức về tặng phẩm được trao ban, một tha nhân được chọn lựa và định để đáp trả lại một cách cũng mang tính nhân vị, và trở nên nguồn mạch cho một «thông giao» liên vị đặc thù. Như đã nói, đây là một sự thông giao đặc thù trong chính nhân tính. Sự thông giao liên vị ấy đi sâu vào trong cấu trúc của hiệp thông (communio personarum), và đồng thời nhờ đó tăng trưởng và phát triển cách đúng đắn trong môi trường của nó. Chính vì thân xác có một giá trị lớn lao trong cấu trúc «hiệp thông» liên vị như thế, nên cho khỏa thân – vốn diễn tả chính yếu tố tặng phẩm hiến trao – xét như một khách thể-đề tài cho công trình nghệ thuật hay cho kĩ nghệ sản xuất nghe-nhìn, là một vấn đề không chỉ thuộc lãnh vực mĩ học, nhưng đồng thời còn có bản tính đạo đức học nữa. Thật vậy, yếu tố là «tặng phẩm» ấy, có thể nói, bị treo lơ lửng trong một không gian tiếp nhận vô tri và phản hồi tức thời, và như thế cách nào đó nó «bị đe dọa» hữu ý, theo nghĩa nó có thể trở thành một đối tượng vô danh cho người ta «chiếm đoạt», lạm dụng. Chính vì thế, sự thật toàn diện về con người, trong trường hợp này, là cơ sở chuẩn mực theo đó người ta tạo nên hình hài cho cái thiện hay cái ác của những hành vi, động thái, thói quen và hoàn cảnh nhất định. Sự thật về con người, về những gì ở nơi con người – cụ thể là thân xác và giới tính (là nam là nữ) – đặc biệt biểu lộ tính nhân vị và nội giới, tạo nên những biên giới nghiêm ngặt không thể vượt qua cách hợp pháp được.

4. Những nghệ sĩ, là những kẻ làm cho thân xác con người trở thành đối tượng, người mẫu hoặc đề tài của công trình nghệ thuật hay sản phẩm của kĩ nghệ nghe-nhìn, phải công nhận và bảo vệ những giới hạn này. Họ cũng như những người khác có trách nhiệm trong lãnh vực này không có quyền đòi hỏi, đề nghị hoặc khiến những người khác xâm phạm biên giới ấy cùng họ hoặc do họ, qua việc mời gọi, cổ vũ và thừa nhận việc xem, thưởng lãm những hình ảnh (khỏa thân) ấy. Vấn đề là ở chỗ, hình ảnh ấy tự nó vốn có nội dung và giá trị nhân vị sâu xa, là cái thuộc về bình diện của tặng phẩm và trao hiến giữa nhân vị và nhân vị cho nhau, lại bị tách lìa khỏi cội rễ đích thực của mình do phương tiện «truyền thông xã hội» để thành đối tượng chủ đề và hơn nữa là một đối tượng vô danh theo nghĩa nào đó.

5. Toàn bộ vấn đề «sản phẩm khiêu dâm», như là kết quả của những gì nói trên đây, không hề là đường lối suy nghĩ theo Thanh giáo (puritana) cũng không phải thái độ duy luân lí hẹp hòi, mà cũng không phải là sản phẩm của tư tưởng manicheism. Nhưng đó là một lãnh vực nền tảng, hết sức quan trọng, của các giá trị mà người ta khi đối diện không thể dửng dưng bởi lí do về phẩm giá con người, đặc tính nhân vị và thân xác là một thứ ngôn ngữ. Toàn thể những nội dung và giá trị này, qua các công trình nghệ thuật và hoạt động của những phương tiện nghe-nhìn, có thể được làm thành khuôn mẫu và đào sâu, mà ngược lại cũng có thể bị bóp méo và phá hủy «trong lòng» con người. Như ta thấy, chúng ta vẫn ở trong quĩ đạo của những lời của Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi. Các vấn đề mà ta đang bàn ở đây cũng phải được khảo sát dưới ánh sáng của những lời đó, xem «cái nhìn» phát sinh từ dục vọng là một «tội ngoại tình trong lòng».
Như thế, suy tư các vấn đề này là quan trọng để «tạo nên một bầu khí thuận lợi cho việc giáo dục đức khiết tịnh», xem ra như là một mắc xích cần thiết nối kết với tất cả các phân tích trước đây dành cho chủ đề này.

Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *