NHỮNG MÓN QUÀ LỚN CHO CON

Một nghiên cứu gần đây của chương trình Nghị sự Công cộng với sự hợp tác của Hội đồng Cố vấn và các Hội Từ thiện Ronald Mc Donald ghi nhận:

– 83% trẻ em từ 12-17 tuổi nói: “Thật là khó hơn lúc nào hết để trở nên một người trẻ trưởng thành trong nước Mỹ ngày nay”.

– 81% bậc cha mẹ nói: “Làm cha làm mẹ thật là khó biết bao”!

Làm cha mẹ một công việc rất khó khăn, Ruth A. Wooden giải thích: “Người ta không còn sống gần những gia đình nhiều thế hệ và hầu hết khu xóm lân cận nhau không được tổ chức để con người có được sự liên đới với nhau. Không còn nữa những loại cửa hành lang ở trước nhà bạn nơi bạn có thể ngồi với cha mẹ bạn và những bà con lối xóm để trao đổi về cách nuôi dạy con cái. Cũng không còn nữa cảm nhận được gần gũi của một ai đó luôn bên cạnh để có thể xin lời khuyên. Kết quả là ngay những cha mẹ dù đã hết sức cố gắng để là những cha mẹ tốt, cũng thường cảm thấy bị nhận chìm, tuyệt vọng, rối trí và bất lực” (Ruth A. Wooden).

Các chuyên gia cũng nói đến việc đồng lương bị giảm và những bất ổn về nghề nghiệp tăng cao khiến cho các cha mẹ phải làm việc nhiều giờ hơn, và như thế để con cái ở nhà một mình lâu hơn. Vì những lý do đó, theo Hewlett và West, cha mẹ càng phải nỗ lực hơn nữa để cung cấp cho con của mình một môi trường giáo dục tại nhà.

Tuy nhiên, dù chúng ta phải đối diện với vô số những thách đố, nhưng vẫn có những nguồn tin tốt. Cha mẹ và người trưởng thành có thể cho trẻ em một số món quà, những món quà cần đến một thời gian dài mới có thể có được. Đó là những tác động yêu thương, thái độ nâng đỡ và sự hướng dẫn. Chính những tình cảm thân thương liên đới đó sẽ tạo nên sự thay đổi rất lớn trong đời sống của trẻ em. Với suy nghĩ này, sau đây là một số “món quà” đặc biệt từ trái tim mà tất cả các em đều có quyền được lãnh nhận:

MÓN QUÀ 1: BỮA TỐI NHƯ MỘT SỰ KIỆN GIA ĐÌNH

Nó quan trọng vì thời gian ăn tối là thời gian thuận lợi duy nhất trong ngày cho cả gia đình ở bên nhau và thực sự cảm nhận được tình thân thương nối kết. Sự liên đới đó nếu không được tăng cường, nó có thể bị mất và trẻ em bắt đầu cảm thấy bị cô lập.

Để thực hiện nó, trong bữa ăn, đặc biệt phải tắt truyền hình đi. Bạn chỉ bắt đầu khi mọi người đều hiện diện. Vì nếu con gái mới lớn của bạn đang nghe điện thoại, mà bạn cứ bắt đầu bữa ăn thì bạn đã thông tin rằng cô bé không quan trọng để bạn phải chờ. Rồi tới cuối bữa ăn, mọi người nên ngồi nguyên tại chỗ cho tới khi thành viên sau cùng ăn xong, để bữa ăn tối thực sự trở thành một sự kiện chung của gia đình hơn là một kinh nghiệm vội vàng chiếu lệ.

Ngoài ra, nếu giờ giấc làm việc không phù hợp với nhau để thực hiện bữa ăn tối chung cả gia đình thì bạn hãy sáng tạo. Ví dụ như một phụ nữ có chồng làm việc thường về trễ, cô ta có thể chuẩn bị thức ăn rồi dẫn ba con nhỏ đến dùng bữa ăn tối chung với chồng mỗi tuần một vài lần. Nếu bạn không thể thực hiện được bữa ăn tối, bạn có thể linh động chuyển bữa ăn chung sang bữa điểm tâm mỗi sáng thứ Bảy tại một hàng bánh xèo nào đó cũng được. Bất cứ điều gì làm cho gia đình tốt hơn, mọi thành viên trong gia đình nên quan tâm và kiên nhẫn thực hiện.

MÓN QUÀ 2: ĐỌC SÁCH CHO VÀ VỚI CON CỦA BẠN

Đọc sách chung với nhau, cổ vũ sự thích thú yêu đọc sách suốt cuộc đời và nó rất quan trọng trong suốt mùa hè khi con bạn có xu hướng nằm dài ăn quà. Harris Cooper Ph. D. nói: “Trẻ em thường mất từ một đến ba tháng không học hành gì cả trong suốt thời gian nghỉ hè, nhưng cha mẹ có thể dễ dàng ngăn chặn điều này”.

Các chuyên gia nhất trí rằng: “Mỗi tối cha mẹ nên cố gắng đọc sách với các con nhỏ của mình và tiếp tục ngay cả khi chúng có thể tự đọc. Đối với trẻ lớn hơn hãy tự sáng tạo chương trình đọc sách mùa hè riêng của bạn”. Cooper góp ý: “Hãy đặt một thời gian biểu như mỗi tuần đọc một cuốn sách. Bạn dẫn cháu tới thư viện và giúp cháu chọn một cuốn sách cháu ưa thích. Bạn cũng đọc cuốn sách ấy để có thể thảo luận với cháu vào ngày cuối tuần”.

Trên thực tế, những chương trình đọc sách tự do tại các thư viện công cộng và các trường học không được tận dụng. Bạn hãy nhận ra những giá trị tốt nơi cộng đồng của bạn và đừng quên để con bạn thấy được bạn đọc sách thú vị như thế nào trong những giờ rảnh rỗi của bạn.

MÓN QUÀ 3: XEM TRUYỀN HÌNH CHUNG VỚI NHAU

Cùng xem TV chung với nhau thực sự có thể giúp bạn dễ dàng nói với con bạn về những chủ đề tuy khó nói nhưng lại rất quan trọng đối với con của bạn. Dr. Milton Chen nói: “Mặc dầu con của bạn là trẻ mẫu giáo hay ở tuổi thiếu niên, bạn hãy tìm những chương trình TV để có thể xem chung với nó. Khi bạn thấy điều gì bạn coi như không thích hợp, hãy tạo ra một cuộc đàm thoại. Bạn hãy hỏi con bạn: “Con nghĩ gì về điều con vừa thấy trong chương trình chiếu đó?”. Từ đó có thể dẫn đến một cuộc trao đổi quan trọng” (Dr. Milton Chen, Giám đốc Trung tâm KQED về Giáo dục và Học suốt đời tại San Francisco). Bà Chen nói bà nhận thấy việc xem truyền hình, ngay cả với những chương trình bà không thích, thực sự là một phương cách tốt đẹp để bà truyền đạt những giá trị tới cậu con trai 14 tuổi của bà.

Bạn nên sắp xếp một chương trình TV cân đối cho gia đình của bạn. Bà Chen nói: “Hãy tìm những màn chiếu có nội dung chất lượng, có ý tưởng thực tế và những vai trò kiểu mẫu. Nó có thể được coi như một chương trình TV giải trí nhưng nó không chỉ tìm sự giải trí mà việc học tập vẫn là chính.

MÓN QUÀ 4: HÃY BIẾT LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA CON BẠN

Wade F. Horn viết: “Lắng nghe con của bạn thông tin với tình thân thương là cách để bạn đánh giá điều chúng nói và giúp bạn biết rõ về chúng là người như thế nào. Nghiên cứu mới đây cũng chứng tỏ rằng: phương cách số một để ngăn chặn những hành vị liều lĩnh quá mức của tuổi thiếu niên là tạo mối quan hệ để trẻ cảm thấy có thể dễ dàng bộc lộ với bạn” (Wade F. Horn, Ph. D., Chủ tịch Hội Cương vị làm cha, tác giả cuốn sách: Người cha hiện đại: Điều mỗi người cha cần biết để trở thành người cha tốt).

Steven W.Vanncy góp ý: “Hãy bỏ tính cách lên lớp của bạn. Nếu bạn giải quyết tất cả mọi vấn đề thay cho con bạn, chúng sẽ không bao giờ học biết để tự suy nghĩ. Thay vì như thế, bạn hãy hỏi con bạn những câu hỏi khuyến khích chúng đưa ra giải quyết cho vấn đề riêng của chúng (Steven W.Vanncy, người cha có hai con gái và là tác giả cuốn sách: “Những món quà lớn nhất tôi đã cho các con của tôi”).

Theo Jim Babineaux: “Một phương cách tốt nhất để gìn giữ truyền thống và xây dựng tình liên đới gia đình là bố trí thời gian họp mặt gia đình hằng tuần. Khi đó bạn có thể trao đổi với con bạn như hai người trẻ về luật lệ, kế hoạch và những hoạt động chung của gia đình cho tuần tới, và cũng có thể bàn đến những dự phóng xa của gia đình như chọn nơi để đi nghỉ hè” (Jim Babineaux, nhà giáo dục cha mẹ để xây dựng gia đình hạnh phúc ở Hampton, Virginia).

MÓN QUÀ 5: HUẤN LUYỆN VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG HẰNG NGÀY

Tất cả trẻ em đều nghĩ rằng chúng muốn có nhiệm vụ, nhưng trong tiềm thức thì chúng thực sự không muốn. Một em bé không được huấn luyện đủ sẽ lo âu: Ai sẽ chăm sóc tôi khi tôi bị đau đớn. Cynthia Whitham giải thích: “Tôi đã thấy hằng trăm sự ngang ngược, giận dữ từ khi trẻ còn chập chững cho tới tuổi thiếu niên. Nhưng ngay lúc đó nếu cha mẹ vẫn thi hành trách nhiệm kiên quyết, với tình yêu thích hợp thì vấn đề sẽ trở nên tốt hơn”.

Các chuyên gia tin rằng: nhiều cha mẹ một cách không định hướng cho phép dễ dãi quá vô tình đã trở thành nhu nhược. Whitham nói: “Cha mẹ cần biết rằng: Điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của con bạn, không phải chỉ là nói “được”, nhưng đôi khi phải biết nói “không” với chúng. Khi bạn nhượng bộ sự nhõng nhẽo, làm reo của chúng, bạn đã gởi cho chúng một thông điệp: “Cứ làm rùm beng đi, con sẽ đạt được điều con muốn” (Whitham là nhà tâm lý trị liệu tại UCLA Chương trình Huấn luyện cha mẹ và kỹ năng ứng xử xã hội của trẻ em).

Khi con bạn phàn nàn về việc dọn bàn ăn, nếu bạn trả lời, nó sẽ cãi lại hằng giờ. Bạn nên làm lơ với nó, chẳng bao lâu bạn sẽ ngạc nhiên nghe nó lẩm bẩm: con sẽ rửa những muỗng dĩa. Nếu bạn đáp lại lời cám ơn đơn giản rõ ràng, bạn sẽ được nghe thêm: “Dạ, con sẽ giặt khăn ăn và rửa chén đĩa nữa”.

Mặc dầu một số cha mẹ tin vào sự đánh đòn, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng nó là một sự lựa chọn nghèo nàn trong chương trình huấn luyện dài hạn. Những nghiên cứu chứng tỏ rằng khi bạn dùng phương pháp đánh đòn, nó dạy cho trẻ suy nghĩ: bạo lực là cách để giải quyết vấn đề. Whitham nói: “Trẻ em bị đánh đòn sẽ là những trẻ hay đánh những đứa trẻ khác ở trường; và rồi nó sẽ đánh vợ, đánh chồng nó sau này”.

Không bao giờ trễ để học những phương cách huấn luyện của con bạn tốt hơn. Bạn hãy bắt đầu từ một chương trình giáo dục làm cha mẹ trong cộng đồng của bạn. Nhiều cộng đồng đã bảo trợ miễn phí cho các lớp học làm cha mẹ như thế.

MÓN QUÀ 6: MỘT CÁI NHÌN LẠC QUAN VỀ THẾ GIỚI

Nếu bạn luôn phác họa bức tranh về thế giới như một nơi cô lạnh và buồn thảm, trẻ em sẽ bắt đầu mất đi tính lạc quan của chúng về cuộc sống. Trẻ em cần có cảm nhận tốt về thế giới để có những cảm nhận tốt về tương lai của chúng ở trong đó.

Stephen J. Bavolek nói: “Hãy giúp trẻ em hiểu rằng trong khi có một số điều thực sự rất nguy hiểm, thì phần lớn của cuộc sống không phải là những kinh nghiệm tệ hại. Dĩ nhiên nếu con của bạn bị lo âu trước áp lực dùng những thuốc kích thích hoặc hoạt động tình dục, bạn muốn cậu ta được cảm thấy tự do để diễn tả điều đó. Bạn hãy mời cậu ta nói về điều mà cậu ta đang nghĩ cậu ta có thể làm gì để tránh rơi vào cạm bẫy đó. Phương pháp này giúp cậu ta cảm nhận được năng lực để tự lấy quyết định thay vì trở thành một nạn nhân bất lực”.

Bạo lực gây hại và tội giết người cố ý được thông tin tràn đầy trên báo đài, cũng chỉ là một tỉ lệ phần trăm nhỏ của tất cả mọi sự xảy ra mỗi ngày. Nhưng con của bạn có thể không nhận ra điều này. Vậy bất cứ khi nào bạn nói với con của bạn hãy nói về điều tích cực hơn điều tiêu cực để nó biết bạn lạc quan về cuộc sống và nó cũng như thế.

MÓN QUÀ 7: CHỈ CHO CON BẠN CÁCH GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

Làm những công việc tự nguyện giúp xây dựng tính cảm thông nơi trẻ em và dẫn chúng trở nên những người lớn biết quan tâm đến người khác hơn. Hơn nữa theo Bavolek. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em biết cảm thông học tốt hơn tại trường học. Chúng duy trì được những mối liên hệ lành mạnh và có được một lương tâm ngay thẳng.

Tình nguyện cùng với nhau chưa đủ để nói về việc giúp đỡ người khác. Cũng như nhiều phương diện khác của bổn phận làm cha mẹ, bạn phải làm gương trong vấn đề này. Làm việc sát cánh bên nhau tại một nơi phát súp miễn phí, sẽ dạy cho con bạn những bài học giá trị, nhưng đừng quên những hình thức bình dân khác. Những hoạt động như giúp một bà hàng xóm lớn tuổi hơn làm việc trong sân của bà hoặc làm bánh giúp nhà thờ phát cho trẻ em, như thế sẽ giúp cho trẻ phát triển ý thức việc phục vụ cộng đồng và cảm thấy rằng tự chúng cũng có thể làm một việc khác như thế.

Nếu con bạn còn trẻ, hãy bắt đầu với những công việc nhỏ đưa tới những kết quả cụ thể một cách nhanh chóng. Thí dụ giúp con của bạn làm sạch khu phố của bạn rồi nói: “Chà, con đã làm khu phố đẹp hơn cho chúng ta và những người lân cận của chúng ta. Con là người tốt”.

MÓN QUÀ 8: ÔM VÀ HÔN CON NGAY CẢ KHI CHÚNG ĐÃ LỚN

Khám phá mới đây cho thấy sự nâng niu âu yếm trẻ nhỏ kích thích não của chúng tiết ra những nội tiết tố để giúp chúng tăng trưởng; và sự đụng chạm lành mạnh đó cũng bổ ích cho những trẻ đã lớn như thế. Bruce D. Perry giải thích: “Ngay từ khi mới chào đời sự đụng chạm là một chất dinh dưỡng cần thiết. Nhận những cảm giác yêu thương từ cha mẹ và những người săn sóc khác thì cần thiết như nhận vitamin và calo cho cơ thể. Nếu không được nhận đủ, não của đứa trẻ sẽ không phát triển đầy đủ và nó sẽ không muốn tiến nữa”.

Hãy dành cho bé thơ của bạn rất nhiều sự quan tâm săn sóc ngay từ lúc cháu mới sinh. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng khi trẻ em khóc, nếu chúng nhận được sự đáp ứng nhanh chóng, nồng ấm, chúng sẽ khóc ít hơn và chúng sẽ ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng: một người chăm sóc nồng ấm yêu thương là một nhân tố chính cho trẻ phát triển cảm xúc lành mạnh và có được thái độ sẵn sàng để đi học (Hellen Galinsky, The Preschool Years: Family Strategies That Work – From Experts and Parents).

Thay vì dùng đồng hồ báo thức, bạn hãy đánh thức con bạn dậy với nụ hôn và với sự xoa bóp nhẹ nhàng. Chỉ cần hai phút với cử chỉ yêu thương, bạn bắt đầu một ngày mới cho con của bạn.

KHÔNG BAO GIỜ TRỄ

Nhiều cha mẹ đã sẵn sàng cho con cái của họ một số hay tất cả những món quà trên. Nếu bạn chưa cho con của bạn, bạn nên nhớ rằng mỗi ngày đều là một ngày mới cho bổn phận làm cha mẹ. Bạn hãy bắt đầu từ ngày hôm nay những điều bạn chưa làm trong năm ngoái hay ngày hôm qua. Điều quan trọng là bạn cần biết rằng: ngay những chuyện lặt vặt vẫn có thể đưa đến những thay đổi lớn lao. Thực sự không phải là gia đình giàu hay nghèo, cũng không phải là cả hai vợ chồng cùng làm việc hay không. Xét cho cùng đó là cách bạn làm cha mẹ như thế nào mỗi ngày.

***

Bài của Nancy Kalish, đăng trên Reader’s Digest, tháng 6/1998

Nguồn CG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *