NIỀM TIN CỦA NGƯỜI VIỆT VỀ ÔNG TRỜI TRONG VĂN CHƯƠNG

Trần Đắc Điệp

 I. Dẫn Nhập

Khi đề cập đến ý thức của con người về một đấng tối cao thì hầu như trên thế giới này nơi nào cũng có. Mặc dầu ý niệm về đấng tối cao đó có những điểm tương đồng hoặc dị biệt nhau, nhưng nhìn chung mỗi quốc gia, dân tộc đều có nếp suy tư nhận thức về quyền chủ tể của một đấng thần linh vô hạn đang ngự trị trong vũ trụ này. Tùy theo giá trị văn hóa nhận thức mà suốt chiều dài lịch sử đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhân loại nói chung và của người dân Việt Nam nói riêng. Nhận thức ở đây bao gồm cả nhận thức về vũ trụ lẫn nhận thức về con người. Có những nhận thức có nguồn gốc từ cổ xưa thuộc văn hóa bản địa, cũng có những nhận thức mới được tài bồi qua quá trình phát triển của nền văn hóa hay kinh nghiệm sống của dân gian theo từng giai đoạn về sau. Tuy nhiên, cả nhận thức vũ trụ lẫn nhận thức về một đấng thần linh tối cao của người Việt cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề, đó chính là ý thức có một “ông Trời”. Hai tiếng “Trời ơi!” luôn là câu cửa miệng của người dân Việt Nam từ ngàn đời nay, nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức, trong nếp suy tư và cũng bộc lộ ra bên ngoài qua lời ăn tiếng nói, kinh nghiệm sống của dân cư Việt đã phản ánh khá rõ nét trong nền văn chương. Để thấy được ý nghĩa phổ quát trong nếp suy tư của Người dân Việt về ông Trời và thấy được tầm quan trọng của vấn đề. Qua bài khảo luận này người viết sẽ lần lượt tìm hiểu ít nhất ba điều căn bản sau đây trong ý thức của người Việt về ông trời mà văn chương Việt Nam đã phản ánh. Vấn đề thứ nhất, ý thức rằng ông Trời là nguồn của tạo hóa. Vấn đề thứ hai, ý thức rằng ông Trời có sự thưởng phạt công minh. Vấn đề thứ ba, ý thức rằng ông Trời luôn cầm giữ số mệnh của mỗi người.

II. Ý thức ông Trời là nguồn của tạo hóa

Ngay từ những ngày đầu của quá trình hình thành nền văn hóa sơ khai, cư dân Việt đã có ý niệm về một đấng thần linh tối cao luôn cai quản toàn cõi vũ trụ này. Họ ý thức rằng có một ông trời đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật và trong đó có con người, đúng như lời giáo sư Võ Tịnh Thu nhận định: “Dân tộc Việt Nam đã chia xẻ với nhiều dân tộc khác niềm tin về trời cao vô tận, về muôn vàn tinh tú, mưa gió, bão táp, sấm sét, huyền bí đáng sợ và họ tôn thờ một ông trời thiêng liêng như một đấng tối cao sinh dưỡng con người”. Do đó có câu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, khi ý thức được điều này họ đã từng biểu lộ dưới hình thức những câu ca dao, câu hát đối đáp. Hãy nghe lời tự tình của người thiếu nữ lẽ loi đơn độc khi đứng trước cảnh đất trời, nước non:

Thiên sinh nhân, hà nhân vô lộc?
Địa sinh thảo, hà thảo vô căn?
Một mình em bên mạn thuyền, dưới nước trên trăng
Biết cùng ai trao duyên gởi phận cho bằng thế gian!

Một khi chưa rõ ngọn nguồn của mọi sự vật, nhiều người đã đi tìm, từ cái triết lý của văn hóa nhận thức đến hiểu biết tận tường về căn nguyên của tạo vật, ý thức đó cũng đi vào ngay cả trong câu hát giao duyên. Để ý đến lời đánh đố của cô gái với chàng trai trong câu hát mới thấy cái ý thức về ông trời của người Việt mới thâm thúy làm sao, bằng sự biểu đạt của văn chương:

“Thấy anh hay chữ em hỏi thử câu này!
Từ thuở khai Thiên lập Địa, ông Trời ai xây?”

Khi đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, thiên nhiên rộng lớn, bao la vô cùng tận thì nhiều người tự hỏi:

“Núi này ai đắp mà cao
Sông kia ai bới ai đào mà sâu
Nước non là nước non trời
Ai phân được nước ai dời được non”

Câu hỏi ”ông Trời ai xây?” hay “Trời đất từ đâu mà có?” luôn nằm trong nếp suy tư của mỗi người dân Việt và hàm chứa trong văn chương Việt Nam. Đặc biệt sống trong một cộng đồng văn hóa trồng lúa nước lâu đời, nên  cách ứng xử với môi trường tự nhiên, nghề trồng trọt buộc người dân phải sống định cư để chờ cây cối lớn lên, ra hoa kết trái và thu hoạch mùa màng. Do sống phụ thuộc vào thiên nhiên nên dân nông nghiệp có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với thiên nhiên. Đó là lý do vì sao người dân Việt Nam cứ mở miệng ra là nói “lạy Trời!”, “nhờ Trời”, “ơn Trời”. Cùng một lẽ ấy, ngày xưa khi nền nông nghiệp còn ở trong giai đoạn phôi thai, đời sống của người nông dân phụ thuộc vào những biến đổi của thời tiết, có nhiều khi con người là nạn nhân khốn khổ của nạn hạn hán, lụt lội, bão tố, gió mùa của thú dữ và bệnh tật. Đứng trước cuộc sống bấp bênh hãi hùng như thế, người dân Việt chỉ biết trông cậy vào ông Trời, cho nên hai tiếng “lạy Trời” luôn ở đầu môi của mọi người dân Việt. Người xưa tin mọi hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong ý định của Trời. khi gặp lúc thời tiết hạn hán, không có nước để gieo trồng thì người nông dân Việt cầu Trời. bài đồng dao sau đây là một bằng cớ:

“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Lấy ông nắng lên
Cho trẻ con chơi
Cho già bắt rận
Cho tôi đi cày”

Khi trông mong thời tiết mưa thuận gió hòa nhưng không có mưa thì nổi lo lắng của người nông dân càng thêm chồng chất:

“Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo thảm chưa hỡi trời!”

Thật vậy, như điều đã nói trên người dân Việt đa số sống bằng nông nghiệp, đã biết rõ có được cơm no, áo ấm là nhờ ơn trời, biết có ông Trời nhưng không biết cách nào để cho đẹp lòng Trời, chỉ thầm biết ơn:

“Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu”

Hoặc:

“Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi
Nhờ trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau”

Khi thời tiết thất thường thì cầu mong trời cho thuận lợi để yên tâm sản xuất, tỉa trồng, bài ca dao sau đây thể hiện lòng mong mõi đó:

“Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa,trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm
Trời êm bể lặng, mới yên tấm lòng”
Cũng có lúc người nông dân cầu rằng:
“Lạy trời cho cả gió suông
Cho hoa gạo rụng xuống, cỏ may xỏ vào
Lạy trời cho cả mưa rào
Cho sấm cho chớp, cho bão to gió lớn
Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên”

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam có ý thức ông Trời là đấng linh thiêng, nên phải cần đến Trời để an ninh làm ăn sinh sống, phải biết sống sao cho phải lẽ Trời mới được hanh thông, nên tục ngữ có câu: “Biết sự Trời muôn đời chẳng khó”. Ngoài ý thức ông Trời là căn nguyên của tạo hóa, thì văn chương Việt Nam còn phản ánh khá rõ nét ý thức ông Trời có sự thưởng phạt công minh mà phần tiếp theo sau người viết sẽ đề cập đến.

III. Ý thức ông Trời có sự thưởng phạt công minh

Căn cứ trên những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện truyền miệng của dân gian mà người xưa đã để lại. Chúng ta thấy đằng sau những câu thơ, câu chuyện ấy luôn tiềm ẩn lẽ đạo về Trời, về một đấng tể trị tối cao luôn kiểm soát, sắp đặt mọi việc và thưởng phạt cách công minh đối với những kẻ sống dưới trần gian này. Người dân Việt tin có luật gieo gặt, luật báo trả. Nếu ai đó ở đời làm điều ác, thì chẳng những ngày sau bị báo trả, mà quả báo nhãn tiền ngay chính đời này:

“Đạo Trời báo phục chẳng lâu
Hễ mà thiện ác đáo đầu chẳng sai”

Cho nên người xưa tin rằng không ai có thể thoát khỏi luật pháp công minh của Trời “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” , ông Trời trong ý thức của người Việt nam giống như hình ảnh của vị quan tòa công bình phán xét đúng người, đúng tội theo từng công việc của mỗi người. Nên có câu: “Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay” hoặc “Chạy trời không khỏi nắng”. Có đôi lúc vì không chịu được những khó khăn túng quẩn, nhiều người buột miệng kêu than, trách móc:

“Ông Trời sao ở bất công
Kẻ ăn không hết người lần không ra”

Tuy nhiên, cho dù hoàn cảnh có gặp khó khăn trắc trở, sự gian nan khổ cực trăm bề đi chăng nữa người dân Việt vẫn ẩn chứa lòng kính sợ Ông Trời:

“Trách thân chẳng dám giận trời
Trách than lắm lắm giận trời bao nhiêu”

Thậm chí  ngay cả khi cuộc đời đưa đẩy con người đến chốn đường cùng, bán thân nuôi miệng, bị đọa đày thân xác, hoa tàn liễu giập thì họ cũng chỉ biết than thân, trách phận, kêu trời mà thôi:

“Giường cao rút ngược dây oan
Dẫu là đá cũng nát gan lọ người
Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan này còn một kêu Trời nhưng xa”

Hãy nghe lời tự tình của cô gái sông Hương:

“Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh”

Ngay cả trong lĩnh vực tình yêu hôn nhân, thì văn chương Việt Nam cũng biểu lộ mức độ thưởng phạt mà ông trời sẽ giáng trên những kẻ bất chính trong đời sống vợ chồng:

“Con cò lấp ló bụi tre
Sao cò lại muốn lăm le vợ người
Đã thành gia thất thì thôi
Đèo bong chi lắm tội trời ai mang”

Cuộc sống của người dân Việt khi xưa đối diện với những thăng trầm, khó khăn, cơ cực hoặc đối diện với những bất công trong xã hội thì họ thường phó thác cho sự báo ứng của Trời nên có câu: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” nghĩa là “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt”. cho nên “biết sự Trời muôn đời chẳng khó” và “làm người phải giữ đạo Trời chớ sai”. Sâu thẳm trong tâm hồn người Việt vẫn biết ông Trời cầm cán cân công lý, do đó mà họ quan niệm:

“Ở hiền thì lại gặp lành
Người ngay thì được người tiên độ trì”

Mức độ cao thấp, giàu nghèo khó có thể lường trước được. Dưới sự định đoạt của Trời cao, sự thay đổi biến thiên của thời cuộc thì tất cả mọi thứ đều bị đảo lộn bởi sự can thiệp của ông Trời:

“Trời làm một trận lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông”

Ngoài những câu ca dao, tục ngữ mà qua kinh nghiệm sống con người đã đúc kết thì trong văn chương Việt Nam còn có những câu chuyện truyền miệng hàm chứa về sự thưởng phạt với hành vi đối xử của mỗi người khi sống trên đời này. Quan niệm của người xưa cho rằng có nghiệp báo trả: “Đời Cha ăn mặn, đời con khát nước”, còn nếu cha mẹ ăn ở hiền lành thì để đức lại cho con cháu về sau:

“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con”

Câu chuyện “Cái Cân Thủy Ngân” phản ảnh khá rõ nét về luật báo trả của Ông Trời. Chuyện kể rằng: Có đôi vợ chồng thương gia giàu có sinh được hai đứa con trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú. Chúng lớn lên trong sự giàu có của gia đình, thế nhưng một hôm tự dưng hai đưa con lăn đùng ra chết. Cha mẹ chúng khóc than tiếc nuối, và trong đêm đó nằm mơ thấy có người bảo rằng: hai đứa con chỉ là hai giọt thủy ngân mà vợ chồng ngươi đã bỏ vào cán cân để gian lận trong việc mua bán, nên ông Trời đã trừng phạt cất lấy hai đứa con này”.  Đây quả là câu chuyện nhằm răn đe con người phải sống ngay thẳng thành thật đồng thời cũng cho thấy đằng sau công việc của từng người đều có luật báo ứng của ông Trời. Chúng ta không thể kể hết những điều thú vị khi người Việt  ý thức về ông Trời diễn đạt trong văn chương Việt Nam, cả văn miệng lẫn văn viết đều chứa đựng ý nghĩa, đạo lý về đấng đoán phạt công bình. Từ ý thức ông Trời là đấng tạo hóa, đấng xét xử công bình nên đã khiến cho nhiều người ý thức ông Trời còn là đấng cầm giữ số mệnh của mỗi người trong tay. Để hiểu rõ vấn đề cách thấu đáo người viết sẽ trình bày trong phần tiếp theo sau đây.

 IV. Ý thức ông trời cầm giữ số mệnh của mỗi con người

Như điều đã nói trên, khi con người có ý thức rằng ông Trời là đấng tối cao có quyền phán quyết, báo trả những việc làm của mọi người ở trên thế giới này thì cũng có quyền cầm giữ số mệnh của từng cá nhân thì người dân Việt càng ý thức hơn quyền sống chết đều nằm trong tay của ông Trời “vắn dài có số, tươi héo bởi Trời”. Dựa trên truyện kể dân gian, ca dao tục ngữ, chúng ta có thể cho rằng tín ngưỡng nguyên thủy của dân Việt Nam là thờ Trời, tin vào một ông Trời sinh dưỡng sắp đặt, kiểm soát, thưởng phạt mọi việc và giữ an ninh trật tự cho loài người. Trời phú cho mỗi người một số mệnh khác nhau, nên nhiều người quan niệm:

“Đời người ai cũng có phần
Vinh hoa có lúc, phong trần có khi
Rồi ra có lúc có thì
Hết cơn bỉ cực đến kỳ thái lai”

Vì thế muốn thành công trong cuộc sống, con người phải thông hiểu lẽ trời. dân gian đã quan sát và ghi nhận sự hiện hữu của hiện tượng biến chuyển, đổi thay trông vũ trụ, trong xã hội loài người, mọi điều xảy ra không thể chống lại được nên đã tự an ủi rằng Ông Trời còn có lúc này lúc khác huống chi là cuộc đời, thời vận của mỗi con người trên thế gian này. Cũng đã có nhiều người nổ lực suốt đời nhằm tạo cho mình công danh sự nghiệp nhưng rủi ro thì nhiều mà may mắn thì ít, thành ra dân gian thường rút lại một điều: “Mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên” hay có người suy nghĩ: “Trời cho hơn lo làm”. Xét trên lĩnh vực hôn nhân, đời sống vợ chồng thì ý thức định mệnh an bài của ông Trời lại càng biểu lộ cách rõ nét hơn. Quả thật không ai biết được người nào là vợ là chồng của mình trong tương lai nên người dân Việt tin rằng: “Lương duyên do Túc Đế, giai ngẫu tự Thiên thành”. Họ cho rằng cuộc đời có ra sao cũng tùy thuộc ý định đoạt của ông Trời, Mọi sự trên đời giàu sang, sướng khổ, đói no, hạnh phúc đều nằm dưới Thiên mệnh, con người không thể cải lại với ông Trời được. Đó là lý do vì sao trong phần kết của tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”. Nguyễn Du đã thay lời nhân vật thốt lên:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai…”

Quả thật, với quan niệm ông Trời luôn cầm giữ số mệnh trong tay nên người dân  Việt luôn lạc quan trong cuộc sống, dù cho hoàn cảnh có đổi thay thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn biết tự an bài. Vì họ tin số phận con người trong tay ông Trời, nên có đôi lúc cuộc đời xảy ra thế nào thì họ cũng đành cam chịu.

V. Kết Luận

Nói tóm lại, hình ảnh ông Trời trong ý thức của người Việt được diễn đạt qua văn chương Việt nam là hình ảnh của một đấng tạo hóa, đấng làm nên mọi thứ trên thế giới này,  điều đặc biệt xảy ra trong nếp suy tư của nhiều người dân Việt Nam cũng giống như bao nhieu dân tộc khác là mỗi khi đứng trước cảnh trí thiên nhiên và toàn cõi vũ trụ rộng lớn này nhiều người đã đi từ nhận thức rằng đằng sau mọi thứ hiện hữu này phải có một đấng tối cao đang cai quản và đấng ấy chính là ông Trời mà người Việt Nam từ bao đời nay tin là có thật. Ông Trời trong ý niệm của người việt cũng giống như một vị quan tòa công chính, xử phạt từng cá nhân con người cách không thiên vị, đồng thời quan niệm của người Việt tin rằng số mệnh của con người còn nằm trong quyền định đoạt của Trời cao như một vị hung thần, cho nên con người không thể chống lại ý định của ông Trời. Suy xét trên nền tảng của Thánh Kinh Chúng ta có thể nhận thấy được rằng ý thức của người Việt về ông Trời và niềm tin của Cơ đốc nhân có một số điểm khá tương tương đồng. Tuy nhiên, với ý thức về ông Trời của người Việt Nam như thế thì chưa đủ, vì họ vẫn biết có ông Trời nhưng không biết làm thế nào để đẹp lòng Trời, biết ông Trời nhưng chỉ trong ý niệm thì không thể nhận được sự cứu rỗi từ nơi ông Trời. Do đó người Việt cần đến Phúc âm hơn bao giờ hết. Với mong muốn chuyển tải phúc âm cho người Việt cách tỏ tường và hiệu quả, thiết tưởng chúng ta cần hiểu rõ hơn nếp suy tư của họ, hãy tìm ra điểm tương đồng trong ý thức về ông Trời của người dân Việt với niềm tin về Đức Chúa Trời mà Cơ đốc giáo đang tin, hầu đem họ đến niềm tin đích thực để được cứu rỗi trong Tình yêu của Thiên Chúa.

Thư mục tham khảo:

Giảng Văn Lớp 9, (NXB Giáo Dục, 1980)
Nguyễn Du, Truyện Kiều.(Thanh Hóa: NXB Thanh Hóa, 2004)
Phương Thu, Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. (NXB Thanh Niên 2004)
Trần Ngọc Thêm Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam. (NXB Giáo Dục 1999)
Võ Tịnh Thu, Văn Chương Việt Nam (California, Viện Thần Học Tin lành Việt Nam 2004)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *