NƯỚC, VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP

Gs. Vs. Trần Ngọc Thêm

I- NƯỚC, VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP: CÁI GÌ VÀ TẠI SAO?

1.1. Hội nhập là một loại quan hệ giữa hai đối tượng không chỉ khác nhau về độ lớn (kích thước), mà còn phải thuộc những bậc (cấp độ) khác nhau (ví dụ sông và biển, quốc gia và khu vực), trong đó đối tượng bậc thấp chủ động tham gia vào đối tượng bậc cao và họat động phù hợp với nó. Kết quả là đối tượng bậc thấp chịu ảnh hưởng rất nhiều của đối tượng bậc cao, nhưng nó cũng góp phần nhất định tác động đến đối tượng này.

Hội nhập cần phân biệt với một loạt khái niệm liên quan như tiếp xúc, giao lưu… Tiếp xúc là quan hệ bình đẳng giữa hai đối tượng bất kỳ chưa đi đến trao đổi và chưa đem lại kết quả gì. Giao lưu là sự tiếp xúc giữa hai đối tượng coi là ngang hàng và đã có trao đổi, dẫn đến có ảnh hưởng lẫn nhau. Tiếp xúc, giao lưu và hội nhập đều có thể gọi chung là tụ (“tụ” có nghĩa là nhóm lại).

Giữa hai đối tượng không tương đương, đối tượng lớn ảnh hưởng đến đối tượng nhỏ một cách tự nhiên là quan hệ khuyếch tán. Còn nếu đối tượng lớn chiếm đoạt đối tượng nhỏ, dẫn đến cả hai cùng biến đổi là quan hệ thôn tính. Nếu đối tượng lớn không chiếm đoạt, mà thay nội dung cũ của đối tượng nhỏ bằng nội dung của mình là quan hệ giáo hóa.

 CÁC KHÁI NIỆM    CÁC ĐỐI TƯỢNG   QUAN HỆ
Tương quan lực lượng Vai trò
chủ động
         Thái độ

      của chủ thể

 Trao đổi Kết quả
TỤ   Tiếp xúc     bất kỳ    bất kỳ    tôn trọng lẫn nhau
  Giao lưu coi là tương  đương    cả hai     tôn trọng lẫn nhau ảnh hưởng lẫn nhau
  Hội nhập khác bậc bậc thấp tôn trọng đối tác bậc thấp tham gia vào bậc cao
Khuyếch tán không tương đương lớn tự nhiên, không để ý đến đối tác không nhỏ tiếp nhận lớn
Thôn tính không tương đương lớn cưỡng bức
đối tác
lớn tiếp nhận nhỏ, cả hai cùng biến đổi
Giáo hóa không tương đương lớn cưỡng bức
đối tác
không nhỏ bị diệt và đổi theo lớn

Hội nhập xã hội, trong đó đối tượng bậc cao là không gian trên quốc gia gọi là quốc tế hóa. Tùy theo quy mô, quốc tế hóa có hai mức độ là khu vực hóa và toàn cầu hóa.

1.2. Trước đây, người ta nói đến khu vực hóa hoặc quốc tế hóa một cách chung chung. Trong hơn 10 năm trở lại đây, nhờ sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật tin học và viễn thông mà thế giới đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa. Bởi vậy, hiển nhiên là hội nhập đang được nói đến nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải đợi đến toàn cầu hóa mới có hội nhập; hội nhập của tự nhiên và xã hội đã tồn tại từ lâu. Nước và văn hóa cũng không nằm ngoài phạm vi đó.

Nước là một trong những hiện tượng tự nhiên điển hình, còn văn hóa là một hiện tượng xã hội điển hình. Con người từ tự nhiên mà ra, rồi lại khai thác và sử dụng tự nhiên, cho nên nước và văn hóa chắc chắn phải gắn bó khá mật thiết với nhau, song, do lối tiếp cận chuyên ngành và thói quen tư duy phân tích nên lâu nay khoa học chưa chú ý đúng mức đến cặp khái niệm này.

Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là tìm hiểu cặp khái niệm “nước” và “văn hóa” và mối liên hệ của chúng với quan hệ hội nhập. Tư liệu trong bài được sử dụng theo nguyên tắc “vết dầu loang” (nước!): tư liệu Việt Nam là chủ yếu, thứ đến là tư liệu khu vực, và ở mức độ thấp hơn là tư liệu quốc tế.

II- TỪ NƯỚC ĐẾN VĂN HÓA

2.1. Nước là một loại vật chất cực kỳ đặc biệt. Trên địa cầu, nhìn xung quanh chỉ thấy có nước và đất. Tuy cả hai đều rất quan trọng, song về khối lượng thì nước nhiều hơn đất. Nước tự do chiếm ¾ bề mặt trái đất, với thể tích gần 1,4 tỷ m3. Lượng nước thấm trong lòng đất còn nhiều hơn: trong lớp vỏ bao của địa cầu chứa tới 200 tỷ km3, tức là gấp 150 lần lượng nước trên bề mặt. Thậm chí ngay đá cũng chứa nước: trong đá trầm tích có 16% nước, còn trong đá granit và bazan có 5,3% (Lê Duy 1978). Đó là chưa kể đến nước trong các túi nước ngầm, nước băng hà, hơi nước trong lòng đất và khí quyển. Như vậy, nếu tính theo khối lượng, trái đất của chúng ta phải gọi là “TRÁI NƯỚC” thì mới đúng.

Trong cấu trúc động thực vật thì nước chiếm 95-99% trọng lượng các loài cây dưới nước, 80% trọng lượng các loài cá, 70% trọng lượng các loài cây trên cạn, 65-75% trọng lượng con người và các loài động vật. Trong cơ thể người và động vật, nước chiếm 95% trọng lượng huyết tương (Lê Duy 1978). Xét theo tỷ lệ nước, có lẽ con người và mọi sinh vật đều xứng đáng được gọi là “THỦY VẬT”!

2.2. Xét về nguồn sống thì tuy con người và phần lớn động thực vật tồn tại trên mặt đất, nhưng tất cả lại đều sống nhờ nước. Nước gắn liền với sự sống hơn bất kỳ loại vật chất nào.

Sự sống bắt nguồn từ trong lòng nước: khởi đầu cho sự sống là việc xuất hiện trong nước những giọt abumin, rồi đến những loài tảo, các loài cá nguyên thủy… Và khi các loài cá nguyên thủy bò lên cạn đi tìm nguồn nước khác thì vây chúng biến thành chân, cánh… tạo nên các loài thú đi trên đất, các loài chim bay trên trời. Để ghi nhớ quá trình từ nước đi ra này, con người đã tái hiện nó trong giai đoạn bào thai, 9 tháng 10 ngày nằm trong túi nước ối.

Con người và động vật không ăn đất nhưng uống nước. Trong người và động vật, nước luôn luân chuyển để đưa các chất dinh dưỡng và ôxy cung cấp cho cơ thể, đồng thời đưa các chất độc thải ra ngoài. Con người có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn uống quá một ngày. Khi trọng lượng nước trong cơ thể hụt quá 12%, con người sẽ chết. Thực vật cũng không ăn đất mà hút nước từ trong lòng đất cùng với các khoáng chất hòa tan trong nó lên nuôi cây. Mà thực ra thì thực vật cũng không “hút” nước mà chính là nhờ nước có sức căng bề mặt lớn hơn mọi chất lỏng (chỉ kém thủy ngân), tạo nên sức mao dẫn mạnh nên trong môi trường chân không của thân cây, nó đã tự “đưa” mình lên nuôi cây.

2.3. Sự có mặt của nước là điều kiện đầu tiên để xác định sự tồn tại của sự sống. Trên sao Hỏa hầu như không có nước, nên cũng không thể có sự sống. Đã không có sự sống thì không có con người, và do vậy cũng không thể có văn minh và văn hóa.

Vùng sa mạc Sahara từng là một vựa lúa vào thời cổ La Mã; vào tk 8 trCN, trung tâm của nó từng chứng kiến sự hưng thịnh của triều đại Pienkhi. Khi nguồn nước cạn, độ ẩm giảm xuống thì sự sống và toàn bộ nền văn hóa, văn minh ở đây cũng tàn lụi theo. Phần lớn các nền văn hóa cổ nổi tiếng đều hình thành ở lưu vực các con sông lớn: văn hóa Ai-cập ở lưu vực sông Nile, văn hóa Lưỡng Hà ở lưu vực hai con sông Tigris và Euphrates, văn hóa Ấn Độ ở lưu vực sông Indus, văn hóa Trung Hoa ở lưu vực sông Hoàng Hà. Riêng văn hóa Hy-La mang tính hàng hải và mục súc thì tuy không ở ven sông nhưng lại ở ven biển Địa Trung Hải. Rõ ràng là thiếu nước thì không thể có văn hóa mà cũng chẳng có văn minh.

III- VĂN HÓA NƯỚC

3.0. Nước ở Đông Nam Á

Văn hóa sử dụng nước, ứng xử với nước có thể gọi tắt là văn hóa nước. Trong phương Đông thì văn hóa nước điển hình có lẽ là văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á (theo ý nghĩa địa-văn hóa của địa danh này), bởi lẽ đây là vùng chịu ảnh hưởng lớn của sông nước và đại dương. Lượng mưa trung bình năm ở đây vào loại cao nhất thế giới (trên 2.000mm, có nơi thậm chí còn đạt tới gần 8.000mm). Về độ ẩm thì khu vực này cũng không nhường cho ai: độ ẩm trung bình năm ở Việt Nam dao động trong khoảng 73-93 %. Về sông, cả nước có 2360 con sông dài trên 10km, mật độ sông trung bình vào khoảng 0,5-1km/km2 (trung bình cứ 20km bờ biển có một cửa sông). Về biển, Việt Nam trung bình cứ khoảng 100 km2 có 1km bờ biển và không có nơi nào cách xa biển quá 500km. Philippines có 1.107 hòn đảo, còn Indonesia với 13.677 hòn đảo là quốc gia quần đảo thuộc loại lớn nhất thế giới.

Do địa hình cư trú là vùng sông nước nên ở đây mọi thứ đều phải thích nghi với nước: từ thực vật, động vật đến con người. Và con người đã tạo nên một nền văn hóa nước đa dạng: tận dụng nước; đối phó với nước; sùng bái nước và lưu luyến nước.

3.1. Tận dụng nước

Để ĂN, từ 5 -6 ngàn năm trCN, người Việt Nam và Đông Nam Á đã sử dụng chủ yếu là cây lúa nước. Từ hạt thóc, người Việt Nam chế biến ra nhiều thứ: cơm, xôi, cháo, bỏng, cốm, miến, cơm đồ, cơm lam, cơm tấm, bánh đa (bánh tráng), bánh cuốn, bánh trưng, bánh dày…Trong bữa ăn của người Việt Nam, cơm gạo chiếm tới 70-80% cơ cấu bữa ăn, bởi vậy mà tiếng Việt gọi bữa ăn là bữa cơm. Sau cơm thì đến rau, và loại rau được ưa thích bậc nhất là rau muống một loại thực vật sống trong nước đã trở thành một trong những biểu tượng của người Việt Nam. Cá là thành phần thứ ba (sau cơm và rau). Điều tra riêng vùng Hội An đã thấy có tới tổng cộng 70 nghề đánh bắt thủy sản truyền thống, trong đó có 18 nghề nước ngọt, 18 nghề nước mặn và 34 nghề nước lợ (Hội VNDGVN 2001). Với cá, người Việt Nam có rất nhiều cách chế biến: nướng, rán, hấp, nấu, luộc, kho, dim, hầm, phơi khô, làm gỏi, làm mắm, làm ruốc, làm chả… Nước mắm và các loại mắm làm từ thủy sản là sáng tạo đặc thù của cư dân Việt Nam và Đông Nam Á.

Để Ở, do khí hậu nóng bức nên nhà của người Việt Nam thường chọn dựng ở gần những nơi có sông suối; nếu không có sông suối thì đào ao. Và vì địa hình sông nước nên nhà ở của toàn khu vực Đông Nam Á trước đây đều có một nét đặc trưng chung là làm trên sàn cao để tránh nước. Về sau, khi đã chuyển sang ở nhà đất, người Việt vẫn có thói quen đắp nền caođể chống nước (thành ngữ nhà cao cửa rộng). Ngoài nhà sàn, ở Việt Nam còn rất phổ biến hình thức cư trú gọi là nhà thuyền, nhà bè, làng chài để tận dụng sông nước mà đánh bắt cá.

Để ĐI LẠI, từ ngàn xưa, sông nước và biển cả đã được tận dụng làm phương tiện đi lại chủ yếu của Việt Nam và Đông Nam Á. Theo W.G. Solheim II (197l: 8l) thì “Xuồng đục thân thân cây có lẽ đã được sử dụng trên các sông rạch Đông Nam Á rất lâu trước 5.000 năm trCN. Rất có thể các bộ phận giữ thăng bằng lồi ra hai bên xuồng cũng được sáng chế tại Đông Nam Á khoảng 4.000 năm trCN, làm cho xuồng được vững chắc hơn trong khi cần vượt biển”. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng người Việt cổ “giỏi dùng thuyền”. Vô số những hình thuyền các loại chạm khắc trên các đồ đồng Đông Sơn là chứng tích cho điều này. Ở Việt Nam sông nước,thuyền rồng là biểu tượng của quyền uy, trong khi ở Trung Hoa cái sang trọng của vua thể hiện ở các cỗ xe tam mã, tứ mã.

Phương tiện GIAO THÔNG – VẬN TẢI trên sông nước ở Việt Nam hết sức phong phú: thuyền, đò, ghe, xuồng, bè, mảng, phà, tầu,… Ghe thuyền được xem như con người; người Việt Nam có tục vẽ mắt thuyền, họ tin rằng con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi bị thủy quái làm hại; giúp cho ngư dân tìm được nơi nhiều cá. Theo Tấn thư thì vào thế kỉ III Việt Nam đã làm những con thuyền đi biển có thể chở tới 600-700 người. Sau khi đánh bại nhà Hồ vào thế kỷ 15, giặc Minh đã tìm lấy được 8.865 chiếc thuyền, bắt đưa về Trung Hoa rất nhiều thợ đóng thuyền giỏi. Ở Nam Bộ, sông nước được tận dụng làm nơi để họp chợ mua bán.

Sông nước ảnh hưởng đến TỔ CHỨC ĐÔ THỊ: Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các đô thị Việt Nam trong lịch sử đều ở bên sông hoặc là những cảng sông, cảng biển: Lào Cai, Yên Bái, Việt Trì, Hà Nội bên sông Hồng; Thái Nguyên bên sông Cầu; Hải Phòng bên sông Đáy; Thanh Hóa bên sông Mã; Vinh bên sông Cả;Huế bên sông Hương; Đà Nẵng ở cửa sông Hàn; Tp. Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn; Cần Thơ trên sông Hậu; rồi Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An xưa và Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàunay đều là những cảng biển. Ngay cả ở giữa Hà Nội, trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây, ta cũng có thể gặp cảnh người đi đánh dậm như ở làng quê vậy.

Trong QUÂN SỰ, những trận thắng lớn của Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm đều là những trận thuỷ chiến. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng người Việt cổ “lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến”. Triệu Quang Phục chống quân Lương ở đầm Dạ Trạch vào tk. 6; Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938; vào thế kỷ XIII, quân Nguyên-Mông bị Trần Hưng Đạo đánh tan trên sông Bạch Đằng và Trần Nhật Duật tiêu diệt trên sông Mã; Nguyễn Huệ thắng quân Xiêm năm 1785 trên khúc sông ở Rạch Gầm – Xoài Mút, v.v.

Ngay cả việc rất đời thường là chuyện giải quyết “đầu ra” (đi VỆ SINH) cũng không tránh khỏi sự chi phối của môi trường sống nơi sông nước hồ ao mà dân gian Việt Nam gọi là đi cầu. Âu cũng là một cách tận dụng –  tận dụng sông nước và chất thải của mình để nuôi cá[1].

3.2. Đối phó với nước

Sông nước được tận dụng trong giao thông đường thủy nhưng lại cản trở giao thông đường bộ. Để đối phó, ở Việt Nam đã hình thành cả một nghệ thuật BẮC CẦU. Cầu phao, cầu thuyền được nhà Lý bắc qua bến Đông Bộ Đầu từ năm 1214. Chất văn hóa thể hiện ở chỗ người Việt tìm thấy cái thi vị, cái thú vui cả khi đối phó với nước. “Cầu khỉ” làm bằng 1-2 cây tre, đi qua như khỉ làm xiếc trên dây. “Cầu mây” bắc qua khe núi, chơi vơi trên cao như mây bay. “Cầu ngói” có mái che, có thể có cả ghế để ngồi, nằm. “Cầu chùa” còn có cả chùa trên cầu cho khách ghé vào viếng Phật. Không gì thi vị và vui mắt bằng việc đưa đón dâu trên sông, qua sông.

Nước đứng đầu các yếu tố cần thiết của nghề nông (nước – phân – cần – giống). Cây lúa đòi hỏi rất nhiều nước: trung bình một mẫu ruộng (= 4.894 m2) mỗi mùa cần từ 4.000 đến 15.000 m3 nước, để có được 1 kg lúa cần tới 4,5 tấn nước. Để GIỮ NƯỚC, người Việt Nam và Đông Nam Á đắp bờ chia ruộng thành từng khoảnh nhỏ. Miền núi đất dốc giữ nước bằng hệ thống ruộng bậc thang. Để dự trữ nước, bên cạnh các láng, đầm thiên tạo, người Việt Nam đã đào hồ, ao, bàu, đià… Để dẫn nước, bên cạnh các sông, rạch, xẻo, người Việt Nam đào kênh, mương, rãnh. Để điều chỉnh nước, người Việt Nam làm các cống, kè. Cha ông xưa đã sáng tạo ra các công cụ tát nước như gàu dai, gàu sòng. Ở các vùng sông suối có độ dốc cao, người ta làm cọn nước một cỗ máy tự động dùng chính sức nước để đưa nước lên cao hàng chục thước, đây là phát minh bắt nguồn từ Đông Nam Á (Lê Duy 1978: 87).

Nước cũng luôn đe dọa cuộc sống của con người. Người Việt Nam coi nước là tai họa đứng hàng đầu: thủy- hỏa – đạo – tặc. Để CHỐNG LỤT, người Việt Nam từ thời dựng nước đã tiến hành đắp đê ngăn nước, việc này được ghi lại một cách hình tượng trong truyền thuyết Sơn tinh – Thuỷ tinh. Năm 1907, P. Pasquier tính ra rằng tổng số chiều dài đê điều ở Bắc Bộ Việt Nam là 2.400km, và nếu tính trung bình mỗi con đê cao 4m, mặt rộng 6m, chân 12m thì số đất đá đã phải dùng để đắp đê là 156 triệu m3 (Văn Tạo 1979: 8l). Đê không chỉ chống lụt mà còn NGĂN NƯỚC MẶN, giúp con người giành giật đất với biển cả (như ở vùng Thái Bình).

3.3. Sùng bái nước

Những khó khăn mà nước gây ra khiến con người sợ nước. Sợ nhưng vẫn không thể sống thiếu nó được nên tôn sùng.

Người Ấn Độ rất ngưỡng mộ, tôn thờ và thần thánh hóa nước: Họ tin rằng tắm nước sông Hằng có thể tẩy sạch mọi tội lỗi, uống nước sông Hằng sẽ kéo dài tuổi thọ và được thả tro xác ở sông Hằng sau khi chết sẽ được lên trời gặp nữ thần Ganga. Nước sông Hằng gắn bó với mọi hoạt động tôn giáo cũng như đời thường của tín đồ Ấn giáo: Trước khi cầu nguyện, họ rảy nước sông Hằng lên đầu; trước khi ăn, họ rảy nước sông Hằng lên thức ăn; họ thề trước sông Hằng như tín đồ Islam thề trước kinh Coran; và khi chết, họ mong được nhỏ vài giọt nước sông Hằng vào miệng trước khi hỏa táng.

Cư dân Việt Nam luôn tôn thờ nước như một trong những lực lượng tự nhiên quan trọng nhất. Đó là Mẹ Nước, Bà Thủy, hay Mẫu Thoải (biến âm từ chữ Thủy), rồi Bà Chúa Sông, Bà Chúa Lạch. Sợ thiếu nước, người Việt thường xuyên cầu mưa thông qua việc thờ các bà Mây-Mưa-Sấm-Chớp, thờ tượng cóc; qua việc rước nước, đánh trống đồng, đốt pháo,… – tất cả đều nhằm nhắc nhở Trời làm mưa.

Chim với rắn, cá sấu là những loài động vật phổ biến hơn cả ở vùng sông nước và, do vậy, được sùng bái hàng đầu. Người Việt có câu: Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng. Cá sấu – Rồng được coi là chúa tể vùng sông nước với tên gọi Bua Khú (Vua Sấu) ở người Mường, Long Quân, Long Vương ở người Việt. Chữ “rồng” (Việt) và “long” (Hán) đều bắt nguồn từ krong, krông trong tiếng Đông Nam Á cổ có nghĩa là “sông nước”. Rất nhiều địa danh Việt Nam được đặt tên “Long/Rồng”: Hạ Long, Thăng Long, Cửu Long, Phước Long, Vĩnh Long, Long An, Long Biên, Long Thành, Long Xuyên, Hàm Rồng, Nhà Rồng…

Sau Rồng thì đến Rùa, trong tâm linh người Việt, Rùa cũng là biểu tượng cho sức mạnh thần kỳ của nước. Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa xây được là nhờ có Rùa vàng rẽ nước lên giúp và dâng móng chân làm lẫy nỏ để bảo vệ thành. Môtip Rùa vàng dâng móng giúp vua lặp lại một lần nữa vào tk. VI trong truyền thuyết về Việt vương Triệu Quang Phục. Tk. XV thì có truyền thuyết Rùa vàng dâng bảo kiếm giúp Lê Lợi chống giặc Minh.

Khi chết đi thì “thế giới bên kia” của người Việt cũng là sông nước – đó là nơi chín suối, tới đó phải đi bằngthuyền. Thời Đông Sơn, người chết được chôn trong những quan tài bằng thân cây đẽo theo hình thuyền, các di tích khảo cổ dạng mộ thuyền khá phổ biến. Ở Bắc Bộ và suốt miền duyên hải Trung Bộ còn lưu giữ nghi lễ“chèo đưa linh” – chèo đò tiễn đưa linh hồn người chết về chín suối.

Nước là đối tượng thờ cúng và cũng là phương tiện thờ cúng: Trên bàn thờ của người Việt, rượu có thể có hoặc không, nhưng li nước lã thì nhất thiết không bao giờ thiếu. Nhất thiết có, vì nó lúc nào cũng sẵn; nhất thiết có, còn vì ý nghĩa triết lý nước là thứ quý nhất đối với cư dân trồng lúa nước.

3.4. Lưu luyến nước

Chính vì sợ nước nên các loài cá xưa mới đi lên bờ để rồi thành các loài động vật và con người. Trốn tránh nước đấy nhưng vẫn yêu và nhớ nước khôn nguôi.

NHÀ sàn Đông Nam Á có một nét đặc trưng rất độc đáo là thường làm theo lối “hạ thu thượng thách”, mái có phần giữa thấp và hai đầu cong lên, tạo thành hình con thuyền để nhắc nhở đời sống nơi sông nước. Về sau, kiến trúc mái cong không còn giữ ở nhà thường dân nhưng vẫn bảo tồn ở các công trình kiến trúc lớn như đình chùa. Trong dân gian vẫn lưu giữ nhiều thuật ngữ mang dấu ấn đời sống sông nước như nhà lòng thuyền, cái quá giang…Đền tháp Chăm cũng có loại mái cong hình thuyền. Kiến trúc hình thuyền gặp ở cả các mái nhà mồ Tây Nguyên. Ở Trung Hoa, từ nhà thời Hán đến Cố Cung ở Bắc Kinh thời Minh đều làm mái thẳng; mái cong là do chịu ảnh hưởng từ phương Nam.

Về GIẢI TRÍ, các trò chơi của Việt Nam phần nhiều cũng đều xoay quanh sông nước. Các trò chơi đốt pháo, đập pháo có nguồn gốc từ tín ngưỡng cầu mưa; trò chơi thả diều có nguồn gốc từ tín ngưỡng cầu cạn; các trò rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo liên quan đến nước như thi thổi cơm, bắt chạch, bắt vịt, đi cà kheo, leo cầu ùm, đua thuyền, đua ghe, thi bơi, thi lặn, chọi trâu… Các trò cướp nước, rẩy nước, té nước trong các lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực NGHỆ THUẬT THANH SẮC thì nhóm nhạc cụ bộ gõ mô phỏng tiếng sấm sử dụng trong các nghi lễ cầu mưa có lịch sử lâu đời nhất và số lượng phong phú nhất (đàn đá, trống đồng, trống da, cồng chiêng, chuông, khánh, mõ, phách…). Hỗ trợ cho cuộc sống nơi sông nước có biết bao điệu hò: hò rời bến, hò cập bến, hò mắc cạn, hò chống sào, hò kéo lưới, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò chèo thuyền…; thuộc loại này còn có lốihát đò đưa nổi tiếng của những người chở khách qua sông. Múa rối nước là một loại hình sân khấu đặc sắc chỉ có ở nơi cuộc sống con người gắn quyện với địa hình sông nước.

Trong NGHỆ THUẬT HÌNH KHỐI, hết sức phổ biến là loại hoa văn hình sóng nước và hàng loạt hình trang trí là những con vật có nguồn gốc sông nước: Long (rồng), Quy (rùa), Ngư (cá), Liên áp (hoa sen – vịt)… Trong nhà, người Việt thích treo những bức tranh Cá chép trông trăng, Lý ngư vọng nguyệt, Em bé bế cóc…Trên đình làng thường treo những bức chạm cảnh tắm ao, chèo thuyền… Trong số 101 trống Đông Sơn có hoa văn trang trí trong cuốn Dongson drums in Vietnam (Phạm Huy Thông 1990), tất cả đều có hoa văn hình chim nước; 27 trống gắn tượng cóc, 18 trống có hoa văn hình thuyền, 6 trống có hoa văn hình rồng – cá sấu.

Trong NGÔN NGỮ, xuất phát từ nghĩa đen là chất lỏng, từ “nước” đã được người Việt dùng để chỉ rất nhiều nghĩa khác: Nước là quốc gia (việc nước); là môi trường sống (ngã nước); là sức mạnh (hết nước), là bề măt(nước da), là kết quả (chả nước mẹ gì); là giới hạn (đến nướcnày); là vị thế xã hội (nước lép); là cách sống của người (nước đôi)… Trên đất Việt Nam có rất nhiều địa danh chứa những yếu tố mang nghĩa sông nước: Bến (BếnTre, Bến Nghé…); Cửa (Cửa Ông, Cửa Lò…); Hà (Hà Nội, Hà Tiên…); Hải (Hải Hậu, Tiền Hải…). Trên địa bàn của riêng Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có tới l.319 địa danh là tên sông rạch (Lê Trung Hoa 199l: 52). Riêng sông Hồng với chiều dài l.140km đã từng có tới khoảng 50 tên gọi khác nhau, trong đó riêng đoạn từ Việt Trì ra biển có hơn 30 tên gọi: Lô, Nhị, Nhĩ, Cái, Hồng, Việt Trì, Mê Linh, Phú Lương, Bồ Đề, Thuý Ái, Xích Đằng…(Nguyễn Văn Âu 1993: 43-44).

Trong số 30.415 đơn vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao được khảo sát, có 4.872 đơn vị chứa các từ ngữ sông nước, tức là chiếm tới 16,02%. Nếu so sánh với đất thì nước thu hút sự quan tâm của người Việt một cách áp đảo: Trong 1.560 thành ngữ so sánh được khảo sát thì có 57 thành ngữ chứa từ nước, trong khi chỉ có 17 thành ngữ chứa từ đất và núi. Trong Truyện Kiều ta gặp 68 từ nước, trong khi chỉ có 25 từ đất và núi. Trong truyện dài Gặp gỡ cuối nămcủa Nguyễn Khải, ta gặp 100 từ nước, trong khi chỉ có 21 từ đất và núi.

Các từ ngữ liên quan đến sông nước được sử dụng rất đa dạng để chỉ các lĩnh vực của đời sống vật chất, xã hội và tinh thần: biển người, suối tóc, kênh liên lạc…; bờ vai, bếnxe…; con lươn, bọn tép riu, làm ăn cò con,đường xương cá…; bè phái, xe đò, đi quá giang, anh em cọc chèo, cầu thang…; cạn tình, vtệc ngập đầu, cuộc đời trôi dạt, giá cả trôi nổi, tràn ngập niềm vui, tràn trề hạnh phúc, cuộc đời sóng gió, dòng chữ,dònghọ, ngâm việc…; bơi trong công việc, duyên lặn, mặt trời lặn, lặn lội dường xá xa xôi, ngụp lặn trong cuộc sống, đắm mình trong suy tư, nhìn say đắm, sức học đuối, đuối lý; chìm đắmtrong hoan lạc, chìm ngập trong màn sương, của chìm của nổi, nổi giận, câu khách, làm việc câu dầm; mồi chài người khác…

Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm người Việt đến mức mọi HOẠT ĐỘNG TƯ DUY đều lấy sông nước làm chuẩn mực: Nói về tiết kiệm thì Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện; nói về nghị lực thì Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo; nói về kinh nghiệm làm ăn thì ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau; nói về cách ứng xử là đối xử với nhau như bát nước đầy; nói về cuộc đời không bằng phẳng thì Sông có khúc, người có lúc; nói về tư cách thì Chết trongcòn hơn sống đục; nói về phản ứng là Tức nước vỡ bờ; nói về việc phòng xa là Con một đừng đi đò đầy; về kẻ không biết lo xa là Nước đến chân mới nhảy; nói về lòng biết ơn thì Uống nướcnhớ nguồn; nói về nỗ lực vô ích thì Chết đuối vớ phải cọng rơm, hy vọng viển vông là Mò kim đáy biển; nói về sự phá sản là Mất cả chì lẫn chài; nói về thuận lợi là Nướcchảy chỗ trũng; nói về kẻ cơ hội thì Đục nước béo cò; Bắt cá hai tay; nói về sự đoàn kết thì Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; nói về sự nham hiểm thì Đố ai lặnxuống vực sâu, mà đo miệng cá uốn câu cho vừa; nói về quan hệ vợ chồng và tình yêu nam nữ thì: Thuyền theo lái, gái theo chồng; Thuyền về có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợithuyền…

IV- HỘI NHẬP NƯỚC VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

4.1. NƯỚC TỤ như thế nào?

Mọi hoạt động của con người khởi đầu đều bắt chước tự nhiên. Việc hội nhập thì bắt chước nước. Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân so sánh: Tụ nhân như tụ thủy.

Trong tự nhiên, nước là vật chất có tính giao lưu mạnh: hễ hai dòng nước, hồ ao mà gặp nhau là lập tức hòa vào nhau. Nước còn là môi trường giao lưu khí hậu: nó có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn hẳn các vật chất khác (gấp 10 lần sắt), vì vậy mà nước đại dương đóng vai trò chiếc máy điều hòa khí hậu của toàn bộ địa cầu: trong khi ở sa mạc sự chênh lệch ngày đêm có thể lên tới 60-70 độ, thì ở ven biển không quá 8-10 độ. Các dòng hải lưu chảy trên đại dương góp phần quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ giữa xích đạo và hai vùng cực.

Trong tự nhiên, nước cũng là vật chất có tính hội nhập rõ nhất: “nước chảy chỗ trũng” – chỗ cao bù vào chỗ thấp, muôn suối đổ về một sông, muôn sông đổ về một biển, mọi biển đều thông nhau.

4.2. NGƯỜI TỤ như thế nào?

Xét theo thời gian, chúng tôi phân biệt tụ cố định và tụ lâm thời. Xét theo không gian, có tụ tại chỗ và tụ từ xa. Xét theo mục đích, có tụ để làm ăn (chuyện kinh tế) và tụ để chơi (chuyện văn hóa – văn minh). Hai bình diện kinh tế và văn hóa – văn minh liên quan mật thiết với nhau, cái nọ sẽ kéo theo cái kia.

Tụ cố định thường là tụ tại chỗ. Con người trước hết cần ăn nên tụ cố định thường có mục đích chính là kinh tế. Trong tụ cố định thì địa điểm tụ là quan trọng nhất, chính nó với sức hấp dẫn của mình đóng vai trò “chỗ trũng” thu hút người như hút nước tụ về. Vậy năng lực kinh tế đã đủ làm nên sức hút chưa? Thoạt nhìn có thể nghĩ là đủ, song thực tế thì chưa. Những người giàu thuần túy, những nước giàu thuần túy (như Kuwait, Iraq…) chưa đủ sức hút. Trong một quốc gia thì người dân muốn đến các đô thị; trên thế giới thì người dân muốn đến các nước như Mỹ, Nhật, Úc… Phân tích kỹ thì thấy sức hút ấy có được là nhờ sự có mặt đồng thời của hai bình diện kinh tế và văn minh. GIÀU nhưng còn phải SANG nữa.

Tụ lâm thời là hình thức khá phổ biến xưa nay. Xét theo mục đích thì rất đa dạng. Hội chợ là tụ để kinh doanh. Hội thảo, hội nghị, hội ý, hội báo, hội thương, hội đàm… là tụ để thông tin, bàn bạc. Hội diễn là tụ để sinh hoạt văn hóa. Tụ lâm thời thường là tụ tại chỗ.

4.3. Xét theo phương tiện, lại có thể phân biệt tụ bằng đường thủy, đường bộ và đường không.

Xưa nay trong lịch sử, tụ bằng đường thủy là phổ biến nhất. Đường thủy vừa tiện lợi, rẻ tiền, lại an toàn. Thời xưa, trong phạm vi một quốc gia, giao thông đường thủy bao giờ cũng được ưu tiên, nếu không có thủy, mới phải dùng đường bộ. Vì vậy mà ở Việt Nam xưa, giao thông đường thủy rất phát triển, còn giao thông đường bộ thì trái lại, rất nghèo nàn. Người Nga đến Việt Nam vào tk. XIX nhận xét: “Khắp nơi người ở đông đúc… hàng nghìn con thuyền nhỏ qua lại trên sông và các kênh rạch”, “Hầu hết các thành phố và làng mạc Việt Nam đều ở bên sông và vì thế việc thông thương rất thuận tiện” (Những tiếp xúc… 1997: 18, 28).

Trên phạm vi quốc tế, sự giao lưu hội nhập giữa phương Đông và phương Tây diễn ra từ đầu công nguyên chính là bằng đường biển. “Từ đầu CN (hay trứơc đó ít lâu) đã tồn tại một luồng thương mại biển quốc tế, bắt đầu từ hải cảng Alexandrie (Bắc Phi, Địa Trung Hải), tỏa sang Nam Ấn Độ, từ đó lái buôn phương Tây (La Mã, A Rập, Ba Tư…) do con đường Miến Điện mà thông với Trung Quốc. Mặt khác, họ tiếp tục vượt biển qua miền bán đảo Đông Dương… mà buôn bán với Trung Hoa và các nước Nam Hải (Đông Nam Á) khác” (Viện ĐNÁ 1996: 12). Con đường này từng được gọi là “đường hồ tiêu” (chemin des Epices), “đường tơ lụa trên biển”. Con đường tơ lụa trên biển dần dần đã thay thế cho con đường tơ lụa trên đất liền. Sau những cuộc viễn du nổi tiếng bằng đường biển của Christophoro Colomnbo (1450-1506); Magellan (Renão de Magalhães) (1480-1520) và Vasco de Gama (1469-1524), các nước không lớn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh đã chia nhau làm chủ thế giới trong một thời gian dài chính là nhờ có biển.

Ngay trong một quốc gia, nơi nào mạng lưới sông-ngòi-biển phong phú thì nơi đó sự giao lưu diễn ra mạnh hơn, sự hội nhập quốc tế diễn ra sớm hơn. Đó chính là tình hình ở Nam Bộ của Việt Nam. Một trong những lý do chủ yếu khiến cho Đàng Trong của Việt Nam có chính sách mở cửa rộng rãi hơn Đàng Ngoài cũng chính là nhờ yếu tố biển.

Đường hàng không chỉ mới hình thành và phát triển trong nửa sau tk. XX, và nó chỉ có thể cạnh tranh với đường thủy trên phương diện tốc độ, còn về tải trọng thì vẫn thua xa đường thủy. Gần đây, nhờ sự phát triển của kỹ thuật tin học – viễn  thông, khi mà cái được chuyển tải không phải là con người và vật chất, mà là thông tin, đã xuất hiện khả năng hội nhập từ xa.

4.4. Nước là vật chất có khả năng hòa tan lớn nhất. Nhờ vậy mà nó còn trở thành môi trường hội nhập của nhiều chất khác. Trong nước biển chứa tới khoảng 80 loại nguyên tố hóa học với tổng trữ lượng lên tới 48 triệu tỷ tấn. Tất cả các chất hòa tan trong nước biển nếu chiết xuất ra thì có thể trải đều trên khắp mặt địa cầu một lớp dày gần 200m (Lê Duy 1978). Nếu không có khả năng hòa tan của nước sông Hồng và sông Mê-kông thì Việt Nam không thể có hai vựa lúa khổng lồ ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.

Ấy thế nhưng, cái khả năng hội nhập tuyệt vời ấy của nước đang bị hội nhập toàn cầu đe dọa nghiêm trọng.

Ở một xứ sở sông nước như Việt Nam mà hiện nay nguồn nước khắp nơi đang bị ô nhiễm nặng nề. Ở nông thôn thì do việc sử dụng không hợp lý các loại hoá chất nông nghiệp; việc phát triển tiểu thủ công, làng nghề và công nghiệp chế biến với công nghệ lạc hậu, qui mô nhỏ, phân tán xen kẽ trong dân, khiến cho chất thải không thể thu gom, xử lý. Ở các đô thị thì do nước thải sinh hoạt và nước thải của các khu công nghiệp xả trực tiếp vào kênh, mương, sông, hồ…; khoảng 90% cơ sở công nghiệp chưa có thiết bị xử lý nước thải. Nước ngầm đang bị cạn kiệt dần về lượng, bị ô nhiễm và suy giảm về chất. Nước biển ven bờ cũng đã• bắt đầu bị ô nhiễm. Trong 5 năm 1994 -1998 đã xảy ra 34 vụ sự cố tràn dầu với số lượng dầu tràn trên 4.000 tấn. Hàm lượng các hoá chất bảo vệ thực vật, chất hữu cơ, kim loại nặng, dầu… ở một số nơi ven biển vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 5 lần.

4.5. Toàn cầu hóa và hội nhập, khi mà nó bị chi phối và “hướng đạo” bởi các nước tư bản phát triển và các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia như hiện nay, thì dù hữu thức hay vô thức, nó sẽ dẫn đến kết quả là làm giảm tính đa dạng về văn hóa và là mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường văn hóa.

Hữu thức là vì do nắm ưu thế về kinh tế và khoa học – công nghệ, các nước phát triển cũng chiếm ưu thế trong việc áp đặt những giá trị tư tưởng, văn hóa, lối sống… lên những nước nghèo lệ thuộc mình (thôn tính văn hóa). Hiện nay, trung tâm phổ biến văn hóa trên phạm vi toàn thế giới hiển nhiên là Mỹ. Ngành xuất khẩu lớn nhất của Mỹ không phải là kỹ thuật mà là công nghệ vui chơi giải trí. Mỹ chiếm 70% nội dung chương trình trên mạng internet. Phim Mỹ có tổng thu nhập hằng năm lên tới 30 tỷ USD. Kênh truyền hình CNN của Mỹ đang thâm nhập đến tận những vùng hẻo lánh nhất trên địa cầu. Trong 14 năm 1979-1993, hệ thống thông tin vệ tinh của các nước phát triển đã tăng 668%, trong khi sự tăng trưởng ở các nước đang phát triển là không đáng kể. Vô thức là vì, ở các nước đang phát triển, do đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân rất dễ bị choáng ngợp, lôi cuốn bởi các hàng hóa đủ chủng loại và những giá trị vật chất từ các nước phát triển tràn vào. Điều đó không chỉ có nguy cơ đe dọa các ngành nghề truyền thống, mà nó còn tác động tiêu cực tới các giá trị tinh thần, tới lối sống của dân tộc.

Như vậy, với trào lưu toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, giao lưu văn hóa thế giới đang bị mất thăng bằng nghiêm trọng. Lời cảnh báo của ông F. Mayo, Tổng giám đốc UNESCO, tại lễ phát động “Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa” cách đây 16 năm (1987) rằng xu hướng thế giới hiện đang dẫn đến nguy cơ “đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe dọa và làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa” không phải là quá xa xôi. Nguy cơ văn hóa phương Tây lấn át phương Đông, phương Bắc lấn át phương Nam thực sự là vô cùng lớn.

V- KẾT LUẬN: CẦN HỘI NHẬP TRONG MỘT  THẾ GIỚI
MÀ VĂN HÓA NƯỚC PHẢI TRỘI HƠN VĂN HÓA LỬA

Nước và văn hóa, tuy một đằng là hiện tượng tự nhiên, đằng kia là hiện tượng xã hội, nhưng cả hai đều gắn bó mật thiết với nhau và với con người. Nước là kiểu mẫu cho hội nhập, còn văn hóa tham gia quá trình hội nhập ngay từ đầu, nhưng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cả hai đều đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng. Toàn cầu hóa là hiện đại hóa, là phát triển văn minh. Nó như một đám lửa sáng lòa đang cuốn theo mọi vật.

Con người sinh ra từ nước, khám phá ra lửa, ai cũng cần cả hai thứ. Nhưng nước và lửa, ngoài điểm chung là đều có khả năng lan tỏa nhanh, thường là những khái niệm đối lập nhau. Vì vậy, ta có thể nói đến văn hóa nước và văn hóa lửa. Những vùng phương Đông nông nghiệp điển hình (như Đông Nam Á) thì thiên về văn hóa nước hơn: điều này đã rõ từ những phần trên. Còn những vùng phương Tây điển hình như châu Âu thì có vẻ như thiên về văn hóa lửa hơn: trong quan hệ với tự nhiên, xứ lạnh rất cần lửa để sưởi ấm (nên có huyền thọai về thần Promêtê ăn cắp lửa đem cho loài người); trong tín ngưỡng, lễ hội lửa chiếm ưu thế (tục đốt lửa vào dịp lễ thánh Jean và lễ Phục Sinh để người và gia súc nhảy qua hoặc đi vòng quanh cầu may mắn, x. Frazer 2000: 289-371); trong kinh tế, công nghiệp chính là một biểu hiện của văn hóa lửa.

NƯỚC & PHƯƠNG ĐÔNG LỬA & PHƯƠNG TÂY
Điểm chung Nước và lửa đều có khả năng lan tỏa nhanh
Với tự nhiên Xứ nóng cần nước làm mát Xứ lạnh cần lửa làm ấm
Trong tín ngưỡng Phương Đông: lễ hội nước chiếm ưu thế Phương Tây: lễ hội lửa chiếm ưu thế
Trong giao tiếp Phương Đông: vòng vo, ưa tế nhị (tính nước) Phương Tây: thẳng, ưa rạch ròi (tính lửa)
Trong kinh tế Nước là gốc của nông nghiệp Lửa là gốc của công nghiệp
Quan hệ với văn hóa, văn minh Nước chảy xuống: văn hóa ưa tích tụ Lửa bốc lên: văn minh ưa phát triển

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, nước và văn hóa đều là những nhân tố có đóng góp tích cực nhưng cả hai cũng đều đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng. Thế giới tự nhiên cần phải bền vững nên trạng thái tốt nhất là nước (âm) nhiều hơn lửa (dương): vũ trụ quanh ta hiện nay là như thế. Thế giới loài người cần phải phát triển nên kinh tế và văn minh (dương) có thể trội hơn tinh thần và văn hóa (âm) một chút. Song phần đôngkhông chỉ bằng lòng với phát triển mà còn muốn giàu sang nên hiện nay kinh tế và văn minh đang có khuynh hướng lấn át tinh thần và văn hóa. Bạo lực đang lấn át lương tri, chiến tranh đang lấn át hòa bình (điều đã xảy ra ở Nam Tư, và đang diễn ra ở Iraq). Việc hội nhập và toàn cầu hóa chỉ thực sự đem lại hiệu quả chung cho loài người khi mà mỗi con người, mỗi quốc gia, đều phải nỗ lực bảo vệ các môi trường tự nhiên và xã hội, mà trước hết là bảo vệ nước và văn hóa.

Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa họp ở Xtốc-khôm năm 1998 đã•cam kết 12 điểm, trong đó điểm thứ 11 là “bảo vệ các nền văn hóa bản địa và khu vực khỏi bị đe dọa bởi quá trình toàn cầu hóa, không được biến các nền văn hóa thành các di tích và làm cho văn hóa bị tước đi sức sáng tạo và phát triển năng động của chính mình”.

Diễn đàn Nước thế giới (World Water Forum) mà lần họp mặt thứ 3 được tổ chức tại Nhật tháng 3-2003 với hơn một vạn đại biểu đến từ 160 nước nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng quốc tế để thảo luận và tìm ra giải pháp đối phó với những khó khăn về các vấn đề liên quan đến nước.

Hội nhập nhưng cần giữ sao cho nước trội hơn lửa và văn hóa nước không bị văn hóa lửa lấn át. Cần chặn đứng nguy cơ văn minh nhấn chìm văn hoá, lửa làm nước bốc hơi, vì văn hoá chìm thì con người sẽ không còn nhân tính mà chỉ là những bản sao kỹ thuật vô hồn, nướchết thì sự sống cũng sẽ không còn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Frazer J.G. 2000: Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa. – HN, NXB VHDT và T/c VHNT.
Hội VNDGVN 2001: Công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An. – NXB ĐHQG HN.
Lê Duy 1978: Nước ở quanh ta. – HN, NXB KH và KT.
Lê Trung Hoa 1991: Địa danh ớ Thành phố Hồ Chí Minh. – HN, NXB KHXH.
Nguyễn Văn Âu 1993: Địa danh Việt Nam. – HN, NXB GD.
Nguyễn Việt và nnk 1983: Quân thủy trong lịch sử chống ngọai xâm. – HN, NXB QĐND.
Những tiếp xúc… 1997: Những tiếp xúc đầu tiên của người Nga với Việt Nam. – HN, NXB Văn học.
Phạm Huy Thông (ed.) 1990: Dongson drums in Vietnam. – H., Social Science Publishing House.
Solheim II, W.G. 1971 : New light on a Forgotten Past. – “National geographic”, vol. 139, No 3, March. Bản tiếng Việt in trong (Trần Ngọc Thêm 2001: 69-74).
Trần Ngọc Thêm 2001: Tìm về bàn sắc văn hóa Việt Nam, in lần 3. – NXB Tp. HCM.
Văn Tạo (chủ biên) 1979: Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sử Việt Nam. – HN, NXB KHXH.
Viện ĐNÁ 1996: Biển với người Việt cổ. – HN, NXB VH-TT.

( Nguồn Dũng Lạc )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *