QUẢN TRỊ HỘI THÁNH

QUẢN TRỊ HỘI THÁNH

Trần Đắc Điệp

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi sự đều có thể thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Con người luôn tìm mọi phương pháp tối ưu, để thay đổi thế giới xung quanh mình, họ thường đánh giá những nhà lãnh đạo có hiệu quả bằng uy tín, khả năng, tài năng của người đó. Xã hội hoặc tổ chức nào cũng tìm kiếm những con người có học thức, tài giỏi, có sức lôi cuốn vào trong tổ chức mình nhằm đem lại kết quả tốt nhất. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu không có Đức Chúa Trời? Liệu những nỗ lực này có thể giải quyết được nan đề trong mọi lĩnh vực của cuộc sống chăng? Còn những Cơ đốc nhân thì sao? Chúng ta sẽ làm đựơc gì khi không có Đức Chúa Trời? và ngựợc lại, phải chăng chúng ta chỉ ngồi khoanh tay thụ động, để cho Đức Chúa Trời hành động trên công việc của Ngài? Trả lời cho vấn đề này trong cuốn sách có nhan đề “Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích” Mục sư Rick Warren cho biết:“Chúng ta không thể làm được nếu không có Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài cũng quyết không làm Cho Hội Thánh tăng trưởng nếu không có chúng ta. Đức Chúa Trời dùng con người để hoàn thành mục đích của Ngài”. Để biết được vấn đề đúng hay sai, thiết tưởng chúng ta cần tìm biết đôi điêù hầu làm sáng tỏ nhận định trên.

I. Nguồn lực của sự quản trị

Trước hết, vấn đề Rick Warren đề cập ở đây được hiểu từ hai phương diện: Đức Chúa Trời là nguồn lực tác động, và con người là công cụ trong tay Ngài. Cả hai thành tố này không thể tách rời, mà luôn luôn kết hợp với nhau một cách hài hoà, để phát triển công việc Chúa trong Hội thánh và hoàn thành mục đích của Ngài, điều quan trọng mỗi Cơ đốc nhân cần có là quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã từng tuyên bố: “Vì ngoài Ta các ngươi không làm chi được”. Sứ đồ Phaolô đã cho biết kinh nghiệm này: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”, một chỗ khác ông khuyên nhủ các Cơ đốc nhân rằng: “Anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa nhờ sức toàn năng của Ngài”. Còn đối với nhiều người thuộc giới lãnh đạo đời này, thường có khuynh hướng tự cho mình là người uy quyền, có thể điều khiển người khác. Với cương vị người nắm quyền, họ có khả năng tác động người khác lắng nghe điều họ nói, nhìn công việc họ làm, và đáp ứng khi họ kêu gọi. Vậy, nguồn lực của họ đến từ đâu? Có thể họ được sinh ra và thừa kế những tính cách mạnh mẽ, lôi cuốn người khác, có khi sử dụng chút gì đó gọi là mánh khoé để làm cho người khác thích mình, hay làm ra vẻ quan tâm đến sở thích riêng của người khác và ép buộc họ theo đuờng lối mà họ đưa ra. hoặc cũng có thể với những điều kiện xã hội như địa vị, quyền lực, đẳng cấp của họ trong tổ chức ảnh hưởng đến nhiều người khác. Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo có kinh nghiệm, năng lực, có khả năng giúp người khác nhìn thấy nhiều việc khác nhau rồi khuyến khích họ hành động.Tư tưởng nắm quyền, tác động người khác tiềm ẩn trong nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo mà họ không thể rời bỏ, đó cũng chính là nguồn năng lực của họ. Có lẽ không ít Cơ đốc nhân cũng hội đủ những tố chất này, nhưng đó không phải là nguồn năng lực đích thực. Nếu chỉ dựa vào những khả năng của riêng mình, sớm muộn gì chúng ta sẽ sờn ngã, và thất bại. Người viết bài này đồng ý với J.R.Clinton rằng: “Một nhà lãnh đạo Cơ đốc là một người nhờ khả năng Chúa ban.” Thật vậy, mọi khả năng chúng ta có không phải là sở hữu của riêng mình, mà chúng đến từ Đức Chúa Trời. Kinh thánh chép: “Hãy hết lòng tin cậy Đức-Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con, phàm trong các việc làm của con khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con”. Nếu chỉ dựa vào năng lực hữu hạn của con người, thì Cơ đốc nhân không thể nào sống đẹp lòng Chúa, và không bao giờ sống theo đúng mục đích của Ngài, bởi tất cả sự vinh hiển đều quy về Ngài, cho nên chúng ta phải thừa nhận sự yếu đuối của chính mình, và tìm thấy những giải pháp trong tay Chúa, chính Chúa Giê-xu là một gương mẫu về sự nhờ cậy năng lực từ Đức Chúa Trời. Trong khoảng thời gian ba mươi ba năm trên đất, bất cứ ở đâu, khi nào, Ngài cũng không hề bỏ qua sự tìm kiếm nguồn năng lực từ Thiên thượng, Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời mà còn làm như vậy, còn chúng ta thì sao? Chúng ta không thể tạo ra quyền năng qua những gì chúng ta làm, chúng ta có thể biểu dương tài khéo của mình và “làm mưa, làm gió” được đâu vài giờ, nhưng cuối cùng “cái bình” của chúng ta hết điện, chúng ta không phải là máy phát điện nhưng là vật dẫn điện…chúng ta là ống dẫn chứ không phải là nguồn dẫn. Do vậy, có thể nói năng lực Chúa ban là chìa khoá để Cơ đốc nhân mở toang mọi cánh cửa, nhằm phát triển Hội thánh và mở mang Vương quốc của Ngài.

II. Vai trò của Cơ Đốc Nhân trong công tác quản trị Hội thánh

Nhiều Cơ đốc nhân sẽ cho rằng: Vì Đức Chúa Trời là nguồn của mọi sự cho nên Ngài cần gì đến con người chúng ta? Tất nhiên, với quyền năng siêu việt, Chúa có thể thực hiện tất cả những gì Ngài muốn, nhưng Ngài không làm điều đó, Ngài muốn chúng ta dự phần vào công tác của Ngài, đó là đặc ân mà Chúa dành cho những kẻ thuộc về Ngài, hầu chúng ta chia sẽ vinh quang với Ngài trong thế gian, cũng như trong Nước Thiên đàng vinh hiển. Đó là lý do tại sao ngay từ buổi đầu sáng tạo, Đức Chúa Trời đã ban cho A-đam có khả năng quản trị thế giới này. Điều đó cũng có nghĩa Ngài muốn con người phải có kế hoạch, thường xuyên hoạt động, và cũng là người đồng công với Ngài để xây dựng Hội thánh và mở mang Vương quốc của Đấng Christ. Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, Đức Chúa Trời thường sử dụng con người để hoàn thành mục đích của Ngài, chúa đã dùng Môi-se, Ghê-đê-ôn, Nê-hê-mi và các tiên tri trong thời Cựu ước, Ngài cũng dùng các sứ đồ trong thời Tân ước để hoàn thành mục đích của Ngài, cho đến ngày nay Ngài cũng sử dụng chúng ta để phát triển công việc của Ngài. Trong bức thư gởi cho người Cô-rinh-tô, Phao-lô viết: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên…Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. Trong ý nghĩa thuộc phạm trù Hội thánh, Cơ đốc nhân được kêu gọi ra khỏi thế gian với một sứ mạng cho Chúa Giê-xu, Ngài xem chúng ta là những cộng sự của Ngài. Chính vì lẽ đó, “Đức Chúa Trời quyết không làm cho Hội thánh tăng trưởng nếu không có chúng ta”, sự đồng công của con người cho việc phát triển Hội thánh là điều cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa nếu không có yếu tố của con người thì Đức Chúa Trời bất lực, vì Chúa không hề bị giới hạn, kế hoạch của Ngài không bao giờ bị gãy đổ và mục đích của Ngài được thành tựu bất chấp sai lầm và thậm chí tội lỗi của con người. Vấn đề quan trọng ở đây là, trong Vương quốc của Ngài chúng ta có một chỗ, một mục đích và một chức năng để làm cho trọn, Chúa tạo dựng chúng ta không phải để làm tín đồ của một Nhà thờ, để thụ động ngồi chờ ngày Chúa đem về Thiên quốc, mà mục đích tối thượng của Ngài là muốn phát triển Hội thánh giữa thế gian này qua chúng ta. Đây cũng chính là điều mà Loren Cunningham đã đề cập:

Qua Hội thánh, chúng ta uốn nắn cả xã hội và dân tộc, làm sao có thể thực hiện điều ấy nếu chúng ta chỉ đóng đô trong khuôn khổ, trong bốn bức tường Nhà thờ và tin đây là Thiên đàng trên đất? Nước Chúa ở trong trái tim chúng ta, chúng ta đem Nước Chúa vào trong thế gian khi chúng ta tham gia các hoạt động trong xã hội…Mục đích cuối cùng của cuộc đua là thiết lập Nước Chúa trên trần gian.

III. Kết Luận

Nói tóm lại, Đức Chúa Trời ban cho Cơ đốc nhân có đầy đủ mọi ân tứ thuộc linh, và Ngài muốn chúng ta là những nhà quản lý giỏi, chúng ta phải biết sử dụng ân tứ đó một các thích hợp, khôn ngoan, hầu đem lại sự gây dựng cho Hội thánh. Tuy nhiên, nếu không có nguồn năng lực của Đức Chúa Trời thì chẳng thể nào chúng ta đạt đến sự thành công. Điều quan trọng Cơ đốc nhân cần là quyền năng từ nơi Chúa, nhưng đồng thời phải biết mục đích Ngài đặt để chúng ta trong Hội thánh để làm gì? Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời, còn chúng ta được cứu để phục vụ Ngài. Thế nhưng, có một điều đáng buồn là nhiều Cơ đốc nhân ngày nay không sẵn lòng phục vụ Chúa, họ ngồi bên đường như người quan sát, và thân thể thì đau đớn. Khi tín hữu chỉ thụ động và không ý thức mục đích sự hiện hữu của mình trong Hội thánh, thì vô hình chung người đó đã đánh mất quyền năng từ nơi Chúa. Thật lạ lùng khi Đức Chúa Trời kêu gọi người khác thông qua chúng ta. Thật kỳ diệu khi Ngài gởi gắm hạt châu quý của Ngài vào những chiếc bình bằng đất của chúng ta. Đây cũng chính là điều mà E. M. Bounds đã từng nhận diện: “Kế hoạch của Đức Chúa Trời là triệt để sử dụng con người, là họ dự phần hơn bất cứ chi khác. Con người là phương pháp của Đức Chúa Trời. Hội thánh đang tìm kiếm những phương pháp tốt, nhưng Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người tốt hơn”. Thật vậy, Chúa thường dùng con người để hoàn thành mục đích của Ngài đúng như điều mà Mục sư Rick Warren đã từng nhận định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *