THỜI ĐẠI MỚI LÀ GÌ

I- Phong trào Thời Đại Mới là gì?

1. Phong trào Thời Đại Mới (TĐM) có nhiều chi nhánh, nhưng đại loại nó là một tập hợp của nhiều hệ thống tư duy siêu hìnhb chịu ảnh hưởng của triết học Đông Phương. Nó là một tổ hợp của nhiều lý thuyết, hy vọng, và trông đợi mà từ đó người ta tuyển ra một giáo lý về sự cứu rỗi, “suy nghĩ đúng” và “kiến thức đúng.” Nó là thần học của “chủ nghĩa cảm thấy tốt,” “bao dung,” và “đạo đức tương đối.”

2. Theo TĐM, con người là trung tâm. Hắn được xem như thầnc, là đồng sáng tạo, như là hy vọng cho sự hòa bình và hài hòa trong tương lai. Có một câu trích dẫn tiêu biểu là: “Tôi chịu ảnh hưởng chỉ bởi chính tư tưởng của tôi. Điều này là cần để sự cứu rỗi đến với toàn thể nhân loại. Bởi vì trong một ý nghĩ này mà mọi người cuối cùng được giải phóng khỏi sự sợ hãi” (A course in Miracles, The Foundation for Inner Peace, Huntington Station, N.Y. Lesson 228, p. 461.)

3. Không may cho TĐM, sự sợ hãi mà họ muốn né tránh rất có thể là sự sợ bị phán đọad, sự buộc tộie, và nhiều khi sợ Đạo Chúa và Cơ Đốc nhân. Mặc dù TĐM bao dung hầu hết các quan điểm thần học, nó chống báng niềm tin hẹp của Đạo Chúa rằng Đức Chúa Jesus Christ là con đường duy nhất và tồn tại tiêu chuẫn đạo đức tuyệt đối.

4. Thật khó định nghĩa TĐM vì nó “không có hệ thống giáo phẩm hàng dọc, giáo điều, giáo lý, và thành viên.” Nó là một tập hợp của nhiều thần học khác nhau nhưng chung nhau về sự bao dung dị biệt, để tạo thành “chân lý phổ quát.”

5. Danh từ TĐM nói về “Thời đại Aquarian” mà theo người TĐM đang ló dạng. Mục đích của nó là đem sự thanh bình và giác ngộ, và kết hợp giữa người và Thiên Chúa. Loài người được xem là cách ly với Thiên Chúa chẳng phải vì tội lỗi (Ê-sai 59:2), nhưng vì thiếu nhận thức và kiến thức về bản chất thật của Thiên Chúa và thực hữu.

II- TĐM là một hệ thống tôn giáo với hai niềm tin căn bản:

Thiên Chúa Tiến Hóa và Sự Hiệp Một Toàn Cầu

1. Thiên Chúa Tiến Hóa là gì?

a. Nó là bước kế tiếp của quá trình tiến hóa. Nói chung, TĐM, cổ xúy cho sự tiến hóa cả thuộc thể lẫn thuộc linh. Nhưng bước kế tiếp sẽ không là thuộc thể mà thuộc linh. Con người đang tiến triển và sẽ không lâu nhảy vọt tới các chân trời thuộc linh mới. Người TĐM sáng chế ra nhiều cách để đẩy một người lên các chân trời đó. Một trong các cách này hướng về vũ trụ như huấn luyện tâm hồn một người để rời thể xác đi ngao du; hoặc liên hệ với các linh để chúng có thể nói qua bạn hay hướng dẫn bạn; hoặc dùng cầu pha-lê để thanh tẩy hệ thống năng lượng của thân thể hay tâm trí bạn; hoặc tưởng tượng rằng bạn là thú vật, trong sự hiện diện của một đấng thần linh, hay được chữa lành một bịnh tật nào đó, v.v.

b. Thiên Chúa Tiến Hóa cũng có nghĩa là nhân loại sẽ thành thần linh không lâu.

o TĐM dạy rằng bản chất của người là thiện và thần. Điều này chống nghịch với lời Đức Chúa Trời rằng: chúng ta là tội nhân: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” (Rô-ma 5:12) và rằng bản chất của chúng ta là tội lỗi: “Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.” (Ê-phê-sô 2:3)

o TĐM dạy rằng vì người là thần trong bản chất, nên hắn có chất lượng thần. Đây là một phần quan trọng của tư duy của TĐM. Vì một người TĐM thông thường tin rằng mình là thần, hắn ta có thể tạo ra hiện thực cho mình. Lấy tỉ dụ, nếu một người tin rằng đầu thai là đúng, thì cũng được vì đó là hiện thực của hắn. Nếu một người khác không tin vào đầu thai cũng tốt luôn vì đó là hiện thực của hắn. Mỗi người có thể có một hiện thực khác nhau và chúng theo “mỗi đường khác nhau.”

o Điều này trái nghịch với Thánh Kinh rằng Đức Chúa Trời là đấng Sáng Tạo duy nhất: “Ðức Giê-hô-va, là Ðấng Cứu chuộc ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, phán như vầy: Ta là Ðức Giê-hô-va, đã làm nên mọi vật, một mình ta đã giương các từng trời và trải đất, ai ở cùng ta?” (Ê-sai 44:24)

o Điều người TĐM tin rằng hắn có thần tính và khả năng sáng tạo đảo lộn quyền bính và ngôi vị của Đức Chúa Trời. Hắn đang còn lắng nghe Satan nói láo với Ê-va rằng bà sẽ trở nên như Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 3:5).

c. Đầu thai

o Mặc dù không phải tất cả người TĐM đều tin vào đầu thai, phần lớn đều tin vào một hình thức nào đó. Nhiều người TĐM tin rằng người ta sửa Thánh Kinh để lấy đi các câu có thể hàm ý dạy về đầu thai. Nhưng sự cáo buộc này nói lên sự hạn hẹp của kiến thức của họ. Thánh Kinh chưa bao giờ có câu nào dạy về đầu thai.

o Đầu thai chống nghịch với Lời Chúa, dạy rằng loài người phải định để chết một lần, và sau đó chịu phán xét (Hê-bơ-rơ 9:27).

2. Yếu tố quan trọng thứ hai của phong trào TĐM là sự Hiệp Một Toàn Cầu, được cấu thành bởi ba nhánh chính:

Người với Người; Người với thiên nhiên; và Người với Thiên Chúa.

a. Người với người

o TĐM dạy rằng chúng ta sẽ học biết cách quan hệ thích hợp với nhau trong thần tính của mình và sẽ đạt được sự hài hòa và tình yêu thương và chấp nhận lẫn nhau mỗi khi chúng ta nhận biết và chấp nhận kiến thức thần tính sau đây.

Một phần của sự hài hòa mà TĐM hy vọng là sự thống nhất về kinh tế. Một người TĐM thường tìm kiếm một người lãnh đạo thế giới duy nhất, mà với các nguyên tắt của TĐM sẽ hướng dẫn thế giới đi vào một tình trạng hài hòa kinh tế thống nhất.

Hắn ta hy vọng rằng người lãnh đạo này sẽ hợp nhất thế giới vào một sự hiệp nhất thuộc linh; đó là Thế Giới Đạo.

o Niềm hy vọng của TĐM gợi cho chúng ta nhớ về hình ảnh của Antichrist sắp đến: “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Ðức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Ðức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Ðức Chúa Trời” (II Tê-sa-lo-ni-ca 2:3-4). Xin xem thêm Khải Huyền 13:17, 14:9,11, 16:2, 19:20.

b. Người với thiên nhiên

o Vì người TĐM nói rằng Thiên Chúa là tất cả, tất cả là Thiên Chúa, nên thiên nhiên là một phần của Thiên Chúa. Người phải hòa hiệp với thiên nhiên và học cách chăm sóc nó và được nó chăm sóc. Khi đó, mọi người có thể hiệp nhất.

o Triết lý của người thổ dân da đỏ thông dụng trong các người TĐM bởi vì họ tập trung vào đất, thiên nhiên và quan hệ của người với chúng.

o Triết lý TĐM đại loại tìm cách để hợp nhất với các triết lý khác, đặt người và thiên nhiên ngang hàng. Chúng ta không hơn không kém bà con của chúng ta – thú vật, chim chóc hay cá. Chúng ta phải sống hòa hợp với chúng, hiểu chúng và học hỏi từ chúng. Đó là triết lý khái quát của TĐM. Điều này chống nghịch với sự dạy dỗ của Thánh Kinh rằng loài người tể trị loài thú (Sáng Thế Ký 1:26-27; 2:19). Điều này không có nghĩa là chúng ta có quyền áp bức những gì dưới quyền chúng ta, nhưng chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc tạo vật của Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 2:15). Cơ Đốc nhân chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời về sự chăm sóc này mà Ngài trao.

o TĐM đặt tên cho trái đất. Đó là Gaia. Họ kỉnh trọng Gaia. Có người TĐM còn thờ phượng trái đất và thiên nhiên. Điều này chống nghịch với Thánh Kinh, dạy rằng chúng ta không có thần nào trước mặt Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3).

c. Người với Thiên Chúa

o Mỗi khi mọi người nhận biết mình là thần, theo niềm tin TĐM, sẽ hiệp một trong mục đích, tình yêu và phát triển. Mục đích là sự nhận biết trọn vẹn sự tốt lành của chúng ta. Điều này mâu thuẫn với Thánh Kinh dạy rằng “như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Ðức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:10-12)

3. Những niềm tin khác của TĐM

a. Vì Thiên Chúa (Ngài hay Nó) là vô nhân tính, toàn tại, và toàn thiện nên Ngài (Nó) không phán đọa một ai.

o Thiên Chúa của TĐM là vô nhân tínhh. Một thiên chúa vô nhân tính sẽ không mạc khải chính mình, lẫn không có tiêu chuẫn cụ thể nào về đạo đức, niềm tin và tư cách. Bởi vậy mà thuyết luân hồi hấp dẫn họ vì nó không đòi hỏi một sự phán xét nào. Một người luôn luôn có cơ hội thứ hai, thứ ba, thứ tư, v.v.

o Điều chú ý rằng vì người TĐM tìm kiếm để nâng mình lên thành Chúa, nên họ phải hạ thấp điạ vị cao cả của Thiên Chúa thật. Nói một cách khác, vũ trụ không lớn đủ cho một Chân Chúa, nhưng lớn đủ cho một đám chúa nhỏ.

b. Không có đạo đức tuyệt đối trong niềm tin TĐM. Vì vậy, họ cho rằng mình có một sự bao dung thuộc linh cho tất cả “hệ thống chân lý.” Họ gọi đây là “hài hòa.”

o Có một vấn đề nổi cộm tại đây. Nói rằng không có tiêu chuẫn tuyệt đối là tự mâu thuẫn vì câu nói đó là tiêu chuẫn tuyệt đối cho chính nó. Nếu đạo đức là tương đối thì ăn trộm, nói láo, lừa đảo, ngoại tình, v.v. sẽ có khi đúng. Một thế giới mà đạo đức là tương đối không có hứa hẹn.
Thời đại mới là gì Trang 4

o Nếu hiện thực và chân lý là tương đối thì lái xe rất khó khăn. Nếu một người TĐM cho rằng đèn hiệu là đỏ, người khác cho rằng nó là xanh thì hai người này sẽ đập vở hiện thực của nhau. Đây là một điều thú vi về người TĐM. Họ không sống điều họ tin. Tư duy của TĐM không thành trong thực tế.

o Phong trào TĐM cổ xuý cho sự thành thật, danh dự, tình yêu, hòa bình, v.v. Nó chỉ muốn thực hành những điều này trong sự thiếu vắng Đức Chúa Trời. Nó muốn làm điều này không theo tiêu chuẫn của Đức Chúa Trời mà của chính nó.

Lê Anh Huy

Dịch từ “What is the New Age Movement,” http://www.carm.org/nam/nawhatis.htm
Ngày 17, tháng 11, năm 20006
Ngữ vựng:
(dt = danh từ, tt = tĩnh từ, đt= động từ)
a- Thời Đại Mới (dt): New Age
b- Siêu hình (tt): Metaphysical
c- Thần (tt): Divine
d- Phán đọa: Damnation (dt); condemn (đt)
e- Sự buộc tội (dt): Conviction of sin
f- Thiên Chúa Tiến Hóa (dt): Evolutionary Godhood
g- Thế Giới Đạo (dt): One World Religion
h- Vô nhân tính (tt): Impersonal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *