KỸ NĂNG TRÒ CHUYỆN VỚI CON

osephine Trần ghi nhận

Để có sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái đòi hỏi có sự hợp tác từ hai phía. Thật khó khi buộc trẻ phải hiểu nỗi lòng của cha mẹ ẩn sau những yêu cầu khắc khe, vì chúng chưa có nhiều trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời…. Ngày nay, trẻ thường tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin từ phim ảnh, truyện tranh, game online… mang đầy màu sắc bạo lực và không lành mạnh. Các em phải “chống chọi” với những áp lực trong cuộc sống và nơi học đường, bằng vốn kiến thức ít ỏi của mình. Vì thế, trò chuyện với cha mẹ không chỉ là giải pháp để các em giải toả được những căng thẳng, có được nguồn kiến thức đúng đắn, sự hỗ trợ và định hướng tốt nhất, mà còn giúp các em thắt chặt thêm mối quan hệ với các bậc phụ huynh.  Ngược lại, cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con, để nhìn nhận sự việc theo cách của trẻ, để có thể chấp nhận chúng, bỏ qua các sai lầm, cho chúng sự cảm thông và yêu thương. Từ đó mới có thể đưa ra những lời giải thích và sự định hướng mà trẻ dễ chấp nhận nhất, nhằm giúp chúng trưởng thành.
Thái độ khi trò chuyện

Cùng với sự phát triển của xã hôi, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng có nhiều thay đổi so với trước đây. Cách giáo dục một chiều theo lối kiểm soát, ép buộc, lên lớp, phán xét…. không còn phù hợp với sự phát triển của thế hệ trẻ ngày nay. Cuộc sống thời hậu hiện đại khiến các gia đình phải đối mặt với nhiều thách đố một cách gay gắt. Vì thế, cha mẹ cần phải nhìn lại chính mình, nhận xét, đánh giá con cái dưới nhiều góc cạnh trên cơ sở của sự hiểu biết, không lấy quyền làm cha mẹ mà áp đặt con cái làm theo mọi điều mình muốn, cũng như đối thoại với con bằng những thái độ tích cực như:

Ø    Tạm dừng công việc, chú ý lắng nghe một cách chân thành
Ø    Sử dụng ngôn ngữ không lời để khuyến khích con chia sẻ bằng cách nhìn vào mắt, biểu lộ nét mặt theo tâm trạng của trẻ,…
Ø    Hiểu đúng cảm xúc, tâm trạng của con qua những điều chúng nói
Ø    Lựa chọn lời nói và thái độ phù hợp với từng tình huống
Ø    Ân cần, thân mật và giản dị

Dùng những câu hỏi ngắn gọn để gợi ý, khuyến khích con nói  như: Hay quá, kể tiếp cho ba/mẹ nghe đi? Rồi sao nữa con? Vậy đó hả? ….Thế à? Hôm nay ba/mẹ thấy con buồn, ba/mẹ tự hỏi không biết có chuyện gì xảy ra với con không? Con có thể kể cho ba/mẹ biết không?

Ø    Dứt khoát và cương quyết khi đưa ra các yêu cầu
Ø    Bình tĩnh, tỏ thái độ không chấp nhận nhưng không chì chiết những lỗi lầm của con
Ø    Không nên nói dông dài, lặp lại, khiến trẻ cảm thấy nhàm chán, bị đay nghiến, dằn vặt hơn là được yêu thương, dạy dỗ
Ø    Tránh nói cộc lốc, gắt gỏng, quát thái, áp đảo tinh thần khiến trẻ cảm thấy bị áp bức, tổn thương và phản ứng chống đối cha mẹ.
Ø    Không nên vội vàng đưa ra quan điểm, cần kiên nhẫn dẫn dắt để giúp con bộc lộ hết suy nghĩ của chúng
Ø    Nên linh động trò chuyện với con trong mọi nơi mọi lúc một cách nhẹ nhàng như gió thổi như mây bay, đừng quá nghiêm túc bắt con ngồi vào bàn mới trò chuyện.

Công thức trò chuyện với con

Dùng công thức Nonviolent communication (NVC) (tương giao bất bạo động) ngôn ngữ của trung thực và tâm cảm để trò chuyện với con qua bốn yếu tố:

1.    Quan sát mà không đánh giá
2.    Xác định cảm xúc
3.    Xác định nhu cầu
4.    Đưa ra yêu cầu cụ thể, rõ ràng

NVC giúp cho Cha mẹ:

Ø    Biết rõ hơn về điều cha mẹ cảm nhận, cảm thấy và mong muốn.
Ø    Ý thức về lời mình nói ra và diễn đạt mình rõ ràng hơn.
Ø    Biết rõ những hành vi ứng xử hay tình huống nào ảnh hưởng đến mình
Ø    Có thể diễn đạt rõ ràng cụ thể điều mình cần hay mong muốn
Ø    Biết lắng nghe và liên kết với con/người khác tốt hơn, và do đó giao tiếp ứng xử hiệu quả hơn

Thực tập NVC qua tình huống “Người mẹ đi làm về thấy đứa con quăng những chiếc vớ (bít tất) khắp nơi”

1.    Quan sát: Mẹ thấy hai chiếc vớ dưới gầm bàn, ba chiếc khác trên TV.
2.    Cảm xúc: Mẹ cảm thấy khó chịu.
3.    Nhu cầu: Mẹ cần sự thứ tự ngăn nắp trong ngôi nhà mình đang ở.
4.    Yêu cầu: Vậy con hãy đem vô phòng con hay là cho vào máy giặt nhé, con yêu.

12 kỹ năng lắng nghe tốt:

Lắng nghe là quá trình tập trung chú ý để hiểu được thông điệp của người đối thoại. Lắng nghe là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong giao tiếp và cần được trau dồi. “12 kỹ năng lắng nghe” là bảng tổng kết từ cuộc khảo sát các trẻ em vị thành niên tại một trường trung học ở Manila khuyến khích chúng ta nhìn lại những suy nghĩ về cách đối xử của cha mẹ:

1.    Xin nói với chúng con cách mà cha mẹ muốn chúng con nói với cha mẹ
2.    Xin đừng la hét
3.    Xin đừng đay nghiến
4.    Xin bỏ tờ báo xuống, để cha mẹ có thể thực sự lắng nghe chúng con
5.    Xin đừng ngắt lời khi chúng con nói
6.    Xin làm cho chúng con biết cha mẹ hiểu những điều chúng con nói bằng ngôn ngữ có lời và không lời, qua việc lắng nghe chăm chú, gật đầu, nói tiếng phản hồi, hỏi lại khi cần thiết,…
7.    Xin đừng giận dữ khi chúng con cố gắng lấy can đảm để nói một sự thật với cha mẹ, nếu không chúng con sẽ im lặng vì chẳng muốn nói gì nữa
8.    Xin cha mẹ trở nên người biết lắng nghe tốt
9.    Khi chúng con tâm sự với cha mẹ, cha mẹ không cần thiết phải giải quyết hết mọi vấn đề của chúng con. Cha mẹ chỉ cần lắng nghe là đủ
10.    Xin để cho chúng con tự do đặt câu hỏi, đừng kết án hay “chụp mũ” cho rằng chúng con ngu, không biết câu trả lời
11.    Khi chúng con chia sẻ ý kiến của mình, xin cha mẹ đừng chỉ trích, kết án hay chà đạp chúng con
12.    Xin đừng cho rằng cha mẹ là Chúa – người biết tất cả mọi sự, khi chúng con nói. Xin đừng kết luận vội vàng, đừng giận dữ, hay đưa ra lời khuyên, xin lắng nghe cho hết những điều chúng con muốn nói

Học cách trò chuyện với con cái, là điều cần thiết mà các bậc phụ huynh nên trang bị cho mình, để có thể đồng hành với trẻ. Điều này đòi buộc cha mẹ phải tự làm mới mình, giúp cho khoảng cách giữa hai thế hệ được rút ngắn lại, con cái có cơ sở để tin tưởng và xã hội giảm đi những gánh nặng không đáng có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *