TÌNH YÊU CỨU CHUỘC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA SÁCH Ô-SÊ

TÌNH YÊU CỨU CHUỘC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA SÁCH Ô-SÊ

Trần Đắc Điệp

I. Dẫn nhập

Sự cứu chuộc là một trong những chủ đề quan trọng được bàng bạc rộng khắp và có tính phổ quát trong toàn bộ Thánh Kinh. Tuy nhiên, khi nói đến tình yêu và sự cứu chuộc thì không ở đâu có cái nhìn sâu xa, thấu đáo và bày tỏ rõ ràng hơn là sách Ô-sê. Các nhà Thần học đã từng nhìn nhận và đánh giá rất cao tính nhân văn trong sách tiên tri này rằng:

“Không có sách nào trong Cựu ước cho chúng ta có cái nhìn sâu xa hơn vào chính tấm lòng của Đức Chúa Trời bằng sách  ô-sê, bạn sẽ cảm thấy sự vật lộn giữa sự công bình và tình yêu thương, bạn sẽ ý thức lòng thương xót và đau buồn của Đức Chúa Trời khi ngài phải hình phạt tội lỗi của dân sự Ngài và lòng mong mỏi của Ngài để họ từ bỏ hình tượng mà trở về cùng Ngài. Mọi điều đó đến với chúng ta cách rõ ràng nhờ Ô-sê đã kinh nghiệm ở một mức độ nào đó sự thất vọng tương tự trong tình yêu và cuộc hôn nhân của mình, ông đã rao giảng với một tấm lòng tan vỡ”

Từ sự nhìn nhận trên đây thiết nghĩ cần phải nhiều đề tài khảo cứu nhiều vấn đề được chứa đựng trong sách Ô-sê, đặc biệt hơn khi viết bài này, người viết sẽ tìm hiểu xoay quanh một chủ đề là Tình yêu cứu chuộc dưới cái nhìn của sách Ô-sê, để từ đó rút ra những bài học thuộc linh cho mỗi Cơ đốc nhân đang sống giữa thế gian đầy những sự loạn nghịch này. Nếu sứ điệp của tiên tri Ô-sê đang nhắm vào đối tượng chính là dân Y-sơ-ra-ên thì sứ điệp đó cũng có hiệu lực cho mỗi con người ở mọi thời đại và ngay cả chính chúng ta ngày hôm nay. Để có cái nhìn toàn diện hơn về chủ đề tình yêu cứu chuộc trong sách Ô-sê, người viết sẽ trình bày một số vấn đề liên quan đến bối cảnh lịch sử thời kỳ Tiên tri Ô-sê đang sống và tình yêu cứu chuộc được minh hoạ từ cuộc hôn nhân của nhà tiên tri hầu thấy rõ tính vĩnh cữu của tình yêu và giao ước cứu chuộc của Chúa đối với dân sự Ngài.

II. Tình Yêu Cứu Chuộc Nhìn Từ Bối Cảnh Lịch Sử Của Y-sơ-ra-ên

Theo nghiên cứu của nguồn tài liệu của New Bible Comentary 1stCentury Edition cho biết:

Ô-sê thi hành chức vụ vào cuối thế kỷ thứ tám TC, tại vương quốc Miền Bắc là Y-sơ-ra-ên với mười chi phái, dưới sự trị vì của triều đại II Giê-rô-bô-am. Đây là thời kỳ hùng mạnh của cả hai vương quốc miền Bắc lẫn miền Nam. Ôsê bắt đầu chức vụ trong thời kỳ hưng thịnh này và tiếp tục chức vụ của mình trong một gia đoạn mà sự bất ổn và biến động chính trị ngày càng gia tăng, mặc dù cả hai quốc gia khá thịnh vượng về mặt  kinh tế trong thời kỳ này, nhưng sự phân hóa giai cấp ngày càng trầm trọng.

Thánh kinh ghi lại: “ Năm thứ mười lăm đời Amaxia, con tai Giôách, vua GiuĐa thì Giêrôbôam con tri Giôách lên ngôi lên ngôi làm vua Ysơraên tại Sa ma ri, người cai trị bốn mươi mốt năm, người làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva…” II Giê rô bô am thành công về kinh tế và quân sự nhưng gây lắm đau buồn cho Ysơraên, đó là một thời kỳ bất ổn định, tội lỗi lan tràn, kể từ khi mặt trời đã lặn sau thời đại hoàng kim của Sa-lô-môn các vương triều lần lượt sa sút, suy đồi đạo đức . các học giả Thánh Kinh cho rằng : “Đây là thời kỳ mà những đám mây đen đang vần vũ bên trên xứ sở Ysơraên”.

Sau khi vua IIGiêrôbôam băng hà, sáu vua nối tiếp nhau kế vị một thời gian ngắn, nhưng trong vòng hai mươi năm thì đã có đến bốn vị vua bị ám sát. Vào giữa giai đoạn Ôsê thi hành chức vụ, một phần Y-sơ-ra-ên bị A-sy-ri bắt đi làm phu tù. Vào cuối đời của Ôsê thì Vương Quốc Y-sơ-ra-ên bị xóa khỏi bản đồ khi thành Sa-ma-ri thất thủ. Có thể nói trong khoảng thời kỳ này Y-sơ-ra-ên đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn về kinh tế. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn thường thấy sa ngã là một sự kiện lịch sử được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt các thời kỳ của lịch sử tuyển dân. Một khi con người không chịu trở về cùng Đức Chúa Trời thì tình huống càng ngày càng tồi tệ hơn. Trong một hoàn cảnh bị lủng đoạn như vậy, thay vì trở lại cùng Đức Chúa Trời, để tìm giải pháp cho nan đề của dân tộc, thì dân chúng lại trở nên hung hãn, họ tìm cách dấy lên hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác, nhưng cuối cùng nan đề lại càng chồng chất nan đề, bất ổn vẫn gia tăng liên tục, dẫn đến kết quả cuối cùng Tiếc-lác-phi-lê-se Vua nước A-sy-ri chinh phục xứ sở và Ysơraên trở thành nô lệ của Đế quốc này. Một vấn đề không kém phần quan trọng cần bàn đến ở đây là niềm tin tôn giáo của dân Ysơraên thời đó đang ở mức thấp nhất, thật bất hạnh thay, trong những lúc thới thạnh về vật chất thì dân sự đã không tạo ra sự thờ phượng tốt đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thay vì thờ phượng một chân thần duy nhất thì họ đã thờ lạy thêm các thần tượng của các dân tộc ngoại bang.

Việc đi giẹo hai bên của dân Ysơraên bắt nguồn từ khi họ gặp các dân tộc thờ phượng thần Ba-anh trong xứ sở. Một số người đã xây bỏ Chúa để đi thờ lạy thần tượng ngoại bang này, số người khác cho phép sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Ba-anh song hành cho đến chừng sự thờ phượng thần tượng trở nên ưu thế thì họ đã xây bỏ hẳn Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà chính thức thờ lạy thần tượng ngoại bang. Có nhiều chổ trong sách Ôsê cho biết tình hình tôn giáo lúc đó rất là băng hoại. ngược dòng lịch sử tuyển dân, trở về thời kỳ Giôsuê, ngay từ khi vào đất hứa, người Ysơraên chiếm hữu xứ Ca-na-an nhưng không diệt hết dân bản xứ, họ là những con cháu của những tôn giáo thờ hình tượng còn tồn tại mãi cho đến thời kỳ các vua và sau này. Dân Ca-na-an thờ lạy đa thần và đặc biệt là thần Ba-anh, họ tin rằng Ba-anh là thần làm cho đất đai phì nhiêu  nhưng lai không coi trọng giá trị luân lý đạo đức. Trong thời kỳ đó hầu hết tại các đền thờ ngoại bang,  nam tín đồ có thể thờ phượng thần Ba-anh và kích thích thần làm cho đất đai phì nhiêu bằng những sinh hoạt tình dục với đám nữ điếm “biệt hiến” ăn ở tại miếu thờ.

Còn riêng đối với dân Ysơraên họ chỉ cần thờ lạy một Đức Chúa Trời là Chúa độc tôn. Không ai có thể thúc giục Ngài hành động mà chỉ có thể vâng phục Ngài cách hoàn toàn. Rõ ràng hai tôn giáo này không hề ăn nhập gì với nhau, thế mà dân Y-sơ-ra-ên lại tìm cách hòa nhập làm một . Trước thực trạng đáng buồn này, số phận của Y-sơ-ra-ên sẽ đi về đâu? họ sẽ làm gì để cứu vãn tình thế? Đây chính là một trong những vấn nạn cấp bách mà nhiều người thi hành chức vụ cho Đức Chúa Trời vào thời kỳ đen tối đó cần phải nhận ra. Nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ chỗ mà Thánh kinh ghi lại“Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết. Bởi ngươi bỏ sự thông biết thì ta cũng sẽ bỏ nguơi đặng ngươi không làm thày tế lễ cho ta nữa, bởi ngươi dã quên lật pháp của Đức Chúa Trời mình thì ta cũng sẽ quên con cái các ngươi” . Trong khi đó Ô-sê cho biết Đức Chúa Trời đã hình phạt Ysơraên là điều chắc chắn phải xảy ra, Ngài dùng những ngọn roi ngoại bang để đánh phạt họ, đồng thời Ngài cũng sai hết Tiên tri này đến Tiên tri khác cáo trách tội lỗi và kêu gọi họ trở về ăn năn tội lỗi mà họ đãphạm với Ngài. Sứ điệp của các Tiên Tri rao giảng chứa đựng tình yêu và sự cứu chuộc cho những kẻ bất trung, đồng thời cũng bày tỏ tấm lòng đau xót của Đức Chúa Trời, khi các Tiên tri càng kêu gọi chừng nào thì họ càng xa lánh chừng ấy. Thánh Kinh cho biết: “ Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó: ta gọi con trai ta ra khỏi Ê-díp-tô. Cácc Tiên tri càng gọi nó chừng nào, nó càng trốn tránh chừng nấy. Chúng nó đã dâng của lễ cho thần tượng Ba-anh và đốt hương cho tượng chạm”. Sứ điệp cấp bách này được nhận ra khá rõ qua tiếng kêu gào của Ôsê:   “Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va…”. Tiên tri Ôsê tố cáo sự thờ lạy thần tượng của dân Y-sơ-ra-ên là tội “ngoại tình thuộc linh” trước mặt Đức Chúa Trời, tình trạng ngày càng xấu đi, trong thời kỳ này Vương quốc Giu-đa cũng trở nên ô uế, ảnh hưởng bởi sự thờ lạy hình tượng của Ysơraên, điều đó lại càng tồi tệ hơn khi thậm chí một số người đã dâng con trai mình làm của lễ thiêu cho Mo-lóc, để giải thích điều này Francis A. Shaefer cho biết:

Hãy để hình thức lối nói Chúa sử dụng để hiểu rằng một người nữ đi ra để thu hoạch mùa màng và có được quyền tự do ở giữa mùa gặt, nàng ta đã lấy một khoản tiền thưởng từ một người nam nào đó để ngủ với người ấy trên sân đạp lúa, giữa lúc đang thâu hoạch mùa màng. Những người mà trước đây là dân sự Chúa đã trở thành như thế đấy. “Người vợ” của Đức Chúa trời đã ra thế đấy trong sự bội đạo của nàng”.

Đó là lý do vì sao mà sứ điệp của Ôsê và các nhà Tiên tri đồng thời với ông đã rao truyền một cách cấp bách, từ bối cảnh đó chúng ta có thể biết Ô-sê lại có một cái nhìn hết sức tinh tế và sứ điệp của ông chứa đựng lời cảnh báo ngày càng dâng cao. Đã đến lúc dân sự của Chúa phải nhìn lại chính mình, họ cần phải nhận ra tiếng gọi của tình yêu mà quay về để nối lại mối giao ước thuận thảo với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đối tượng mà lẽ ra họ đáng tôn thờ không phải là các thần ngoại bang mà là chính Chúa. Để thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề chúng ta cần nhìn qua lăng kính của Đức Chúa Trời khi Tình yêu cứu chuộc được minh hoạ từ hôn nhân của Ô-sê phần tiếp theo người viết sẽ trình bày.

III. Tình Yêu Cứu Chuộc Được Minh Hoạ Từ Hôn Nhân Của Tiên Tri Ô-sê

Chúng ta không biết nhiều về cuộc đời của Ô-sê ngoại trừ Thánh Kinh ghi lại ông là con trai của Bê-ê-ri, một người sống tại vương quốc miền Bắc. Ông có một cuộc đời đau khổ và một cuộc hôn nhân đầy bất hạnh. Tuy nhiên, gia cảnh của Ôsê là một bằng chứng vô cùng quan trọng góp phần làm sáng tỏ sứ điệp mà ông đã nhận lãnh từ nơi Chúa. Ở đây người viết hoàn toàn đồng ý với Các học giả Thánh Kinh khi cho rằng: “Cuộc hôn nhân của Ôsê chính là bức tranh mô tả mối tương quan của Ysơraên và Đức Chúa Trời”

Thật vậy, Đức Chúa Trời đã dùng cuộc hôn nhân của Ô-sê để minh họa cho tình yêu và sự cứ chuộc của Ngài đối với Ysơraên bất trung, khi họ chạy theo các thần tượng ngoại bang, phá bỏ giao ước với Ngài. Thánh kinh ghi lại một cách rõ ràng và chi tiết rằng: “Có lời Đức Giê-hô-va Phán cùng Ô-sê….Đức Giê-hô-va phán bảo người rằng: Hãy đi lấy một người vợ gian dâm, và con cái ngoại tình, vì đất nầy chỉ phạm tội tà dâm lìa bỏ Đức Giê-hô-va”. Ngay từ đầu sách Ôsê đã bày tỏ cho độc giả thấy được hình ảnh một chàng thanh niên, đặc biệt hơn nữa là một Tiên tri trẻ của Đức Chúa Trời đi cưới một người đàn bà thuộc dòng dõi xấu xa, là thành phần cặn bã của xã hội đương thời. Điều đó thật là một thử thách quá lớn đối với một chàng trai trẻ như Ô-sê, ông phải kết hôn với một người người vợ mà có lẽ ngay cả một kẻ xấu xa nhất cũng cảm thấy ghê tởm, nói trắng ra Ôsê đi cưới Gôme là một gái giang hồ. Đây là cuộc hôn nhân không do Ôsê quyết định mà ý định của Đức Chúa Trời, có thể chúng ta thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời lại truyền cho Ôsê  làm một điều như vậy? Câu trả lời ở đây là vì Y-sơ-ra-ên phạm tội tà dâm thuộc linh công khai với các thần khác, nên Đức Chúa Trời dùng điều này để lên án hành động tội lỗi của họ. Như đã đề cập ở phần trên, chúng ta thấy rằng tình trạng suy đồi đạo đức thuộc linh của Ysơraên đang ở mức báo động, thay vì chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời họ đã thờ lạy các thần khác, nghĩa là họ đã “kết hôn” với Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhưng mặt khác thì họ đi lại quan hệ với các “gã tình nhân khác là thần tuợng ngoại bang”.

Các nhà Thần học đã đưa ra một số quan điểm khác nhau về cuộc hôn nhân của Ô-sê như sau: “Gô-me có thể là một gái điếm khi Ô-sê cưới nàng, hoặc về sau nàng mới không chung thủy, cũng có thể Ô-sê cưới hai phụ nữ khác nhau, Gô-me ở chương một và một người phụ nữ khác ở chương ba ”. Nhưng dù có thế nào đi nữa thì cuộc hôn nhân buồn thảm này cũng phản ánh rõ nét sứ điệp cứu chuộc mà Ôsê đã rao giảng. Một quan điểm khác thì lại cho rằng:“Lời làm chứng về gia đình Ôsê chỉ là ngụ ý tức một câu chuyện dụ ngôn để làm sáng tỏ một sứ điệp, nhưng các dụ ngôn trong Kinh Thánh thì không bao giờ có tên người mà ở Ô-sê thì nêu đích danh các thành viên trong gia đình gồm cha vợ, vợ và ba đứa con bà ta đã sinh cho ông.”. Cho nên quan điểm đó tin câu chuyện là có thật về cuộc đời của nhà Tiên tri, Đức Chúa Trời đã gởi gắm sứ điệp cuộc hôn nhân của Ô-sê để bày tỏ cho Ysơraên thấy được tình yêu và sự cứu chuộc của Ngài dành cho một dân tộc loạn nghịch, bất trung, đồng thời Ôsê cũng đưa ra lời cảnh báo sự đoán phạt sắp xảy đến mà chỉ có thể ngăn chặn được bằng cách dân sự phải quay trở về cùng Đức Chúa Trời để tiếp nhận sự cứu rỗi mà Ngài cung ứng. Bất chấp sai lầm từ phía Ysơraên, giao ước cứu chuộc và tình yêu cuả Ngài vẫn không bị gãy đổ. Cuộc hôn nhân của Ôsê là cuộc hôn nhân chứa đầy nước mắt và tủi nhục. Tuy nhiên,  trong ý chỉ của Đức Chúa Trời thì đó là bức tranh minh họa đậm nét nhất về ân điển cứu chuộc của Ngài. Các thần học gia nhận định: “ân điển là ân huệ mà kẻ thụ lãnh chẳng xứng đáng”. Ở đây Y-sơ-ra-ên có được đặc ân này mà họ chẳng xứng đáng chút nào, cũng giống như Y-sơ-ra-ên, Gô-me thật không xứng đáng gì để được Ô-sê cươí về làm vợ, bà xuất thân từ một dòng dõi vô luân, trước khi Ôsê đi cưới Gô-me thì bà chỉ là “Một ngưòi vợ gian dâm, con cái của sự ngoại tình” .

Qua lai lịch của bà chúng ta có thể liên tưởng đến việc Đức Chúa Trời chọn Y-sơ-ra-ên và mỗi người trong vòng chúng ta. Ngài chọn Y-sơ-ra-ên không phải vì họ tốt đẹp nhưng vì Ngài yêu thương họ và ngài muốn họ liên hiệp với Ngài để trở nên tốt đẹp. Sự thâm thúy của sứ điệp tình yêu và sự cứu chuộc trong Ô-sê là ở đây, có lẽ hơn ai hết Ô-sê hiểu rất rõ về lịch sử của Y-sơ-ra-ên và những tệ đoan xảy ra trong thời ông đang sống, cho nên Đức Chúa Trời đã sử dụng ông, cảm động ông bày tỏ cho Y-sơ-ra-ên biết được tình yêu cứu chuộc này. Sự cứu chuộc và tình yêu là chủ đề bao trùm lên cả sứ điệp mà Ô-sê đã rao giảng. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà ngay cả tên của ông cũng có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Một số học giả Kinh Thánh còn gán cho ông một danh hiệu cũng hết sức mĩ miều là: “Người tình cao thượng nhất trong số các tình nhân của văn chương” . Chúng ta thấy tình yêu của ông mạnh mẽ đến nỗi, ngay cả hành động tệ bạc của một người vợ bất trung vẫn không có thể dập tắt được, ông không gượng ép trong tình yêu với vợ mình, ông tôn trọng lời giao ước và yêu mến Gô-me thật lòng. Khi đọc Ô-sê chương một chúng ta thấy những đứa con mà Gô-me đã sinh ra trong thời gian chung sống với Ô-sê được đặt tên theo ý nghĩa tượng trưng cho sự bất trung, gian tà và ở dưới sự phán  xét của Chúa. Điều đó phản ánh qua tên gọi mà Ô-sê đã đặt tên cho những đứa con của mình, “Lô-ru-ha-ma” nghĩa là không được thương xót, “Lô-am-mi” nghĩa là không phải dân ta hoặc là bất hợp pháp. Đây là từ ngữ lên án nặng nề nhất. Gôme ăn ở với Ô-sê vàcó ba đứa con, nhưng có lẽ chỉ có đứa con đầu là con ruột của ông, hai đứa sau là những đứa con ngoài giá thú, là hậu quả của những cuộc tình vụng trộm với các gã tình nhân của bà, điều đó đã xác định ngay từ chương một với cụm từ “con cái ngoại tình”. Chúng ta không biết Gô-me đàng điếm ra sao, chỉ biết một điều là cho dù bà bất xứng nhưng Ô-sê vẫn yêu bà hết mực. Chính từ kinh nghiệm đau buồn thất vọng của cuộc hôn nhân và sống giữa một dân tộc đầy loạn nghịch, bất trung với Đức Chúa Trời và ngày càng suy thoái về mặt đạo đức như thế đã giúp Ô-sê có cái nhìn thấu đáo hơn về nỗi đau của Ngài khi chứng kiến sự gian tà của Y-sơ-ra-ên. Có nỗi đau nào lớn hơn, tổn thương hơn là bị người tình phản bội. Ô-sê cưới phải một người vợ bất trung ra sao, thì Đức Chúa Trời cũng đã “cưới” Y-sơ-ra-ên cho Ngài thể ấy, Ngài đã chịu đựng tính gian dâm, loạn nghịch của họ một thời gian khá dài. Trong suốt khoảng thời gian chung sống với Ô-sê, Gô-me được ở dưới ân huệ của chồng, tất cả những tốt đẹp nhất bà được thụ hưởng đều là của Ô-sê, thế nhưng “Ngựa quen đường cũ”, Gôme tiếp tục sa vào vũng bùn tôi lỗi, cuối cùng bà trở thành nô lệ. Mặc dầu vậy, Ô-sê vẫn đi tìm cho đến một ngày ông gặp bà nơi chợ nô lệ, ông vẫn yêu thương và tìm mọi cách chuộc bà về từ tay chủ nô để phuc hồi cuộc sống vợ chồng như các ngày thuở xưa. Thánh kinh ghi lại hình ảnh Ôsê đi chuộc lại Gô-me khi bà ở trong tình cảnh éo le, ông trả một khoản tiền để chuộc bà về. “Vậy ta mua đàn bà ấy bằng mười lăm miếng bạc và một Hô-me rưỡi mạch nha”. Các nhà giải kinh cho rằng: “Có lẽ lúc này bà đã gia nhập đám phụ nữ làm điếm trong miếu  thờ ngoại giáo”

Đây chính là hình ảnh Đức Chúa Trời đi tìm và cứu chuộc tội nhân, đặc biệt dân sự của Ngài là Y-sơ-ra-ên. Gô-me không còn gì để xứng đáng để làm vợ của Ô-sê nữa. Thế nhưng bất chấp sự sai lầm mà bà đã phạm, Ô-sê đã bỏ ra một khoản tiền để chuộc lại người đàn bà mà truớc đây đã từng là vợ ông, để  hoàn lương cho Gô-me ông phải chuộc bà ra khỏi chốn đàng điếm của ngoại giáo với giá chuộc của một nữ tên nô lệ thời bấy giờ. Khi nói dến giá chuộc này, các nhà giải kinh cho biết: Giá chuộc nghe lạ tai, vì bình thường người ta không tính theo bạc lẫn lúa, nhưng chi tiết này cho thấy có lẽ Ôsê không làm sao gom góp đủ tiền. Đây là hình ảnh ví von về giá chuộc dân Ysơraên. Không rõ một hô-me rưỡi lúa mạch trị giá chính xác là bao nhiêu nhưng có thể giá muời lăm lạng bạc, như vậy tổng cộng tiiền chuộc là ba mươi lạng bạc tức là giá chuộc một tên nô lệ, hoặc giá chuộc một người nữ đã “biệt hiến” cho Đức Chúa Trời

Tại đây ánh sáng của niềm hy vọng cứu chuộc Y-sơ-ra-ên phô bày rõ nhất. Y-sơ-ra-ên gây ra tội tà dâm thuộc linh, họ phải chịu sự hình phạt, song Đức Chúa Trời vẫn không bao giờ bỏ họ, Ngài đã thanh tẩy và cuối cùng họ sẽ được phục hồi địa vị như những ngày thuở xưa. “Y-sơ-ra-ên sẽ là vợ của Ngài và Đức Chúa Trời là chồng của họ”. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn nhân để mô tả mối liên hệ giữa Chúa với tuyển dân của Ngài. Trong sách Ôsê chứa đựng niềm hy vọng về sự cứu chuộc đó khá rõ nét. Thánh kinh chép: “Đức Giê-hô-va phán rằng:Trong ngày ngươi sẽ gọi ta là chồng và sẽ không gọi ta là chủ tôi nữa, vì ta sẽ cất tên các thần tượng Ba-anh khỏi miệng nó và không ai nói đến tên chúng nó nữa”. Khi Đức Chúa Trời chọn Y-sơ-ra-ên thì Ngài đã lập với họ một giao ước cứu chuộc mà không có bất cứ điều gì làm cho gãy đổ. Suốt chặng đường lịch sử của Y-sơ-ra-ên, trải qua nhiều thời kỳ suy thịnh, nhiều lúc mối quan hệ giữa họ với Đức Chúa Trời dường như rơi vào tình thế bế tắc. Tuy nhiên, giao ước cứu chuộc vẫn luôn ràng buộc họ bằng tình yêu bền vững của Ngài, Chúa đã dùng “dây nhân tình và xích yêu thương mà kéo họ đến với Ngài”, mặc dù họ cứ bất trung và khước từ tình yêu đó. Tuy nhiên, Ngài đã đi bước đầu tìm kiếm và phục hồi mối tương giao giữa họ với Ngài. Việc chuộc lại vợ của Ô-sê là hình bóng sự quay về của Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời cách tối hậu. Khi Ô-sê đi chuộc lại Gô-me thì trải qua suốt thời gian sau đó,  hai người sẽ không có mối quan hệ hôn nhân, nhưng về sau này sẽ được khôi phục về địa vị hôn nhân đầy trọn cho bà. Quả thật. điều nầy mô tả lên quá khứ và hiện tại của dân tộc Y-sơ-ra-ên khi họ không trung tín với Đức Chúa Trời. Nàng [Y-sơ-ra-ên] chạy theo người tình khác [hình tượng] nhưng Chúa đã đem nàng trở về với Ngài. Trong sách Ô-sê chúng ta có được một trong những sự bày tỏ đẹp đẽ và hấp dẫn nhất về sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, đồng thời cũng thấy được bản chất thật của tội lỗi, sự thật được phô bày là khi đọc sách Ô-sê, không ai lại không nhận thấy nỗi thống khổ trào dâng trong lòng khi đặt mình vào hoàn cảnh của nhà tiên tri Ô-sê và chính tấm lòng của Thiên Chúa. Nếu nhìn nhận sứ điệp qua lăng kính của Đức Chúa Trời thì bạn sẽ biết được rằng tội lỗi của con người làm tổn thương tấm lòng của Ngài là nhiều lắm. Người viết sẽ đồng ý với điều mà  Campbell G. Morgan đã nhận định: “Điều tối cao trong mỗi một lời tiên tri ấy là Đức Chúa Trời là Đấng mà những người này đang sống gần gũi với Ngài cũng chính là Đấng mà họ biết là Đức Chúa Trời yêu thương dịu dàng thương xót vô hạn, nổi giận vì cớ Ngài yêu thương đối đãi thạnh nộ căn cứ trên tình yêu của Ngài và đoán phạt nhắm vào mục đích tối hậu của tấm lòng Ngài. Chính nhịp tim của Đức Chúa Trời đang đập trong suốt các phân đoạn Kinh Thánh này.”

Tình yêu của Ô-sê dành cho người vợ bất trung, bội nghịch là câu chuyện có thật về cuộc đời và hôn nhân đầy nước mắt của nhà tiên tri. Chúng ta sẽ nhận thấy bức tranh minh hoạ một cách trung thực mà Đức Chúa Trời đã dùng hôn nhân của tiên tri Ngài bày tỏ cho dân sự Chúa thấy rõ về thực trạng đáng buồn của một dân tộc đã lìa bỏ Chúa của mình để đi theo các thần tượng gớm ghiếc của ngoại bang. Để khẳng định điều này nhà giải kinh William, MacDonald cho biết: “Bút pháp ở đây là văn thuật chuyện và đừng ai hiểu chúng như một ẩn dụ đơn thuần. Chân lý nằm trong quan điểm này ấy là câu chuyện thật sự minh hoạ tuyệt đẹp về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên tội lỗi”.   Khi  nói đến tình yêu và sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời  có ý kiến cho rằng: “Ô-sê trình bày lòng thương xót không hề vơi của Đức Chúa Trời mà không tội lỗi nào của con người có thể ngăn trở hay làm cho hao mòn. Ý tưởng chính trong sứ điệp của Ô-sê ấy là quyền năng và tình yêu bất tuyệt của Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên sẽ chưa thoả mãn cho đến chừng nào làm cho toàn bộ Y-sơ-ra-ên được hòa hợp”. Chúng ta sẽ không thể nào nói cho hết những cái tinh tuý chứa đứng trong sứ điệp của Sách Ô-sê, điều quan trọng cần cảm nhận là tình yêu của Đức Chúa Trời được viết bằng nước mắt từ chính cuộc đời và hôn nhân tan vỡ của Ô-sê, tiên tri của Ngài.

Kết Luận

Nhìn chung, sách Ôsê chứa đựng thần học cứu chuộc vô cùng sâu sắc. Qua Ôsê bức tranh gia đình Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều hơn bất cứ sách nào trong Cựu Ước, mở đầu của sách là một gia đình tan vỡ phần kết thúc là bức tranh của một gia đình đoàn tụ. Qua Ôsê chúng ta cũng thấy được bức tranh đen tối nhất của lịch sử Ysơraên trong thời kỳ suy vong, mạc vận, một dân tộc đã lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời để đi thờ lạy các thần khác của thế giới ngoại bang. Đồng thời kinh nghiệm đau thương từ cuộc hôn nhân bất hạnh của Ô-sê, chúng ta cũng thấy được hình ảnh nhân từ thương xót  của Đức Chúa Trời đối với tuyển dân của Ngài. Sự cứu chuộc bằng tình yêu bền vững của Ngài, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sứ điệp của Ô-sê. Tình yêu có nhiều cung bậc khác nhau, nhưng tại đây tình yêu đó được nâng lên ở một mức độ tột cùng, tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho kẻ bội nghịch và không xứng đáng. Trong cái nhìn của con người thì dường như kẻ có tội sẽ bị hủy diệt, nhưng dưới nhãn quan của Đức Chúa Trời thì Ngài luôn có giải pháp. Điều hy vọng đó được đặt trên nền tảng của giao ước cứu chuộc trong tình yêu vững bền của Ngài, con người thì luôn bội giao ước nhưng Ngài vẫn giữ giao ước. Ngài không muốn tiêu diệt, nhưng muốn Ysơraên quay về để nhận ơn thương xót của Ngài. Lịch sử Ysơraên đã chứng minh điều đó, chúng ta sẽ đồng ý với điều mà các nhà thần học đã cảm nhận: “Tình yêu của Đức Chúa Trời đã đem lại sự tha thứ và một đời sống mới, cho những ai tiếp nhận tình yêu đó, nhưng tình yêu không loại trừ một sự thật, đó là để  đồng đi với Chúa con người phải từ bỏ tội lỗi của mình và bước đi trong sự thánh khiết”. Ôsê kết thúc sứ điệp của mình bằng một lời kêu gọi Ysơraên hãy trở lại cùng Chúa để tìm được ơn thương xót của Ngài. Đây là tiếng kêu gào tha thiết mà có lẽ Ôsê đã từng kêu gọi Gôme quay về để phục hồi mối tương giao thuận thảo của tình nghĩa vợ chồng, mà chính Gô-me đã từng làm gãy đổ. Niềm hy vọng cứu chuộc không ở đâu rõ ràng như  Ô-sê, chính tại đây kẻ có tội tìm thấy con đường sự sống để quay về.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Chaeffer A.  Francis The Church at The End of the 20th Century N.p.: n.p., n.d.
Harrison F. Thomas Các sách tiểu tiên tri N.p.: n.p., n.d.
Morgan, G. Campbell The Minor Prophet Old Tappan NJ: Fleming H. Revell Company, 1960.
Paul  R. House. Cựu ước Lược Khảo Nashville Tennessee: NXB Broadman press, 1992.
Snyder, Henry. Gehman Editor. The New Westminster Dictionary of the Bible.
N.p.: n.p., n.d.
Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam. Giải nghĩa Kinh Thánh, Các sách tiên tri Garden       Grove, Califonia: VTHTLVN, 2002.
Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam. Nghiên Cứu Các Sách Tiểu Tiên Tri Garden Grove, California: VTHTLVN, 2002.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *