TỘI LỖI THỜ HÌNH TƯỢNG

Lê Anh Huy

“If we are not willing to be governed by God, we shall be governed by tyrants”
(Nếu chúng ta không vui lòng để Chúa tể trị, chúng ta sẽ bị cai trị bởi các nhà độc tài) – William Penn

Khi Phúc âm về sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-Xu đến với người Việt Nam thì phản ứng đầu tiên được ghi nhận là: “Tôi có tội gì đâu mà cần được cứu rỗi!” Thật vậy, theo tiêu chuẩn của con người câu nói trên là đúng. Bởi vì trong khi đất nước Việt Nam đang sống trong chế độ vô thần; khi mà những giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn; khi nhân phẩm bị hạ thấp xuống ngang hàng với súc vật qua thuyết tiến hóa Darwin, thì hệ thống đạo đức của các tôn giáo Việt Nam như Phật giáo (khoảng 60% dân số), Công giáo (khoảng 10% dân số) và các tôn giáo nhỏ khác đã là tiêu chuẩn quá quí rồi.

Khi nói đến cứu rỗi là phải nói đến tội lỗi. Tôn giáo nào khi hướng về Chân, Thiện và Mỹ cũng có nổ lực riêng để xử lý tội lỗi. Như vậy trong tiềm thức của nhân loại, tội lỗi là một điều ghê tởm ngăn cách con người với Chân, Thiện, Mỹ. Tội lỗi, theo quan niệm thông thường, là những thiếu sót trong quan hệ giữa người với người, từ nhẹ như bất hiếu, bất kính đến nặng như sát nhân. Trong khi đó, đối với Đức Chúa Trời, tội lỗi bao gồm những điều trên và thêm vào, sự thiếu sót trong quan hệ giữa người với Đức Chúa Trời như: bất tuân, bỏ quên, từ khước, thù nghịch, chống đối Thiên Chúa, thờ lạy giả thần, tin theo và thực hành tà thuyết, vv. Giáo huấn của Đức Chúa Trời về quan hệ giữa người với người, và giữa người với Ngài được tóm gọn trong mười điều răn; bốn điều đầu dạy về quan hệ giữa người với Đức Chúa Trời, sáu điều sau dạy về quan hệ giữa người với người. Điều răn của Đức Chúa Trời còn gọi là Luật Pháp, là tiêu chuẩn tuyệt đối để sống thích hợp với nước Thiên Đàng. Tội lỗi theo tiêu chuẩn tuyệt đối là đi lệch khỏi Luật Pháp Đức Chúa Trời ban. Do vậy con người có thể trong sạch theo tiêu chuẩn của xã hội và của tôn giáo của mình nhưng vẫn có thể phạm tội cùng Đức Chúa Trời.
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học tập về ý chỉ của Đức Chúa Trời về sự thờ phượng Ngài.

1- Điều răn của Đức Chúa Trời về sự thờ phượng

Đức Chúa Trời phán:
Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác .

Ngài dạy rất rõ ràng là con người, là vật thọ tạo của Ngài, chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi. Thờ lạy Ngài là hành động để tỏ ra sự kính mến, kính sợ, ngưỡng mộ và ca ngợi Đấng Sáng Tạo, Đấng Thiêng Liêng là chủ tể của cả vũ trụ hữu hình và vô hình trong đó có loài người chúng ta. Vì là Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ, Đức Chúa Trời có quyền bính trên vũ trụ trong đó có con người. Ngoài Ngài ra không có một danh xưng nào trên trời hay dưới đất xứng đáng để con người thờ lạy. Vì Đức Chúa Trời là Linh nên con cái Ngài phải thờ phượng Ngài trong tâm linh và lẽ thật. Lẽ thật về sự thờ phượng này là sự nhận biết sự bất lực của mình trước quyền lực của tội lỗi; và từ đáy vực sâu trong sự cô đơn vì tội lỗi đó kêu gào cùng Đức Chúa Trời Giê-hô-va như tiên tri ê-sai: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” Người thờ phượng Đức Chúa Trời trong tâm linh và lẽ thật là người đến với Đức Chúa Trời bằng một tấm lòng trong như phim trắng xuyên suốt để tất cả những ý nghĩ thầm kín đều phơi bày ra trước mặt Ngài không mắc cỡ, dấu diếm, dối trá, đạo đức giả. Người thờ phượng lý tưởng theo ý muốn của Đức Chúa Trời là người không còn “tương giao” với Chúa nữa, mà linh của mình hòa nhập vào Linh của Đức Chúa Trời trong một tình yêu thắm thiết mầu nhiệm.
Không có một giáo chủ nào trong lịch sử nhân loại phán dạy một lời như Đức Chúa Trời. Đó là vì họ không có quyền bính gì trên loài người để đòi hỏi con người phải thờ lạy mình. Ngay cả Phật tổ, là giáo chủ của một tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ xem mình như là một người Thầy. Phật tổ chưa bao giờ nhận mình là Thần Linh (Deity) vì khái niệm về thần linh và linh hồn trường cửu thật sự không tồn tại trong Phật pháp [1].

Khi thấy tín hữu yêu mến mình mà lễ bái, Phật nghiêm khắc dạy dỗ:

“Này Ananda, không phải như vậy là tôn trọng, kính cẩn, sung bái, làm vẻ vang Như lai đâu. Bất luận vị tỳ khưu nào, bất luận vị tỳ khưu ni hay thiện nam, tín nữ nào hành đúng theo Giáo Huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chân chính, là người tôn trọng, kính cẩn, sung bái và làm vẻ vang Như lai theo cách cao thượng nhất. Như vậy, này Ananda, con phải chuyên cần tu tập, hành động đúng theo Giáo Huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, sống đời chân chính [2].”

Phật tổ cũng như tất cả giáo chủ khác đều đã chết. Khi sắc thân Phật đã chết hay còn gọi là tịch diệt, người để lại cho thế giới một hệ thống triết lý tôn giáo gọi là pháp thân. Các giáo chủ khác như Khổng tử, Lão tử, Mohammed hay ngay cả Karl Marx cũng để lại những “pháp thân” khác. Họ thật sự đã ngừng thở, tim ngừng đập, điện não đã tắt, thân xác đã tan rữa như bao nhiêu người khác đã chết. Sự chết tuyên bố chiến thắng trên họ, vì họ đã đi vào cõi chết vĩnh viễn. Phật tổ không phải là Thần Linh; người không muốn tín hữu lễ bái người ngay cả khi còn sống, pháp thân của người để học tập và thi hành chứ không phải để thờ lạy, vậy thì Phật tử tỏ sự kính mến người bằng cách nào?

2- Thực tế của xã hội Việt Nam về sự thờ phượng

Phật tử thờ lạy hình hoặc tượng Phật để tỏ lòng kính mến Đức Phật. Trong các chùa, Phật tử cúi lạy hay ngay cả sấp mình trước tượng Đức Phật Như Lai và các vị Bồ Tát khác để cầu xin. Hầu hết các gia đình Phật tử đều có bàn thờ có hình tượng Phật và hình tượng ông bà và người thân đã quá cố. Nhiều khi Phật tử còn làm khác lời Phật dạy hơn nữa khi họ cầu xin Đức Phật phù hộ để được sức khoẻ, làm ăn suông sẻ, hoặc ngay cả cứu độ khi tính mạng bị đe dọa. Trên lý thuyết, Phật tử biết rõ Đức Phật chỉ là người chỉ đường; mỗi cá nhân đều phải tu hành cho chính mình để được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Nhưng trong thực tế của đời sống, họ vẫn khao khát kêu gào đến một đấng cứu rỗi vì trong tiềm thức họ biết mình bất lực trước quyền lực của tội lỗi và sự chết.

Trong khi đó Đức Chúa Trời phán thật rõ:

Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đấp thấp này, hoặc trong nước dưới đất.
Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó;
vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.

Đức Chúa Trời ghê tởm sự thờ lạy hình tượng. Hình tượng đó có thể là của một người gọi là Như lai, hay Quan âm Bồ Tát, hay một người bụng phệ gọi là ông địa, hay có thể là hình một người bị đóng đinh trên thập giá mà người ta gọi đó là Chúa Giê-Xu, hay là hình tượng một người đàn bà phúc hậu bồng một đứa trẻ kháu khỉnh mà người ta gọi đó là Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Một pho tượng hay một tấm hình có tai mà không biết nghe lời cầu xin, có mắt mà không biết nhìn thương xót, có miệng mà không biết phán dạy, có tay mà không biết vỗ về an ủi, và cứu giúp, có chân mà không biết đi. Thờ lạy hình và tượng chắc chắn không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Con người khi thờ lạy hình tượng đã hạ nhân phẩm mình xuống thấp hơn loài vô tri bằng gỗ, đồng và đá.

3- Mê tín dị đoan

Có một điều khó chấp nhận về xã hội Việt Nam là trong suốt mấy ngàn năm chịu ảnh hưởng của Phật giáo, một tôn giáo cổ xúy cho trí tuệ [3], thì mê tín dị đoan là một phần trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Một người có thể thờ lạy hình tượng Phật, thờ cúng ông tổ nghề nghiệp, xin xâm, bói toán, cầu cơ, vv. cùng một lúc. Một giáo sư đại học một mặt cổ xúy cho thuyết “khoa học” Darwin, mặt kia vẫn có thể la mắng con cái khi chúng nó quét nhà hướng ra đường trong ngày mồng một Tết vì sợ rằng năm tới đây tiền của bị “quét” hết ra đường! Gia đình nào có trọng tang thì không dám đến “đạp đất” nhà bà con trong ngày Tết. Anh em trong nhà cãi lộn nhau trong ngày Tết thì bị la mắng kẻo năm tới đây hục hặc nhau suốt năm, v.v. Giới trí thức của xã hội Việt Nam vẫn có thể thực hành nhiều tập tục mê tin dị đoan khác nữa như cúng sao, lên đồng bóng, đốt vàng bạc, xem phong thổ khi mua hoặc xây nhà, xem ngày giờ khi cưới hỏi hay khai truơng cửa tiệm hay đi xa, coi chỉ tay, bói bài, đánh số tử vi, v.v. Ngay tại Sàigon hay Hà Nội hiện nay vẫn còn tục lệ đốt tiền mã cho người chết. Tiền mã thì có bán dưới dạng tiền bác Hồ hay đô la Mỹ; nhưng người dân thì thích mua tiền mã đô la Mỹ hơn vì bà con dưới âm phủ có thể đổi ra tiền bác Hồ rất được giá! Khi về thôn quê thì hiện tượng mê tín dị đoan còn rõ nét nữa như: đeo bùa cho con “khó nuôi,” hay đặt tên dơ dáy bẩn thỉu cho con để ma quỉ sợ không dám bắt, v.v. Người dân thôn quê thật sự sợ hãi mọi vật như gốc cây đa, bụi tre, bến nước có người chết chìm, ngôi miếu cổ đầu làng, bát nhang trong bếp, gọi tên “húy,” v.v. Đâu đâu cũng thấy bóng tối của sự sợ hãi ẩn núp.

Đời sống tâm linh đó nói lên ba điều:

1- Người dân Việt không thỏa mãn với tôn giáo của cha ông mình,

2- Người dân Việt đang sống trong sự bất an, hụt hẩng về tương lai, và

3- Trí tuệ con người chẳng giúp gì được cho đời sống tâm linh.

Sự mê tín dị đoan và hình tượng đang đưa dân tộc Việt Nam tới ngõ cụt của sự nô lệ cho tội lỗi. Trên bình diện xã hội, nó gây ra mặc cảm tự ti cho dân tộc mà hậu quả là một đất nước nghèo nàn lạc hậu.

Khi tâm linh một người không có Đức Chúa Trời ngự trị, thì hình, và tượng chiếm lĩnh. Vì thế, tâm linh đó đã chết mặc dù người đó còn sống. Muốn tâm linh được sống, thì người đó cần phải đuợc tái sanh bởi Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi tiếp nhận Chúa Giê-Xu là Cứu Chúa, con người làm hòa lại với Đức Chúa Trời và trở nên con cái Ngài. Kinh Thánh xác nhận: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời.” Ngay giây phút tin nhận Chúa Cứu Thế, tâm linh một người bắt đầu có hạt giống của Đức Chúa Trời nẩy mầm. Nhờ đó, họ mới có năng quyền để tranh chiến và chiến thắng tội lỗi. Đức Chúa Trời đã phán:”Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo.” Lúc đó, ánh sáng chân lý của Đức Chúa Trời chói lòa trong tâm linh, xua đuổi đi bóng tối của sự chết vì thờ cúng hình tượng.

4- Kết luận

Dân tộc Việt Nam chỉ có một trong hai lựa chọn: Một là làm nô lệ cho những hình tượng vô tri vô giác, không biết nghe không biết nói, hai là làm con cái Đức Chúa Trời bằng sự thờ phượng Ngài trong tâm linh và lẽ thật. Làm nô lệ cho hình và tượng là tội lỗi trầm trọng chống lại Đức Chúa Trời; và kết quả của tội lỗi là sự chết trong tâm linh. Sự chết tâm linh là điều Đức Chúa Trời không bao giờ muốn xảy ra cho tạo vật của Ngài, vì Ngài đã phán và nay vẫn còn phán với lòng xót thương: “Ta không lấy làm vui thú trên sự chết của bất kỳ ai. Vậy ăn năn và sống!” (Ezekiel 18:32 NIV).

Tài liệu tham khảo
1- Hòa thượng Narada, Phạm Kim Khánh dịch, “Đức Phật và Phật Pháp–Đức Phật và Vấn Đề Thần Linh Tạo Hóa,” http://www.saigon.com/~anson/uni/u-dp&pp/dp&pp23.htm
2- Hòa thượng Narada, Phạm Kim Khánh dịch, “Đức Phật và Phật Pháp –Đức Phật Nhập Đại Niết Bàn,” http://www.saigon.com/~anson/uni/u-dp&pp/dp&pp14.htm
3- Hòa thượng Thích Minh Châu, “Trí Tuệ trong Đạo Phật,” http://www.saigon.com/~anson/uni/1-bai/phap026.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *