BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (2) – LỜI GIỚI THIỆU (B)

Cuộc Hội Họp Tại Augsburg

Vào tháng Tư, Tuyển Hầu John cùng với Martin Luther, Philip Melanchthon, Justas Jonas và Veit Dietrich (thư ký của Luther) rời khỏi lâu đài Torgau. Mười ngày sau, đúng vào đêm Thương khó, họ đến tại lâu đài Coburg. Luther và tuyển hầu ở lại tại Coburg trong khi những người khác thì đi đến Augsburg. Tại đó, Philip Melanchthon được giao cho nhiệm vụ dẫn dắt những nhà thần học Lutheran. Đồng thời tuyển hầu cũng lập ra nhóm chuyển thư hỏa tốc để chuyển thư từ giữa Luther và các cộng sự của ông một cách nhanh chóng. Tuyển hầu John đã đến Augsburg vào ngày 2 tháng Năm.

Cuộc họp bắt đầu với dấu hiệu rõ ràng là các tín hữu Lutheran can đảm không chịu nhượng bộ những đòi hỏi của hoàng đế, cũng không thỏa hiệp với những sự thuyết phục của họ. Khi phái đoàn hoàng gia của vua Charles đến Augsburg, họ được đón tiếp bởi một phái đoàn thật lớn đến từ thành phố kể cả các hoàng thân theo phái Lutheran. Người đại diện của đức giáo hoàng đứng lên để ban cho toàn hội nghị lời chúc phước đặc biệt từ đức giáo hoàng.  Khi đám đông quì gối, Tuyển hầu John và những hoàng thân phái Lutheran từ chối không chịu quì.  Sau đó, Charles và những người cùng đi với ông lên đường đi vào thành phố và đến tại nhà thờ chánh tòa nơi đang tổ chức lễ Misa.  Đám đông một lần nữa để ý thấy Tuyển hầu John và lãnh chúa Philip vẫn cứ đứng trùm đầu mà không chịu quì gối trong giờ ban phúc lành.

Tối hôm đó, Charles và em trai của mình là Ferdinand là vua nước Ao, gặp riêng với các hoàng thân phái Lutheran. Họ ra lịnh cấm không cho bất cứ người Lutheran nào giảng dạy tại Augsburg trong suốt hội nghị. Họ ra lệnh cho những người ấy phải tham dự lễ Rước Mình Thánh Chúa (Corpus Christi) vào ngày hôm sau với các hoàng đế. George, bá tước xứ Brandenburg, đã dõng dạc binh vực cho những người Lutheran. Ông không chịu thừa nhận những đòi hỏi của Charles và nói rằng: “Trước khi tôi để cho bất cứ người nào lấy Lời Đức Chúa Trời ra khỏi tôi và bảo tôi phải chối Chúa của tôi, tôi sẽ quì gối xuống và để cho người ấy chém đầu.”  Trước sự can đảm của George, Hoàng đế phải sửng sốt và nói lắp bắp trong tiếng Đức: “Không chém đầu! Không chém đầu.”

Bản Tuyên ngôn Augsburg Được Viết

Kế hoạch trình bày Tín điều Torgau phải bị gạt bỏ khi phát hiện ra sự tấn công bằng những lời vu khống liên tục vào Luther đã được sắp đặt bởi John Eck – người đã từng gây rắc rối cho Luther trước đây. Vào năm 1518 tại Leipzig, Eck đã cố bêu xấu Luther như là kẻ dị giáo. Ông ta đã chạm trán với Luther tại Worm vào năm 1521. Giờ đây, ông ta bí mật viết một cuốn sách để tấn công liên tục Luther và các cộng sự của ông với tựa đề Bốn Trăm lẻ Bốn Tín Điều về Hội Nghị Augsburg. Trong đó gồm có những lời trích dẫn từ những tác phẩm của Martin Luther cũng như của các nhà cải chánh Tin lành khác.

Cuốn sách thật là ngớ ngẩn và cố để đánh đồng những sự dạy dỗ của phái Lutheran cũng ngang bằng với sự dạy dỗ của Ulrich Zwingli và hầu hết những người cải chánh khác, được biết đến như phái Anabaptists. Mục đích của Eck là đồng hóa phái Luther với hầu hết những nhà cải chánh cực đoan mà vài người trong số họ đã phủ nhận những giáo lý căn bản về lịch sử Cơ Đốc giáo. Đứng trước tình hình này, những người Lutheran buộc phải sọan một bản tuyên bố về đức tin và sự khác biệt giữa họ với Zwinglians, Anabaptists, và những nhóm khác.

Tuyển hầu John đã yêu cầu Philip Melanchthon viết một bản tuyên ngôn về đức tin. Ông viết mà không có sự hội ý chặt chẻ với Luther, nhưng ông chủ yếu dựa vào những Tín điều Schwabach, Marburg và Torgau. Mỗi Tín điều có rất nhiều sản phẩm của Luther.

Luther tỏ ra tán thành công việc của Melanchthon, cho dù ông nói rằng ông chẳng bao giờ có thể “làm việc thận trọng” như Melanchthon đã làm. Bản Tuyên ngôn Augsburg đã được viết rất khéo léo có chủ ý để bày tỏ sự trả lời với hoàng đế trong hòa bình và nhẹ nhàng. Nó có chủ ý nói cho người Đức. Tuy nhiên, khi nhiều lãnh đạo người Đức đọc đến, họ nói rằng họ cũng muốn ký tên vào bản Bản Tuyên ngôn ấy và nhận nó như là tín điều của họ.

Vào ngày 25, tháng Sáu năm 1530, những người theo phái Lutheran can đảm đã tuyên xưng đức tin của họ và nói cho hoàng đế và giáo hội Công giáo La-mã về những gì họ đã tin, đã dạy, và tuyên xưng. Họ dựa vào lời hứa của Lời Đức Chúa Trời trong Thi thiên 119:46 rằng: “Sẽ nói về chứng cớ Chúa trước mặt các vua, Không phải mắc cỡ chút nào.” Bản Tuyên ngôn Augsburg đã được trình bày như một bản tuyên ngôn về lẽ thật Kinh thánh và sự hiệp một đích thực trong niềm tin Cơ Đốc. Nó chẳng bao giờ bị hủy bỏ.

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *