Bất cứ ai còn nghi ngờ rằng từ khi sinh ra trẻ em đã có những ước vọng thì họ nên dành ít thì giờ quan sát một em bé đang hăng hái tập đi hay một em bé đang tập nói. Đứa trẻ tập đi té lên té xuống bao nhiêu lần, nhưng vẫn đứng dậy và tiếp tục đi nữa. Hầu như không có em bé nào bỏ cuộc. Các cô cậu chập chững ấy rồi sẽ chạy nhanh, sẽ đi giỏi. Các cô cậu bập bẹ từng chữ ấy sẽ nói trôi chảy một ngày nào đó. Dĩ nhiên sẽ có những em bé bị tật nói lắp hay cà lăm. Nhưng tỷ lệ này không nhiều. Vậy mà chỉ vài năm sau đó, vào lúc hết tiểu học và bước vào trung học, vô số trẻ em hầu như đã mất đi cái động lực tự nhiên thúc đẩy chúng cố gắng tập đi, tập nói năm nào và rồi nhiều trẻ em mất hẳn khả năng cố gắng để rồi không thành công gì cả những năm trung học.
Trước những hoàn cảnh đó, cha mẹ khi thấy con cái mình học hành sa sút không còn hăng say cố gắng “vượt khó” thường rất lo lắng và đau khổ. Bởi vậy có nhiều cha mẹ muốn nhà trường phải là nơi giúp trẻ tạo lập cho mình một sự đam mê như đam mê tập đi, tập nói.
Chuyện đó dĩ nhiên không đơn giản chút nào. “Trẻ em có thể được trao cho những cơ hội để chúng tự mình sinh hoạt và đam mê đối với một thứ gì đó. Nhưng nhớ một điều là không được bắt ép chúng. Và lại càng không thúc ép dọa nạt.” Bà Jacquelynne Eccles, một giáo sư tâm lý Đại học Michigan đã khuyên các phụ huynh như vậy. Bà là người đã bỏ ra 25 năm để nghiên cứu tại ba quận thuộc thành phố Michigan xem cái gì đã thúc đẩy các em học sinh lớp 1 và lớp 7 hoạt động hăng say đến như thế. Nhiều nhà giáo dục và nhà tâm lý học ngày càng tin rằng có thể tìm ra những giải pháp để thúc đẩy nơi những học sinh làm biếng học. Họ nói rằng bằng cách làm cho trẻ con tự tin, khuyến khích chúng chấp nhận sai sót, chấp nhận những thất bại và khai mở những lãnh vực trong đó có thể giúp trẻ em đạt được thành tựu. Cả cha mẹ và thầy dạy đều có thể tái khởi động tiềm năng muốn làm cho được của những học sinh biếng nhác.
Muốn đạt được những điều đó không phải đi tìm hư danh cho trẻ hay bắt ép học sinh phải giỏi là xong việc. Giáo sư Dương Thiệu Tống đã có lần viết trên báo Phụ nữ về “Trường chuyên, điểm ảo”. Trẻ em được cho vào những trường “chất lượng cao” để rồi tự cảm thấy mình giỏi hơn là những học sinh không thuộc những trường đó. Học sinh được cho điểm “xuất sắc” để rồi khi kết quả học tập là “giỏi” thì lại buồn. Điều này thật tương phản với thực tế vì có vô số học sinh, sinh viên giỏi xuất thân từ những gia đình “chạy ăn từng bữa”, những gia đình không có điều kiện để đưa con vào các trường “chất lượng cao”. Có vô số học sinh thành đạt xuất thân từ những vùng quê hẻo lánh, nơi mà muốn đi đến trường trẻ em phải lặn lội hàng chục cây số. Tại ngôi trường trung học nơi người bạn tôi dạy học tại vùng bưng sáu xã các em phải lội ruộng, lội mương từ sáng sớm và áo quần gói vào bọc ny lông đến trường mới mặc vào. Có nhiều em vẫn thành đạt, thành thầy, thành cô cả.
Anh HHH là một giáo sư có bằng MS (thạc sĩ) về hóa học từ thập niên 1960 nhất định không “chạy trường” cho con. Anh ở Thị Nghè và cho con học những trường quanh vùng Thị Nghè. Thằng bé vẫn giỏi và ngoan.
Trái lại anh DCL là người ở tận xóm ấp xa xôi cuối quận 9 ngày nào cũng lặn lội đưa con về tận thành phố để học trung học. Bây giờ con đã vào đại học rồi, anh vẫn ngày ngày đưa đón “thằng bé sinh viên” bằng xe gắn máy. Ngày “cậu bé sinh viên” biết tự mình đi xe buýt là một ngày trọng đại. Anh mừng quá vì cậu cưng sinh viên năm 3 đã có thể một mình tự đi xe buýt về thành phố!
Phải tìm hiểu xem tại sao con cái lại mất đi nhuệ khí, lòng hăng say tập đi, tập nói vào tuổi lên một lên hai trước đã. Điều tiên quyết là phải tránh để các em không bị tổn thương về tình cảm hay mặc cảm thua sút từ trong gia đình. Tránh cho trẻ phải đối đầu với những khủng hoảng nội tại nơi gia đình do cha mẹ và người lớn gây ra.
NHK là một sinh viên đại học. Em có nhiều tài và cũng có nhiều năng khiếu. Học giỏi, hát hay, đàn violon tuyệt, lại còn học cả võ thiếu lâm nữa. Thế mà một ngày kia ai cũng sững sờ khi nghe tin em tẩm xăng tự đốt mình trong căn nhà khóa chặt cửa. Nguyên nhân: cha mẹ bất hòa. Oâng bố đi với người khác, mất niềm tin, mất nhuệ khí, em tìm cách giải quyết riêng của mình.
TAM cũng vậy. Em là con một, học hai trường Bách khoa và Nhân văn thật giỏi. Cả cha mẹ đều là giáo viên. Bỗng nhiên năm cuối cùng em học hành sa sút. Ngày thi tốt nghiệp thấy danh sách ghi em bị cấm thi. Hỏi sao? Bạn bè em nói, “Nó quên cả ngày giờ thi!” Hỏi sao đãng trí thế? – Cha mẹ bất hòa. “Nó ở với mẹ và bà ấy trút những giận hờn ông chồng lên thằng con duy nhất bằng đòn roi và mắng nhiếc mặc dù “thằng bé” đã là sinh viên năm cuối.”
“Nhiều nhà tâm lý và giáo dục đã gắn liền sự suy sụp của học sinh, sinh viên vào một thứ sợ hãi, một thứ thất bại, hoặc một thứ áp lực nào đó tại gia đình bởi vì chính những sự cố đó làm nguội dần hay dập tắt ngọn lửa nhiệt tình học hỏi và tiến thân của con trẻ.” Trẻ em bị làm thui chột hoặc bị cắt đứt mất hứng thú tiến thân bởi chính việc người lớn đã làm. Những việc làm của người lớn cản trở về lâu về dài ý chí của trẻ con. Carol Dweck, giáo sư tâm lý tại Đại học Standfort có ý kiến như vậy. Trong vài năm vừa qua, bà Dweck đã thực hiện một số những khóa thảo luận thực nghiệm với các học sinh lớp 7 tại Thành phố New York để thử nghiệm một phương pháp mà các giáo sư về môn thần kinh học đã đưa ra khi sử dụng những điều cơ bản về khoa thần kinh học để dạy học sinh cách động não suy nghĩ và cách nuôi dưỡng những hứng thú đó trong đời sống sau này. “Tín hiệu mà chúng tôi đưa ra là mọi thứ đều đặt dưới sự điều khiển của con trẻ, không phải của cha mẹ hay một áp lực nào bên ngoài”. Đó là nhận định của giáo sư Lisa Blackwell, Đại học Colombia, người cùng thực hiện nghiên cứu với giáo sư Dweck. Dĩ nhiên phải tránh kiểu “cào bằng tư duy” vì mỗi trẻ em đều tư duy khác nhau tùy hoàn cảnh và giai đoạn.
Nhà văn Boris Paternak đã viết một câu để đời trong Doctor Zhivago, “Không thể đóng khuôn bộ não của con người theo một khuôn mẫu nào cả.” “Hơn bất cứ ai xuất hiện trong đời con trẻ, cha mẹ đóng những vai trò quyết định trong việc truyền nhuệ khí cho con cái bằng cách cổ vũ những cố gắng của con người, giúp các em tự vượt khó. Tuyệt đối tránh đề cập đến khía cạnh “thông minh hơn người” của trẻ hoặc “tôn vinh tài năng” của trẻ.” Giáo sư Blackwell nói,“Trên hết, cha mẹ phải làm cho con cái hiểu là một sai lầm nào đó cũng là một phần trong những bài học làm người.”
Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng hệ thống giáo dục nhấn mạnh quá nhiều vào việc thi cử và vào việc phân loại học sinh theo các thứ hạng khả năng khác nhau chẳng có lợi gì ngoài việc làm cho nhiều trẻ thui chột ý chí. Khả năng con người thật muôn mặt và việc phân loại, đánh giá trẻ em kể cả sinh viên theo một vài tiêu chuẩn nào đó thật sự là một thiếu sót và đáng trách. “Những chương trình như vậy làm mất hẳn nhuệ khí, sự hăng say và những động lực nơi những đứa trẻ bị coi là không có năng khiếu, hay không có tài năng bẩm sinh. Họ đã làm cho các em mất hẳn sự tự tin cần thiết.” Đó là ý kiến của Jeff Howard, một nhà tâm lý học xã hội và là Chủ tịch Học Viện Efficacy Institute, một tổ chức tại Boston, chuyên lo về việc cùng với cha mẹ và thầy cô giúp cải tiến khả năng học hành của trẻ em.
Hãy đưa trẻ em ra khỏi khung cảnh của những bài kiểm tra và những bài tập về nhàbằng những công tác tự nguyện ngoài xã hội, qua những hoạt động thể thao, các trò chơi tiêu khiển, các hoạt động ngoại khóa khác. “Vấn đề là nhiều học sinh sinh viên coi việc học như không có liên hệ gì hết với những mục tiêu và tham vọng của cuộc sống.” Michael Nakkula, một giáo sư môn giáo dục tại Đại học Harvard đang điều khiển chương trình Project IF (Inventing the Future. Khám phá tương lai) tìm cách giúp những người có thu nhập thấp tìm được hứng thú trong việc làm. Chìa khóa của việc giúp con em đặt mục tiêu cao hơn vào việc học ở trường là làm cho học sinh thoát ra khỏi nhận định cho rằng mọi hoạt động tại trường lớp không có liên hệ với nhau chặt chẽ. “Giống như bất cứ em bé tập đi tập chạy, học sinh sinh viên cần phải hiểu rằng họ phải học bước đi trước khi họ có thể học chạy.” Và đó cũng chính là trách nhiệm của cha mẹ.
Trần Bá Nguyệt