Thương nghị Quốc tế I về thành phố Israel
“Nazareth: Khảo cổ học, Lịch sử và Di sản Văn hoá”: đó là chủ đề của cuộc Thương nghị Quốc tế I về thành phố Israel này, được tổ chức từ 21-24/11/2010, tại khách sạn An-Ayne của thành phố.
Toà Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem đã cho biết: ông Ramiz Jaraisy, thị trưởng thành phố Nazareth, hy vọng cuộc thương nghị này sẽ là bước đầu tiên dẫn đến việc tuyên bố công nhận thành phố Nazareth như di sản thế giới của nhân loại. Toà Thượng phụ cũng nhắc lại là đơn yêu cầu đã được đệ trình lên UNESCO.
Toà thị chính thành phố, cùng với Trung tâm Quốc tế Maria thành Nazareth và Hội Văn hoá Du lịch đã đồng tổ chức cuộc gặp gỡ này, cùng với sự tài trợ của Uỷ ban Dothái UNESCO, Trung tâm Văn hoá Pháp tại Nazareth, và Trung tâm Văn hoá Ý tại Hafai.
Trong số những quan chức hiện diện, ta ghi nhận có sự hiện diện của Đại sứ Pháp tại Israel, ngài Christophe Bigot, và vị Tổng Đại diện của Toà Thượng phụ tại Israel, là Đức cha Giacinto-Boulos Marcuzzo.
Tuyên bố với Zénit, ông Omar Massalah, người Hồi giáo, Thư ký “Diễn đàn Địa Trung Hải vì Hoà bình”, và cũng là người đã khởi xướng cho cuộc thương nghị này, đã cắt nghĩa rằng việc công nhận trên “sẽ là cách thế tốt nhất để bảo vệ thành phố, và tránh cho việc biến đổi cũng như hiện đại hóa sẽ không làm tổn hại đến cái tinh tuý của thành Nazareth”.
“Nazareth là thành phố có một không hai. Nazareth phải trở thành một thành phố chiếu soi cho toàn thế giới”. Ông Omar Massalah đã tuyên bố như thế, và biện minh cho ý định của mình khi yêu cầu các quốc gia Ảrập hỗ trợ cho đơn đệ trình UNESCO xin công nhận, cũng như xác định rõ đây không phải là một sáng kiến “bao hàm yếu tố chính trị”, mà chỉ là một “vấn đề văn hoá và phụng tự”.
Đối với “Diễn đàn Địa Trung Hải vì Hoà bình” đặt trụ sở tại Paris, và đã tổ chức khoá họp đầu tiên của mình tại Lecce, Ý, và đang chuẩn bị cho một khoá họp khác tại Brindisi, thì mục tiêu là cổ vũ một nền văn hoá hoà bình và đối thoại, nhất là giữa những tín đồ, mà cụ thể là giữa những Cơ đốc giáo và Hồi giáo, bởi vì họ có cùng những giá tri chung với nhau”.
Một kho tàng ẩn giấu
Ý tưởng về cuộc thương nghị quốc tế được phát sinh từ sự ghi nhận sau đây: đối với tất cả mọi người, Nazareth là một địa điểm nổi tiếng và có một tầm biểu tượng lớn lao, nhưng di sản bao la ấy vẫn còn là một kho tàng ẩn giấu.
Khi bắt đầu cuộc họp, Ông Marcuzzo đã phát biểu là chỉ có một phần nhỏ dân cư trong thành Nazareth, một phần nhỏ những nhà nghiên cứu, và những khách hành hương là đã có thể khám phá ra nét phong phú và đa dạng của những chiều kích Thánh Kinh, tu đức, văn hoá và lịch sử của thành phố.
Vị Tổng Đại diện tại Toà Thượng phụ Israel đã nhắc lại rằng thành phố Nazareth, đối với Giáo Hội, với nền khảo cổ học thời tiền sử và những công trình kiến trúc hiện đại của châu Âu, với ngôi nhà thờ Dothái giáo-Cơ đốc giáo đầu tiên và những cuộc thập tự chinh cho đến thời đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, tượng trưng cho suối nguồn và khởi nguyên, như là nơi diễn ra biến cố Nhập thể.
Những lời phát biểu của vị Tổng Đại diện Toà Thượng phụ phản ảnh sự phấn khởi của tất cả các tham dự viên trước sự phong phú của thành Nazareth “mà chúng ta phải ý thức và làm cho mọi người biết về nét phong phú ấy”.
Một cuộc họp sôi nổi và gặt hái được nhiều kết quả
Nhiều bức hình chụp, cổ xưa cũng như hiện đại, về những địa điểm gợi nhiều kỷ niệm nhất của thành phố đã được chưng bày trong khách sạn nơi diễn ra cuộc thương nghị.
Trong 2 ngày thảo luận, hơn 10 người Cơ đốc nhân, Dothái giáo cũng như Hồi giáo thay phiên nhau phát biểu.
Ngoài ông Omar Massalah, nguyên Giám đốc Bộ phận UNESCO thuộc Pháp, còn có LM Eugenio Alliata, OFM, là nhà khảo cổ của Học viện Studium Franciscanum tại Giêrusalem, ông Pierre Perrier, chuyên gia về văn chương truyền khẩu Đông phương trong Phúc Âm, giáo sư Renzo Ravagnan thuộc Học viện Venise phụ trách các di sản văn hoá, là người được giao cho nhiệm vụ trùng tu nhiều di tích tại Nazareth, mà mới đây là trùng tu Ngôi nhà Truyền Tin, đã thay phiên nhau phát biểu trong cuộc họp.
Các chuyên gia này đã trình bày những chiều kích địa dư và lịch sử trước một cử toạ rất chăm chú và luôn có mặt.
Họ cũng trình bày về hiện tình công việc đang được tiến triển một cách tốt đẹp và chương trình tương lai trong việc khai quật khảo cổ học, đề cập đến một dự án du lịch thích hợp cho thành Nazareth, cũng như những nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật liên quan đến vương cung thánh đường hiện nay và ngôi nhà thờ cổ, nói về những trang sách mà lịch sử của thế kỷ XX chưa hề biết đến, nói về nguồn gốc còn mơ hồ của tên gọi Nazareth và nhiều từ chuyển hoá từ tên gọi Nazareth.
Sau cuộc họp, đoàn đuợc ông Sharif Safadi hướng dẫn đi thăm thành Nazareth, chẳng hạn tham quan một số kho tàng địa phương, như Mồ của người Công chính thế kỷ I, mặt tiền và nội thất những ngôi nhà cổ, Giếng nước Đức Maria là biểu tượng của thành phố. Và cuối cùng, đoàn cũng đi thăm một ngôi nhà có từ thời Chúa Giê-xu, được tìm thấy năm 2009, nằm trong Trung tâm quốc tế Maria thành Nazareth.
Sự hợp nhất của Nazareth
Thị trưởng Nazareth đã phát biểu kết thúc cuộc họp, và hy vọng sẽ xuấn bản một quyển sách nói về những thành quả gặt hái được trong đại hội, cũng như cho biết toà thị chính sẽ cấp một học bổng là 10.000 đôla mỗi năm cho nghiên cứu sinh nào dọn luận án tiến sĩ về thành Nazareth.
Những người tổ chức cuộc thương nghị quốc tế I đã cho biết là cuộc họp đã đạt được những kết quả khả quan, và sẽ tổ chức một cuộc thương nghị khác vào năm tới.
G.B. Lưu Văn Lộc dịch
Theo TTCG & Zénit.org