NGÀY 18/3. GIÚP BẠN BÈ THOÁT KHỎI CƠN KHỦNG HOẢNG

Làm sao giúp một bạn đang nản lòng hoặc suy sụp tinh thần?

LỜI CHÚA

Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.
(Rô-ma 12:15)

Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng:
ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va.
(Thi Thiên 122:1)

Người đang nản lòng hoặc đang suy sụp tinh thần cần gì?

Đ1. Đến với

Trước hết bạn cần đến với người đó. Đến với người đó trong tâm tình bạn bè chớ không phải người dạy dỗ. Đúng là bệnh nhân đang cần thầy thuốc, nhưng trước khi làm thầy thuốc bạn phải đóng vai trò bạn bè. Người nản lòng cần người bạn chớ chưa cần thầy, cần người an ủi cảm thông chứ chưa cần người khuyên răn, giảng dạy. Cho nên khi đến với người nản lòng và suy sụp tinh thần, thay vì nói với họ: “Đừng khóc nữa, hãy vui lên!” bạn nên khóc với họ.

Đ2. Đồng cảm

Đồng cảm với người đang tuyệt vọng có thể biểu hiện qua nhiều cách khác nhau. Tình yêu thương và sự quan tâm có thể chỉ là lặng lẽ ở bên cạnh người đó, dành thì giờ để lắng nghe những nỗi niềm của người đó, cùng đau buồn, thì khóc với người đó. Ba người bạn của ông Gióp đã đến với ông, họ khóc lóc và ngồi bên cạnh ông trong bảy ngày bảy đêm, nghẹn ngào không nói nên lời.

Đ3. Động viên

Nhờ đồng cảm mà bạn có thể động viên bạn của mình. Đây là lúc đưa người nản lòng ra khỏi sự nản lòng, giúp người khóc lóc thôi khóc lóc. Nói cách khác động viên người nản lòng hướng về bản thân một cách tích cực để vượt qua khủng hoảng.

Động viên bạn của mình duy trì mối liên hệ với bạn bè trong cộng đồng Cơ Đốc. Mối thông công trong cộng đồng cùng một niềm tin rất có ích cho người nản lòng.

Động viên bạn của mình duy trì mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Không phải chỉ hướng về bản thân và hướng đến cộng đồng mà còn động viên người nản lòng hướng đến Đức Chúa Trời. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với phương pháp tư vấn của người đời. Chúng ta ở bên cạnh người nản lòng để đồng cảm và động viên người đó đến với Đức Chúa Trời. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là giải pháp cho đời sống mình chớ không xem con người là giải pháp. Thi Thiên 122:1 cho thấy, có “tôi”, có người ta, có cộng đồng nhà Đức Giê-hô-va, nhưng sâu xa chính Đức Giê-hô-va là Đấng nâng đỡ và giải quyết những nan đề trong cuộc sống của “tôi”.

SẴN SÀNG GIÚP ĐỠ

Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơi, xin cứu lấy tôi! Tức thì Đức Chúa Giê-xu giơ tay ra nắm lấy người. (Ma-thi-ơ 14:30-31)

Oaktreevu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *