NIỀM TIN CỦA NGƯỜI LUTHERAN VIỆT NAM
Cùng hiệp nhất với Hội thánh của Chúa Giê-xu Ki-tô trên toàn cầu, Hội thánh chúng tôi tin và dạy về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Đấng Sáng tạo của mọi vũ trụ hiện hữu; Giê-xu Ki-tô, Chúa Con, Đấng đã trở nên con người để mang mọi nỗi thống khổ và chết thay vì tội của nhân thế, và Ngài đã sống lại từ cõi chết đắc thắng trên mọi quyền lực của Satan; Chúa Thánh Linh, Đấng tạo dựng niềm tin qua Lời Thiên Chúa và các Thánh lễ – Màu Nhiệm (Sacraments). Cả ba thân vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Hiệp Một đều là đồng đẳng, đồng quyền, đồng tể trị vũ trụ, và hằng còn cho đến đời đời.
Là người tín hữu “Lutheran,” Hội thánh chúng tôi tin nhận và dạy Thánh Kinh dựa trên lời giáo huấn của Tiến sĩ Martin Luther, nguời đã khởi xướng phong trào Cải chánh Giáo hội trong thế kỷ 16. Sự dạy dỗ này được cô đọng qua ba cụm từ thật quan yếu: Chỉ duy nhất Ân điển, Chỉ duy nhất Thánh Kinh, và Chỉ duy nhất Đức tin.
Duy Nhất Ân Điển (Grace Alone)
Thiên Chúa yêu thương thế nhân, dù con người đầy dẫy tội, nổi loạn chống lại Ngài và không xứng đáng để được Ngài yêu thương, tuy nhiên, Đức Chúa Cha đã ban chính Con Độc sanh là Giê-xu để yêu kẻ không đáng yêu và bất khiết. Đấy chính là do Ân điển diệu kỳ mà thôi!
Duy Nhất Thánh Kinh (Scripture Alone)
Thánh Kinh là Lời Vô ngộ của Thiên Chúa do Ngài khải thị Luật pháp và Phúc Âm của sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu . Đây là niềm tin bất di dịch và là qui tắc cho niềm tin của tín hữu.
Duy Nhất Đức Tin (Faith Alone)
Bởi sự thống khổ và sự chết như là sinh tế chuộc tội của Đấng Christ cho mọi người trong mọi thời đại, Ngài đã ban cho con người ơn thứ tha và đời sống vĩnh cửu cho những ai khi nghe đến Phúc âm ăn năn tội và tiếp nhận Chúa Cứu thế. Đấy là do đức tin chứ không bởi việc làm lành của con người mà được.
Để tất cả thuộc về Chúa và từ Chúa, người Lutheran xác quyết đức tin thêm hai điều trọng yếu sau:
Duy Nhất Chúa Giê-xu Ki-tô (Solus Christus hoặc Solo Christo)
Chúa Cơ Đốc là Đấng Trung bảo duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Không phải Mary (Maria hoặc Ma-ri), hoặc các thánh, cũng không phải linh mục (hoặc bất kỳ ai khác ngoài Chúa Cơ Đốc) có thể hành xử như là đấng trung bảo để đem sự cứu chuộc đến cho loài người.
Duy Nhất Thiên Chúa được tôn vinh (Soli Deo gloria)
Mọi vinh hiển đều dành cho Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi là công việc bởi tay Ngài làm – không chỉ là sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, nhưng còn là sự ban cho đức tin hầu con người được cứu rỗi bởi sự chuộc tội ấy. Người tín đồ Lutheran tin rằng con người (như các thánh và giáo hoàng của Giáo hội Công giáo) và tổ chức (Giáo hội) không xứng hiệp để nhận sự tôn vinh ấy.
Với sự kiên định vững vàng như trên, người tín hữu Lutheran cùng bước đi chung trong sự hiệp một để dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi tấm lòng biết ơn, bằng sự khát khao thực hiện hai đại mạnh lệnh ltừ Chúa giao: việc xã hội nhân đạo theo Phúc âm Mathiơ 25 và làm chứng về tình yêu Thiên Chúa qua đời sống đạo hằng ngày để môn đồ hòa muôn dân, theo Mathiơ 28.
Từ ngữ “Synod” trong Giáo hội Lutheran-Missouri Synod do nguyên ngữ Hi-lạp có nghĩa “cùng bước đi chung” (walking together.) Đấy là một từ ngữ phong phú trong ý nghĩa Hội thánh là thân thể, vì lẽ các hội chúng tình nguyện chọn và thông thuộc vào Synod. Trong Thánh Lễ phụng vụ Thiên Chúa, các hội chúng này nắm giữ và chia xẻ niềm tin nơi Chúa Giê-xu như Thánh Kinh và tín lý Giáo hội Lutheran đã dạy dỗ.
Các hội chúng trong Synod còn được gọi là “Confessional”(tuyên xưng). Họ nắm giữ các tín lý Lutheran để giải kinh và trình bày các giáo lý trong Thánh Kinh. Những sự dạy dỗ này ở trong quyển The Book of Concord: The Confessions of the Evangelical Lutheran Church ( Nghị Ước Thư) tất cả mọi tín lý này đã được các nhà lãnh đạo Giáo hội viết trong thế kỷ 16. Các tín lý căn bản này được tóm tắt trong quyển Luther’s Small Catechism (Sách Giáo lý Nhỏ của Tiến sĩ Luther đã được dịch sang Việt ngữ), và Quyển Augsburg Confession thì trình bày nhiều chi tiết hơn về những gì giáo hữu Lutheran tin nhận.
Admin