PHỤC SINH VÀ LUÂN HỒI – QUAN ĐIỂM CỦA CÔNG GIÁO

BA CÂU TRẢ LỜI CHO MỘT CÂU HỎI DUY NHẤT

Để trả lời câu hỏi điều gì xảy ra bên kia bến bờ sự chết, có ba câu trả lời. Câu trả lời đầu tiên ngắn gọn: “Chẳng có gì!”. Hoặc người ta muốn nói rằng sự chết là dấu chấm hết vĩnh viễn và rằng phía bên kia chẳng còn lại chút gì về con người; hoặc người ta cho rằng chúng ta không biết gì và vì thế không thể nói gì về thế giới bên kia. Việc hoàn toàn không tin hoặc chủ nghĩa bất-khả-tri có một điểm chung: họ trả lời bằng một sự trống không.

Các Kitô hữu đưa ra một câu trả lời kiên định và nhất quán hơn. Họ nói về sự Phục Sinh. Cái chết không có nghĩa là sự kết thúc của hữu thể nhân loại. Họ vẫn tiếp tục sống bên cạnh Thiên Chúa là Đấng đưa họ vào mãi mãi trong cuộc cuộc sống mới cùng với một thân xác được tôn vinh: tất cả những điều nầy vì cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, Đấng không ở lại trong mồ, nhưng quyền uy Thiên Chúa đã làm cho Người về lại cõi sống. Tuy nhiên sự phục sinh khác về bản thể với cuộc thức dậy những kẻ chết, như những người mà các Phúc Âm tường thuật lại về Lazarô, về anh thanh niên ở Naim hoặc về con gái ông Giairô. Đấng sống lại từ nay só một thân xác bất diệt và sống ngoài thời gian của con người.

Cho tới thời gian gần đây, niềm tin nầy vào sự phục sinh nắm giữ gần như độc quyền trong các vùng của chúng ta. Tất cả những gì không phải là hoàn toàn vô thần, đều ít hoặc nhiều xác tín vào niềm tin ở sự sống vĩnh cửu. Bây giờ thì không còn như vậy nữa. Các thống kê cho thấy có 20% người thời nay ở Châu Âu có một sự tin tưởng khác biệt: tin vào sự luân hồi. Phác thảo tổng quát, sự tin tưởng nầy được diễn đạt như sau: sau khi chết, hữu thể nhân loại trở về lại cuộc sống dương-thế, nhưng là trong một thân xác khác, tiến trình nầy thay đi đổi lại một số lần không thể xác định được. Như vậy có khả năng “làm lại cuộc đời”.

Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ ngay: ở vào thời đại khoa học kỹ thuật của chúng ta, ai lại còn có thể rơi vào một sự tin tưởng ấu trĩ nghờ nghệch như vậy?

Sự thật, đối với một số người thời nay, sự tin tưởng nầy bao gồm một sự tiến bộ. Trước kia họ không tin vào điều gì hết, còn bây giờ họ lại có được xác tín rằng có không ít điều sau khi chết: một dãy tiếp nối những luân hồi.

“TỪ NAY,TÔI TIN VÀO THẾ GIỚI BÊN KIA”

“Từ lâu, tôi là người theo chủ nghĩa duy vật. Tôi tin vào sự thành công, thành đạt, tiền tài. Và  cuộc sống làm tôi thoả mãn trong khuôn khổ nầy. Tôi rất ít nghĩ về cái chết. Khi tôi chợt nghĩ đến, thì tôi coi nó như một điều dữ không thể tránh né được, không có phương thuốc giải trừ. Nếu trước sau gì cũng phải qua cửa ải đó, thì tất nhiên là càng trễ càng tốt… Nhưng rồi một ngày tôi chuyện vãn với một đồng nghiệp và chúng tôi đã đề cập đến những chủ đề siêu hình. Các bạn hiểu tôi muốn nói gì rồi: những vấn nạn lớn lao của cuộc đời. Người bạn đối thoại nói với tôi rằng riêng anh ta, anh ta tin vào luân hồi, và anh ta đã nói về nó cho tôi nghe. Từ hôm ấy, tôi thường suy nghĩ đến cuộc nói chuyện nầy. Và tôi ngày càng tin chắc rằng ý tưởng luân-hồi dựa trên những nền tảng vững chắc. Làm sao có thể tưởng tượng được rằng cuộc đời chúng ta ngừng lại ở nấm mộ? Vâng, từ nay tôi tin vào cuộc sống bên kia thế giới và tầm nhìn của tôi được mở rộng ra. Tôi có cảm tưởng bước vào trong chu-kỳ vĩ đại của cuộc đời. Tôi giữ phần được chia cho tôi trong bản giao hưởng vĩ đại của lịch sử nhân loại, lịch sử vốn khởi sự từ lâu trước tôi và sẽ còn tiếp diễn lâu mãi sau tôi”. Tôi ngừng ở đây bản sao thư nầy của một doanh nhân, toàn tâm cống hiến cho công việc, hoàn toàn tỉ mỉ trong lãnh vực nghề nghiệp. Người ấy đã thay đổi. Và sự xác tín mới của mình, người ấy đặt cho cái tên là “đức tin”.

NÉT QUYẾN RŨ CỦA PHƯƠNG ĐÔNG

Những gì được mô tả trên đây chỉ là hình thức thông thường của niềm tin vào sự luân hồi, như nó đang phát triển trong thế giới Phương Tây của chúng ta. Đó là một biến thể khá thô kệch của tín ngưỡng tinh lọc về luân hồi như là nó được biết đến từ nhiều thế kỷ qua trong Ân-giáo và Phật-giáo, nơi người Hy Lạp và về sau, trong Thế Kỷ Ánh Sáng.

Lúc đầu, Ấn Độ không biết đến luân hồi. Học thuyết luân hồi chỉ xuất hiện vào khoảng năm 750 trước CN. Khi con người chết đi, chỉ còn lại hữu-thể sâu xa nhất của nó, cái “nó”. Cái nầy được liên kết bởi luật karma, nghĩa là, nói một các đơn giản, bởi luật thưởng phạt tùy theo các công việc. Vì vậy người đã khuất rất thường khi bị buộc phải sống lại một cuộc sống trên trái đất, và cái “nó” của người ấy sẽ ở trong một thân thể khác. Quy trình nầy  tiếp tục mãi cho tới cái “nó” tốt nhất có thể tự giải thoát mình hoàn toàn. Bao lâu các hành vi của người ấy còn nghiêng cán cân, thì người ấy còn phải tiếp tục nữa. Ở đây, luân hồi hẳn không phải là một tin tốt lành gì. Trái lại: người ta muốn thoát khỏi nó với một sự khôn-ngoan ngày càng lớn hơn. Cuối cùng, con người hy vọng có thể tan biến một ngày nào đó vào cái linh hồn lớn của vũ trụ. “Như nước sông biến tan vào biển cả, mất đi danh tính và hình thể, cũng vậy người khôn ngoan, một khi được giải thoát khỏi danh tính và hình thể riêng mình, đi vào trong lòng sự khôn ngoan thượng trí vượt trên tất cả”.

Ít lâu về sau, ở thế kỷ VI trước CN, Phật-giáo chuyển hướng, nhấn mạnh về một linh đạo khổ hạnh. Không còn cái “nó” hoặc cái “tôi” ở đây nữa: tất cả trở thành phù du và chúng ta chỉ tồn tại bởi một giòng tư duy, hồi ức, cảm giác, hành vi ý chí không ngưng nghỉ. Đến nỗi người ta có thể tự hỏi đó còn là luân hồi đích thực nữa chăng: quả thật không còn cái “nó” liên tục trở lại cuộc hiện hữu. Cho dù thế nào đi nữa, Phật-giáo cố gắng bằng sự khổ hạnh làm tắt mọi ước ao tự nâng mình lên tới trạng thái Niết Bàn.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng hai khái-niệm nầy tương đối hóa sự hiện-hữu cá thể vì lợi ích của thực thể vũ trụ. Người Ấn-giáo tiến về sự kết hợp với sự tròn đầy của hữu thể, Phật giáo thì tiến về niết-bàn. Luân hồi, cả hai đều xem nó đúng ra là một sự chúc dữ, một sự  nô lệ phải dứt bỏ. Cách nhìn nhận sự việc nầy xa rời cách thông thường ở phương Tây. Cũng khác hoàn toàn là quan-niệm ví dụ của G.Lessing (1729-1781). Hơn nữa ông ta không tham chiếu phương Đông. Cuộc sống mới không phải là một sự thưởng phạt đối với tiền kiếp; nó là một cơ hội tốt để trở nên hoàn thiện, một cơ may để có được thêm nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn. Một lần luân hồi tạo thành một bước tiến về phía trước để đạt tới sự hoàn thiện cao hơn. Bởi vậy luân hồi không còn là một lời chúc dữ, một hình phạt hay là một số kiếp. Chính trong cùng tinh thần đó mà Helena Blavatsky rồi sau đó là Rudolf Steiner đã viết: những cuộc luân hồi đa dạng là một chuyển động đi lên trong tiến trình hiện-thực-hóa bản thân. Cứ mỗi lần [luân hồi] như thế, hữu thể con người trở thành chín chắn hơn, phong phú hơn và hoàn hảo hơn, trở thành chính mình hơn. Người ta tìm thấy quan niệm na ná như vậy trong Thời Mới. Quả thật, [phong trào] Thời Mới cho rằng con người được hưởng lợi từ chuyển động đi lên của vũ trụ mà nó là một yếu tố. Heinz Zahrnt viết: “Trong khi ở Phương Đông, nghiệp chướng giống như một cỗ xe ngựa mà người ta rất sẵn lòng bước xuống, thì ở phương Tây, nó lại là một cái thang xoắn ốc mà ngườI ta trèo lên nhẹ nhàng” (Gotteswende,1989).

Thật ra, ở Phương Tây, chưa bao giờ luân hồi mang bộ mặt của lời chúc dữ; đó là một biến cố đầy hy vọng làm mất đi tính chất bi kịch của cái chết và an ủI vô số những nghịch cảnh của cuộc sống nầy. Do vậy nó hội nhập một cách hoàn hảo vào giản đồ đức tin đang phát triển và tự hiện thực hóa bản thân.

Người ta hẳn đã để ý điều đó, luân hồi không phải là một món hàng được bán riêng ra. Người ta không tin vào luân hồi mà không cần phải liên kết với cả một cái Welfanschauung (quan niệm và thực hành niềm tin) vốn liên kết rất chặt chẽ. Quan niệm nầy đề xuất một quan niệm khác về Thiên Chúa, về con người, về lịch sử, về ơn cứu độ. Không thể chối cãi rằng các “tôn giáo” phương Đông có một sự quyến rũ trên người phương Tây. Không thể nghi ngờ, điều giảI thích phần lớn sự thành công của luân hồi trên chúng ta, chính là những tiếp xúc với Châu Á – đặc biệt là Ấn-Độ. Tính liêm minh chính trực của một số trong các tín đồ phương Đông của nó, cuộc sống gương mẫu của họ, đã gây ấn tượng lớn lao trên tất cả những ai tiếp xúc với họ qua sách báo hoặc trong những cuộc du lịch. ĐốI với người phương Tây, rất tự nhiên là  tin cậy và khen ngợi Châu Á ở mặt khôn ngoan cuộc sống. Lắm khi ngườI ta có cảm tưởng dự phần vào một “thị trường chung” to lớn của các tín ngưỡng. Thế giới sẽ chỉ còn là một “mặt bằng lớn”duy nhất, dĩ nhiên là tự phục vụ: mỗi người chọn lựa những gì thích hợp mình. Ngay cả một số Kitô hữu xác tín rằng học thuyết luân hồi có thể là một bổ sung đang hoan nghênh cho đức tin vào sụ phục sinh của họ.

CÓ BẰNG CHỨNG KHÔNG?

Điều vừa làm say mê vừa thuyết phục con ngườI hiện đại, đó là các sự kiện. Vì vậy những ngườI ủng hộ luân hồi khẳng định: chúng tôi có những sự kiện có căn bản khoa học chứng minh có luân hồi. Vậy đâu là các chứng cứ ấy? Ian Stevenson,nhà phân tâm học người Mỹ, đã phát hành năm 1979 một tài liệu “thấu đáo” về các hiện tượng “gợi ý” luân hồi. Ông phát biểu hết sức dè dặt khi nói về giá trị của các chứng cứ. Có lẽ nên nói về những hiện tượng có thể định hướng trong ý nghĩa nầy là “có tính chất chỉ thị”. Như vậy, khá nhiều lần người ta chỉ ra hiện tượng nầy vốn xãy ra cho mỗi người vào một lúc nào đó: trong một hoàn cảnh nhất định, chúng ta có cảm giác xa lạ vì đã gặp hoặc đã sống nó rồi. Và có những trường hợp của hiện tượng gây ngạc nhiên một cách đặc biệt. Ví dụ, một người đang đọc một cuốn sách mà ngườI đó không biết, anh ta nhận biết tất cả những gì mình đọc và có thể kể lạI sau đó. Rất nhiều những hiện tượng nầy được giải thích bằng siêu hình học. Người ta còn gặp thấy nó cả trong tâm lý học thông thường. Một tri giác xảy ra một lúc nào nhất định, có thể cố định ngay trong trí nhớ và cho cảm tưởng là “đã thấy “rồi. Đó chính là một cái gì đã biết. Phân tâm học, về phần nó, biết đến những khoa nghiên cứu bệnh lý về ký ức. Hoặc đó là khoa ngọai cảm? Dù là thứ gì đi nữa,nếu quả các hiện tượng thụôc lọai “tôi đã sống điều ấy” được xác nhậnh một cách khoa học,thì không vì thế mà chứng minh được rằng sự giải thích duy nhất và đúng đắn phảI tìm ở trong luân hồi.

 Đôi khi nó nại đến trường hợp những con người (nhất là các trẻ em) nhận ra những đồ vật không thuộc về mình. Chính như vậy mà, để kế vị Đức Đạt-lai Lạt-Ma, lãnh tụ tinh thần của Phật-tử Tây Tạng, người ta tìm kiếm một bé trai nhận ra tức khắc một số đồ đạc vốn thuộc về Đức Đạt Lai Lạt-Ma quá cố. Em bé ấy được coi là hiện thân luân hồi của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thực tế,có những đứa trẻ có những thiên hướng văn chương hoặc âm nhạc đặc biệt mà chúng không thể tự có, hoặc nói tiếng ngoại quốc. Phải chăng có sự chuyển giao tư tưởng, sự nhạy cảm theo cách đồng cốt, thần giao cách cảm? Ở đây cũng thế,câu hỏI được đặt ra. Trong cùng trật tự tư tưởng, người ta lấy ra những yếu tố phụ hình thái học đặc trưng của những người quá cố, mà người ta tìm thấy được lại nơi các trẻ em. Thật lạ lùng! Nếu sự việc được xác lập một cách khoa học, thì có lẽ là phải tìm kiếm theo hướng cơ-thể-hóa, nghĩa là các hình ảnh hoặc cảm xúc đến từ bà mẹ và được diễn đạt trong thân thể của đứa bé. Các thánh tích của các thánh chẳng phải là điều gì tương tự như thế sao? Tất cả những giả thuyết nầy cần được xác minh thẩm tra.

 Người ta còn nại đến trường hợp những người nói chắc chắn họ nhớ về một quá khứ không phải là của họ. Hẳn nhiên, việc lừa đảo thô thiển không bao giờ bị lọai trừ. Nhưng ngay nếu không phải trường hợp đó, thì những giả thuyết có tính giải thích khác luân hồi cũng có thể tiến hành. Chẳng hạn không thể hoàn toàn loại trừ ảnh hưởng của người chết trên người còn sống.

 Luân hồi là một cách hiểu, không phảI một nhận định. Hơn nữa, nếu nó là một mẫu mực cho việc giải thích, thì các mẫu mực khác cũng hoàn toàn có thể. Không có kết luận bắt buộc ủng hộ luân hồi.

LUÂN HỒI VÀ NHÃN QUAN VŨ TRỤ THẾ GIỚI

Song song với các “sự kiện được xác lập” nầy, người ta thường gợi lên sự tương đồng sâu xa giữa luân hồi và một nhãn quan áp dụng chung cho cả con người lẫn vũ trụ. Theo họ, luân hồi nhập một cách tuyệt vời vào các nhịp sống của vũ trụ. Quả thật trong vũ trụ hiện hữu một chu kỳ lớn lao của sự sống và sự chết, của sự phục hưng và tàn lụi. Cái chết của hữu thể nầy đồng nghĩa với sự sống của một hữu thế khác. Vũ trụ là một tiếp diễn những quan hệ nhân quả được xích chặt với nhau, những cấu trúc kết nốI và tan rã luôn luôn mới mẻ. TạI sao con người lại không như thế chứ, trong khi rõ ràng nó chỉ là một nhân tố của vũ trụ? Học thuyết nầy không kém phần lôi cuốn. Nhưng ý nghĩa cuộc đời tôi là gì trong cái viễn tượng nầy? Các hành vi của tôi có hay không một giá trị duy nhất và quyết định?

VÀ KINH THÁNH

Kinh Thánh không màng gì đến luân hồi; phải nói là Kinh Thánh rõ ràng không biết đến luân hồi. Vào lúc mà truyền thống Kinh Thánh bắt đầu đào sâu khái niệm trách nhiệm cá nhân của cá thể, (ví dụ nơi tiên tri Ezéchiel), thì Kinh Thánh không hề bị cám dỗ bởi niềm tin về luân hồi. Ngược lại là khác. Trước vấn nạn để biết làm sao bảo đảm một quá khứ chồng chất và làm thế nào chịu nỗi gánh nặng của tội lỗi mình, đó không phải là một cơ hội mới nhân một cuộc sống mới được đưa ra, nhưng chính là việc Thiên Chúa ban tặng nhưng không một trái tim mới và một tinh thần mới. Vì chính Thiên Chúa đến cứu độ con người; công cuộc cứu độ không phải là công việc của loài người.

Lý chứng được cho là có tính chất Kinh Thánh ủng hộ luân hồi, mà ngườI ta hay lấy lại, là lý lẽ của tiên tri Elia, mà người ta mong đợi ngày Ngài trở lại (x. Ml 3,23;Si 48,1-11). Các Phúc Âm cũng ám chỉ chờ đợi sự trở lại của Elia. Theo đó, trong Matthêu, chúng ta đọc thấy làm sao các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Những luật sĩ nói gì, rằng Elia phải đến trước đã?’ Chúa Giêsu trả lời: ‘Phải, Elia phải đến và ổn định lại tất cả; nhưng Ta bảo thật với các con: Elia đã đến và họ (luật sĩ và các thủ lãnh) không nhận ra Người, nhưng đã đối xử với Người theo cách của họ thích’. Các môn đệ hiểu rằng những lời của Ngài nhắm đến Gioan Tẩy Giả” (Mt 17,10-12). Thời bấy giờ có thể đã hiện diện những nhóm ít nhiều có nghĩ về luân hồi. Có thể đám tùy tùng của vua Hêrôđê lo sợ rằng Gioan hoặc Elia đã sống lại trong con người của Chúa Giêsu. Sự so sánh với các bản văn khác trong Tân Ước lại cho thấy rằng trường hợp “trở lại” của Elia trong con người của Gioan, thì đó là một ý niệm “thuộc chức năng”: Gioan làm tròn chức năng tiên tri mà Elia đã đảm đương. Luân hồi vì vậy sẽ mâu thuẫn với niềm tin hiển nhiên vào sự phục sinh vốn là niềm tin của Tân Ước. Người ta không thể thấy làm sao chúng [luân hồi và niềm tin phục sinh] có thể đồng hiện hữu trong cùng một truyền thống Kinh Thánh.

Về phần các thành ngữ “tái sinh từ trên cao”, “sự tái sinh”, “sự sinh lại” mà người ta tìm thấy nơi Thánh Gioan và Thánh Phaolô, tự nó có một ý nghĩa hoàn tòan khác với ý nghĩa luân hồi: đó là về một sự sống mới được khai trương bởi sự cải hoán tâm hồn, bởi niềm tin vào Chúa Giêsu và bởi sự phục tùng đầy tin cậy nhưng căn bản nơi Thiên Chúa. Tất cả “sự tái sinh” nằm trong cuộc sống thế trần hiện tại, chứ không phải sau khi đã chết.

DO ĐÂU MÀ LUÂN HỒI LẠI HẤP DẪN NHƯ VẬY?

Làm thế nào mà luân hồi lại trở nên phổ biến trong chúng ta như thế?

Rõ ràng là có một kẽ nứt xảy ra trong thuyết bất cần đạo lý (khuyển nho) lạnh lùng của thời đại thực chứng chủ nghĩa (positiviste). Người ta không còn bằng lòng chấp nhận việc mọi sự kết thúc ở nghĩa trang hoặc khi tro đã được rải tung. Cái hư vô trống rỗng không phải là một câu trả lời. “Không thể có chuyện chẳng còn lại thứ gì của một hữu thể nhân lọai!”. Đã hẳn, niềm tin vào sự phục sinh đem lại câu trả lời: “có một cái gì đó bên kia sự chết”. Chỉ có điều là, dưới mắt rất nhiều người, niềm tin vào sự phục sinh đặt người quá cố ở một quãng cách quá lớn với chúng ta: người ấy sẽ sống lại một ngày nào đó! Nhưng “ngày ấy” lại xa vời biết bao! Luân hồi, trái lại, xích người quá cố lại gần chúng ta: người chết lần nữa thuộc về thế giới chúng ta, rất gần với chúng ta. Và lần nữa, chúng ta có thể làm điều gì đó cho người ấy.(………….)

Sự phục-sinh

So với “luật vũ trụ” của luân hồi, niềm tin Kitô giáo đưa ra một cách rõ ràng một điều hoàn toàn khác: lời hứa của Thiên Chúa rằng, chúng ta, tất cả,sẽ được sống lại. Vì thế sẽ chẳng vô ích khi phác họa lại đôi nét chính yếu niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh, để đem ra ánh sáng những điểm khác biệt chính với niềm tin vào luân hồi.

Tất cả chúng ta sẽ được sống lại một cách cá nhân

Sau cuộc sống trần thế nầy – cuộc sống duy nhất và không còn tái hiện nữa – Thiên Chúa sẽ hồi sinh chúng ta, mỗi người theo cách cá nhân, như Người đã làm cho Con cùa Người.Vì Người yêu mỗi người chúng ta theo từng cá thể, và tất cả chúng ta trong mắt Người đều mang một danh tính duy nhất. Chúng ta không phải là một hạt ngọc trai ở vòng cổ gồm những cuộc tái sinh không ngừng diễn ra để rồi không ngừng tiến đến cái chết. Cái chết đã bị Đức Kitô đánh bại một lần cho tất cả. Vì thế chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và khỏi mọi sự luân hồi.

Đức Kitô đã phá đổ luật nghiệp chướng khắc nghiệt

Luật nầy nói rằng không có gì mà không có thưởng hay phạt, rằng chúng ta mang nợ về tất cả mọi sự theo cá nhân. Đức Kitô công bố trước hết luật yêu thương và tha thứ. Chúng ta không phải tự mình trả đến từng xu một. Nhờ cuộc khổ nạn của Người, chính Đức Chúa đã “trả” cho chúng ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta được mời gọi ngày càng nên trọn lành hơn, nhưng không phải bằng phương tiện những cuộc luân hồi liên tiếp; chỉ duy nhất bằng sự trung tín của chúng ta trong các giới hạn của cuộc hiện sinh độc nhất của chúng ta là những người được cứu rỗi nhờ ân sủng.

Với thân xác chúng ta

Thân xác chúng ta là độc nhất; nó không phảI là bộ y phục mà người ta có thể đổi lấy một cái khác. Nó vừa là đối tượng lòng yêu thương của Thiên Chúa, vừa là cá nhân tinh thần của hữu thể chúng ta, mà chúng ta gọi chung là linh hồn. Tình yêu của Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta một cách toàn diện: thân xác và tinh thần. Và thân xác chúng ta là độc nhất. Sự phục sinh dù vậy không phải là một sự làm cho hồi tỉnh hoặc một sự trở về  lại bên trong của thời gian trần thế; sống lại, đó là vào trong một cuộc sống mới cùng vớI tất cả những gì chúng ta đang là, gồm cả thân xác, để không bao giờ còn chết nữa.

Vào ngày tận thế

Sự phục sinh sẽ hoàn tất khi lịch sử trần thế của tất cả mọi người chấm dứt. Chỉ khi ấy sự quyết toán mới đầy đủ. Đó sẽ là một biến cố tập thể. Sự sống lại hòan vũ không phải là phép tính cộng của những niết bàn cá thể, đó sẽ là cả một dân tộc chỗi dậy. Cái gọi là khoảng cách thời gian giữa cái chết của chúng ta và sự phục sinh tập thể tổng quát nầy là một cách thế tư duy khiếm khuyết: chỉ hiện hữu quan điểm của người quen sống trên trái đất. Trong viễn cảnh thần linh,thời gian không hiện hữu. Nhưng chúng ta, chúng ta không thể tư duy một cách thời gian. Chúng ta lại còn phải để coi việc ra trước tòa Thiên Chúa để chịu phán xét,là những “thời khắc” riêng biệt.Sự phân biệt nầy không cốt ở sự khác biệt về thời gian. Ngay từ ở dưới đất nầy, chúng ta có thể làm việc tích cực cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta.

Cuộc sống của người được phục sinh đã được liệu trước và chuẩn bị nơi đây. Cuộc sống của chúng ta không chỉ nhẫn nhục ngồi chờ trong một vòng luân hồi đã được định sẵn. Đời sống Kitô hữu, đó chính là  một cuộc dấn thân được quyết định ngay hôm nay và sau nầy sẽ thoát ra một cuộc sống vinh hiển: khi ấy tính cách của chúng ta sẽ tìm thấy được sự triển nở của mình và không bao giờ còn tàn lụi.

Các thánh thông công

Có một mối liên hệ giữa người sống và người chết, mối liên hệ mà chúng ta gọi là “các thánh thông công”. Mối liên hệ nầy không được hiểu trong ý nghĩa luân hồi: như thể là những người sống quanh chúng ta và chính chúng ta chỉ là những người-chết-với-các-tên-mới. Cũng không được lẫn lộn với việc người chết xông vào thế giới của chúng ta theo cách nói của thuyết thông linh, cũng không phải là chuyện một người sống bị một người chết ám vào. Đó là một sự liên đới dựa trên sự trung gian của Đức Kitô, “Đức Chúa của kẻ sống và kẻ chết”

Một lựa chọn cần thiết

Có thể nhận định rằng tất cả những điều nầy xa với luân hồi biết bao. Vì vậy phải chọn lựa. Điều nầy không ngụ ý một sự khinh thị nào đối với những người cho là phải tin vào luân hồi. Nó là một học thuyết xa xưa đặt ra những vấn nạn tốt. Những sự kiện mà nó tựa vào, tuy không chắc chắn, nhưng không phảI là không thể. Thực tế đó là một loại “niềm tin”. Sự tin tưởng vào phục sinh cũng vậy, là một sự gắn bó cá nhân, một niềm tin. Có những sự kiện làm cho sự gắn bó của chúng ta có lý, nhưng chúng cũng chẳng chứng minh được sự phục sinh một cách lý trí và tuyệt đối. Nhưng chúng ta sẽ xác minh rằng có những căn bản vững chắc cho niềm tin vào phục sinh và chúng ta không tin mà không có những lý lẽ tốt lành (…)

                                                      Nguyên bản tiếng Pháp, nguồn : « Paroles de Vie”.

BTGH chuyển ngữ.
bổ sung và sửa lại, từ BTGH số 16 & 17(2007)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *