ĐÊM GIÁNG SINH

Đêm Giáng Sinh 24 người có Đạo Công Giáo, Tin Lành đi lễ Nhà Thờ rồi đi chơi Noel, vui vẻ với người thân, người thương, chụp hình tạo dáng bên háng đá, túp lều, máng cỏ, hát ca mừng ngày Chúa Trời xuống thế làm người, niềm vui ấy không phải chỉ quanh quẩn trong vòng những người biết đến Chúa Jesus, mà cả những người chưa tin nhận Đấng Cứu Thế cũng cảm thấy như hân hoan trong lòng một nỗi niềm đặc biệt. Riêng tôi vì đã tham gia Lễ Giáng Sinh vào tối ngày 23 và sáng ngày 24 ngay ở Hội Thánh của mình rồi, thế nên bản thân để dành tối 24 ở nhà, nghỉ ngơi và suy nghĩ vẩn vơ nhiều chuyện. Một mặt mệt mỏi vì các suy nghĩ về việc ở Hội Thánh và không khí tù đọng của chốn thành thị, mặt khác chả biết vì sao trong lòng tôi lại xuất hiện hai câu thơ mà vốn dĩ tôi đã quên từ lâu, ấy là:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Hẳn ai cũng biết đây là hai câu thơ rất nổi tiếng trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Hai câu thơ này hiện lên trong lòng và bất giác làm cho tôi chợt phải ngẫm đến bản thân mình. Không thể chối cãi rằng tôi là một người Việt Nam, cha ông của tôi không ít người cũng đã hy sinh cho non nước này, tôi cũng hân hoan và tự hào khi đọc về những chiến công dựng nước và giữ nước của cha ông ngày trước, lắm lúc cũng đau lòng trước thời cuộc nhiễu nhương và thân phận của nhiều đồng bào tôi ở hiện tại. Nhưng, những suy ngẫm mà hai câu thơ Qua Đèo Ngang mang đến cho tôi không chỉ dừng lại ở non nước Việt Nam, vượt xa hơn một tổ quốc trần thế, đó là một vương quốc Thiên Đàng, nơi mà Thiên Chúa là Cha của tôi đang ngự. Và cũng không phải chỉ riêng một mình tôi, rất nhiều người Việt Nam khác cũng gọi Ngài là Cha, và tuyên xưng điều ấy với có lẽ bằng cả trái tim của mình, đấy là những người được hòa giải với Chúa qua huyết của Chiên Con là Chúa Jesus. Ở nơi trần thế này, tôi tự hào nói với người ta rằng, tôi là một Cơ Đốc Nhân như Thánh Peter đã nói trong 1 Peter 2 : 9 (là dòng tư tế hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Ðức Chúa Trời), và tôi cũng là một người Việt Nam, là một dân tộc anh hùng với 4000 năm lịch sử.
Thánh Paul đã nói thế này trong sách Công Vụ: “Từ một người, Ngài đã tạo nên mọi dân tộc đang sống trên khắp mặt đất. Ngài đã ấn định thì tiết và địa phận cho họ ở, để họ có thể tìm kiếm Ðức Chúa Trời, và may ra họ có thể dò dẫm và tìm được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta;” (Công Vụ 17 : 26 – 27). Qua đoạn này, ta biết rằng Thiên Chúa là tác giả đã ấn định các dân tộc, lãnh thổ và các thời kỳ lịch sử. Có một sự thật được Kinh Thánh xác nhận rằng từ người Việt, người Hoa, người Anglo – Saxons, cho đến cả các dân tộc vùng Hạ Sahara đều đến từ một người cha chung đó là Adam và vì rằng đều là đến từ một người cha chung, vậy nên các dân tộc đều là con người hoàn chỉnh, không thể nào có một dân tộc lại “không phải là con người” hay chỉ có “phân nửa con người”. Và cũng bởi vì từ một người cha chung ấy mà nhân loại cũng phải mang lấy một món nợ tội lỗi rất khủng khiếp, điều ấy Thánh Paul đã viết thế này “Như vậy bởi một người, tội lỗi đã vào thế gian, rồi bởi tội lỗi, sự chết đã xâm nhập, và như thế sự chết đã lan tràn đến mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội” (Romans 5 : 12). Mỗi một con người sinh ra đều mang lấy món nợ, đều mang lấy bản chất tội lỗi mà người Công Giáo và Kháng Cách đều đồng ý mà gọi là Nguyên Tội (Original Sin).
Nhưng ở đây, trong câu từ của Công Vụ 17 : 26, Thánh Paul không phải chỉ đơn giản thừa nhận rằng nhân loại thực chất chỉ là một dân tộc. Thánh nhân cho ta biết rằng sự phân chia giữa các quốc gia, dân tộc như ta thấy ở trong lịch sử và ngày nay đều là từ bởi ý muốn của Thiên Chúa, ta cũng có thể xem như ấy là một phản ứng của Ngài khi loài người bắt đầu xây dựng tháp Babel như là một hình thức làm loạn. Thiên Chúa đã làm xáo trộn ngôn ngữ của loài người và làm cho cha ông ta tản mác ra nhiều nơi trên khắp thế giới có lẽ là bằng những cuộc đại di cư ở thời tiền và sơ sử mà đến bây giờ các chuyên gia vẫn chẳng rõ được nguyên nhân chính xác. Ta cũng đừng nên nghĩ rằng Thiên Chúa làm như thế chỉ vì muốn trừng phạt con người, thật ra rằng sự tản mác của nhân loại cũng là nhằm để thực thi ý muốn mà Ngài đã gửi gắm cho tổ tiên loài người, ấy là “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, hãy làm cho loài người đầy dẫy khắp đất,” (Sáng Thế Ký 1 : 28). Sau cuộc tản mác đó, từng nhóm người ở vị trí đã được chỉ định, tương tác với tự nhiên và bắt đầu hình thành nên các nền văn hóa, lịch sử, và định hình bản thân mình trong một thế giới giờ đây luôn đầy rẫy tội ác và sự vô luân.
Và bởi vì rằng ý muốn của Thiên Chúa ấy là loài người có những nền văn hóa, lịch sử, quốc gia riêng biệt nên vì thế mọi nỗ lực để tạo ra một “văn hóa chung” hay một “quốc gia chung” đều là nghịch với ý định của Đấng Tạo Hóa. Từ lịch sử, ta đã thấy những Đế Quốc hùng mạnh từ Đông sang Tây, tiếp sau thời đại của những Đế Quốc là thời đại của những hệ tư tưởng, và cứ như thế lịch sử loài người tràn đầy những cuộc tranh đấu bằng vũ khí và cả lời nói. Không có một lúc nào thế gian loài người có hòa bình hay một tiếng nói thống nhất về một vấn đề cụ thể nào cả. Nhưng, Kinh Thánh lại cho biết rằng có một thứ có thể khiến loài người thống nhất và đoàn kết lại với nhau, ấy chính là Phúc Âm, là lời hứa cứu độ dành cho cả nhân loại, từng dân tộc, từng quốc gia, từng cá nhân kết nối lại với nhau bởi Đức Tin trong Chúa Jesus Christ. Thánh Paul bởi ơn của Chúa Thánh Thần đã miêu tả mối quan hệ đoàn kết và thống nhất ấy như sau “Vì bởi đức tin trong Ðức Chúa Jesus Christ, tất cả anh chị em là con cái của Ðức Chúa Trời. Vì hễ ai đã được báp-têm vào trong Ðấng Christ đều được mặc lấy Ðấng Christ. Không còn phân biệt chủng tộc Do-thái hay Hy-lạp, không còn phân biệt giai cấp nô lệ hay tự do, không còn phân biệt phái tính nam hay nữ, vì tất cả anh chị em đều là một trong Ðức Chúa Jesus Christ.” (Galatians 3 : 26). Nhưng, ta phải chú ý rằng, sự không phân biệt ấy không phải là biến người nữ thành người nam, hay xúi giục nô lê nổi loạn chống lại chủ của mình, hay người Do Thái trở thành người Hy Lạp và ngược lại.
Cơ Đốc Nhân được gọi ra từ trong thế gian, trở thành các đầy tớ, các con trai, con gái và là người thừa kế của nước Thiên Đàng nhưng điều này không làm cho họ mất đi văn hóa, tiếng nói, ý thức về quốc gia và các trách nhiệm ở nơi trần thế. Như Chúa Jesus đã có nói rằng: “Của Caesar trả cho Caesar, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.” Qua đây, ta cũng thấy rằng Cơ Đốc Nhân phải đáp ứng “nghĩa vụ công dân” của cả Hai Vương Quốc. Ấy là vương quốc Trần Gian và vương quốc Thiên Đàng. Với tôi thì các điều luật trọng nhất là “Mến Chúa yêu Người” luôn ở ưu thế cao hơn, phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải vì thế mà ta lại hoàn toàn bỏ đi cái “yêu nước thương nòi”.
Có một tác phẩm viết cho Cơ Đốc Nhân được biên soạn bởi một tác giả không rõ tung tích được gọi là “Thư gửi Diognetus”, xuất hiện vào khoảng Thế kỷ II sau công nguyên đã cho ta thấy cách mà Cơ Đốc Nhân sống vào khoảng thời gian đó.
“Đối với Cơ Đốc Nhân, họ được biệt riêng ra với những người khác không phải bởi đất nước, ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán. Họ (Cơ Đốc Nhân) không sống ở thành phố của riêng mình, cũng không sử dụng một thứ ngôn ngữ đặc biệt nào, cũng không sống một cuộc sống khác người nào. Các đường lối ứng xử mà họ tuân theo cũng chưa hề được tìm thấy ở đâu nơi những sự suy đoán hay thảo luận của các cá nhân hay có thói thọc mạch; họ cũng không giống như nhiều người, tự tuyên bố một học thuyết của cá nhân con người nào đó là kim chỉ nam cho cuộc đời. Tuy nhiên, khi sinh sống ở các thành phố của dâ Hy Lạp cũng như của dân man di,rất nhiều người trong số họ đã xác định và tuân theo phong tục tập quán của người bản xứ về quần áo, thực phẩm và cung cách cư xử thường nhật. Họ đã thể hiện cho chúng ta thấy sự tuyệt vời trong cung cách sống đầy ấn tượng của mình.” (Chương 5 Thư gửi Diognetus)
“Linh hồn ở trong thân xác nhưng không thuộc về thân xác; Và
Cơ Đốc Nhân sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Linh hồn vô hình được bảo vệ bởi thân thể hữu hình, và người ta vẫn có thể nhận thấy sự hiện diện của Cơ Đốc Nhân trong thế giới, nhưng không nhìn thấy được lòng tin kính của họ. Xác thịt ghét linh hồn và tranh chiến với linh hồn, (1 Peter 2 : 11) dù bản thân nó không hề bị tổn hại gì mà chỉ bị ngăn cản được hưởng các lạc thú; thế giới cũng ghét những người theo đạo Cơ Đốc chỉ bởi vì họ (Cơ Đốc Nhân) từ bỏ thú vui của thế gian. Xác thịt ghét linh hồn, nhưng linh hồn lại yêu xác thịt, và cũng [yêu] các chi thể; Và cũng bởi thế tín đồ của Đấng Christ cũng yêu mến những người ghét họ. Linh hồn bị giam cầm trong thân xác nhưng vẫn bảo tồn chính thân xác đó; Và các Cơ Đốc Nhân bị giam giữ trong thế giới như trong một nhà tù, tuy nhiên họ lại là những người bảo vệ thế giới.” (Chương 6 Thư gửi Diognetus)
Và như thế, tôi xác nhận rằng quê hương của tôi chính là nơi Thiên Quốc đầy vinh hiển với Cha và cùng với các Thánh. Và cùng lúc đó, ngay lúc này, tôi cũng mang lấy dòng máu đỏ và màu da vàng của người Việt Nam. Chẳng bao giờ và ở một phút giây nào tôi quên những điều ấy, tôi sẽ không cảm thấy nhục nhã ở những gì mà Chúa đã ban và định cho tôi. Tiến bước trong Đức Tin và làm những gì tôi phải làm, ấy chính là một đời sống Cơ Đốc mà bản thân tôi đã vạch ra cho mình vậy. Trông về miền vinh hiển, tôi ca khúc ca khải hoàn và đầy hân hoan của các Thánh. Và trông về đất nước Việt Nam tôi mong sao cho có một ngày, một ngày nào đó khiến cho tôi phải làm một bài thơ như cụ Trần Nguyên Đán vào đời Trần xưa kia.
“Trung hưng văn vận vượt đời xưa,
Thời thịnh muôn dân ngợi hát ca.
Tướng võ, quan hầu đều biết chữ,
Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ.
Ngang trời, dọc đất, lòng cầm chắc,
Dẹp bắc chinh nam, việc sẵn lo.
Khảo chọn trường văn, xem thi võ,
Lão thần xong hẹn biết bao giờ.”
(Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình dịch)
May be a graphic of text

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *