BA CÁI THANG

Từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta, những con người trên khắp thế gian này đều cố tìm cách làm cho chính bản thân mình trở nên xứng đáng trước con mắt của Thần Linh/Thượng Đế/Ông Trời, hoặc những thế lực thần thiêng mà tín ngưỡng của mỗi vùng tô vẽ, dường như đây luôn là mục đích cao cả nhất, không phải chỉ của một cá nhân đặc biệt mà là của mọi con người khi vừa mở mắt chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Tiến về một cõi tuyệt hảo, chẳng còn khổ đau, nước mắt và cam chịu luôn là một mong ước rực cháy mãi trong lòng mỗi người, tự cổ chí kim đều như vậy. Trong quá trình nghiên cứu tất cả những nền văn hóa từ Đông sang Tây, trải dài khắp mọi thời đại, một cái nhìn tổng quan dần được bày tỏ ra.
Adolf Köberle (1898 – 1990), một Mục sư Lutheran, Triết gia và Thần học gia vào thế kỷ XX, trong một tác phẩm nổi tiếng của ông có tên là “Hành trình tìm kiếm sự Thánh Thiện” (The Quest for Holiness), ông đã vạch ra ba loại thang mà nhân loại đã cố dựng lên để có thể leo lên được Thiên Đàng và diện kiến thánh nhan của Thiên Chúa.
Bậc thang đầu tiên: Moralism (Đạo Đức)
Nếu tôi có thể làm thật nhiều việc tốt, sống một cuộc đời thánh khiết và đầy phục vụ, tôi sẽ có thể xứng đáng được lên Thiên Đàng. Thưa các bạn, dường như đây luôn là bậc thang được lựa chọn để được đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là cột trụ vững chắc của hầu hết mọi tôn giáo trên thế gian này, và ở cả những người vô thần khi họ không còn tin tưởng vào một sự thưởng phạt vô cùng mà đặt niềm tin vào một quy chuẩn Đạo Đức do bản thân tự đặt ra. Việc tốt làm cho chúng ta cảm thấy được mặt tốt đẹp nhất của mình, sự thỏa mãn mà nó mang lại thật đáng hơn cả trăm liều thuốc bổ. Bậc thang này như một nỗ lực cứu cánh cho những con người tội lỗi và túng thiếu về nhiều mặt trong cuộc sống. Tự bản thân tôi và những việc tôi làm sẽ đưa tôi lên Thiên Đàng và trở nên xứng đáng trước mặt Đấng Tạo Hóa, “Đạo nào cũng dạy làm việc tốt” là như vậy.
Bậc thang thứ hai: Mysticism (Huyền Nhiệm)
Linh Hồn là một sự hiện hữu đầy bí nhiệm, ta cảm nhận được, nhưng không thể nào hiểu rõ hoàn toàn. Trong sự bí ẩn mờ ảo của linh hồn, ta thấy được những phương hướng phát triển bản thân. Những quy luật của vũ trụ vận động không ngừng nghĩ ngoài môi trường với con người là một phần trong ấy. Sức mạnh của cảm xúc có thể vượt trên sức mạnh của lý trí, dẫn đưa linh hồn đến gần với Đấng Tạo Hoá hay Lẽ Thật Tuyệt Đối mà nhiều tôn giáo Đông phương hay gọi. Chẳng màng thân xác ngập chìm trong tội lỗi và dơ bẩn này, linh hồn ngao du trong vũ trụ đầy mê hoặc, những mặc khải đầy tính huyền nhiệm xâm nhập vào và chúng ta có thể cảm nhận đấy bằng cả trái tim của mình, những điều ấy làm cho ta cảm giác như chính Lẽ Thật đang trò chuyện và nói cho chúng ta biết về mọi thứ sẽ diễn ra trong tương lai và về ngày sau chót. Ta thấy sự thật, hiểu sự thật và sau cùng hòa làm một với sự thật. Huyền Học luôn là một mảnh đất màu mỡ cho rất nhiều tôn giáo, nhất là những tôn giáo xuất phát từ phía Đông với những buổi “lên đồng” tập thể, những phương pháp thiền định, những chất thức thần,… người ta mò tìm đến chúng cũng đều vì mục đích con người sẽ đạt đến cảnh giới khai sáng nhất của linh hồn.
Bậc thang thứ ba: Duy Lý (Rationalism)
Trí khôn của con người và những gì mà chúng ta có thể làm với những suy nghĩ của mình là điều không phải bàn cãi. Từ những túp lều đơn sơ của những ngày đầu lịch sử cho đến những tòa nhà chọc trời hay những phương tiện thô sơ dần dần được cải tiến hiện đại đến mức có thể đưa con người đến những tầng mây cao nhất của bầu trời bao la hay thẳm vực sâu nhất của đại dương, với sức mạnh hầu như chả có điểm dừng của trí óc, con người có thể bước lên đến bậc thang của Thiên Đàng và chinh phục mọi thứ trong tầm với của mình. Những bộ não Duy Lý luôn mang ra những giá trị thực dụng nhất và ta có thể nhận thấy sự tiến bộ ấy rõ như ban ngày, không phải chỉ bởi một thế giới tràn đầy đồ dùng điện tử như cuộc sống hiện tại. Nhìn về quá khứ, ta có thể thấy những thành tựu rực rỡ nhất của truyền thống Khoa học Thực nghiệm của Hy Lạp hoặc là Tứ đại Phát minh của Trung Hoa. Một cuộc sống tốt hơn có lẽ sẽ tạo ra một xã hội văn minh, thịnh vượng và Thiên Đường dần dần hiện ra ngày một rõ ràng hơn khi chúng ta đang sống đây.
Thưa các bạn, ba cái thang lên thiên đàng, liệu chỉ một trong ba là đủ? Trong Tin Mừng Matthew, Chúa Jesus đã dạy ta thế này:
Matthew 22: 37 – Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất”.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng (Đạo Đức), hết linh hồn (Huyền Nhiệm), hết trí khôn (Duy Lý).
Nói Kito giáo chúng ta cũng là một tôn giáo dạy làm điều tốt là KHÔNG ĐỦ, là một tôn giáo chỉ dựa trên những cảm nhận của nội tâm như “đạo tại tâm” là không đúng, cũng lại càng không phải một tôn giáo chỉ biết cắm đầu vào tìm kiếm trí khôn của nhân loại. Tôi luôn thắc mắc đủ điều khi bắt đầu đến với Đức tin Kito giáo, rằng những việc tốt hay những buổi từ thiện ở tôn giáo này cũng có gì đặc biệt đâu, với những người theo tôn giáo khác tôi thấy họ cũng làm được vậy. Rồi những huyền nhiệm sâu xa, những mạc khải tư đầy các hình ảnh mơ hồ hay những khải tượng dự đoán quá khứ và tương lai, tôi cũng có thể thấy những người tu luyện họ cũng làm được tương tụ, cũng có lúc họ đúng mà họ còn chẳng phải là Kito Hữu. Hay là những kho tàng kiến thức đồ sộ? Tôi có thể nói rằng người Hy Lạp – La Mã và những bộ óc thiên tài ở xứ Á Đông cũng không thiếu gì kiến thức đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Như vậy, Kito giáo có gì đặc biệt để đứng tách hẳn ra với thế gian một cách nổi trội?
Kinh Thánh là một cuốn sách đầy nhiệm màu. Những lời được viết trong ấy như là một phương thức mà Chúa Thánh Thần trò chuyện với chúng ta, Ngài tác động đến ta và ngay khi bản thân không ngờ nhất, cả thân thể, linh hồn và trí óc đều đã thuộc về Ngài, giống như Thánh John đã viết, có lẽ là trong những giây phút mà ông vui hơn hết trong cuộc đời của mình.
John 1: 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
Cả Kinh Thánh chẳng phải là một tựa sách “How to…?” đầy mùi self-help. Các vị Tông đồ vui mừng, hớn hở mà đi khắp nơi loan báo cho người ta biết về một Đấng Tối Cao đã rời khỏi nơi cao nhất của các tầng trời mà xuống thế gian này, chịu khổ chịu nạn cho tất cả nhân loại, để hễ những ai tin vào Ngài thì sẽ được sống. Kito giáo không phải một tôn giáo giảng dạy về việc con người tự mò mẫm tìm đường lên Thiên đàng. Mà ngược lại, chính Chúa dấn thân làm Đấng mở đường cho chúng ta, Kito giáo dạy rằng Thiên Chúa đã xuống thế gian này, tự chính Ngài giáng trần bằng xương bằng thịt chứ không phải nhờ vả gián tiếp thông qua bất cứ một ngôn sứ hay tiên tri nào hết. Chính Ngài đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài bẻ gãy những xiềng xích mà ma quỷ thòng vào cổ chúng ta, dẫn đưa chúng ta về ngôi nhà cuối cùng mà linh hồn luôn khao khát và mong muốn nhất. Thử hỏi, còn có một tin tức nào có thể tốt lành hơn như thế nữa? Loài người vô vọng đã được cứu, chúng ta đã được cứu không phải bởi những việc làm tốt lành mang nhiều sự giả dối và trục lợi về mình, không phải bởi những nghi lễ lên đồng hay những cuộc khổ hành khắc nghiệt, cũng chả phải ở nơi những kiến thức rỗng tuếch của thế gian, mà gom lại chỉ là ở Đức Tin vào Thiên Chúa cả thôi. Đức Tin ấy biến đổi chúng ta, sinh ra những hoa thơm trái ngọt. Ngài ban cho ta một bộ lòng mới, một trái tim mới và một khối óc mới. Kito Hữu chúng ta sẽ là muối men cho đời, tách biệt riêng ra với thế gian và trở nên công chính chẳng phải bởi vì ta xứng đáng với điều đó, mà là bởi tình thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người.
Kito giáo quả thật là một tôn giáo tách biệt và chẳng những thế, sự giản đơn của Đức Tin Thật đúng là hy vọng tốt lành cho những con người cùng khổ nhất trên Trái Đất này. Một sự hy vọng khó tin và nhỏ nhoi, nhưng thật đầy chắc chắn vì đấy chính là Lời Hứa từ Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành trời đất và vũ trụ này. Đây không phải là một trong những… mà là hy vọng duy nhất mà loài người chúng ta phải đặt vào. Chúng ta không phải là những chiến binh công lý xã hội, không phải là những thiền sư, và cũng chả phải là những nhà Duy Lý thích cãi chữ. Chúng ta là Kito Hữu.
No photo description available.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *