BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (4) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

ĐIỀU I: Đức Chúa Trời 

Hội thánh của chúng tôi đã dạy với sự thống nhất chung rằng nguyên chỉ của Giáo hội nghị Nice về sự hiệp một của thần thể và Ba Ngôi là thật. Điều đó chỉ tin mà không một chút nghi ngờ. Đức Chúa Trời là thần, Đấng vĩnh cửu, không có thân thể nhưng có thân vị, có quyền năng, khôn ngoan và nhân từ vô hạn. Ngài là Đấng sáng tạo và gìn giữ vạn vật vô hình và hữu hình (Nê-hê-mi 9:6). Ngài có Ba Ngôi, Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19). Ba Ngôi này đồng đẳng, đồng quyền. Hội thánh chúng tôi sử dụng từ Ngôi như các giáo phụ đã sử dụng. Chúng tôi sử dụng từ ấy để biểu thị, không phải nói đến một cơ thể hay một phẩm chất, nhưng nói đến sự hiện diện.

Hội thánh chúng tôi lên án những tà thuyết (Tít 3:10-11) dấy lên chống lại tín lý này, chẳng hạn như tà thuyết Manichaeans đã cho rằng có hai “nguyên lý” Thiện và Ác. Họ cũng lên án các tà giáo khác như Valentinians, Arians, Eunomians, Muslims và các tà thuyết khác. Hội thánh chúng tôi cũng lên án tà thuyết Samosatenes, đã cho rằng Đức Chúa Trời chỉ có một ngôi. Qua sự ngụy biện, họ đã tranh cãi một cách bất kính rằng Ngôi Lời và Đức Thánh Linh không phải là những ngôi riêng biệt. Họ nói rằng Ngôi Lời có nghĩa là một lời được phán ra, và Thánh Linh có nghĩa là sự sống động được tạo ra trong những sự vật.

ĐIỀU II: Nguyên Tội

Hội thánh chúng tôi dạy rằng từ khi A-đam sa ngã (Rô-ma 5:12), tất cả con người sinh ra theo lẽ tự nhiên đều có tội lỗi (Thi thiên 51:5), không kính sợ Đức Chúa Trời, không tin cậy Ngài, có xu hướng về tội lỗi, được gọi là ham muốn xác thịt. Sự ham muốn xác thịt này được xem như là một căn bịnh hay là một thói xấu cũ, đó là tội lỗi đích thực. Nó hủy hoại và đem đến sự chết đời đời cho những ai không được tái sinh bởi Báp-têm và Đức Thánh Linh (Giăng 3:5).
Hội thánh chúng tôi cũng lên án tà thuyết Pelagians và những tà thuyết khác đã không công nhận những thói xấu cũ này là tội lỗi, do đó sự tối tăm đã che mờ sự vinh hiển về công lao cứu chuộc của Đấng Christ. Pelagians tranh luận rằng một người có thể được xưng nghĩa trước Chúa bởi sức lực và lý trí của người ấy.

ĐIỀU III: Con Đức Chúa Trời

Hội thánh chúng tôi dạy rằng Ngôi lời là Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:14), thừa nhận nhân tánh của Ngài được chịu thai trong lòng của trinh nữ Ma-ri. Vì lẽ đó Ngài có hai bản tánh – thần tánh và nhân tánh – kết hiệp không thể tách rời trong một con người. Có một Đấng Christ, vừa là Đức Chúa Trời mà cũng vừa là con người, đã được sinh ra qua trinh nữ Ma-ri, đã chịu khổ, bị đóng đinh, chịu chết và được chôn. Ngài đã làm những điều này để giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và chúng ta, Ngài là một sinh tế không chỉ dành cho nguyên tội, nhưng cũng cho những tội lỗi hiện tại của cả nhân loại nữa (Giăng 1:29).

Ngài đã xuống âm phủ và ba ngày sau, Ngài đã thực sự sống lại. Sau đó Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu của Đức Chúa Cha. Tại nơi đó Ngài cai trị mãi mãi và thống trị trên mọi tạo vật. Ngài thánh hóa những người tin nhận Ngài qua việc sai Thánh Linh đến ngự vào lòng họ để cai trị, an ủi, và khiến cho họ sống động. Ngài bảo vệ họ khỏi ma quỉ và quyền lực của tội lỗi.

Đấng Christ sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết từ nay cho đến đời đời, theo bài Tín Điều Các Sứ Đồ.

ĐIỀU IV: Sự Xưng Nghĩa

Hội thánh chúng tôi dạy rằng con người không thể được xưng công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời bởi sự nỗ lực, công đức, hay những việc thiện của họ. Con người được xưng nghĩa hoàn toàn bởi đức tin, khi họ tin rằng họ được nhận ơn thương xót và sự tha thứ tội lỗi là vì cớ Đấng Christ. Bởi sự chết của Ngài, Đấng Christ đã trả nợ cho những tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Trời đã kể đức tin này là sự công nghĩa trong cái nhìn của Ngài (Rô-ma 3:21-26; 4:5).

(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *