“CHÚA BA NGÔI” TRONG TRANH “CUỘC TRANH LUẬN VỀ MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG” CỦA RAPHAEL

“Chúa Ba Ngôi” là chủ đề quan trọng trong nghệ thuật Cơ Đốc Giáo. Có rất nhiều hoạ sĩ vẽ về đề tài này, và đã có rất nhiều tác phẩm được xếp vào hàng bất hủ. Tuy nhiên, nếu chỉ chọn để nói về một tác phẩm duy nhất, thì gần như hầu hết các nhà phê bình mỹ thuật phương Tây (cho đến thế kỷ 19) đã chọn “Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể” (Disputation of the Holy Sacrament – La Disputa) vẽ năm 1510-1511 của Raphael.

“Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể” – rộng: 770 cm

“Cuộc tranh luận về Mầu Nhiệm Hiệp Thông” là một trong hai bức bích hoạ (tranh tường) nổi tiếng mà Raphael đã vẽ ở phòng Stanza delta Segnatura (Phòng chữ ký) trong điện Vatican (Nay thuộc bảo tàng Vatican) theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Julius II (1453-1513).

Bức bích hoạ kia là “Trường Athenes” (The School of Athens).

“Trường Athenes” – rộng: 770 cm

Hai bức tranh này trong Phòng chữ ký thể hiện một quan niệm về quan hệ “đối đáp” phức tạp giữa các kiến thức triết học (cổ điển) và tín lý Công Giáo (có nhà phê bình gọi là cuộc đối thoại giữa triết học và thần học).

Tôi có thể phân tích thẳng vào “Cuộc tranh luận về Mầu Nhiệm Hiệp Thông” mà không cần phải trưng dẫn “Trường Athenes” như nhiều nhà phê bình đã làm. Nhưng, nếu đặt hai tác phẩm này bên cạnh nhau (như trong thực tế hai tác phẩm đứng đối diện nhau trong Phòng chữ ký ở Vatican) và so sánh cách bố cục hai tác phẩm, chúng ta có thể thấy được ngay một chiều kích khác trong tầm vóc nghệ thuật Raphael ở cả hai tác phẩm, ngay từ trong cách bố cục, đã mang tính tư tưởng, đã thể hiện cách nhìn của tác giả về chủ đề.

Ở “Trường Athenes”, ta thấy hình ảnh các triết gia cổ đại như Plato và Aristoteles ở vị trí trung tâm, và chung quanh là những những tên tuổi lẫy lừng khác như Socrates, Diogenes, Ptolemy v.v… Tất cả, tuy ở trong một phối cảnh kiến trúc hùng vĩ – được xem là một tuyệt tác phối cảnh – nhưng lại thu hút tầm nhìn (người xem) vào chiều sâu, và tạo cảm giác về sự hạn hẹp…

Còn “Cuộc tranh luận về Mầu Nhiệm Hiệp Thông” ở vị trí đối diện, thì ngược lại. Bức tranh thể hiện các giáo sĩ và các nhà thông thái của Giáo hội đang chiêm bái Mình Thánh Chúa, trong khi ở phía trên, bên Chúa Ba Ngôi có các vị Thánh và người tuẫn đạo vây quanh. Cách bố cục theo những cung tròn phối hợp một cách nhịp nhàng, đã khiến bối cảnh ở đây trở nên rộng mở như lan ra vô tận…

Một khía cạnh khác, cũng cần ghi chú ngay: Nếu như trong “Trường Athenes”, Raphael đã ứng dụng triệt để các chuẩn mực của nghệ thuật Hy-La trong từng chi tiết, đặc biệt trong cách kết cấu không gian (theo tự nhiên), thì ở trong “Cuộc tranh luận về Mầu Nhiệm Hiệp Thông”, ông đã hoà trộn một cách nhuần nhuyễn các chuẩn mực của nghệ thuật Hy-La với các chuẩn mực của nghệ thuật Byzantium.

Chúng ta sẽ không thể nào hiểu được trọn vẹn ý nghĩa tiên khởi (từ Raphael) của “Cuộc tranh luận về Mầu Nhiệm Hiệp Thông” nếu không thấy rõ sự hoà trộn này.

* * *

“Cuộc tranh luận về Mầu Nhiệm Hiệp Thông” lấy cảm hứng từ hoạt động của Giáo hội trong nỗ lực minh định về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi – bắt đầu từ Công đồng Nice (nhóm họp năm 325), Công đồng Constantinople (nhóm họp năm 381) liên tục đến thời đương đại (TK 16).

Phần dưới này của bức tranh thể hiện các cuộc tranh luận trong nỗ lực minh định đó của Giáo hội. Ở đây, ngay sát bàn thờ Thánh Thể, có sự hiện diện của Thánh Augustinô (áo xanh, bên phải) và Thánh Tôma tiến sĩ (đang chỉ hai tay về Mình Thánh Chúa, bên trái) – hai vị Thánh đã nỗ lực đào sâu giáo lý Chúa Ba Ngôi. Chung quanh, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh của các Giáo Hoàng, các nhà thần học và các nhà thông thái của Giáo hội… Theo mô tả của Vasari, người mặt áo vàng nổi bật ở dưới cùng là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV (1414-1484), và người mặt áo đỏ đứng ngay ở phía sau là nhà thơ vĩ đại (và là nhà thần học) Dante Alighieri (1265-1321)- tác giả Thần Khúc…

Ý nghĩa trọng tâm thể hiện mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện ở phần trên này của tác phẩm.

Ở vị trí trung tâm là Chúa Giêsu trong hình ảnh là Đấng Phục Sinh. Với hình ảnh này, Raphael đã thể hiện ý nghĩa về sự hiệp nhất hai bản thể: bản thể Thiên Chúa, và bản thể nhân loại, trong một ngôi vị là Chúa Giêsu.

Ở trên cùng là hình ảnh Chúa Cha, và dưới cùng là Chúa Thánh Thần trong hình tượng chim bồ câu với những tia sáng toả ra chung quanh. Sự trình bày theo lối tuyến tính của nghệ thuật Byzantium này tạo nên cách hiểu về sự phân biệt ngôi vị giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngoài ra, Raphael đã sử dụng lại các biểu tượng vòng tròn quen thuộc trong nghệ thuật Byzantium. Trên tay Chúa Cha là một khối tròn. Sau lưng Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là những hình tròn. Các hình tròn này đã biểu thị cho sự đồng bản thể nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của biểu tượng TRÒN này, chúng ta hãy quay lại suy ngẫm câu nói nổi tiếng của Pascal mà tôi đã từng trích dẫn trong bài viết “‘Chúa về trời’ trong hội họa” mới đây: “Thiên chúa là một bầu tròn mà trung tâm ở khắp nơi, còn chu vi thì không ở đâu cả” “Dieu est une sphère dont le centre est partout et la circonference nulle part”

Ở hai bên Chúa Giêsu là Đức Mẹ Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả. Rộng ra hai cánh, theo mô tả của Vasari, là Ađam, Giacóp, Môsê, Đavit, Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, và các Thánh “Tử Vì Đạo”… Bản thân sự hiện diện của các thành phần rộng rãi này, là một minh chứng cho sự hiệp thông nơi Thiên Chúa.



Hình ảnh các thiên thần đang cầm trên tay các bản văn ghi Lời Chúa ở hai bên hình tượng Chúa Thánh Thần đang toả sáng có lẽ khá dễ hiểu, không cần phải giải thích…

*

Không phải ngẫu nhiên Raphael được xem là hoạ sĩ quan trọng nhất của nghệ thuật Công Giáo. Qua tác phẩm của ông mà chúng ta đã từng biết, và qua tác phẩm này, chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhận định của Vasari: “Ngoài tài năng nghệ thuật xuất chúng, Raphael có một niềm tin tôn giáo với sự những suy nghiệm sâu sắc vượt qua các nghệ sĩ trước đây và đương thời…”

Cho đến thế kỷ 19, nhiều nhà phê bình vẫn cho Raphael là hoạ sĩ vĩ đại nhất từ xưa đến nay – người hoạ sĩ đã diễn đạt các học thuyết của Giáo hội Công giáo qua những hình tượng có vẻ đẹp của thân thể xứng đáng với nghệ thuật cổ đại. Reynolds nói: “Ông đã trở thành một mẫu mực cho tất cả những hoạ sĩ kế tục chính là ông đã noi theo rất nhiều chuẩn mực: luôn luôn bắt chước và luôn luôn độc đáo”. Nghệ thuật của ông đã trở thành lý tưởng của tất cả các viện hàn lâm mỹ thuật.

Nguyên Hưng

Tài liệu tham khảo chính:
1. “The Lives of the Artists” của Giorgio Vasari (1511-1574)
2. “Discourses” của Sir Joshua Reynolds (1723-1792)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *