95 LUẬN ĐỀ CỦA TIẾN SĨ MARTIN LUTHER

Vào ngày 31 tháng 10 năm 1517, giáo sư thần học người Đức Martin Luther niêm yết 95 Luận Đề nơi cửa Thánh đường Castle ở Wittenberg. Biến cố nầy là khởi điểm của phong trào Cải chánh (Protestantism), dẫn đến sự thành lập Giáo Hội Tin Lành Lutheran và các hệ phái Tin Lành khác.

Nhiều người cho là ông đã mang Cơ-đốc giáo trở về với Thánh Kinh. Kẻ khác lại cho rằng ông có tánh tình không bình thường, bất mãn với Giáo Hội Công Giáo La Mã, vi phạm giáo điều và bị dứt phép thông công.

Dầu đứng trong khuynh hướng nào, mọi người đều nhìn nhận rằng 95 Luận Đề của Tiến sĩ Martin Luther là một tài liệu lịch sử quý giá, một cửa sổ mà chúng ta có thể nhìn về quá khứ để học hỏi và rút tỉa những bài học cho tương lai.

Qua 95 Luận Đề của Tiến sĩ Martin Luther, chúng ta có thể hiểu biết một phần nào bối cảnh thời bấy giờ, lý do khiến ông lên tiếng chống đối việc bán thư ân xá để gây quỹ xây cất Vương Cung Thánh Đường và sự xung đột nội tâm của giáo dân thời bấy giờ là phải đặt đức tin trong Cứu Chúa Jêsus hay vào thư ân xá.

Tôi xin cám ơn nhiều ân nhân đã giúp đỡ, khuyến khích trong việc dịch thuật, cám ơn những dịch giả đi trước đã mỡ đường để tôi có thể kết thúc công tác nầy. Mong rằng sẽ có những người,trong tương lai, sưu tầm, tu bổ và làm sáng nghĩa hơn tài liệu nầy.

Do lòng yêu mến chân lý và muốn làm sáng tỏ lẽ thật, những luận đề sau đây sẽ được bàn cãi tại Wittenberg, dưới sự chủ tọa của Đức Cha Martin Luther, Cao học Văn Chương và Thần học Bí tích, Giảng sư thực thụ về các môn trên tại Chủng viện Wittenberg. Ông yêu cầu quý vị nào không thể đến dự cuộc tranh luận nầy, có thể viết thư nêu ý kiến.
Trong danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.

1. Khi Đức Chúa Jêsus Christ, Thầy chúng ta phán “Hãy ăn năn…”, Ngài muốn rằng tín hữu phải ăn năn hối cải trong suốt cuộc đời.

2. Lời phán nầy không có nghĩa là bí tích xám hối tức là việc xưng tội và đền tội do các Linh mục chủ lễ.

3. Vả lại, lời đó không chỉ nói đến sự ăn năn hối cải nội tâm; không, không có sự ăn năn hối cải trong lòng nào mà không được bày tỏ ra bằng những sự hành xác bên ngoài[2].

4. Cho nên, hình phạt [của tội lỗi] được tiếp tục song song với việc tự ghét mình; vì đó là sự ăn năn thật trong lòng, và được tiếp tục cho đến khi bước vào nước thiên đàng.

5. Đức Giáo Hoàng không có ý định, và không thể tha thứ hình phạt nào, ngoại trừ những hình phạt do Ngài áp đặt qua thẩm quyền của Ngài hay Giáo luật.

6. Đức Giáo Hoàng không thể tha thứ bất kỳ vi phạm nào ngoại trừ việc công bố rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ và thừa nhận sự tha thứ ấy; tuy nhiên, để cho được chắc chắn, Đức Giáo Hoàng có thể ban sự tha thứ trong những trường hợp dành cho Ngài phán xét. Nếu thẩm quyền tha tội nầy bị coi thường, tội lỗi vẫn không được tha.

7. Thượng Đế không tha thứ ai mà Ngài không đồng thời khiến họ hạ mình trong mọi việc và thuận phục trước vị đại diện của Ngài là các Linh mục.

8. Nghi thức đền tội[3] chỉ được áp dụng cho người sống, và cũng theo Giáo luật đó, không một điều khoảng nào có thể áp dụng trên người sắp chết.

9. Bởi vậy, Đức Thánh Linh trong Đức Giáo Hoàng rất nhân từ đối với chúng ta, vì qua các sắc lệnh, Đức Giáo Hoàng luôn xem các điều khoản nói về sự chết và nhu cầu cuối cùng trong cuộc sống là những trường hợp ngoại lệ.

10. Các Linh mục đã hành động sai lầm và độc ác khi họ không áp dụng những hướng dẫn ăn năn tội cho những người sắp qua đời mà để dành đến khi họ vào ngục luyện tội[4].

11. Sự thay đổi hình phạt theo giáo luật thành hình phạt nơi ngục luyện tội thật giống như chuyện cỏ lùng được gieo trồng khi các Giám mục đang ngủ[5].

12. Trước đây, những hướng dẫn đền tội được áp đặt, không phải sau, mà là trước khi xá tội, để xem sự ăn năn thống hối có thật hay không.

13. Người sắp chết được miễn tất cả mọi án phạt khi họ qua đời; họ đã chết đối với các giáo luật, và có quyền được miễn trừ khỏi các giáo luật đó.

14. Sự bất toàn [của linh hồn], nói một cách khác, sự thiếu kém về tình yêu thương của người gần cỏi chết đã mang đến những nổi sợ hãi lớn lao cho họ; và tình thương càng ít thì sự lo sợ càng gia tăng.

15. Nỗi sợ hãi và kinh khiếp nầy tự nó (không kể đến các việc khác) cũng đủ để tạo thành hình phạt nơi ngục luyện tội, vì điều ấy rất gần với nỗi kinh khiếp của sự tuyệt vọng khi bị mất linh hồn đời đời.

16. Địa ngục, ngục luyện tội, và thiên đàng dường như khác biệt với nhau cũng như sự tuyệt vọng khi bị mất linh hồn đời đời, gần tuyệt vọng, và sự bảo đảm để được an toàn.

17. Với những linh hồn trong ngục luyện tội, dường như sự kinh khiếp cần phải được giảm thiểu và tình yêu thương gia tăng.

18. Dường như không thể dùng lý luận hoặc Kinh Thánh để chứng minh rằng các linh hồn trong ngục luyện tội không còn có khả năng tạo thêm công đức, nghĩa là không thể lớn thêm lên về tình yêu thương.

19. Lại nữa, dường như không thể chứng minh rằng các linh hồn trong ngục luyện tội, hay ít nhất tất cả các linh hồn đó, có thể chắc chắn hay được đảm bảo về ơn phước của họ, dù rằng chúng ta tin chắc về các phước hạnh đó.

20. Vậy nên khi Đức Giáo Hoàng nói về “sự tha thứ hoàn toàn tất cả mọi hình phạt”, Ngài không có ý nói tha thứ “tất cả”, nhưng chỉ những án phạt do Ngài áp đặt.

21. Vì thế, những giảng sư về sự ân xá đã sai lầm khi nói rằng bởi sự tha tội của Đức Giáo Hoàng, người ta được thoát khỏi mọi hình phạt và được cứu;

22. Trái lại, Đức Giáo Hoàng không ân xá những án phạt nào cho các linh hồn trong ngục luyện tội, mà theo giáo luật họ đã trả xong khi còn sống.

23. Ví bằng nếu có thể ban sự ân xá cho tất cả mọi án phạt, thì chắc chắn chỉ có những người hoàn toàn nhất mới nhận được sự ân xá nầy, nghĩa là một số rất ít.

24. Vì thế nhiều người đã bị đánh lừa qua các lời hứa bừa bãi và rỗng không về sự tha thứ.

25. Nói một cách tổng quát, thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trên ngục luyện tội, cũng giống như quyền hạn riêng biệt của các giám mục, cha xứ trên giáo khu hay xứ đạo mình.

26. Đức Giáo Hoàng hành động đúng khi tha thứ những linh hồn [trong ngục luyện tội], không phải bởi thẩm quyền của chìa khóa[6] (mà Ngài không có), nhưng bằng cách cầu thay.

27. Họ giảng đến đổi người ta nói rằng ngay khi đồng tiền vừa kêu leng keng trong hộp dâng, linh hồn liền bay thoát ra [khỏi ngục luyện tội].

28. Điều chắc chắn là khi đồng tiền vừa kêu leng keng trong hộp dâng, thì vật chất và lòng tham sẽ gia tăng, nhưng kết quả sự cầu thay của Hội thánh chỉ do quyền năng Đức Chúa Trời mà thôi.

29. Ai có thể biết chắc rằng tất cả các linh hồn trong ngục luyện tội đều muốn được mua chuộc khỏi nơi nầy, như trong truyền thuyết[7] của Thánh Severinus[8] và Paschal[9].

30. Không ai biết chắc rằng mình có thật tâm ăn năn; đừng nói chi đến việc nhận được sự tha thứ hoàn toàn.

31. Có ít người thành thật ăn năn, cũng có ít người thật sự tin vào thư ân xá, nghĩa là những người nầy thật rất hiếm.

32. Họ cùng với thầy mình sẽ bị kết án đời đời vì đã tin chắc vào sự cứu rỗi bởi họ có thư ân xá.

33. Người ta phải cẩn thận đề phòng những ai nói rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng là quà tặng vô giá của Đức Chúa Trời nhờ đó mà con người được làm hòa với Ngài.

34. Vì “những ơn ân xá” nầy của Đức Giáo Hoàng chỉ được áp dụng cho các hình phạt của bí tích đền tội, và các điều nầy do loài người lập nên.

35. Họ không giảng dạy lẽ đạo Cơ-đốc khi cho rằng những người định mua linh hồn ra khỏi ngục luyện tội hay định mua thơ xưng tội không cần phải ăn năn.

36. Bất kỳ các Cơ-đốc nhân nào thành thật ăn năn hối lỗi thì họ có quyền nhận sự tha thứ tất cả mọi hình phạt và vi phạm, dù không có thư ân xá.

37. Mọi Cơ-đốc nhân thật, dù còn sống hay đã qua đời, đều được dự phần trong tất cả những phước hạnh từ Đấng Christ và Giáo hội; và điều đó được Đức Chúa Trời ban cho họ, mặc dầu họ không có thư ân xá.

38. Tuy nhiên, sự ân xá và phục hồi [trong phước hạnh của Giáo hội] được Đức Giáo Hoàng ban cho không vì lẽ gì mà bị coi thường, như tôi đã nói, đó là lời tuyên bố về sự ân xá từ trời.

39. Thật rất là khó cho ngay cả các nhà thần học uyên bác nhất trong cùng một lần, đồng một lúc, ngợi khen sự dư dật của thư ân xá và [sự cần thiết phải] ăn năn thật.

40. Sự ăn năn thống hối thật tâm tìm kiếm và mong muốn được sửa phạt, còn việc ân xá bừa bải chỉ làm hình phạt nhẹ đi và làm cho người ta không thích, hay ít nhất cũng gây cơ hội [để họ ghét sự ân xá].

41. Sự ân xá của Đức Giáo Hoàng phải được giảng dạy một cách thận trọng, kẻo người ta lầm tưởng nó có giá trị hơn các việc làm từ thiện tốt lành khác.

42. Cơ-đốc nhân phải được dạy là Đức Giáo Hoàng không có ý cho rằng việc mua thư ân xá có thể so sánh với các công việc từ thiện.

43. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng ai bố thí cho người nghèo hoặc giúp đỡ kẻ cùng túng là làm việc lành tốt hơn sự mua thư ân xá;

44. Bởi vì tình yêu thương được gia tăng lên qua việc từ thiện, và con người sẽ trở nên tốt hơn; nhưng họ không tốt hơn qua sự ân xá, mà chỉ thoát khỏi các hình phạt.

45. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng ai thấy kẻ lân cận mình trong cơn nguy khốn mà không giúp, và lại dùng [tiền mình] cho sự ân xá, thì chẳng mua được sự tha thứ của Đức Giáo Hoàng, mà chỉ chuốc lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

46. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng trừ khi họ có tiền nhiều hơn nhu cầu, họ buộc phải cung ứng cho gia đình mình chi dùng đầy đủ, và không vì lý do gì mà hoang phí để mua thư ân xá.

47. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng việc mua thư ân xá là hoàn toàn tự nguyện, và không phải do lệnh trên truyền xuống.

48. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng Đức Giáo Hoàng, khi ban sự ân xá, cần và mong muốn họ chuyên tâm cầu nguyện cho Ngài hơn là số tiền họ mang đến.

49. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng chỉ có ích khi họ không đặt lòng tin tưởng vào đó; nhưng trái lại thật là tai hại, nếu vì nó họ mất lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

50. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng nếu Đức Giáo Hoàng biết rõ được sự đòi hỏi quá đáng của các giảng sư về sự ân xá, thì Ngài muốn thấy ngôi Vương Cung Thánh Đường Phi-e-rơ (Phê-rô)[10] bị thiêu hủy thành tro bụi, còn hơn là được xây dựng lên bằng da, thịt và xương của các con chiên mình.

51. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng đó là sự mong muốn của Đức Giáo Hoàng, cũng như đó là nhiệm vụ của Ngài, dùng chính tiền mình để trả lại cho những ai bị bọn bán buôn thư ân xá lường gạt, ngay cả khi cần phải bán ngôi Vương Cung Thánh Đường Phi-e-rơ (Phê-rô).

52. Sự bảo đảm được cứu rỗi bằng thư ân xá là luốn công, dầu qua vị đại diện, không đâu, ngay cả khi chính Đức Giáo Hoàng đặt linh hồn Ngài để bảo đảm.

53. Những người nào truyền lệnh bưng bít lời Chúa tại một số nhà thờ, để giảng dạy về sự ân xá ở những nhà thờ khác là kẻ thù của Đấng Christ và Đức Giáo Hoàng.

54. Dành thì giờ nói đến sự ân xá bằng hay nhiều hơn thì giờ học hỏi lời Chúa trong cùng một bài giảng là làm tổn thương đến lời Đức Chúa Trời.

55. Ý định của Đức Giáo Hoàng là nếu sự ân xá, chỉ là một việc nhỏ, được ăn mừng với một tiếng chuông, một đám rước lễ, một nghi lễ, thì lời Phúc âm, là điều cao quí nhất, phải được giảng dạy với một trăm tiếng chuông, một trăm đám rước lễ, một trăm nghi lễ.

56. “Kho tàng của Giáo Hội[11]” mà Đức Giáo Hoàng dùng để ban phát sự ân xá không được nói đến hoặc hiểu biết đầy đủ giữa vòng Cơ-đốc nhân.

57. Rằng thật nó không phải là kho tàng thế gian, vì những kẻ rao bán sự ân xá không muốn ban phát các kho tàng ấy ra một cách dễ dàng mà chỉ muốn thâu lượm thêm.

58. Kho tàng đó cũng không phải là những công đức của Đấng Christ và các Thánh[12], bởi vì ngay cả khi không có Đức Giáo Hoàng, nó luôn làm việc tốt lành trong lòng con người, còn thập tự giá, sự chết và địa ngục cho con người bề ngoài.

59. Thánh Laurence[13] gọi các giáo dân nghèo khó là những kho tàng của Giáo Hội, nhưng ông nói theo cách dùng từ ngữ thời bấy giờ.

60. Chúng ta có thể nói một cách thận trọng rằng chìa khóa của Giáo Hội, được ban cho qua công đức của Đấng Christ, mới là kho tàng của Giáo Hội;

61. Vì Đức Giáo Hoàng thật có đủ quyền tha các án phạt trong những trường hợp dành riêng cho ông.

62. Kho tàng thật của Giáo Hội chính là Phúc Âm Chí Thánh về sự vinh hiển và ân điển của Đức Chúa Trời.

63. Nhưng kho tàng nầy theo lẽ tự nhiên thật rất là đáng ghét, vì nó khiến người đầu trở nên rốt[14].

64. Mặt khác, kho tàng của sự ân xá đương nhiên được chấp nhận dễ dàng nhất vì nó khiến người rốt trở nên đầu.

65. Vậy nên, kho tàng của Phúc Âm là những cái lưới mà trước đó thường được dùng để đánh lưới người.

66. Còn kho tàng của sự ân xá là những cái lưới ngày nay người ta dùng để thâu gặt sự giàu có từ con người.

67. Phép xá tội mà các giảng sư kêu gào rằng đây là “ân điển lớn lao nhất” chỉ được coi là đúng vì nó mang đến sự gia tăng lợi lộc.

68. Tuy nhiên chúng thật chỉ là một ân điển cực nhỏ so với ân điển của Đức Chúa Trời và lòng tôn kính thập tự.

69. Các Giám mục và Cha xứ buộc phải thừa nhận quyền tha tội của Đức Giáo Hoàng với tất cả lòng tôn kính.

70. Nhưng còn thêm nữa, họ cũng phải chăm chú nhìn cho kỹ, nghe cho rõ, vì e rằng những giảng sư về sự ân xá dạy dỗ theo ý riêng của mình, thay vì những gì Đức Giáo Hoàng truyền dạy họ.

71. Ai nói nghịch lại chân lý về sự tha tội của Đức Giáo Hoàng sẽ bị dứt phép thông công và nguyền rủa!

72. Nhưng phước thay cho người nào đề cao cảnh giác chống lại lòng tham và sự phóng túng của những giảng sư về sự ân xá!

73. Đức Đức Giáo Hoàng đã quở trách một cách chính đáng những ai dùng mọi thủ đoạn, mưu toan làm hại đến những huấn thị[15] về thư ân xá.

74. Nhưng Ngài còn quở trách nhiều hơn thế nữa những kẻ viện cớ ân xá để mưu toan làm hại đến tình yêu và lẽ thật thánh.

75. Nếu nghĩ rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng thật là kỳ diệu đến độ có thể tha thứ cho một người, ngay cả khi người ấy phạm tội tày trời và xúc phạm đến Mẹ của Thiên Chúa — thì thật là điên dại.

76. Trái lại, chúng ta nói rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng không đủ để bôi xóa một tội nhỏ nhất của những tội vặt, theo nghĩa của sự vi phạm.

77. Người ta nói rằng ngay cả Thánh Phi-e-rơ (Phê-rô), nếu ông là Giáo Hoàng lúc nầy, không thể ban cho ân điển nào lớn hơn; đây là lời phạm thượng với Thánh Phi-e-rơ (Phê-rô) và Đức Giáo Hoàng.

78. Trái lại, chúng ta nói rằng ngay cả Giáo Hoàng đương nhiệm, và bất kỳ một vị Giáo Hoàng nào khác có ân điển lớn hơn trong tay mình; đó là Phúc âm, quyền năng, ân tứ chửa bệnh, vv…, như đã chép trong I Cô-rinh-tô đoạn 12.

79. Cho rằng thập tự được chạm trổ bằng huy hiệu của Đức Giáo Hoàng và được tâng bốc [bởi những giảng sư về sự ân xá], có giá trị ngang hàng với Thập Tự Giá của Đấng Christ là lộng ngôn.

80. Các Giám mục, Cha xứ, và Nhà thần học nào cho phép những lời lẽ như thế loan truyền giữa vòng giáo dân phải chịu tránh nhiệm về điều đó.

81. Những sự giảng dạy không kiềm chế về sự ân xá đó đã gây khó khăn cho, ngay cả các người học thức, tìm cách cứu vãn lòng tôn kính Đức Giáo Hoàng khỏi các lời mạ lỵ hay những câu hỏi xảo trá của người thế tục.

82. Biết rằng: “Tại sao Đức Giáo Hoàng không giải thoát tất cả mọi linh hồn khỏi ngục luyện tội, vì lòng yêu thương thánh và vì nhu cầu của những linh hồn nơi đó? Đây là lý do rất chính đáng. Trong khi đó, tại sao Ngài lại cứu chuộc vô số linh hồn vì một số tiền đê tiện, để chi dùng trong việc xây cất Vương Cung Thánh Đường? Đây là một lý do rất tầm thường”.

83. Lại nữa: “Tại sao lại tiếp tục cử hành lễ an táng và lễ giổ cho người chết, và tại sao Đức Giáo Hoàng không trả lại hay cho phép rút ra số tiền đã dâng cho các lễ nầy, vì việc cầu thay cho những người đã được cứu chuộc là sai lầm?”

84. Lại nữa: “Lòng sùng mến Đức Chúa Trời và Giáo Hoàng mới nầy là gì mà vì cớ tiền bạc, họ cho phép những kẻ vô đạo và kẻ thù của họ mua sự giải cứu khỏi ngục luyện tội cho một linh hồn tin kính, bạn của Đức Chúa Trời, và lại không làm như vậy vì nhu cầu của linh hồn mộ đạo đáng yêu đó, và vì tình yêu thương thanh thiết?”

85. Lại nữa: “Vì cớ nào mà các nghi thức đền tội, từ lâu vì trong thực trạng và bởi không còn được dùng đến, đã bị hủy bỏ và vô dụng, nay lại được chấp nhận qua sự ban phát thư ân xá, như còn tồn tại và có hiệu lực?”

86. Lại nữa: “Tại sao Đức Giáo Hoàng, giàu hơn những người giàu nhất, lại không dùng tiền mình để xây Vương Cung Thánh Đường Phi-e-rơ (Phê-rô), mà lại dùng tiền của giáo dân nghèo khó?”

87. Lại nữa: “Vì cớ gì mà Đức Giáo Hoàng lại tha và theo tiêu chuẩn nào[16] mà Ngài đã ban cho những người, nhờ sự ăn năn hối cải hoàn toàn của họ, đã được quyền hưởng trọn ơn tha thứ và phục hồi?”

88. Lại nữa: “Có ơn phước nào lớn hơn cho Giáo hội nếu Đức Giáo Hoàng ban sự ân xá và phục hồi cho mọi tín hữu một trăm lần mỗi ngày thay vì chỉ ban một lần mỗi ngày như Ngài hiện đang làm?”

89. “Vì Đức Giáo Hoàng, qua thư ân xá, mưu cầu sự cứu chuộc linh hồn hơn là tiền bạc, tại sao Ngài lại đình chỉ các quyết định ân xá và tha tội đã ban ra từ trước vì chúng đều có hiệu lực như nhau?”

90. Nếu chỉ dùng sức mạnh để đàn áp những lý luận và quan tâm về đạo đức của những người thế tục mà không giải quyết chúng bằng cách giải thích rành mạch, là đặt Giáo hội và Đức Giáo Hoàng trong tư thế để các thù địch chê cười, và làm cho Cơ-đốc nhân buồn khổ.

91. Cho nên nếu sự ân xá được giảng dạy theo quan điểm và tinh thần của Đức Giáo Hoàng, tất cả những ngờ vực nầy sẽ được giải quyết dễ dàng; không đâu, sự giảng dạy nầy đã không được thực hành.

92. Vậy, những tiên tri nào nói với con dân Đấng Christ: “Bình an, bình an” mà chẳng có sự bình an chi hết![17] Hãy tránh xa.

93. Nhưng phước thay cho những tiên tri nói với con dân Đấng Christ: “Thập tự, thập tự” mà chẳng có thập giá nào!

94. Cơ-đốc nhân phải được khuyến khích rằng họ phải bền đỗ trên con đường theo Đấng Christ, là Đầu của họ, để vượt qua các hình phạt, sự chết và địa ngục;

95. Và như thế, hãy vững tin đi vào Thiên đàng, thà qua nhiều gian truân thử thách[18], còn hơn là nhờ sự bảo đảm để được an tâm[19].

Nguồn lcms-elca & vietnamlutheran

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *