DAVID CỦA KINH THÁNH VÀ DAVID CỦA MICHELANGELO

Pho tượng David của Michelangelo, được tạc từ năm 1501 đến 1504, là một kiệt tác của nền điêu khắc thời kỳ Phục Hưng (khoảng tk. 14-17). Tượng David được coi là biểu trưng cho sức mạnh và vẻ đẹp thanh xuân của con người. Cao 5,17 m, pho tượng cẩm thạch này khắc họa hình ảnh vị vua David trong Kinh Thánh ở tư thế khỏa thân, vào lúc ông quyết định chiến đấu với viên tướng người Philistine là Goliath.

Kinh Cựu Ước (Sách Samuel I) kể rằng: Ngày xưa dưới thời vua Saul của nước Israel, nước láng giềng Philistine huy động toàn quân tấn công Israel. Bên trại quân Philistine có một lực sĩ vô địch tên là Goliath, người xứ Gath. Tướng mạo Goliath thật dữ dằn: cao tới 3 m, đội mũ đồng, mặc áo giáp đồng vảy cá nặng 60 cân, chân dận ủng đồng, trên vai đeo một ngọn giáo đồng. Cán giáo to như trục khung dệt cửi, ngọn giáo nặng sáu trăm lạng sắt.

Suốt 40 ngày liền, sáng sáng chiều chiều Goliath lại diễu võ giương oai, lớn tiếng thách thức người Israel cử ra một nhà vô địch để quyết đấu tay đôi với hắn. Nhưng Saul và dân Israel hết thảy đều run sợ. Khi đó, chàng thanh niên David vốn chỉ là con của một thường dân và đang đi đưa thức ăn cho các anh của cậu. Nghe nói vua Saul sẽ ban thưởng cho bất kỳ ai đánh bại được nhà vô địch của Philistine, cậu bèn tuyên bố chẳng hề sợ hãi Goliath. Vua Saul miễn cưỡng chấp thuận để David đi và ban áo giáp cho cậu, song David đã chối từ, chỉ mang theo cây gậy, cái tròng quăng đá và lượm lấy năm hòn đá cuội trong khe nước rồi cho vào bị vẫn thường đeo bên người mỗi khi đi chăn cừu.

Trước trận tiền là hai hình ảnh đối nghịch: một chiến binh lão luyện, được trang bị từ đầu đến chân, còn phía bên kia là một chàng chăn cừu trẻ măng, trong tay chỉ có cây gậy và tròng quăng đá. Sau những lời đối đáp nảy lửa, Goliath và David lao vào nhau. Vô cùng nhanh nhẹn, David cho tay vào bị, lấy một hòn đá rồi giương tròng quăng đá, bắn một phát trúng tên tướng Philistine. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến tên khổng lồ Goliath gục ngã sấp mặt xuống đất. Thấy nhà lực sĩ vô địch của mình đã chết, quân Philistine bỏ chạy tán loạn.

Ngoài ý nghĩa đề cao tôn giáo độc thần được hàm ý rõ ràng trong Kinh Thánh, câu truyện David đánh bại gã khổng lồ Goliath đã trở thành một điển hình của văn học phương Tây, thể hiện lý tưởng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, chính nghĩa luôn đập tan phi nghĩa. Trong trường hợp này, David dưới bàn tay tạo tác của Michelangelo còn mang một ngụ ý khác: pho tượng biểu trưng cho sự bảo vệ nền Cộng hòa Florence đương thời vốn là hiện thân cho các quyền tự do của dân chúng – nền cộng hòa ấy đang bị đe dọa tứ phía từ các thành bang đối địch mạnh hơn nó nhiều. Có lẽ chính vì ngụ ý trên mà pho tượng đã được đặt lần đầu tiên tại quảng trường Palazzo della Signoria, nơi tọa lạc tòa thị chính của thành phố Florence.

Dưới góc độ điêu khắc, tượng David của Michelangelo là một ví dụ cho tư thế kiểu contrapposto. Tượng đứng với một chân giữ toàn bộ trọng lượng cơ thể còn chân kia thả lỏng. Tư thế cổ điển này, vốn có từ thời Hy-La, giúp cho phần hông và vai của tượng được mềm mại đi ở những góc đối xứng, tạo ra một đường cong nhẹ hình chữ ‘s’ cho toàn bộ cơ thể. Pho tượng hướng mặt về bên trái trong khi tay trái tựa lên vai trái với chiếc tròng quăng đá đang vung về phía sau lưng.

Các tỷ lệ của pho tượng không thực đúng với hình thể người: đầu và phần thân trên có phần lớn hơn so với các tỷ lệ của phần thân dưới. Kích thước tay cũng lớn hơn so với tỷ lệ thông thường. Về điều này, cách giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất là: ban đầu người ta có ý định đặt pho tượng ở mặt tiền của nhà thờ hoặc đặt trên bệ cao, và các tỷ lệ của pho tượng sẽ hiện ra chính xác khi người ta nhìn pho tượng trong một khoảng cách nhất định từ dưới lên.

Trải qua hơn 500 tuổi, pho tượng David không tránh khỏi thăng trầm và nhuốm màu thời gian. Năm 1873, để tránh cho pho tượng khỏi hư hại, người ta đã dời nó tới Phòng triển lãm của Viện Mỹ thuật Florence (Accademia di Belle Arti Firenze). Pho tượng David mà ta thấy hiện nay ở quảng trường Piazza della Signoria chỉ là bản sao, được dựng tại đó vào năm 1910. Thời gian đã để lại những vết bẩn và ố vàng trên thân tượng. Và thế là, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm tượng David 500 năm tuổi, người ta quyết định “tắm” cho pho tượng một lần nữa, sau 130 năm để David phơi mình trước bụi bặm và những con mắt thế tục. Tôi cứ có một ý nghĩ vui vui rằng, hẳn chàng David cẩm thạch kia sẽ sung sướng biết bao khi ở Việt Nam, nơi mà người dân có tục “mộc dục” (tắm tượng) hàng năm. Nhưng thật trớ trêu thay, ở xứ sở ưa thích “tắm” cho tượng này lại chẳng thể nào sinh ra được một Michelangelo như nước Ý!

 

Vài nét về tác giả:

– Michelangelo (1475-1564) cùng với Leonardo de Vinci và Raphael được coi là ba trụ cột của nghệ thuật thời Phục Hưng.
– Một số tác phẩm tiêu biểu của Michelangelo: Tượng David, Bích họa trên trần nhà thờ Sistine, Tượng Pieta (tượng Đức Mẹ sầu bi ôm xác Chúa Jesus trong lòng), Tượng Moses.

Nguồn http://my.opera.com/bananavnn/blog/show.dml/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *