GIẾNG TÌNH

Chuyện tình của Isác và Rebecca (St 24)

Theo lời Đức Chúa, gia đình của Abraham đến sống ở vùng đất mới, Canaan. Khi Sara qua đời, Abraham cũng già, nên sai người lão bộc trở về quê, đến với họ hàng, mà cưới vợ cho con trai là Isác.
Lão bộc cùng mười con lạc đà, và những món đồ quý giá mang theo đi về miền A-ram Na-ha-ra-gim, về thành của ông Na-kho.
Ông cho lạc đà nằm ở ngoài thành, gần giếng nước, vào buổi chiều lúc phụ nữ trong thành ra giếng múc nước. Rồi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho tôi một dấu hiệu, là để người mà tôi hỏi xin nước, trở thành vợ của Isaác”.
Quả đúng như vậy. Rebecca xinh đẹp đi ra giếng với một vò nước trên vai.
Lão bộc tới gặp và xin nước uống. Rebecca không những cho ông mà còn kéo nước cho cả lạc đà của ông uống nữa.
Lão bộc rất vui vì gặp được người tốt như cô. Nên liền lấy ra hai chiếc hoa tai, hai chiếc vòng vàng, đưa cho vô và hỏi. Cô ở đâu, con cái nhà ai, tôi có thể ở nhờ nhà cha cô được không?
Được chứ, cô đáp. Rồi cô chạy về báo cho cả nhà.
Anh cô, La Ban, dù chưa biết vị khách lạ này, nhưng cũng vẫn vui vẻ tiếp đón. Rồi từ từ anh hiểu được ý định của Abraham là muốn cho cô Rebecca đến làm dâu nhà ông.
Rebecca đã rời bỏ gia đình, anh trai để đến đất Canaan, làm vợ Isaac, dâu của Abraham.
Isaac rất vui mừng đón nhận Rebecca, rồi trở thành vợ chồng, và hết lòng yêu thương nàng.
Chuyện tình của Đức Giêsu và người phụ nữ (Giăng 4)
Đức Giêsu ghé nghỉ chân bên bờ giếng Giacóp vào giữa trưa, và có một phụ nữ ra lấy nước một mình. Cô ngạc nhiên, khi Đức Giêsu lên tiếng xin nước. Bởi người Dothái không nói chuyện, hay tiếp xúc, càng không thể xin nước một người dân ngoại như cô.
Từ nước thường, Đức Giêsu dẫn cô ta đến nước hằng sống mà ai uống vào sẽ không phải khát nữa, còn tự mình vọt lên mạch nước đem lại sự sống muôn đời.
Cô ta rất thích loại nước này và nhanh chóng bày tỏ nỗi khát khao của mình.
Đức Giêsu nói về đời tư của cô ta, cho biết Ngài là nước hằng sống. Ngài còn huớng dẫn cho cô biết cách thờ phượng Thiên Chúa như thế nào. Đó là thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và sự thật, chứ không phải ở núi này hay nơi nọ.
Cô đã bị thuyết phục, đã tin và công nhận Ngài là một ngôn sứ, là Đức Kitô, sẽ đến. Rồi chạy vào trong thành loan báo cho nhiều người biết.
Hai hình ảnh một cuộc Tình
Câu truyện Cựu ước và Tân ước, tuy hai, nhưng nội dung thì một. So sánh và diễn tiến từ câu chuyện tình Isác và Rebeca, Chúa Giêsu và người phụ nữ, ta nhận ra cuộc tình đích thực là chính Thiên Chúa và loài người.
Abraham. Ông nhờ người trung gian là lão bộc đi tìm vợ cho con mình.
Đức Chúa. Ngàinhờ đến các tiên tri để liên hệ với người tình là dân Israel.
Đức Giêsu. Ngài không cần ai giới thiệu, mà trực tiếp gặp gỡ, mở lời, gợi ý, hướng dẫn.
Abraham. Ông đòi hỏi người con dâu phải tốt lành, đạo đức, xứng đáng, đủ tư cách.
Đức Chúa. Ngài cũng đòi hỏi dân riêng là Israel phải một lòng trung thành, không bất trung, không ngoại tình, không phản bội.
Đức Giêsu. Ngài chấp nhận một con người xấu, rồi chỉ cho người ấy thấy được sự thật về cuộc đời đen tối, và mở đường, tạo cho cô cơ hội phục thiện, làm lại cuộc đời. Còn giúp cô thích thú tìm kiếm sự thật nữa.
Abraham. Ông giới hạn về người phụ nữ phải là dân gốc, trong dòng tộc, trong quê hương xứ sở của ông.
Đức Chúa. Ngài cũng luôn đòi người tình mà Ngài hết lòng yêu thương phải là dân được tuyển chọn, dân riêng.
Đức Giêsu. Ngài không còn biết đến ranh giới là dân riêng hay dân ngoại, đất Dothái hay đất Samaria, đền thờ Giêrusalem hay trên núi, mà chính con người. Con người mới là tất cả, là quan trọng bậc nhất.
Tình yêu đơn giản là tình yêu. Tình yêu không lệ thuộc bởi bất cứ không gian địa lý hay phong tục, truyền thống hay văn hoá, tuổi tác hay giàu nghèo… Mà chỉ là hai trái tim cảm nhận, hiểu nhau, tạo cho nhau sức mạnh thăng tiến, biến đổi.
Cuộc tình giữa Thiên Chúa và loài người thật hấp dẫn và tuyệt vời. Chính Ngài chủ động tìm đến con người. Đúng là tình yêu, Ngài không đưa ra bất cứ đe doạ hay áp lực nào. Mà hoàn toàn để cho con người tự nguyện đi theo tình yêu với lòng khao khát thực sự.
Rebecca. Côđã rời bỏ gia đình đi theo tiếng gọi của tình yêu, trở thành người dâu thảo vợ hiền, biết kính sợ Đức Chúa.
Người phụ nữ. Nàng cũng làm theo thúc đẩy của trái tim, hướng về căn nguyên của kiếp người, vốn được Thiên Chúa đặt để trong lương tâm, rồi đi tìm sự lành thánh khi có cơ hội. Và  nàng đã:
Can đảm nhìn về chính mình và đón nhận thực tế đang xảy ra khi gặp gỡ Đức Giêsu.
Can đảm để lại vò nước, thứ rất cần cho sự sống của cô.
Can đảm bỏ lại nhà cửa, gia đình, cả người mà gọi là chồng.
Can đảm bỏ lại mọi thứ vào trong quá khứ, để làm mới cuộc đời một cách hăng say tích cực.
Can đảm vượt qua dư luận vốn không thiện cảm về mình, để nói cho họ nghe sự thật mà cô có được khi gặp Đức Giêsu.
Can đảm lao mình vào chốn đông người trong làng để giới thiệu về Đức Giêsu, Đấng biết mọi sự, và đã cho cô mọi thứ đích thực của con người.
Sức mạnh của tình yêu đã lôi kéo mọi người đến với nhau. Cô trở thành nhịp cầu cho nhiều người trong thành đến gặp Đức Giêsu và tin theo Người.
Mùa chay, Giáo hội làm nổi bật lên ý nghĩa mùa thánh này, giúp ta nhìn đến ba điều quan trọng. Đó là:
Thiên Chúa. Nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót và từ bi, nhân hậu và khoan dung, quảng đại và thứ tha. Vì muốn kết duyên với con người, muốn vui thích ở giữa chúng ta, nên đã sẵn lòng chấp nhận phần thiệt thòi và thương tích, như con chiên bị đem đến lò sát sinh để xén lông, để giết đi mà không tiếng kêu la. Ngài tự nguyện hiến mạng sống vì nhân loại, và mong con người nhận ra tình yêu đích thực của Ngài, rồi đáp trả lại bằng tiếng gọi tình yêu. Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình.
Con người. Nhận ra rằng bản thân mỗi người phải tích cực góp phần cố gắng của mình trong hành trình thanh tẩy tâm hồn. Phải can đảm nhìn nhận sự thật về mình với bao yếu đuối lỡ lầm, nhiều xúc phạm đến nhau và đến Chúa. Sẵn sàng chết đi cho con người cũ, phải tắm mình trong máu con chiên, để được tẩy rửa và sống lại trong con người mới, nhờ Chúa Kitô. Người phụ nữ bên giếng Giacóp là một ví dụ.
Ma quỷ. Nhận ra sức mạnh của ma quỷ, chúng trói chặt ta lại với cảnh u mê tăm tối không lối thoát, rồi nhận chìm ta vào hố sâu của tuyệt vọng và sự chết. Sự dữ ràng buộc ta lại với mọi thứ quá khứ, và coi đó là một bảo đảm để ta không muốn khát khao gì hơn. Nói khác đi, chúng che mắt ta, khiến mình không thể nhìn thấy gì ở tương lai tốt đẹp. Không biết gì về chân lý, tình yêu và sự thật nơi Chúa và tha nhân, để không đem lòng yêu mến, mà hết lòng gấn bó với nó, kẻ gây ra sự chết.

Nếu ta sống nhờ Thần khí,
thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước
(Galati 5,25 NGKPV)
THANH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *