LẶNG NGƯỜI Ở NGHĨA TRANG HÀNG VẠN HÀI NHI

 Hơn 42.200 hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng hiện đang yên nghỉ tại hai nghĩa trang bào thai ở Thừa Thiên – Huế. Những dòng thơ than khóc, trách cha mẹ viết trên những ngôi mộ tí xíu vô danh khiến người đọc phải lặng người…

LTS: Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đã lên đến mức báo động khi liên tục trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn là nước đứng trong top 10 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Tỷ lệ này ngày càng gia tăng nhanh ở lứa tuổi vị thành niên. Song song với tình trạng này thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cao, trong đó các lý do liên quan đến vấn đề nạo hút thai xuất hiện ngày càng nhiều.

Báo chí, các diễn đàn trực tuyến đã có nhiều bài viết mô tả về thực trạng đau lòng này nhưng tình hình không có dấu hiệu được cải thiện.

VietNamNet khởi đăng những câu chuyện chất chứa nỗi đau về các thai nhi bị bỏ rơi, những dằn vặt, day dứt của những người khốn khổ chạy chữa vô sinh vì nạo phá thai với hi vọng có thể tạo ra một sự thay đổi nhất định nào đó về nhận thức cũng hành vi của cộng đồng đối với hậu quả của tình dục không an toàn và nạo hút thai tràn lan.

“Ngọn nến hồng chưa kịp sáng lung linh”

Đã được nghe kể về nơi yên nghỉ của những bào thai tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thực sự bị choáng ngợp, nhưng quặn đau trước sự rộng lớn của nó.

Hàng ngàn nấm mộ của hơn 42.200 sinh linh bị chối bỏ được chôn cất ở nghĩa trang bào thai Anh Hài (Thừa Thiên – Huế)

Nghĩa trang hài nhi nằm tựa lưng vào làng Ngọc Hồ. Giữa trưa nắng oi ả, chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn dẫn lên nghĩa trang.

Khung cảnh hoang vắng đến rợn người. Cả hàng vạn ngôi mộ được quét sơn trắng nằm ngay ngắn, thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả các ngôi mộ đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây thánh giá cắm ở đầu mộ.

Ở góc cuối nghĩa trang, hai người đàn ông đang hì hục đào xuống lớp đá, đất cằn cỗi. Đó là anh Trương Văn Năng (50 tuổi) và Tống Viết Hiếu (47 tuổi), những người trông coi nghĩa trang này.

Các anh nhẹ nhàng đặt 12 sinh linh được gói ghém kỹ, lấp đất xuống, cắm lên trên 3 que nhang và cầu nguyện.

Đã chứng kiến nhiều đám chôn cất, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xót xa bằng buổi “hạ huyệt” này, khi không hề có trống, kèn, vòng hoa, lời than khóc. Bên cạnh huyệt chôn, còn có nhiều huyệt mộ đã được đào sẵn để chờ an táng cho những hài nhi mới.

Anh Năng dẫn tôi đi lần lượt hết ba quả đồi với chi chít những ngôi mộ, rồi dừng lại ở tượng Đức mẹ và cậu bé thiên thần ở giữa nghĩa trang. Phía hai bên, có những bia đá khắc những dòng thơ như tiếng kêu cứu của hàng vạn thai nhi bị cha mẹ chối bỏ khi chưa kịp lọt lòng:

“Em là thai nhi vô tội

Hiện thân là buồn tủi

Tình yêu tắt lịm rồi

Núi đồi xa xôi

Một đêm lạnh trời sương

Em vấp ngã nơi đây

Em thiếp ngủ không hay

Lá rụng che phủ đầy…”

(Linh mục Phaolo, 11/4/2008)

“Tôi không biết em là trai hay gái. Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi…”

Ngoài nghĩa trang Anh Hài nổi tiếng ở Huế, thì ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng có một nghĩa trang hài nhi với tên gọi Đồng Nhi và đặc biệt là ở thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng có một nghĩa trang tương tự với khoảng hơn 1 vạn ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Nghĩa trang này được linh mục Nguyễn Văn An ở nhà thờ Đức An (TP Pleiku) khai sinh và trông coi từ năm 1992, nhưng nó chỉ thực sự trở nên ‘nổi tiếng’ sau khi đón một hài nhi bị bỏ rơi vào đúng dịp Trung thu năm 2004.

Báo Thanh Niên (trong một phóng sự năm 2008) từng kể lại rằng, hài nhi đặc biệt với đủ hình hài này được đưa đến linh mục Nguyễn Văn An và được đặt lên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đã đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của vị linh mục. Đó là hành động duy nhất của đứa trẻ xấu số trước khi từ giã cõi đời…

Câu chuyện của hài nhi mang tên Trung Thu đã gây ra bao xúc động. Có người biết chuyện không giấu được cảm xúc, đã viết nên bài thơ ai oán:

“Con không có lời ru

Đưa con vào cuộc đời

để con được làm người

Con không còn tiếng khóc chào đời

và làm người như bao người.

 Xin thắp lên cho con một ngọn nến,

một nén nhang

cho lòng con được ấm lên

trong lòng đất lạnh tình người.

Xin cắm cho con một cành hoa

và một lời ăn năn dù chỉ là muộn màng.

………

  Xin hãy thương con, đừng bỏ con.

Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi! …”

Có ngày chôn tới 20 hài nhi vô tội

Anh Năng, người trông coi nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên – Huế) cho biết: Nghĩa trang ra đời ngày 2/2/1992, do một số linh mục Giáo phận Huế thành lập.

Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa những quả đồi hoang vắng. Trên các cây thành giá chỉ kịp khắc ghi ngày các em về với đất ….

 

Khi đó, đời sống xã hội phát triển, những nhu cầu dục vọng, tình yêu đôi lứa phát triển mạnh mẽ khiến tình trạng nạo phá thai lớn. Một số linh mục nghĩ đến việc đi nhặt những bào thai mang về chôn và khi giáo phận thành lập Ban Bác ái xã hội thì nghĩa trang do Ban chăm sóc.

Ngày càng có nhiều bào thai được chôn ở đây và đến nay đã được hơn 42.000. Đây là nghĩa trang bào thai đầu tiên tại Việt Nam và hiện tại là lớn nhất miền Trung.

Những năm đầu tiên, mỗi thai nhi chỉ là một nấm mồ bằng đất sơ sài. Nhờ tấm lòng thiện nguyện của Hội Bác ái xã hội và những nhà hảo tâm, nay mộ được xây bằng bê tông. Số lượng hài nhi cứ tăng dần theo thời gian, có lúc 20 em/ngày được chôn ở đây. Để giảm kinh phí và diện tích đất chôn, những người phụ trách quyết định xây một mộ một tuần và hàng chục hài nhi được chôn chung một mộ.

Ngày nào anh Năng cũng “hạ sơn”, lặn lội qua đò trên sông Hương rồi về TP Huế dạy thêm môn Anh văn cho học sinh cấp 2 để kiếm thêm thu nhập.

Chiều tối về nhà, ‘hành trang’ của anh thường có xác hài nhi để mang về chôn. Bào thai anh nhận từ những người tình nguyện đi gom hoặc anh tự đi lượm được ở gốc cây, thùng rác…

Gần 19 năm qua, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón nhận hơn 2.000 bào thai. Riêng năm 2009 đã có gần 3.000 thai nhi. Con số này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai, bởi còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng ta không thể nào biết hết được.

Nguyên Bình – Cẩm Quyên

 Bài 2: Khốn khổ chữa vô sinh vì trót phá thai nhiều lần

Theo vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *