MỘT SỰ PHỐI HỢP HIỆU QUẢ – TẦM QUAN TRỌNG TRONG SỰ THỐNG NHẤT GIỮA CHA MẸ

Một tháng trước khi qua đời, vào lúc hoàng hôn của ngày sắp tàn trong một giấc ngủ nửa nửa tỉnh nửa mê đầy khó nhọc của mình, Don Bosco cho gọi hai trong số những con cái mến yêu nhất của ngài là Don Rua và Đức Cha Cagliero tới, dồn hết sức mình ngài nói với họ cũng như với tất cả các Salêdiêng: “Các con hãy yêu mến nhau như anh em; các con hãy yêu mến nhau, giúp đỡ và chịu đựng nhau như anh em …». Sau đó, trong một cung giọng thì thào ngài lại nói: “Các con hãy hứa với cha là các con yêu nhau như anh em”.

 

 Với Don Bosco điều đó đã là một loại điệp khúc.

Trong hội nghị năm 1875 ngài đã nói: “Chúng ta hãy tích cực bênh đỡ nhau. Giữa các bề trên trong các Nhà, hãy thể hiện sự đồng thuận lớn lao cao cả. Khốn đốn thay, khi người ta có thể nghe bề dưới nói về bề trên: “Các vị bề trên chẳng hòa thuận với nhau mấy; vị này thì muốn còn vị kia lại không; cùng lúc vị này ủng hộ còn vị thì kia chống”. Luôn bênh đỡ nhau khi đối diện với bề dưới. Người ta cũng nên dùng chung một ngôn ngữ, để cho người khác thấy rằng ai cũng chỉ muốn một điều, cả khi bề dưới đã từng nhận ra điểm bất đồng. Chúng ta hãy bênh đỡ nhau dù chỉ với lời ngợi khen nhau, hãy bày tỏ sự quý mến lớn lao đem lại sự đổi trao qua lại”.

 

Một cô bé được hỏi “Khi nào cháu nhận thấy nhà của cháu thật tuyệt vời?”.

Cô bé giương đôi mắt nhìn kẻ đối thoại và đáp lại cách đơn giản: “Khi cháu thấy ba má hôn nhau”.

 

Thương yêu là điều mà mọi con trẻ cảm nhận: tình yêu nối kết mẹ cha là đá tảng vững vàng để có thể dựng xây tổ ấm của họ.

Mỗi khi có thể, cha mẹ chẳng nên giấu giếm tình cảm của mình như cất tấm hình trong tủ kính: mỗi lần cha mẹ biểu lộ tình yêu thương qua ngôn ngữ hay cử chỉ, một dòng nước ấm áp của sự an toàn bao bọc con cái của họ.

Tình thương mến là mối dây liên kết tuyệt hảo phải có giữa mỗi người trong một nhà. Trật tự pháp lý, kinh tế tài chánh, hay thậm chí cả quan hệ huyết thống cũng không thiết yếu. Một đứa trẻ linh cảm được gia đình mình là nơi hiện diện của sự sẻ chia và tình yêu chân chính. Đứa trẻ chẳng hề biết người ta nên nghĩ gì trong một gia đình khiến họ muốn điều tốt cho nhau và yêu thương nhau như cách nhà nhân chủng học, tâm lý gia, nhà xã hội học hoặc luật gia nghĩ. Nhưng đứa trẻ biết rõ ràng rằng có một tình thương mến đến nối kết mọi con người trong đó có cả nó. Bầu khí này làm gia đình tồn tại, đó là điều đứa bé và cả chúng ta nữa hiểu về gia đình.

Đây là thửa đất duy nhất cung cấp và nuôi dưỡng con cái về các mặt nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa. Tình yêu làm cho chúng lớn khôn. Tình yêu là bến cảng từ đó con tàu sẽ nhổ neo để chinh phục thế giới.

Một đứa trẻ có thể: trở thành độc lập, tập đương đầu với sóng gió cuộc đời, rời hải cảng gia đình mình khi bến tới thật bình yên, nơi con thuyền tương lai sẽ lưu lại luôn mãi, bến bãi sẽ trở về với cha mẹ nếu khi đứa trẻ phải về hay muốn về. Gia đình phải là một bến cảng có thể được tin cậy cách vô điều kiện. Không có chi tồi tệ hơn cho một đứa trẻ trong độ tuổi phát triển cảm thấy phận mình như chim lạc đàn đậu mái hiên và e sợ gia đình sẽ bỏ rơi mình trong cô đơn trống rỗng.
Điều đó có nghĩa là một trách nhiệm lớn lao cao cả đang đè nặng trên cha mẹ.

Mối tương quan giữa cha mẹ là cội nguồn của sự ổn định tâm lý và an toàn của con trẻ. Vì điều này cha mẹ phải dành thời gian để tâm sự trò chuyện với nhau, để hòa giải các điểm bất đồng và đừng bung ra những thông điệp bất hòa nhằm giúp con trẻ phát triển trong “sự trưởng thành về mặt cảm xúc”, phát triển qua lại cùng lúc với nhiều phẩm chất khác như: sự rộng lượng, lòng khoan dung, khả năng thích nghi, sự thông cảm, sự khôn ngoan, vv.

Trẻ nam và trẻ nữ cư xử theo cách chúng học được hoặc trông thấy từ quý ông hoặc quý bà là cha mẹ chúng. Chúng cũng hấp thụ các loại quan hệ có lợi hay tổn hại tồn tại giữa hai phái.
Chẳng hạn như một đứa trẻ lên bảy đầy kiêu hãnh xác định chắc như đinh đóng cột: “Khi cháu lớn, cháu sẽ lấy vợ, bởi vợ cháu luôn giữ nhà cửa ngăn nắp và cháu chẳng phải mệt mỏi. Cháu sẽ không giúp đỡ vợ cháu, bởi cháu là con trai. Cháu sẽ ở nhà với con cái và nếu cần cháu sẽ cho bọn chúng ăn đòn!”.
Nên tìm lấy một khoảng khắc bình lặng trong ngày, cha mẹ nhìn vào mắt nhau và cùng nhau trả lời câu hỏi: “Chúng ta thực sự muốn điều gì cho con cái của chúng ta?”.
 
  Đinh Quang Vinh chuyển dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *