NEPAL: NẠN BUÔN BÁN NGƯỜI GIA TĂNG

Tác giả Rupa Rai (*)

Khó khăn về kinh tế đang làm gia tăng nạn buôn bán người ở Nepal. Lạm phát tăng, kinh tế kém phát triển và xung đột giữa các đảng phái chính trị dẫn đến việc gia tăng số phụ nữ, các em trai và các em gái bị bán với nhiều hình thức lạm dụng khác nhau.

Không có dữ liệu cụ thể về việc buôn bán người mang tính quốc tế ở Nepal, những dữ liệu về tình trạng vượt biên giới cũng thiếu tin cậy. Các nguồn tin cho biết hằng năm có 5.000-7.000 người bị bán ra khỏi Nepal.

Phân tích việc buôn bán người ở Nepal rất khó vì thiếu sự nhất trí về điều gây nên việc buôn bán người. Theo quy ước của Hiệp hội Nam Á về Hợp tác Vùng miền, việc buôn bán người theo nghĩa hẹp là “di chuyển, mua bán phụ nữ và trẻ em để làm mại dâm”, còn Bản Dự thảo về việc buôn bán người của LHQ mô tả việc buôn bán người là lợi dụng hoặc bắt người khác làm mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc bắt phục dịch, bắt làm nô lệ hoặc các động thái tương tự nô lệ và phục dịch. Tầm quan trọng của phần định nghĩa sau là áp dụng cho hết mọi người và có thể áp dụng đối với Nepal và Nam Á ngày nay, những nơi có nhiều phụ nữ, các em trai và các em gái, kể cả đàn ông đang bị buôn bán vì nhiều mục đích lạm dụng khác nhau.

Nhiều báo cáo nghiên cứu cho thấy việc buôn bán người không thể so sánh trực tiếp vì dùng nhiều cách phân tích. Vì thế ước tính số người bị buôn bán rất nhiều vào thời điểm hiện nay là không nhất quán. Đối với Nepal và các nước Nam Á khác, nhiều ước tính cụ thể có từ những năm 1990-2000 và nay đã lỗi thời. Do đó, bất cứ ước tính nào liên quan đến tầm mức lớn rộng của việc buôn bán người ở Nepal cần được diễn giải một cách hết sức thận trọng.

Nhiều nghiên cứu chỉ chú trọng tới việc buôn bán phụ nữ và/hoặc trẻ em qua biên giới với mục đích làm mại dâm. Hơn nữa, trong khi có những thông tin khá chính xác về các khu vực và các tuyến đường dễ xảy ra việc buôn bán người, thường theo các tuyến đường di cư hợp pháp, thì lại có khá ít cuộc nghiên cứu về người bị bán hoặc kẻ buôn bán người.

Trong lịch sử Nepal và một số nước Á châu, việc buôn bán phụ nữ – nhất là các em gái – với mục đích mại dâm đã xảy ra và thậm chí được chấp nhận. Cùng với bối cảnh thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội, các dạng buôn bán người cũng thay đổi theo. Rất gần đây thôi, việc buôn bán người đã trở thành một hiện tượng đa phương bành trướng xuyên biên giới kết hợp với các nhóm tội phạm có tổ chức và quá khích, mà lý do là vì đói nghèo, thất nghiệp, di cư, hiện đại hoá và đô thị hoá.

Ngày nay, Nepal là nguồn cung cấp trẻ em, phụ nữ và đàn ông, họ bị bán sang các nước Nam Á (chủ yếu là Ấn Độ và Pakistan), vùng châu Á Thái Bình Dương (Malaysia, Hong Kong, Nam Hàn), các nước Trung Đông (Bahrain, Iraq, Israel, Kuwait, Qatar, Ảrập Saudi, UAE), Mỹ châu và Âu châu. Đa số người Nepal bị bán với mục đích mại dâm, ở trong hay bên ngoài các nhà chứa, làm việc tại Ấn Độ và Nepal. Họ cũng bị bán vì nhiều mục đích khác nhau như bị ép hôn và phải phục dịch cho các gia đình, phải làm xiếc, làm việc ở nhà máy, làm nông, làm thợ hồ, làm thợ mỏ, buôn bán ma tuý, làm trừ nợ, đi ăn xin, kể cả các mục đích phi pháp khác như làm con nuôi trá hình và hiến tạng.

Tại 75 quận của Nepal, chính phủ đã xác định ít nhất 26 quận có chiều hướng buôn bán người. Theo ước tính có khoảng 100.000 tới 300.000 cô gái và phụ nữ bị bán từ Nepal tới các nước khác. Hằng năm, có khoảng 5.000 tới 15.000 cô gái và phụ nữ bị bán qua biên giới Nepal – chủ yếu qua Ấn Độ – để làm mại dâm.

Số người bị bán trong nước thì chưa rõ. Chỉ riêng tại Kathmandu, có khoảng 40.000 em gái và phụ nữ tuổi từ 12 đến 30 làm việc trong 1.200 cabin, các sàn nhảy và các phòng mátxa. Một số trong họ bị lạm dụng hoặc bị buôn bán tình dục.

Theo ước tính từ tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương, mỗi năm ít nhất có 7.500 trẻ em bị buôn bán để làm mại dâm và từ 20.000 đến 25.000 bé gái bị cưỡng bức lao động trong nước. Tại Kathmandu, trung bình gần 500 phụ nữ bị mất tích mỗi năm – theo dữ liệu chính thức về số phụ nữ bị mất tích.

Theo dữ liệu cân nhắc tầng lớp xã hội và dân tộc, có tới 80% các cô gái và phụ nữ trẻ bị bán làm mại dâm đến từ Dalit, Janajati, và Madheshi. Có tới 94% là các cô gái trẻ tuổi từ 11 tới 25. Theo số liệu chính thức của cảnh sát, từ 70% tới 90% phụ nữ và các em gái còn sống sót. Tuy nhiên, động lực buôn bán người đang thay đổi và có sự gia tăng về số đàn ông và các em trai bị bán sang Ấn Độ và các nước khác vì nhiều mục đích khác nhau, kể cả bóc lột sức lao động.

Trong bối cảnh văn hoá Nepal, chấn thương tâm lý thường do bị xã hội xa lánh sau khi họ được cứu thoát. Các chương trình nâng cao nhận thức có thể cứu giúp được nhiều em gái. Chẳng hạn tổ chức Caritas của Nepal đang làm các chương trình phát thanh, những vở kịch đường phố và các tài liệu học hỏi. Tổ chức Caritas đã tổ chức những buổi cầu nguyện, có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo và tổ chức Ngày Quốc tế Phụ nữ bằng cách đề cao sự khốn khổ của các phụ nữ bị bán.

Ở Nepal, có một em gái mới được cứu thoát. Một thợ dệt thảm tham gia chương trình nhận thức của tổ chức Caritas về hoạt động buôn bán người đã tìm thấy em gái mất tích ở Nam Kathmandu. Phụ nữ này đã phản ứng nhanh và thông báo cho nhóm người tìm thấy cô gái đó cách biên giới Ấn Độ không xa. Kẻ buôn bán đã bị bắt.

Để thúc đẩy bình đẳng giới tính và ngăn chặn việc buôn bán người, tổ chức Caritas của Nepal đang xác nhận các cộng đồng và các gia đình có người bị xâm hại, thành lập mạng lưới hoạt động và các trung tâm liên lạc, thành lập các nhóm hỗ trợ, chia sẻ các phương pháp, cùng với việc đánh giá cấp thời.

Các chương trình phát thanh giáo dục nhận thức về việc buôn bán người được phát trên tần số Đài Phát thanh Nepal – loại hình này có nhiều người nghe. Chỉ trong năm 2010, đài đã có những chương trình dành cho các công nhân làm thảm, các học sinh và giáo viên. Hàng trăm người đã xem các vở kịch đường phố. Sổ tay “Tư vấn Ngăn chặn Buôn bán Người” (Advocacy on Prevention of Human Trafficking) cũng được tổ chức Caritas xuất bản năm 2010 và vẫn được phân phối cho các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tổ chức Caritas tiếp tục đào tạo và giúp đỡ các gia đình về vấn đề đi lại và di trú an toàn.

—————————-

(*) Rupa Rai ở Kathmandu, Nepal, là trưởng Văn phòng Caritas ở Nepal về Phát triển Giới tính. Bà cũng là người hợp tác với Chương trình Chống Buôn bán Phụ nữ của tổ chức Caritas Xuyên Á châu (2008-2010).

Trầm Thiên Thu

Nguồn: Chuyển ngữ từ UCANews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *