NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI NHẬT

Cả thế giới đều đã được nhìn tận mắt sức tàn phá khủng khiếp của trận động đất và cơn sóng thần ngày 11 tháng 3 vừa qua tại Nhật. Hình ảnh cơn lũ biển cao 10 thước với vận tốc gần 2 trăm cây số giờ đổ xuống các làng mạc và thị thành ven biển phía bắc của Nhật, mang theo thác chẩy của nó bất cứ vật gì, sẽ còn hiển hiện trong tâm trí nhiều người trên thế giới trong nhiều thời gian sau. Nhưng một hình ảnh khác, xuất hiện muộn hơn một chút, cũng sẽ không thua xa độ bền trong tâm trí họ. Đó là hình ảnh một dân tộc anh dũng duy trì được nền đạo đức cộng đồng trong một hoàn cảnh cực kỳ cùng cực và hỗn độn do thiên nhiên tạo ra: người chết hàng loạt, người mất tích đông vô kể, nhiều thành phố và làng mạc bị san bằng trong phút chốc, và viễn tượng phóng xạ không thua 1945, viễn tượng mà có người cho rằng: tôi sống sót, nhưng không biết là tốt hay xấu (theo tin CNN). Tốt hay xấu, người Nhật vẫn một lòng biểu lộ nền đạo đức cộng đồng của họ.

Đài CNN trưng trường hợp: không một nạn cướp giật nào xẩy ra nhân vụ động đất và sóng thần khủng khiếp này. Tất cả những biến động gần đây, dù là ở đâu, ở Anh hay ở Mỹ, nạn cướp giật vẫn xẩy ra nhãn tiền. Ở Nhật, nó đã không xẩy ra. Có người nói tới những đôi dép đặt ngay ngắn bên ngoài các trung tâm tạm cư; những hàng người kiên nhẫn đứng chờ hàng giờ đến lượt vào mua nửa cân gạo, một cây nến; những viên chức cho biết chỉ nhận được 10% sự giúp đỡ cho dân mình, nhưng sẵn sàng kiên nhẫn vì “ai cũng đau khổ như mình”; những người chủ siêu thị, máy bán thức ăn thức uống sẵn sàng bán chịu hay tặng không; những thanh thiếu niên cúi đầu cám ơn khi “được” rà máy khám phá tia phóng xạ; người dân âm thầm bắt tay vào diễn trình phục hồi, tái thiết, không đợi ai, không ta thán ai, không khoán trắng cho ai. Và đài CNN làm một cuộc thăm dò: tại sao người Nhật không cướp giật? Nay mai, thế giới chắc chắn sẽ được đài này cho biết câu trả lời. Có điều ai cũng biết câu trả lời chắc chắn không như câu trả lời lâu nay trên liên mạng đối với câu hỏi tại sao ở Texas không có nạn cướp giật: đó là một tấm hình, chụp một nhóm thanh niên tay cầm súng lên nòng sẵn, tay kia ôm một biển ngữ viết hàng chữ màu đỏ (mầu máu?): “Drunks with guns, U loot we shoot” (say rượu có súng, mày cướp, bọn tao bắn). Đài CNN gợi ý: có thể là do Thần Đạo và Phật Giáo. Chả lẽ cướp giật lại là phó sản của các tôn giáo không phải là Thần Đạo và Phật Giáo? Thần Đạo thì chỉ Nhật mới có, nhưng Phật Giáo thì không của riêng Nhật. Và không thiếu cảnh cướp giật trong nhiều xứ Phật Giáo. Nhiều ý kiến cho rằng không hẳn do yếu tố chủng tộc mà do yếu tố văn hóa, bén rễ trong tâm trí người dân Nhật cả hàng nghìn năm nay, bất kể các tấn công như vũ bão từ bên ngoài. Họ là những người khiêm tốn, tự trọng, quyết tâm bảo vệ danh dự gia đình. Danh dự là điều xác định ra tác phong văn hóa Nhật Bản. Họ quí trọng người trẻ, người già, thành quả giáo dục, mục tiêu nghề nghiệp, gia đình. Tại Nhật, ô danh không những mang nhục cho cá nhân mà nhục cho cả gia đình, dòng tộc. Danh dự ấy, người dân Nhật đang kiêu hãnh chứng tỏ cho cả thế giới thấy.

Mặt mũi và thực cảm
Nhiều tài liệu viết về văn hóa Nhật Bản nhấn mạnh tới “tatemae”, tư cách bên ngoài (public persona) và “honne”, tâm tư thực sự bên trong và cho rằng: ngoài công cộng, người Nhật ưa biểu lộ mặt mũi, vì địa vị, vì vai trò của mình, bất chấp các ý kiến tư riêng. Những tâm tư, tình cảm, ý kiến riêng luôn được khuyến khích dấu kín, nhất là khi làm việc công, chỉ nên thổ lộ với bạn bè. Chỉ xét như thế, người Nhật có vẻ khép kín, theo chủ nghĩa cá nhân.

Thực ra, người Nhật không đơn giản như thế, họ có cả một thứ triết lý sống phong phú và phức tạp hơn nhiều. Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, trong thần thoại học của họ, các vị thần cũng biểu lộ các xúc cảm nhân bản như yêu thương và giận dữ. Trong các truyện kể này, tác phong nào đem lại các tương quan tích cực với người khác đều được tưởng thưởng, và sự tương cảm (empathy) tức việc đặt mình vào hoàn cảnh người khác, rất được trân quí. Ngược lại, hành vi nào chống lại xã hội, có hại cho người khác, đều bị kết án, trừng phạt. Không một xã hội nào có thể hiện hữu mà lại dung túng tác phong phản xã hội về lâu về dài, nhưng Nhật Bản là một trong những xã hội dựa nhiều nhất vào sự thưởng phạt có tính xã hội hơn là có tính siêu nhiên và nhấn mạnh tới ích lợi của sự hòa hợp. Trẻ em Nhật, từ rất sớm, đã được dạy rằng sự thành toàn nhân bản phát sinh từ việc liên hợp với người khác. Chúng được người ta dạy rất sớm rằng chúng là thành phần của một xã hội liên lập, bắt đầu từ gia đình và sau đó lan rộng ra các nhóm lớn hơn như khu xóm, trường học, cộng đồng, và nơi làm việc. Tùy thuộc người khác là một phần tự nhiên trong thân phận làm người; nó chỉ bị coi là tiêu cực khi các trói buộc xã hội do nó tạo ra quá nặng nề đến chu toàn không nổi.

Trong các liên hệ liên bản ngã, phần lớn người Nhật có khuynh hướng tránh việc cạnh tranh hay tranh chấp công khai. Làm việc với người khác đòi có tinh thần tự chế (self-control), nhưng nó đem lại phần thưởng tự hào vì đã đóng góp cho nhóm, an toàn xúc cảm, và bản sắc xã hội. Hòa (wa), tức ý niệm hòa hợp trong nhóm, đòi tác phong hợp tác và nhìn nhận các vai trò xã hội. Nếu mỗi cá nhân trong nhóm hiểu rõ bổn phận bản thân và tương cảm với hoàn cảnh người khác, thì cả nhóm được nhờ. Thành công chỉ đến nếu mọi người đóng góp phần cố gắng hết sức mình của mình. Các quyết định thường chỉ được đưa ra sau khi tham khảo với mọi người trong nhóm. Nhất trí không bao hàm mọi người phải đồng ý, nhưng phong thái đưa ra quyết định có tính tham khảo này bao gồm mọi thành viên của nhóm trong các buổi trao đổi tín liệu, củng cố tâm tư tình cảm của cả nhóm, và làm cho việc thi hành các quyết định trôi chẩy hơn. Sự hợp tác trong nhóm cũng thường được tập chú vào việc thi đua giữa tiểu nhóm này và tiểu nhóm kia… Các biểu tượng như đồng phục, bảng tên, huy hiệu và có khi cả bài ca được dùng để lên bản sắc cho tiểu nhóm để cả bên ngoài lẫn trong nhóm đều nhận ra. Tham gia sinh hoạt của nhóm, dù chính thức hay không chính thức, đều là một cách biểu tượng nói lên rằng cá nhân muốn được coi là thành phần của nhóm. Bởi vậy, những buổi la cà ở hàng quán sau giờ làm việc không những là cách trao đổi tin tức và xả “xú bắp” căng thẳng xã hội mà còn là dịp để nói lên một cách không lời (noverbally) ý muốn được tiếp tục thuộc về nhóm.

Ở Nhật Bản, làm việc trong một nhóm đòi người ta phải khai triển nhiều “kênh” thông đạt để tăng cường tinh thần liên lập của nhóm và cảm thức khác biệt với những người không thuộc nhóm mình. Còn các tương giao xã hội bên ngoài các nhóm này, tuy hiện đã trở thành một điều cần thiết trong xã hội hiện đại, nhưng nếu tương giao này ngắn ngủi hay tương đối vô nghĩa, như đi mua một tờ báo chẳng hạn, thì người ta vẫn duy trì sự ẩn danh. Trái lại, nếu thấy tương giao này tiếp diễn lâu dài, dù trong thương trường, trong hôn nhân, nơi làm việc hay khu xóm, thì người ta hết sức quan tâm để làm sao thiết lập cho bằng được những liên hệ tốt và lâu bền. Các mối liên hệ này thường bắt đầu nhờ dùng mạng lưới thân nhân, bè bạn hay đồng nghiệp là những người sẵn sàng giới thiệu họ, làm trung gia mối lái (nakodo) cho họ với người họ muốn. Mối lái tất nhiên xẩy ra nhiều trong lãnh vực hôn nhân, nhưng trong các lãnh vực khác vẫn không thiếu. Việc của họ là tìm hiểu bối cảnh gia đình, chuyển tải các câu hỏi và phê phán, và làm trơn tru các trở ngại, khó khăn.

Lãnh vực tư
Địa vị liên hệ được coi là căn bản cho các tổ chức xã hội, và việc liên hợp với người khác được coi là đáng mong ước, nhưng các giả định này không hề triệt tiêu ý niệm bản ngã. Ý thức hệ hòa hợp với người khác không tự động tạo ra sự đồng quy của cá nhân với nhóm hay với mục tiêu của định chế.

Nhà nhân chủng học Brian Moeran phân biệt các thái độ đối với cá tính và chủ nghĩ cá nhân. Cá tính (individuality), hay tính độc đáo của một con người, không những được dung túng mà thường còn được ca ngợi nếu người đó được nhận là thành thực, hành động theo lương tâm. Một tác phẩm nghệ thuật chuyên chở những nét mạnh và đẹp là do “ cá tính” của nó. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân bị coi là tiêu cực, vì nó đồng nghĩa với vị kỷ, ngược hẳn với tương cảm là điều người Nhật hết sức trân quí. Dù đa số người Nhật ngày nay bác bỏ giá trị của ý niệm “seishin”, tức đức quên mình đến chấp nhận cái chết của các binh sĩ trong Thế Chiến II, nhưng lòng vị kỷ (nhất là lòng vị kỷ nơi các bà mẹ, là lòng vị kỷ được người Nhật coi là có ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý và tinh thần của con cái), vốn được người ta gán cho đủ mọi thứ nan đề của xã hội đương thời. Các nan đề này bao gồm những bệnh được xếp loại là hội chứng tâm bệnh như hội chứng bếp núc (dadokoro shokogun) tức tình trạng các bà nội trợ, trước đây vốn tỉ mỉ, bỗng nhiên có những tác phong kỳ cục và than đau đầu đau lưng, biểu lộ sự chán nản thất vọng của mình bằng cách khước từ vai trò làm mẹ và làm vợ. Hay hội chứng khước từ trường học (toko kyohi), trong đó trẻ em kêu đau bụng, đau đầu để khỏi đi học, khỏi thất bại về đường học vấn và xã hội.

Giống mọi xã hội khác, Nhật Bản cũng có những tranh chấp giữa cá nhân và nhóm. Điều khác với xã hội Bắc Mỹ, không phải là việc người Nhật không có ý thức về bản thân mình mà đúng hơn, bản thân ấy được xác định qua tương giao với người khác, chứ không qua sức mạnh của nhân cách cá nhân. Theo Reischauer, “người ta không quan niệm một người Nhật, vốn có tinh thần hợp tác, sống bằng tương giao, như một sản phẩm vô vị của tác động hóa xã hội đến làm mòn hết mọi góc cạnh của cá tính, nhưng đúng hơn như một sản phẩm của lòng tự chế nội tâm đầy kiên vững khiến họ khuất phục được… bản năng phản xã hội…. Tính hợp khuôn theo xã hội của họ… không phải là dấu chỉ yếu nhược mà đúng hơn chính là sản phẩm đầy tự hào và tôi luyện của sức mạnh nội tâm”. Sự khuất phục này đạt được là nhờ thắng vượt khó khăn bằng tự kỷ luật chính mình, cố gắng bản thân nhằm sự hoàn thiện, điều mà họ biết là không thể thực hiện được nhưng lúc nào cũng là một mục tiêu đáng vươn tới. Với tầm nhìn này, cả bản thân lẫn xã hội đều thăng tiến, và thực sự có tương quan qua lại với nhau vì lý tưởng toàn thành bản thân (selfhood) mà người Nhật nào cũng cố gắng nhắm tới chính là lý tưởng trong đó quan tâm tới người khác là điều rất quan trọng. Theo David W. Plath, trong khi người Mỹ cố gắng vun sới một bản ngã độc đáo, thì đa số người Nhật đặc biệt nhấn mạnh tới việc vun sới “một bản ngã biết cảm nhận điều nhân bản trong tình liên hợp với người khác”. Sự trưởng thành chín chắn vừa có nghĩa tiếp tục quan tâm tới điều người khác cảm nghĩ vừa có nghĩa cảm thấy tự tin vào khả năng phán đoán và hành động hữu hiệu của mình, vừa nhìn nhận các qui phạm xã hội vừa trung thực với chính bản ngã mình.

Lãnh vực công
Khó có thể hiểu được quan điểm của người Nhật về trật tự xã hội nếu không xét tới ảnh hưởng của Khổng Giáo bởi vì trước khi chịu ảnh hưởng của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6, nước Nhật không hề có một xã hội có tầng lớp. Khổng Giáo nhấn mạnh tới sự hòa hợp giữa trời, đất và xã hội con người nhờ việc mọi người biết chấp nhận vai trò xã hội của mình và góp phần vào trật tự xã hội bằng chính tác phong của mình. Câu người ta hay trích dẫn từ Sách Đại Học là câu này: “tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Câu này cho thấy phẩm trật là điều tự nhiên. Sự khác nhau trong địa vị gần như xác định ra mọi tương giao trong xã hội. Tuổi tác, phái tính, trình độ giáo dục, và nơi làm việc là những dị biệt hướng dẫn việc tương giao trên. Không biết hậu cảnh của người khác, thì tuổi tác và phái tính là các hướng dẫn duy nhất cho cá nhân. Người Nhật không mấy thích giao tiếp với người lạ, để tránh sai lầm về xã giao. Danh thiếp năng được trao đổi ở Nhật, làm phương tiện qúy giá cho việc giao tế trong xã hội, vì chúng cung cấp khá nhiều tín liệu về người khác giúp cho việc giao tế xuông xẻ. Nhà học giả về Nhật Bản Edwin O. Reischauer nhận định rằng trong khi người Mỹ có khuynh hướng hành động để giảm thiểu hóa các dị biệt về địa vị, thì đối với người Nhật, nếu một ai đó không xử sự đúng theo địa vị của mình, thì quả là vụng về, có khi còn bất xứng nữa.

Ngôn ngữ Nhật là một ngôn ngữ phẩm trật, dồi dào phương tiện giúp người ta biểu lộ các dị biệt về địa vị, và do đó, cho thấy phẩm trật là điều tự nhiên. Người Nhật có cả một ngữ vựng phong phú gồm các hạn từ mô tả danh dự hay thân phận hèn mọn, vì chúng cho thấy địa vị của người ta. Đàn ông và đàn bà sử dụng cách ăn nói hơi khác nhau: đàn bà thường dùng lối nhã nhặn, lễ phép hơn. Người ta có thể nhận dạng hạn từ nào đàn bà hay dùng và hạn từ nào đàn ông hay dùng. Giống người Việt chúng ta, nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít mà tiếng Anh vỏn vẹn chỉ là “I”, thì người Nhật tùy theo hoàn cảnh, phái tính và địa vị của mình mà thay đổi khác nhau. Tóm lại, bất cứ nền văn hóa nào chú trọng tới tương cảm, thì người nói không thể lên tiếng nếu không có sự chú trọng tới người khác.

Hạn từ phẩm trật hàm nghĩa có sự xếp hạng các vai trò, cũng như hàm nghĩa có những qui luật cứng ngắc và nền hành chánh của Nhật cũng phản ảnh triết lý này. Tuy nhiên, ở đây, người ta thấy có sắc thái độc đáo mà nhà nhân chủng học Robert J. Smith gọi là “trật tự khuếch tán” (diffuse order, không tập quyền). Thí dụ, trước thời hiện đại, các nhà lãnh đạo địa phương được ban cho nhiều quyền tự trị, nhưng để đáp lại họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công việc của địa phương. Thời hiện đại của Nhật cũng thế, trách nhiệm thì có tính tập thể và thẩm quyền thì có tính khuếch tán. Một người nào đó xem ra trọn quyền điều khiển, nhưng thực tế, bị cột vào một mạng lưới liên lập của nhóm cũng nghiêm ngặt như những người xem ra là cấp dưới của ông hay bà ta. Vì thế, việc lãnh đạo không đòi phải có một cá tính mạnh mẽ và các kỹ năng quyết định bén nhậy, nhưng đúng hơn phải biết nhậy cảm đối với tâm tư người khác và kỹ năng môi giới. Ngay đầu thập niên 1990, người ta vẫn mong các nhà lãnh đạo nên nhận trách nhiệm đối với những vấn đề lớn do nhóm của mình gây ra mà từ chức, dù họ không trực tiếp dính líu vào hoàn cảnh này.

Tại Nhật, địa vị dựa trên các mối liên hệ đặc thù giữa các cá nhân, thường là các liên hệ tùy thuộc nhau về phương diện xã hội giữa những người có địa vị không bằng nhau. “Giri” (nghĩa vụ), tức cảm thức trói buộc phải có đối với người ta mang ơn, đòi ta phải có tác phong tôn kính và sau cùng đền đáp công ơn, và việc đền ơn này khích lệ các ân huệ tương lai. Các liên hệ tùy thuộc nhau về xã hội này cứ thế kéo dài bất tận, chính sự bất bình đẳng đã liên kết các cá nhân lại với nhau như thế. Bởi thế, qui luật của phẩm trật đã được chính mối liên hệ làm dịu đi. Diễn trình làm dịu này được người Nhật gọi là ninjo (cảm thương). Tiềm năng đối nghịch giữa “giri” và “ninjo” vốn là đề tài rất thường xuyên trong nền kịch nghệ và văn chương Nhật Bản. Dù giới trẻ Nhật Bản ngày nay coi ý niệm “giri” là lỗi thời, nhưng đa số vẫn cảm thấy căng thẳng khi phải làm điều nên làm dù không muốn. Trật tự xã hội sở dĩ hiện hữu được, một phần là nhờ mọi thành viên trong xã hội đều được liên kết trong mạng lưới liên lụy xã hội, ai cũng vừa nhận vừa cho.

Truyền thống tôn giáo và triết học
Các giá trị mô tả trên đây đã phát sinh từ một số truyền thống tôn giáo và triết học, cả từ trong nước lẫn từ bên ngoài du nhập. Xét gộp lại, các truyền thống này có thể được xem như thế giới quan của người Nhật, dù niềm tin bản thân của từng người Nhật có thể khiến họ tiếp nhận điều này mà loại bỏ điều kia. Xét như thế, ta thấy thế giới quan của người Nhật có tính chiết trung, tương phản với thế giới quan Tây Phương trong đó, tôn giáo có tính độc hữu và xác định ra bản sắc người ta. Xã hội đương thời của Nhật là một xã hội thế tục cao độ. Các liên hệ nhân quả thường đặt căn bản trên các mô thức khoa học, và bệnh tật cũng như chết chóc được giải thích theo các lý thuyết y khoa hiện đại. Ấy thế nhưng, quan điểm khoa học cũng chỉ là một trong những lựa chọn được cá nhân dùng để giải thích các kinh nghiệm sống của họ.

Thế giới quan Nhật Bản cũng có đặc tính nữa là cách tiếp cận có tính thực tiễn trong việc giải quyết các vấn đề, trong đó, kỹ thuật không quan trọng bằng kết quả. Do đó, người Nhật nào bị bệnh, họ đều có thể vừa đi bác sĩ y khoa, vừa đi “hốt” thuốc của một đông y sĩ hay đến một đền miếu nào đó để cầu kinh. Mỗi hành động này đều dựa vào một niềm tin khác nhau về nguyên nhân tạo ra cơn bệnh: tây y sĩ có thể cho hay, cơn bệnh là do nhiễm trùng gây ra; đông y sĩ thì có thể nói rằng cơ thể mất thăng bằng hay quân bình; đền thờ có thể bảo: tâm trí người ta cần được thanh tẩy thì cơ thể mới lành mạnh. Ở Tây Phương, các lối giải thích ấy thường được coi là loại trừ lẫn nhau, nhưng một người bệnh Nhật Bản có thể cùng một lúc tiếp nhận cả ba lối giải thích ấy mà không thấy có gì mâu thuẫn cả. Cũng vậy, một học sinh đang dọn thi vào đại học hiểu rất rõ rằng không chịu khó học tập một cách ngoại thường thì cổng đại học sẽ không bao giờ mở ra cho mình. Nhưng cậu hay cô ta vẫn cứ tới một ngôi chùa hay một ngôi đền đặc biệt để xin thế giới thần linh phù giúp sự thành công của mình.

Gốc rễ thế giới quan trên do nhiều truyền thống khác nhau mà có. Thần đạo, tôn giáo bản địa duy nhất của Nhật, tạo nền. Khổng Giáo, phát xuất từ Trung Hoa, đem tới các quan niệm phẩm trật, chữ trung, và hoàng đế như con trời. Lão Giáo, cũng phát xuất từ Trung Hoa, giúp đem lại trật tự và chế tài cho hệ thống cai trị vốn tiềm tàng trong Thần Đạo. Phật Giáo không những đem tới khía cạnh chiêm niệm mà còn là nền văn hóa phát triển cao về nghệ thuật và đền thờ, rất ảnh hưởng tới cuộc sống công cộng. Kitô Giáo bơm vào nhiều ý niệm Tây Phương, nhất là công bình xã hội và canh cải. Chỉ có điều, nhiều xã hội khác cũng thừa hưởng đủ thứ truyền thống như thế, nhưng đâu có xã hội nào tổng hợp một cách sống động và nhuần nhuyễn được như xã hội Nhật Bản. Đã đành xã hội này cũng có những sâu mọt như bất cứ xã hội nào khác, nhưng đại đa số các thành viên của nó đã chứng tỏ được bản chất tích cực thực sự của nó, dù là trong một hoàn cảnh bị thử thách đến cùng cực như cuộc động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3 vừa qua. Do phép lạ hay do tâm thức người dân Nhật?

Vũ Văn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *