NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NHẠC TRƯỞNG CHARLES ANSBACHER

HLV – Tổng Biên Tập Báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trở lại Boston một ngày tháng 10 để tham dự cuộc Họp hội đồng cố vấn Trường Kinh doanh Harvard. Lần nào trở lại nơi này, ông cũng thấy thân thương, bình yên và phấn chấn. Lần này ông trở lại Boston với một tâm trạng khác, vì người bạn của ông, vị nhạc trưởng đáng mến mang tên dòng sông Charles đã ra đi.

Ông đã tới thăm gia đình nhạc trưởng Charles Ansbacher. Câu chuyện giữa ông và Swanee Hunt, người bạn đời của Charles không ngoài những kỷ niệm về vị nhạc trưởng, và những ngày cuối cùng của Charles…

Trăn trở với lý tưởng về Hòa giải và Yêu thương

Trong ngôi nhà nguy nga như một lâu đài trên phố Brattle gần Đại học Harvard – giờ đây lặng lẽ, chỉ còn mình Swanee, Swanee kể ông nghe về những ngày cuối cùng của Charles với sự xúc động mạnh mẽ nhưng tâm thế bình tĩnh.

Chuyến thăm và lưu diễn ở Việt Nam hồi tháng 4/2010 trong chương trình Hòa nhạc Hòa giải & Yêu thương đã để lại cho Charles những ấn tượng và sự xúc động mạnh mẽ: là nhạc trưởng người Mỹ đầu tiên chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, là nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy cho chương trình hòa nhạc mang ý tưởng cao đẹp về Hòa giải & Yêu thương, đón nhận sự ủng hộ nhiệt thành và lòng yêu mến lớn của khán giả Việt Nam. Sau khi từ Hà Nội trở về, Charles không chỉ mang theo niềm hạnh phúc, tự hào và xúc động khi được chào đón ở Việt Nam, mà còn ấp ủ những dự định mới về Hòa giải & Yêu thương.

Cũng phải nói thêm rằng, ông vẫn cho rằng gặp được một người nhạc trưởng, một người bạn như Charles và cùng nhau chia sẻ những ý tưởng lớn dành cho cộng đồng là một mối duyên lớn và quý giá giữa hai người. Trước đây, ông đã đã gặp một vài vị nhạc trưởng khác, đã từng chia sẻ với họ về ý tưởng này, nhưng chỉ tới khi gặp Charles, ý tưởng về Hòa nhạc Hòa giải & Yêu thương mới như được chắp thêm đôi cánh nữa.

Ông vẫn nhớ, sau đêm hòa nhạc thứ hai rất thành công của Charles tại Nhà Hát Lớn thành phố, đêm 23/4/2010, ông và Charles đã ngồi lại cùng nhau rất lâu tại sảnh Khách sạn Hilton. Họ đã chia sẻ niềm hạnh phúc và hân hoan với sự thành công của hai đêm nhạc – như một dư vị tuyệt vời sẽ còn đọng mãi. Họ cũng đã nói về những dự định mới – những buổi hòa nhạc sau này mà Charles sẽ trực tiếp chỉ huy, mang ý tưởng về Hòa giải & Yêu thương đến với nhiều dân tộc, nhiều cá nhân trên khắp thế giới.

Charles khi đó đã thấm mệt những ngày luyện tập và hai đêm diễn liên tuc, vẫn nhiệt thành nói với ông “Nếu như làm được gì để ý tưởng về Hòa giải và Yêu thương tiếp tục phát triển, để có thể mang lý tưởng về sự hòa hợp và tình yêu giữa những cá nhân, giữa từng dân tộc tới nhiều nơi, nhiều người hơn, tôi sẵn sàng làm cùng bạn. Ngày mai tôi sẽ không ở Việt Nam nữa, nhưng nếu khi nào bạn thấy Charles Ansbacher có thể làm một điều gì đó cho Hòa giải & Yêu thương, đừng ngại ngần gọi cho tôi nhé!”. Charles rất vui nhận lời làm cố vấn cho ý tưởng này. Khi đó, chính Charles đã gợi ý tổ chức một chương trình hòa nhạc ở Nam Phi.

Mong muốn quay trở lại Việt Nam

Charles đã từng muốn biến mùa hè năm 2010 không chỉ là mùa hè cuối cùng mà còn là mùa hè tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Đó sẽ là mùa của thiên tài Beethoven mà Charles hằng yêu mến, với những bản giao hưởng thật khác lạ vào mỗi tối thứ tư. Trong những đám đông 9000 – 10000 người đến với các buổi trình diễn sẽ có cả trẻ em. Sẽ có âm nhạc và những buổi picnic – những niềm hân hoan của một “cuộc sống vui” dọc bờ sông Charles. Trong những ngày cuối đời, Charles vẫn ấp ủ một buổi hòa nhạc lớn bên bờ sông Charles như thế…

Swanee kể lại, những ngày trên giường bệnh, Charles vẫn đau đáu ước muốn trở lại Việt Nam để tiếp tục những buổi hòa nhạc như hòa nhạc tháng 4 mà Charles đã chỉ huy. Charles muốn ý tưởng về Hòa giải & Yêu thương sẽ vẫn được tiếp tục và mong âm nhạc của mình sẽ mang lý tưởng đó đến với mọi người theo cách tự nhiên và thuần khiết nhất.

Charles đã sống với âm nhạc, và ra đi vẫn với tình yêu âm nhạc. Một ngày trước khi Charles ra đi, tối 11/9, rất nhiều bạn bè của Charles là những nghệ sỹ nổi tiếng, trong đó có nghệ sỹ cello tài hoa Yoyoma đã đến chơi nhạc bên Charles. Charles khi đó chỉ còn có thể nằm bất động và cảm nhận tình yêu của bè bạn và người thân qua âm nhạc – thứ mà Charles đã gắn bó suốt cả cuộc đời mình.

Trên giường bệnh và giữa những người bạn, trước bệnh tật và trong âm nhạc thuần khiết tinh tế, Charles đã chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình mới, một hành trình khác hẳn những hành trình mà Charles và Swanee đã trải qua suốt 25 năm bên nhau.

Charles đã từng nói với người bạn đời của mình rằng “Anh sẽ sẵn sàng bỏ đi 5 năm của cuộc đời mình nếu mỗi người ở Boston này, đặc biệt là trẻ em, có thể được tận hưởng âm nhạc đỉnh cao“, và quả thực cả cuộc đời mình Charles đã làm được và làm được rất xuất sắc tất cả những việc ấy, như tuyên ngôn của Dàn nhạc Boston Landmarks mà Charles sáng lập và chỉ huy gần một thập kỷ qua “Hòa nhạc miễn phí cho tất cả mọi người“.

Chuyến đi Boston tháng 10 này của ông có quá nhiều điều đặc biệt, bởi ông sang Mỹ khi biết chắc Charles đã ra đi, nhưng trở về, lại có bạn Charles về cùng…

Hà Nội mùa thu tháng 10 đón nhạc trưởng Charles Ansbacher trở lại. Tâm nguyện trở lại Việt Nam của Charles theo một cách nào đó đã thành hiện thực. Một phần ‘cát bụi’ của Charles sẽ an nghỉ tại một ngôi chùa lớn và đẹp tại Hà Nội. Charles sẽ có một ngôi nhà thứ hai để ngao du, đi – về.

Nơi đây sẽ mãi mãi ghi danh “Nhạc trưởng Charles Ansbacher. Người sáng lập và chỉ huy Dàn nhạc Boston Landmarks, Hoa Kỳ. Đại sứ Âm nhạc của Hòa giải & Yêu thương“.

Nguồn HG&YT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *