THÁI LAN: ‘BẤT CÔNG XÃ HỘI’ LỘ DIỆN QUA CÁC TRẬN LỤT

Panithan nói lũ lụt ngoài gây mất mát tài sản còn làm nhiều người mất lòng tin vì họ không tin chính phủ sẽ phục hồi thoả đáng cho họ.

Sau đây là bài bình luận ông viết cho ucanews.com được dịch từ tiếng Thái Lan.

Từ giữa năm 2010, nhiều nơi trong nước này đã trải qua nhiều tháng hạn hán, mực nước đập và nước sông xuống thấp. Do đó, người dân không có đủ nước sinh hoạt hằng ngày và canh tác, vốn là sinh kế chính của họ.

Rồi quốc gia này lại bị lũ lụt nặng vào khoảng cuối tháng 10. Nakhon Ratchasima ở đông bắc Thái Lan là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất. Khu vực bị ảnh hưởng gần đây nhất là miền nam Thái Lan. Người dân địa phương cho biết đây là đợt lũ lớn nhất trong nhiều thập niên qua. Nhiều người bị mất sạch của nả và nông sản, đất canh tác bị tàn phá.

Thảm hoạ này làm lộ ra nhiều bất công trong xã hội. Trong chuyến thăm tỉnh Ayutthaya gần đây, tôi để ý thấy một bên đường bị ngập lụt còn bên kia thì không, do tường rào và đê được chính quyền địa phương hay những người có quyền xây để ngăn nước chảy vào nhà mình.

Cảnh tượng này thường gặp bất kỳ khi nào có lũ ở đâu đó tại Thái Lan. Đôi khi người dân ở phía “bên kia” đê phá tường rào, thường dẫn đến bạo lực. Các trận lũ gần đây dứt khoát đã gây ra căng thẳng và xung đột trong cộng đồng.

Ưu tiên cho Bangkok

Đây cũng là lý do Bangkok hầu như khô ráo. Thành phố thủ đô này toạ lạc gần như cuối hệ thống thoát nước ở đồng bằng miền trung, nhưng chính phủ đã nỗ lực rất lớn để làm giảm hoặc ngăn nước lũ chảy vào thành phố.

Điều này có thể hiểu được vì thủ đô là trung tâm quốc gia. Tuy nhiên, việc làm này gây ra lũ lụt nghiêm trọng và lâu dài hơn cho các tỉnh xung quanh, khiến người dân khổ sở hơn.

Nhiều người dân Ayutthaya than phiền họ đã bị biến thành các con chiên tế thần vì lợi ích của các doanh nghiệp lớn ở Bangkok. Nhiều người hồ nghi vì họ không tin chính phủ sẽ phục hồi thoả đáng cho họ.

Hành động của Giáo Hội: chỉ có cứu trợ thôi sao?

Khi xảy ra thảm họa, Giáo Hội nằm trong số các tổ chức đầu tiên nhanh chóng cứu trợ. Nhiều tổ chức tôn giáo nhanh chóng phân phát lương thực, các nhu yếu phẩm và thuốc men trong các vùng bị ảnh hưởng.

Thông thường thì tôn giáo sẽ giúp các cộng đồng của mình trước. Điều này không tồi, vì mỗi cộng đồng mong lãnh đạo tôn giáo của họ ưu tiên giúp họ trước. Tuy nhiên, điều này khiến cho công tác cứu trợ bừa bãi, không hiệu quả.

Tại Koh Yai, cộng đoàn Cơ Đốc Giáo ở tỉnh Ayutthaya chẳng hạn, tôi nhận thấy một số tổ chức Cơ Đốc Giáo phân phát hàng cứu trợ cách độc lập, có nhiều gia đình nhận được nhiều hơn họ cần. Một gia đình còn đưa cho tôi một thùng cá hộp và một thùng mì ăn liền, và nói với tôi họ không thể dùng hết số lương thực này.

Trong khi đó, nhiều người ở các vùng xa hơn phải dùng thuyền đi kiếm hàng cứu trợ. Không phải bởi vì người Cơ Đốc Giáo không quan tâm đến các cộng đồng khác, nhưng chỉ là do không có sự điều phối trong công tác cứu trợ. Vấn đề này còn xảy ra sau khi sóng thần ập vào miền nam Thái Lan năm 2004.

Các tổ chức, tôn giáo hay ngoài tôn giáo, nên phối hợp với nhau và với chính quyền địa phương để thành lập một trung tâm chung chuyển hàng cứu trợ đến các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề trước. Ở đây, COERR (Văn phòng tị nạn và cứu trợ khẩn cấp của các giám mục Công giáo Thái Lan) có thể đóng vai trò chính làm người điều phối.

Phục hồi dài hạn – nhu cầu thực tế

Sau khi nước lũ đã rút, nạn nhân lũ sẽ đối mặt với thử thách thực tế. Sản phẩm và đất canh tác đã bị tàn phá, họ sẽ phải trả nợ bằng cách nào đây? Họ sẽ sửa chữa hay xây dựng lại nhà cửa như thế nào? Làm sao họ có thể cho con cái đi học lại?

Đa số các tổ chức phát hàng cứu trợ chỉ trong lúc xảy ra thảm hoạ, điều này có thể là do PR tốt, nhưng không có kế hoạch phục hồi và chăm sóc tâm lý-xã hội lâu dài. Các tổ chức Công giáo phải chú ý đến điều này để tạo ra một sự khác biệt thật sự. Các cộng đồng bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ và trao quyền cho đến khi có thể tự lực được.

Các tổ chức phải làm việc với chính quyền, chẳng hạn, cho vay không tính lãi để xây lại nhà cửa, mua trang thiết bị gia dụng cơ bản và phục hồi trang trại. Chính quyền cũng phải đảm bảo giá cả tối thiểu cho nông sản một khi nhà nông bắt đầu gieo trồng lại. Một chương trình chúng ta có thể bắt chước đó là chương trình của Ngân hàng Hồi giáo Thái Lan, ngân hàng này đã cho những người bị ảnh hưởng sóng thần năm 2004 vay tiền không tính lãi.

Cộng đồng Cơ Đốc Giáo có thể làm điều này với nhiều hội tín dụng của mình. Giáo Hội có thể hỗ trợ tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho những người phục hồi sau các thảm hoạ, đa số họ không thể tiếp cận được các tổ chức tài chính chính thức.

Thảm hoạ lũ lụt này còn là cơ hội để chính phủ xem xét hành động nghiêm túc chống nạn phá rừng tràn lan trong nước, vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ lụt. Chính phủ cũng có thể xem xét đánh thuế đặc biệt đối với các doanh nghiệp ở Bangkok được bảo vệ tránh lũ, và dùng tiền quỹ này phục hồi các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Nguồn: UCAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *