TÌM LẠI CHÍNH MÌNH

Có một câu chuyện vui, cải biên Tin mừng Lc.14,10 nghe được như sau : Có người đi dự tiệc, với bản tính huênh hoang và thích được người khác đề cao mình, anh ta cũng rất thích ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Nhưng nhớ đến đoạn Tin mừng trên, anh ta nghĩ mình nên ngồi ở chỗ thấp nhất trong bữa tiệc, và thầm tưởng tượng ra cảnh đến lúc được mời lên chỗ trang trọng hơn, mình sẽ lấy làm vinh dự lắm. Ngồi mãi, chẳng thấy ai mời mình lên trên, anh ta thấy bực mình, bắt đầu nổi nóng và quát tháo : “Tôi đã ngồi chỗ thấp nhất rồi, sao không ai mời tôi lên trên hết vậy?”. Bỗng có tiếng vỗ nhẹ vào vai anh ta: “ Bạn ơi, bạn đã ngồi đúng chỗ của bạn rồi đấy!”(!!!). Câu chuyện vui này cũng gợi ý cho chúng ta đôi điều, nhiều khi người ta cứ ảo tưởng về con người thật của mình, ảo tưởng về những gì mình đang có hay vị trí thật của chính mình, trong tương quan với Thiên Chúa và con người.

Cùng một kiếp người, nhưng người ta cũng có nhiều cách đón nhận và ứng xử với nó. Nhiều người than phiền mình không may mắn, sinh nhằm ngôi sao xấu để suốt đời phải lận đận lao đao. Người ta than thân trách phận, sao tôi lại có mặt trên đời để làm gì để gặp toàn chuyện không may và bất hạnh, rồi buông thả mặc cho cuộc đời nổi trôi. Nhưng người được cho là may mắn, sinh ra đã có tất cả cũng đâu thấy hạnh phúc. Nhiều thứ ban cho họ cũng không đủ, người ta trách Thượng Đế bất công không chiều theo sở thích của họ, để rồi năm tháng trôi theo những kiếm tìm vô vọng … Người ta không hài lòng với hiện tại của mình, cứ thích đứng núi này trông núi nọ. Người ta trách móc lẽ ra mình phải ở hoàn cảnh khác, lẽ ra mình phải ở vị trí tốt hơn, lẽ ra tôi phải có điều kiện nhiều hơn, lẽ ra tôi phải được hạnh phúc hơn …Thậm chí vì một lý do hoàn toàn tốt đẹp và thánh thiện: lẽ ra tôi có thể cống hiến nhiều hơn, có thể làm việc hiệu quả hơn và phục vụ nhiều hơn, nếu … Người ta quên mất tại sao tôi ở đây lúc này, tôi phải làm gì lúc này, những gì đến với tôi có ý nghĩa gì. Kiếp người có là bao, “người đời của tạm, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”. Người ta cần hiểu rằng, được làm người là đặc ân nhưng cũng là sứ mạng. Những gì được ban cho, những may mắn hay cả những bất hạnh, những hạnh phúc hay cả những khổ đau, cũng là để phục vụ sứ mạng ấy mà thôi.

“Hãy nhớ mình là tro bụi”, thân phận thật của con người là gì nếu không phải là  BỤI ĐẤT. Bụi đất không phải là những gì xấu xa. Thiết tưởng cũng nên nhìn ngắm hình ảnh bụi đất mà xưa kia Yavê đã dùng nó để thổi sinh khí vào mà tạo nên sự sống con người(St.2,7). Tự nó là thân phận mỏng manh, vô nghĩa, vô dụng; nhưng đã trở nên có nghĩa trong bàn tay Thiên Chúa. Nó trở nên có nghĩa, có ích nhờ sinh khí của Ngài và trở nên cao cả nhờ mang hình ảnh của Ngài và trở thành công cụ trong chương trình của Ngài. Nói cách khác, nó chỉ thực sự có nghĩa khi để mình được nhào nắn và sử dụng theo ý Ngài. Như vậy nó đã được giao cho một sứ mạng và trở nên có nghĩa nhờ sứ mạng đó. Sứ mạng đó là sống yêu thương trong tương quan với Ngài và với vạn vật. Để rồi không một tạo vật nào cao quý như con người. Như câu chuyện về hoàng tử và cô bé lọ lem, không hình ảnh nào đẹp hơn thế. Kinh Thánh không thiếu chi những con người từ vô dụng đã trở nên cao cả nhờ được giao cho một sứ mạng và sẵn sàng dấn thân vì sứ mạng đó.

Tiếc thay, ơn gọi ấy đã bị vấy bẩn bởi cái gốc tội nơi con người, để rồi hệ lụy là con người quên mất ơn gọi cao cả ấy và ngày càng chìm sâu trong tội, quên đi cái lý do làm cho nó có nghĩa và có mặt trên đời. Cái bản tính thích làm Chúa hơn làm người làm nó tìm cách thoát ra khỏi bàn tay của Thiên Chúa, thích tự do làm theo điều nó muốn. Thích phán xét người khác hơn xét mình, thích hưởng thụ hơn phục vụ, thích thu vén hơn sống quảng đại yêu thương. Những gì được ban cho để phục vụ, con người lại lao vào tìm kiếm như cứu cánh đời mình: tiền bạc, sức khỏe, danh dự, địa vị, sự sống … Con người cứ mơ về một thế giới khác, một khung trời khác, một vị trí khác đã được dành cho mình, với đầy những toan tính, âm mưu. Nhưng khổ nỗi, tự nó là vô nghĩa nên những việc làm của nó cũng vô nghĩa và hư danh. Thiên Chúa muốn con người sống hòa hợp yêu thương, nó lại kích động ghen ghét hận thù. Thiên Chúa muốn con người làm chủ vạn vật và xây dựng thế giới này, nó lại sẵn sàng làm tôi những gì hèn kém nhất. Thiên Chúa muốn nó mang khuôn mặt của Tình yêu, nó lại giới thiệu một bộ mặt của quỷ dữ. Nó không bao giờ thỏa mãn và hài lòng với chính mình, với những gì đã được ban cho, kể cả thân phận nó. Càng tìm kiếm nó càng vô vọng, càng xây dựng nó càng gây đổ vỡ, không bao giờ thỏa mãn.

Mùa Chay nhắc chúng ta nhớ về thân phận của chính mình, nhớ về ơn gọi cao cả mình đã lãnh nhận. Để thấy nơi chúng ta tội lỗi đã làm mình lạc xa trên con đường dành cho mình; đã phản bội lại ơn gọi của mình, phản bội lại những kỳ vọng tốt đẹp Thiên Chúa đã gởi gắm trong ngày được làm người, trong ngày lãnh nhận Phép Rửa, trong ngày tuyên khấn … Phải hoán cải để thay đổi chính mình, thanh tẩy những gì đã làm mình lạc xa và đánh mất ơn gọi cao cả ấy. Cần làm ngay trước khi quá muộn. Không có một cuộc hoán cải nào là dễ dàng. Chúng ta được nâng đỡ bởi quyết tâm của một Thiên Chúa không chịu thua trước tội lỗi của con người, vì Ngài “không muốn một ai phải hư mất”(Mt.18,14). Cả một kế hoạch được vạch ra để cứu lấy con người, dù phải đánh đổi cả thứ quý nhất là Người Con Một của mình, chỉ nhằm cứu lấy con người và trả nó về lại với ơn gọi ban đầu của nó, trả nó về đúng vị trí nó phải có. Cái giá Thiên Chúa phải trả cho ơn gọi của con người là cả danh dự và mạng sống của chính mình.

“Quay đầu là bờ”, nơi đó có người Cha yêu thương đang chờ đón và dang rộng vòng tay để ôm lấy nó, chờ đón người con biết ăn năn trở về để trao ban những gì tốt đẹp nhất cho nó, đặt nó vào vị trí cao hơn thuộc hàng quý tử. Nhận ra tội lỗi mới chỉ là bước khởi đầu. Con người cần phải đi qua con đường Chúa của nó đã đi, cuộc Vượt Qua đang chờ trước mặt . Con người cần tìm lại đúng chỗ đứng cho mình bằng cuộc Vượt Qua của chính mình, cho dù có đau đớn và cả cái chết; cái giá phải trả cho những tội lỗi. Ơn gọi vẫn cao quý trong chính thân phận mỏng manh của mình, trong chính những thực tại của mình.

Mùa Chay 2011.

Võ Thế Duy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *