TÍNH LUÂN LÝ CỦA VIỆC NGỪA – PHÁ THAI

Mặc Khải Thánh Kinh

A. Ðối Với Việc Ngừa Thai:

Kinh Thánh có nói cách riêng đến một vài hình thức ngừa thai và kết án những hình thức đó.

Sách Sáng Thế có đoạn viết: “Ông Giu-đa bảo Ô-nan: “Con hãy phối hiệp với vợ anh con và kết hôn với chị và gầy giống cho anh con”. Song Ô-nan biết là (con sinh ra) không kể là dòng giống mình, nên mỗi khi phối hiệp với vợ anh thì hắn để mất tinh dưới đất cố ý không cho anh được có dòng giống. Hắn đã làm điều thất đức trước mắt Gia-vê; nên Người cũng phạt nó phải chết.” (St 38, 8 – 10).

Bản văn trên đã đề cập đến hình thức giao hợp giữa chừng (coitus interreeptus), được Ô-nan sử dụng để tránh thực hiện nhiệm vụ của ông ta theo thói tục cổ truyền của người Do-thái: sinh con cho người anh quá cố. Kinh Thánh đã kết án hình thức đó, với hình phạt là nhục mạ công khai.

Trong câu chuyện thành Sô-đôm bị hủy diệt, được ghi lại trong Sách Sáng Thế, có một chi tiết ám chỉ sự cấu hợp vô luân trai với trai. Từ đây được mệnh danh là tội Sô-đôm – một tội phổ biến trong dân Ca-na-an, dân Ít-ra-en nhờm gớm (x. Lv 18, 22) và phạt án tử hình (Lv 20, 13).

Thánh Phao-lô, sau này, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, cũng đề cập đến tình trạng này: “Vì thế, Thiên Chúa đã phó mặc họ cho những tình dục bỉ ổi. Nữ giới tráo đổi tính giao lẽ thường để làm những điều nghịch luân. Nam giới cũng vậy, gác bỏ tính giao lẽ thường với nữ giới, mà hăm hở thèm muốn lẫn nhau, trai với trai, làm điều ô trọc, chuốc lấy vào thân cái công lênh đích đáng với sự lầm lạc của họ.” (Rm. 1, 26 – 27)

Ðnl 23, 1 kết án việc ngừa thai bằng phương pháp triệt sản: “Ai bị giập tinh hoàn hay bị cắt dương vật sẽ không được vào đại hội của Ðức Chúa”. Chắc chắn đó là những phương pháp triệt sản nam giới có trong thời ấy.

Chúa Giê-su cũng đã dạy: “Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng nhục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” (Mt 5, 28). Qua đó, chúng ta thấy, tội ngoại tình được rút lại chỉ bằng ước muốn phạm tội với người khác, như là đối tượng của ước muốn dục tính. Ðó cũng là trường hợp của tội ngừa thai.

Như thế, chúng ta thấy, mặc dù Kinh Thánh ít đề cập đến vấn đề ngừa thai, nhưng Kinh Thánh lên án việc đó khi nói đến nó như trên.

B. Ðối Với Việc Phá Thai

1. Kinh Thánh không có những chỉ dẫn rõ ràng về phá thai:

Trước tiên, ta cần ghi nhận rằng, Kinh Thánh không nói gì nhiều về vấn đề phá thai. Nếu cố tìm trong Kinh Thánh những bản văn lên án rõ ràng về vấn đề này, ta sẽ thấy Cựu Ước có đề cập đến, còn Tân Ước thì hầu như im lặng.

Trong sách Xuất Hành, có đoạn viết: “Khi có người ấu đả, xô chằm một người đàn bà có thai, làm cho sẩy thai mà không nguy cơ tính mạng, thì phải bồi thường, bao nhiêu tùy chồng nó định, người mắc vạ sẽ phải trả trước mặt trọng tài. Song, nếu nó có nguy cơ tính mạng, thì người phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, bỏng đền bỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng” (Xh 21, 22 – 25).

Bản văn này chứa đựng một khoảng luật của người Do-thái, qui định rằng, trong trường hợp một người đàn bà bị xẩy thai như là hậu quả của một cuộc ẩu đả giữa hai người đàn ông, thì người mắc vạ sẽ phải trả một khoảng tiền phạt được qui định bởi người chồng. Nếu cô ta bị tổn thương nặng hoặc chết, thì người mắc vạ phải chịu một hình phạt tương đương. Ở đây, ta thấy bản văn Kinh Thánh không đề cập đến hình phạt phải chịu đối với những ai gây nên cái chết cho thai nhi. Ðiều này cho thấy thai nhi chưa được quan tâm đầy đủ như một con người. Tuy nhiên, ghi chú của bản dịch Bảy Mươi có nói thế này: “Nếu những bào thai bị sẩy “đã thành hình hoàn toàn”, thì bị cáo sẽ lấy mạng đền mạng”.

2. Kinh Thánh đề cập rất nhiều tới ý nghĩa và giá trị của sự sống con người

a. Sự sống con người là một quà tặng quý giá của Thiên Chúa

Kinh Thánh cho thấy, sự sống mà Thiên Chúa ban cho con ngưới thì khác hẳn và tách biệt với sự sống của bất cứ sinh vật nào. Vì dầu con người có “bởi đất” mà ra đi nữa (x. St 2, 7; 3,19; G. 34, 15; Tv 103, 14; 104, 29), thì trong trần gian này, con người vẫn là một thụ tạo mang hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh của Ta”; St 1, 27: “Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã dựng nên nó”), và là sự biểu lộ vinh quang của Người: “So với thần linh, Người không để cho thua mấy tí, vinh dự huy hoàng là triều thiên Người ban tặng” (Tv 8, 6).

“Theo hình ảnh Thiên Chúa”, “như họa ảnh của Thiên Chúa”, điều này cho thấy sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con người là một hồng ân qua đó, Thiên Chúa làm cho con người – chóp đỉnh của tạo thành – được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Chính nhờ sự thông chia này mà con người được đặt làm bá chủ vạn vật (x. St 1, 26b); được Thiên Chúa ban cho lý trí, khả năng phân biệt tốt xấu, ý chí tự do (Hc 17, 6 – 7: “Người đã làm cho nó có miệng, có mắt, có tai, và để có thể suy nghĩ, Người ban cho tấm lòng. Lòng ấy cho chúng được đầy dẫy tri thức thông hiểu, Người chỉ cho chúng biết lành dữ”). Chính sự sống này là mầm của sự sống bất diệt (x. Kn 2, 23).

b. Thiên Chúa là chủ sự sống

Kinh Thánh cho thấy, sự sống con người từ Thiên Chúa mà đến. Chính Ngài ban cho con người sự sống (St 2, 7b: “Và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành sự sống”; G. 33, 4: “Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí của Shađđay đã cho tôi sự sống”…), và cũng chính Người sẽ lấy lại sự sống đó: “Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí và hơi thở của Người, thì mọi xác thịt sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với đất bụi” (G. 33, 14 – 15); “Người rút lại hơi khí của chúng, chúng liền tắt thở, chúng sẽ trở về với bụi đất” (Tv 104, 29b); “Chính nó, trước đó ít lâu đã sinh ra tự đất để chẳng bao lâu về lại nơi nó đã được lấy ra, khi bị đòi lại sinh mạng đã cho nó mượn” (Kn 15, 8). Chỉ một mình Thiên Chúa là chủ sự sống, Người có quyền trên sự sống và sự chết. Bởi đó, con người không được quyền định đoạt về sự sống của mình cũng như của kẻ khác. Chính Thiên Chúa đã nhắc lại cho ông Nô-ê sau lụt hồng thủy: “Song le, Ta sẽ đòi máu huyết tính mạng các ngươi…, vì theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa đã làm ra con người” (St 9, 5a. 6b).

Thiên Chúa là Ðấng nắm giữ vận mạng con người. Người là chủ sự sống và sự chết. Sách Gióp có viết: “Chính Người, Ðấng nắm trong tay hồn của mọi sinh linh và hơi khí của mọi xác thịt người phàm” (12, 10; x. Ds 36, 22). Sách Sa-mu-en, quyển thứ nhất cũng có viết: “Gia-vê tác tử, Người cũng tác sinh” (1 Sm 2, 6a). Ðiều này cũng được ghi lại trong sách Ðệ Nhị Luật: “Chính Ta cho chết, và cho sống” (32, 39c).

Kinh Thánh cũng cho thấy, Thiên Chúa đã không làm ra sự chết, và bởi đấy, Người không vui gì khi sinh linh bị hủy diệt (x. Kn 1, 13). Người tạo dựng nên con người là để con người được sống bất diệt (x. Kn 2, 23). Không có gì trong tạo thành có thể phá hủy ý định của Thiên Chúa; trái lại, “thụ tạo được mời gọi giúp cho việc cứu rỗi con người” (x. Kn 1, 13 – 14). Bởi đó, một khi con người gây nên sự chết là con người chuốc lấy tội – Vì tội là nguyên nhân gây nên sự chết (x. Rm 5, 12-21). Mọi người đều do từ Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về với Thiên Chúa. Chỉ có Người mới là chủ sự sống và sự chết. Do đó, một khi ta rút ngắn sự sống của người đồng loại, là ta đã đóng vai Thiên Chúa. (x, St 4, 8 – 15; 9, 5 – 6). Làm như thế, ta đã trở nên con cái của ma quỷ (x. Ga 8, 44).

Sự sống được trao ban cho con người như một quà tặng, một ân ban, mà con người phải đón nhận và có nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ nó như một người quản lý (Mt 25, 14 – 30). Con người phải dùng mọi cách thế để làm cho quà tặng sự sống ấy được sinh hoa kết quả. Vào ngày Cánh Chung, mỗi người Ki-tô hữu sẽ bị xét xử tuỳ thuộc vào thái độ của họ đối với sự sống.

c. Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm

Qua việc trình bày sự sống con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa – chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, và Người đã dựng nên họ theo hình ảnh Người, Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự sống con người là thánh thiêng. Chính vì lẽ này, sự sống con người mang tính bất khả xâm phạm. Kinh Thánh ghi lại lời Thiên Chúa hạch hỏi Ca-in sau khi Ca-in giết A-ben “Ngươi đã làm gì?” (St 4, 10a) cũng sẽ được vang lên khi con người tra tay giết hại người vô tội, vì con người đã làm điều không được ban cho mình. Sự bất khả xâm phạm được Sách Thánh trình bày cách mạnh mẽ qua giới răn “ngươi sẽ không giết người” (Xh 20, 13; 23, 7).

Kinh Thánh cho thấy, ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, con người đã được sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa: “Trước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1, 5 a); “Ta không được biết làm sao chúng con đã xuất hiện trong lòng dạ ta, không phải ta đã tặng cho chúng con, sinh khí và sự sống; cũng không phải ta đã hoà nhịp cho các yếu tố xây đắp mỗi đức chúng con. Ấy vậy, Ðấng tạo thành vũ trụ, Ðấng đã nắn ra con người khi sinh ra, và đã sáng kiến làm ra mọi sự khi chúng được sinh thành, Người sẽ trả lại cho chúng con, trong lòng lân mẫn của Người, sinh khí với sự sống, một khi chúng con đã không màng đến chính mình để bênh vực các Luật của Người” (2 Mcb. 7, 22 – 23).

Ðiều này cho thấy có một mối giây liên kết chặt chẽ giữa sự sống con người trong tất cả những khoảng khắc hiện hữu của nó với tác động của Thiên Chúa, Ðấng Tạo Thành. Như thế, sự bất khả xâm phạm còn đòi buộc đối với sự sống con người trong tất cả các khoảng khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảng khắc khởi đầu có trước sự sinh ra.
Giới răn “chớ giết người” đạt tới cao độ trong điều răn tích cực bắt buộc lãnh nhận trách nhiệm về người lân cận như chính mình (Lv 19, 18b).

Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su đã dạy: “Các ngươi đã nghe bảo người xưa: chớ giết người; kẻ giết người thì sẽ can án. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ can án; ai mắng anh em là “đồ ngốc” thì can án trước công nghị; và ai mắng là “đồ khùng”, thì can án hoả ngục hoả thiêu” (Mt. 5, 21 – 22). Ðiều này cho thấy, Chúa Giê-su đã đòi hỏi người tin phải đạt được sự công chính ở một mức độ cao hơn, kể cả lãnh vực tôn trọng sự sống. Người truyền cho mỗi Ki-tô hữu phải nhổ bứng tận gốc rễ tội giết người.

Thánh Giăng cũng đã dạy: “Phàm ai ghét anh em mình thì là sát nhân. Và anh em biết: phàm là sát nhân, thì không có sự sống đời đời nơi mình” (1 Ga 3, 15). Người tin không chỉ yêu mến và tôn trọng sự sống của anh em đồng loại, nhưng còn phải yêu thương kẻ thù và cầu khẩn cho những kẻ bắt bớ mình nữa, ngõ hầu người tin nên giống Cha trên trời (Mt. 5, 44 – 45).

Như thế, Chúa Giê-su đã đẩy lệnh truyền của Thiên Chúa chú tâm bảo vệ sự sống đến mức sâu xa trong sự đòi hỏi tôn trọng và yêu thương mọi người và mọi sự sống. Giáo huấn của thánh Phao-lô cũng vang vọng lời Chúa Giê-su dạy: “Vì các điều (như): chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ tham muốn, và nếu có lệnh truyền nào khác, thì đều tóm lại nơi một lời dạy này: ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình. Yêu mến, hẳn không làm hại người đồng loại. Vậy, yêu mến là chu toàn cả Lề Luật” (Rm. 13, 9 – 10).

Tân Ước còn cho thấy sự sống con người có một giá trị đặc biệt, cao cả, vì chính Con Thiên Chúa đã mang lấy chính sự sống của con người – Con Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm của loài thụ tạo (x. Ga. 1, 14). Chính trong xác phàm yếu đuối ấy, Ðức Ki-tô đã biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa. Cũng chính nơi thân xác ấy, Mầu Nhiệm cứu độ được hoàn tất.

Chính Ðức Giê-su đã mang lấy khuôn mặt và thực tại của người nô lệ (Pl. 2, 7), đã đồng hoá mình với những con người bị bỏ rơi, tù đày, đói khổ (x. Mt. 25, 24). Thế nên, ta có thể nói, từ nay, giết hại người vô tội, giết hại anh em đồng loại là giết chính Ðức Giê-su vậy.

Tân Ước còn cho thấy thân xác con người từ nay trở nên cao cả bởi vì thân xác đó đã được cứu chuộc bằng chính giá máu của Ðức Ki-tô (x. Kh. 5, 9). Từ nay, thân xác con người không còn là một sự vật trần tục, nhưng là một linh thánh, được dành cho Thiên Chúa (x. 1 Cr 6, 13). Vì đã được thánh hiến, được thuộc về Thiên Chúa, nên thân xác đó dành để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa (x. 1 Cr 6, 23; 10, 31; Dt 13, 16…).

II. Truyền Thống

A. Ðối Với Vấn Ðề Ngừa Thai

Giáo huấn Kinh Thánh cấm hạn chế sinh sản được tìm thấy cách rõ ràng hơn nơi các Giáo Phụ.

Vào năm 195, Clement thành Alexandria viết: “Do thiết chế Thiên Chúa đã làm ra liên quan đến việc sinh sản của nhân loại, tinh trùng không được xuất ra cách vô hiệu năng, cũng không được làm cho hư đi, cũng không được lãng phí” (Người hướng dẫn trẻ em 2: 10: 91: 2).

Origen (185 – 253) dạy rằng: kẻ nào làm hư những tặng phẩm Chúa ban như tên Ô-nan sẽ bị chết. Ðó là cho tinh trùng xuất ra đất mà lẽ ra nó phải sinh con cháu cho anh mình.

Năm 255, Hippolytus thành Rome viết: “Vì dòng dõi cao sang và vì tài sản kếch sù của mình, có những kẻ được ngộ nhận là trung tính [một số phụ nữ có đạo dan díu với các nam nô lệ] không muốn sinh con có nguồn gốc nô lệ hay thuộc hạng tiện dân, thế là họ sử dụng thuốc triệt sản, hoặc buộc mình thật chặt, hòng tống khỏi mình cái bào thai đã thành thai nhi” (Chống lạc giáo 9: 12).

Khoảng năm 307, Lactantius đã nói rõ ràng một số người “than thở về sự thiếu thốn của họ và viện lẽ họ không đủ sức nuôi nấng dạy dỗ nếu có đông con, mặc dù thực ra, họ thừa khả năng… hoặc Thiên Chúa thường chẳng làm giàu kẻ nghèo và nghèo kẻ giàu. Do đó, nếu có ai vì nghèo nàn không thể nuôi dạy con cái, thì tốt hơn, họ hãy kiêng quan hệ với vợ” (Các thiết chế thần linh 6: 20).

Công Ðồng Nicaea I, cùng với việc định tín về Chúa Ba Ngôi và về thần tính của Ðức Ki-tô, đã tuyên bố vào năm 325 rằng: “Nếu người nào khỏe mạnh mà tự thiến mình, nếu quả đúng là như thế, nếu người ấy thuộc hàng giáo sĩ, thì phải ngưng chức ông ta, và từ nay, không một kẻ nào như thế mà được phong chức cả. Nhưng hiển nhiên đó là nói về những kẻ làm điều ấy một cách tự do và coi như tự thiến mình, nên nếu ai bị bọn rợ hoặc bọn chủ thiến, thì với những người như vậy, luật này cho phép họ gia nhập hàng giáo sĩ” (canon 1).

Thánh Jérome (340 – 420) nói rằng các phụ nữ uống thuốc gây ra son sẻ là phạm tội giết người .

Vào năm 419, thánh Augustine viết: “Vậy, tôi nghĩ: mặc dù bạn không dối [vợ bạn] để giữ gìn dòng dõi, bạn cũng không thể vì tính dâm dật mà cản ngăn việc sinh sản của họ bởi lời cầu xin xấu xa hoặc một hành động tội lỗi. Những kẻ làm như thế, mặc dù vẫn được gọi là vợ chồng, song kỳ thực không phải, cũng như những người còn giữ được một vài điều nào đó của hôn nhân, nhưng là với những điều đáng hổ thẹn che giấu dưới những danh xưng cao quí! Nhiều khi các hành động dâm đãng hoặc sự dâm dật xấu xa đi đến chỗ đồi bại, đến nỗi họ tìm mua cả đến những thứ thuốc triệt sản [tránh thai bằng miệng]… Chắc chắn là nếu cả hai vợ chồng đều thích như vậy, thì họ không còn là vợ chồng nữa, và nếu họ thích như thế từ đầu, thì tức là họ đã không kết hợp với nhau trong hôn nhân, mà là trong sự hư thân mất nết” (Hôn nhân và nhục dục 1: 15: 17).

B. Ðối Với Vấn Ðề Phá Thai

Từ thuở đầu cho đến ngày nay, truyền thống Ki-tô giáo luôn luôn quan niệm sự sống con người phải được bảo vệ và quý chuộng ngay từ lúc khởi đầu và tại những giai đoạn của sự phát triển. Bởi đó, Truyền thống rất rõ và nhất trí đánh giá phẩm chất việc phá thai là sự hỗn loạn đặc biệt nghiêm trọng về mặt luân lý.

Từ lúc đương đầu với thế giới La-Hy, một thế giới coi việc phá thai và giết trẻ em sơ sinh là những chuyện thông thường, Cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên đã triệt để chống lại những thói tục tràn lan trong xã hội ấy, bằng đạo lý và cách ăn ở của mình. Sách Didachè nói rõ ràng: “Ngươi không được phá thai và giết người vô tội”. Sách Didachè cũng nhắc lại một cách dứt khoát giới răn “ngươi chớ giết người”, khi viết: “Có hai con đường, một con đường của sự sống, một con đường của sự chết, nhưng sự khác nhau giữa hai con đường rất lớn… Giới răn thứ hai của đạo lý: Ngươi chớ giết người…, ngươi chớ giết người bằng con đường phá thai và ngươi sẽ không làm cho nó chết sau khi nó sinh ra…” Sách ngụy thư của Barnabas cũng nói tương tự: “Bào thai được coi như người đồng loại. Bởi đó, bất cứ sự tấn công trực tiếp nào đối với sự sống của nó, thì đó là tấn công Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng và yêu thương nó. “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính bản thân ngươi. Ngươi sẽ không được giết đứa trẻ bằng việc phá thai, và ngươi không được giết trẻ sơ sinh.” (Letter of Barnabas 19,5 [A.D.74]).

Sách Khải Huyền của thánh Phê-rô cũng có đoạn viết thế này: “Và gần nơi đó, tôi đã nhìn thấy một chỗ khác chật hẹp hơn… và có người đàn bà ngồi ở đó… Rồi đối diện với họ, có nhiều trẻ em được họ sinh ra do lầm lỡ, chúng đang ngồi khóc. Kìa có những tia lửa chạy trước mặt họ và đập mạnh vào đôi mắt của người đàn bà đang ngồi. Ðó là những người đáng bị nguyền rủa vì họ mang thai và đã phá thai” (The Apocalypse of Peter 25 [A.D. 37]).

Vân Anh khảo cứu và biên tập 5.2001
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 17, năm 2001)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *