YÊU THƯƠNG NHƯ MỘT LỐI SỐNG

Tiến sĩ Gary Chapman   

Tiến sĩ Chapman không chỉ là một nhà cố vấn hôn nhân và gia đình, một diễn giả quốc tế nổi tiếng, nhưng ông cũng là một Mục sư. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lãnh vực cố vấn hôn nhân và gia đình, ông đã viết và xuất bản 28 quyển sách và 5 loạt phim video hướng dẫn về hôn nhân và gia đình. Tiến sĩ Gary Chapman đã được mời đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới như Anh Quốc, Phi Châu, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mễ Tây Cơ và Hồng Công. Tiến sĩ Chapman là tác giả của quyển sách nổi tiếng NĂM NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU xuất bản năm 1992, tái bản 3 lần với hơn 5 triệu ấn bản, được dịch sang hơn 36 ngôn ngữ. Nữu Ước Thời Báo đã liệt kê Năm Ngôn Ngữ Của Tình Yêu vào danh sách Best Seller.

Trong quyển sách Năm Ngôn Ngữ Của Tình Yêu, tác giả giúp chúng ta học cách làm cho mối quan hệ của chúng ta với những người khác gắn bó thân thiết hơn, thí dụ như quan hệ với cha mẹ, với con cái, với đồng nghiệp, với người phối ngẫu v.v. Trong quyển sách YÊU THƯƠNG NHƯ MỘT LỐI SỐNG, tác giả sẽ đưa chúng ta đến những lãnh vực mới trong việc nhận và đáp trả lại món quà của tình yêu. Chúng ta sẽ từng bước xem xét những đức tính cần thiết để biến yêu thương thành một lối sống. Những đức tính ấy là tử tế, kiên nhẫn, tha thứ, nhã nhặn, kiêm nhường, rộng lượng và chân thật.

Nếu trong NĂM NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU, tiến sĩ Gary Chapman chỉ ra cho chúng ta thấy sự khác nhau trong việc bày tỏ và cảm nhận tình yêu của từng cá nhân riêng biệt, thì trong quyển sách YÊU THƯƠNG NHƯ MỘT LỐI SỐNG mà chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi trong những tuần lễ tới, tác giả sẽ tiết lộ bí mật làm thế nào để từng khía cạnh của đời sống chúng ta được thăng hoa qua việc đặt tình yêu làm trung tâm điểm của toàn bộ hành động và suy nghĩ.

Chúng ta sẽ bắt đầu quyển sách YÊU THƯƠNG NHƯ MỘT LỐI SỐNG bằng Lời Tri Ân của tiến sĩ Gary Chapman.

LỜI TRI ÂN

Quyển sách này rất có thể đã không được viết ra nếu không có rất nhiều người đã bày tỏ cho tôi mẫu mực của tình yêu thương như một lối sống (hay lối sống yêu thương). Tôi được nếm trải hương vị yêu thương đầu tiên trong đời từ cha mẹ tôi, ông Sam và bà Grace. Khi cha tôi mất, tôi vẫn đang cố gắng báo đáp cho Mẹ tôi một phần nào sự yêu thương bà đã dành cho tôi. Karolyn, người vợ trong suốt hơn bốn thập niên qua của tôi, đã từng là nguồn yêu thương thân thiết nhất mà tôi có được. Cô ấy bày tỏ những ngôn ngữ yêu thương của tôi thật thoải mái, nhẹ nhàng. Hai đứa con lớn của tôi, Shelley và Derek, đem lại cho tôi niềm vui vô biên khi tôi nhìn thấy lối sống yêu thương của chúng. Không gì có thể khiến cho người làm cha mẹ thỏa mãn hơn điều này.

Tôi mang ơn Jim Bell, người không chỉ chia sẻ ý tưởng cho quyển sách này song cũng bền lòng khích lệ tôi ở mỗi chặng đường. Tricia Kube đã từng là trợ lý hành chính của tôi suốt hai mươi sáu năm. Cô không chỉ đánh máy bản thảo mà còn thường xuyên xử lý những sự kiện vụn vặt trong văn phòng hầu tôi có thể tập trung vào việc viết sách. Kay Tatum đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong sự hỗ trợ về kỹ thuật.

Trong quá trình viết sách, Elisa Fryling Stanford đã chia sẻ những kỹ năng viết và biên tập của cô để giúp cho bản thảo có được sự liên kết với nhau. Trace Murphy và nhóm biên tập tại Doubleday đã làm rất tốt trong việc lên khuôn tác phẩm đã hoàn tất.

Tôi cũng phải cảm ơn rất nhiều người đã từng chia sẻ những hình ảnh yêu thương mà họ nhìn thấy trên đường đời. Trong các cuộc hội thảo và trên internet, tôi đã cố khẩn khoản để có được những câu chuyện kể từ những người đã “bắt gặp” người khác bày tỏ tình yêu như là một lối sống. Xét cho cùng, chính những tấm gương “sống thật” đã chạm đến tấm lòng và thôi thúc chúng tôi khao khát yêu thương. Nếu không có sự giúp đỡ của họ, quyển sách này rất có thể sẽ không có được sự sống động. Tôi mong rằng họ sẽ được tưởng thưởng khi thấy những câu chuyện của mình khích lệ người khác theo đuổi tình yêu thương như là một lối sống (hay lối sống yêu thương).

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi cùng con gái là Shelley lên máy bay tại Phoenix, cảm thấy may mắn là chúng tôi tình cờ được xếp vào khoang hạng nhất. Tuy nhiên, tôi lại được xếp vào ghế 4A, còn con tôi thì ghế 7A, cả hai đều ngồi gần cửa sổ. Hai mươi tám chỗ ngồi trong khoang hạng nhất đều đầy cả, vì thế chúng tôi đang mong là có ai đó sẽ sẵn lòng đổi chỗ để chúng tôi có thể ngồi chung với nhau trong suốt chuyến bay bốn tiếng đồng hồ này.

Shelley nói với người ngồi trong ghế sát lối đi bên cạnh ghế 7A, “Ông có vui lòng đổi chỗ để tôi có thể ngồi với ba tôi không?”

“Ghế đó có sát lối đi không?” ông ta hỏi.

“Dạ không, đó là ghế gần cửa sổ.”

“Không thể được,” ông ta nói. “Không thích trèo qua lưng người khác để ra ngoài.”

“Dạ cháu hiểu rồi,” Shelley trả lời khi cô bé ngồi vào ghế.

Một lát sau người được xếp vào chiếc ghế sát lối đi bên cạnh tôi bước vào. Tôi nói, “Ông có thích ngồi ở ghế 7A để con gái tôi có thể ngồi chung với tôi được không?”

Ông ta liếc nhìn xuống ghế 7A và nói, “Tôi sẵn lòng thôi.”

“Tôi thật sự cảm kích điều đó,” tôi nói.

“Không có chi,” ông ta mỉm cười trả lời khi cầm tờ báo lên và chuyển xuống ghế 7A.

Sau đó tôi ngẫm nghĩ về việc này. Điều gì giải thích nguyên nhân của những câu trả lời khác nhau này? Hai người đàn ông đó trạc tuổi nhau; tôi đoán họ khoảng trên dưới sáu mươi. Cả hai đều ăn mặc kiểu thương gia. Thế nhưng một người cứ khư khư giữ chỗ ngồi sát lối đi, trong khi người kia thoải mái nhường ghế ở́ lối đi để đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi.

Có thể là một người có con gái còn người kia thì không? Có thể là người thoải mái nhường chỗ ngồi sát lối đi thực sự thích ngồi cạnh cửa sổ hơn? Hay phải chăng chỉ vì họ đi học ở các trường mẫu giáo khác nhau và có những bà mẹ khác nhau? Phải chăng một người đã từng được dạy phải chia sẻ và giúp đỡ người khác, trong khi người kia thì được dạy phải “tìm kiếm vị trí số một”? Phải chăng một người có gien yêu thương mà người kia thì không có?

Trong suốt nhiều thập niên tôi đã quan sát những sự kiện tương tự, cả lớn lẫn nhỏ, và đã tự hỏi, Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa “những người yêu thương” và những người ít khi bày tỏ thái độ quan tâm và chú ý chăm lo cho người khác? Những người yêu thương có những đặc tính gì? Những đặc tính này được phát triển như thế nào?

Trong năm qua, khi cố gắng trả lời những câu hỏi này, tôi đã đi khắp đất nước quan sát hành vi cư xử, phỏng vấn nhiều người, đọc những bài nghiên cứu có thể tìm được, và xem xét những sự dạy dỗ và sự thực hành trong tôn giáo. Tôi cũng đã dựa vào ba mươi lăm năm kinh nghiệm với tư cách một nhà tư vấn hôn nhân và gia đình của mình.

Trong quá trình nghiên cứu về tình yêu này, tôi đã định rõ những điều tôi tin tưởng là bảy đặc tính của một người yêu thương:

Nhơn từ

Kiên nhẫn

Tha thứ

Nhã nhặn

Khiêm nhường

Rộng lượng

Chân thật

Bảy đặc tính này không phải là những cảm nghĩ mơ hồ hay những ý định tốt lành. Chúng là những thói quen chúng ta học tập thực hành khi quyết định trở nên những người yêu thương đích thực. Chúng là những đặc tính căn bản, thực tế có thể thực hiện được trong cuộc sống mỗi ngày. Thế nhưng kết quả của việc biến những đặc tính này thành một thói quen thật đáng chú ý: đó là sự thỏa mãn trong các mối quan hệ.

Tình yêu thương có nhiều khía cạnh. Nó giống như một viên kim cương có nhiều mặt nhưng chỉ phô bày một vẻ đẹp mà thôi. Cũng vậy, khi đặt chung lại với nhau, bảy đặc tính chính của tình yêu tạo nên một người yêu thương. Mỗi đặc tính thật thiết yếu. Nếu bạn đang thiếu một đặc tính trong các mối quan hệ của mình, bạn đang thiếu một điều gì đó rất ý nghĩa.

Tôi tin những đặc tính này là những chìa khóa không chỉ đưa đến các mối quan hệ thành công song cũng đưa đến sự thành công trong cả cuộc sống. Đó là vì con đường duy nhất để tìm thấy sự thỏa mãn đích thực trong đời sống là yêu thương người khác hết lòng.

Thưa quý độc giả,

HLV – xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây, ước mong quý thính giả tiếp tục theo dõi vào tuần sau để chúng ta cùng học biết làm thế nào để biến yêu thương thành một lối sống. Hội Thánh Hy Vọng xin kính chúc quý độc giả thân yêu một cuối tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè.

Hoàn Vũ sưu tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *