MỜ MỊT / ĐÁNH ĐỐ => TẠO THÀNH “TRUYỀN THỐNG” kiểu mới?
Đã thấy rục rịch những kẻ lên tiếng chống chế cho việc viết mấy cột chữ Hán TO ĐÙNG. Rằng, lễ hội xưa dùng chữ Hán, nay kỷ niệm thì dùng chữ Hán.
1) Quí vị thành thực đi, được bao người trong quí vị hiểu nổi ý nghĩa những chữ Hán treo phất phơ, 4 câu treo dọc ở hai bên cột giữa (cột giữa màu đỏ ghi 神農: “Thần Nông”), vì sao chọn lấy 4 câu đó (có khớp với truyền thống hay là chế tác ra (*)?
2) Nên nhớ lễ hội bày ra cốt để cho người dân hiểu. Người Việt bấy lâu nay dùng chữ Quốc ngữ (giã từ chữ Hán làm văn tự chính thức từ khuya rồi), thành thử nhìn mấy cột chữ Hán đó là không hiểu, và KHÔNG thể buộc người Việt phải đi học chữ Hán để hiểu!
Nói nào ngay, cũng có … chữ Quốc ngữ ghi nhỏ nhít bên cạnh, không dễ đọc chút nào (thậm chí không đọc được khi nhìn từ xa); trong khi chữ Hán viết rất lớn. Chữ Hán tước lấy vai trò văn-tự-chính-thức của chữ Quốc ngữ từ lúc nào vậy?
(theo luật định, nếu có ghi một hệ văn tự khác cùng với chữ Quốc ngữ thì CHỮ QUỐC NGỮ phải được viết kích cỡ lớn hơn – bởi vì, nhắc lại, chữ Quốc ngữ là văn-tự-chính-thức của Tiếng Việt, của người Việt!)
3) Trên nhiều tờ báo, cũng không thấy giải thích mấy chữ Hán “hoành tráng” cho người VN hiểu, chỉ ghi rằng đây là lễ hội “tịch điền”.
“Điền”, đa phần người VN hiểu nghĩa là “ruộng”; còn “tịch”, nói vậy chớ, cũng nhiều người đâu hiểu “tịch” nghĩa gì. “Tịch” là… “tịch thu” hả? “Tịch điền” là ruộng bị tịch thu (thôi rồi, dễ xa nhau quá)?
4) Ồ, quí bạn khoan cười. “Tịch”, trong “tịch thu” (籍收), là cùng một ký tự “tịch” 籍, trong “tịch điền” 籍田, đó đa!
Nhưng, ta nói chữ Hán dễ sái não, một ký tự thường có cả chục nghĩa lận, phải dựa vào văn cảnh thì mới hiểu không bị trật đường rầy.
Tắt một lời, “tịch điền” hồi xưa là cái khoản ruộng được dành riêng cho vua, đón lấy chân vua bước xuống, giẫm lên, cày vài nhát đầu Xuân lấy phước cho cả năm. Mà vua đã cày mấy nhát làm phước thì dứt khoát năm tới, riêng khoản ruộng “tịch điền” sẽ được bẩm báo là năng suất ngất ngưỡng (còn những khoản ruộng khác của dân thì… hên xui).
5) Trở lại câu chuyện “tịch điền” năm 2022.
Lạ thiệt chớ, chưng mấy cột chữ Hán đánh đố người dân Việt, ở vị thế lấn át chữ Việt – nhưng vỗ tay cho rằng đó là tôn trọng bản sắc Việt của tộc Việt trên lãnh thổ Việt hiện nay.
Vậy là, sự đánh đố và hiểu biết mờ mịt (lớt phớt bề mặt như chuồn chuồn đạp nước) cần được quán triệt là … “truyền thống” hay sao?
—————————————————————
(*): Kỳ tới, kỳ cuối, tôi xin đi vô phân tích mấy cột chữ Hán để lai rai giải sầu: ta nói vong linh tiền nhân có sống dậy, đọc thấy, ắt phải thất vọng, tay chân rã rời luôn!