Vì là đề tài sâu lại nhạy cảm với nhiều anh em bên Giáo Hội Công Giáo La Mã nên tôi chỉ coppy toàn bài viết từ Học Viện Thánh Giuse về đây để anh em làm cơ sở nghiên cứu sâu hơn . Kinh Thánh chép lại lời của Chúa Jêsus rằng : “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn-đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi.”
Cuộc Cải Cách Tin Lành xảy ra vào 1517 s.C.N. Cho đến thời điểm này, ở Châu Âu chỉ có một Giáo hội Kitô giáo và một tôn giáo: Công giáo Rôma. Chính Thống giáo Đông Phương đã tách khỏi Rôma vào 1054 s.C.N., nhưng vẫn nằm trong phần phía Đông của Đế chế, được gọi là Byzantine. Anh, Scotland, Đức và Thụy Sĩ đều là Công giáo.
Việc Kitô giáo Tây Phương bị chia rẽ thành nhiều tôn giáo khác nhau có thể vì nhiều lý do. Mặc dù hầu hết mọi người đều nghĩ về hình ảnh thi vị của Martin Luther khi dán 95 luận đề lên cửa Nhà thờ Chính Tòa – hành động này tương đương với việc đốt thẻ quân dịch như một biểu tượng của sự phản đối – và vì thế đã khởi đầu cho cuộc Cải Cách, thế nhưng lịch sử lại cho thấy một câu chuyện khác.
Sự thối nát nội tại đã xảy ra nơi hàng giáo phẩm, gồm các cha xứ, các Giám mục địa phương, các Hồng y và thậm chí một vài Giáo Hoàng. Dâm ô, tham vọng, nóng giận, biếng nhác và những tội trọng khác đã không còn xa lạ với nhiều giáo sĩ thời Phục Hưng, những người chỉ xem chức thánh như một con đường thăng quan tiến chức trong Giáo hội. Trong nhiều trường hợp, nếu con cái không có đủ phẩm chất để trở thành sĩ quan quân đội, thì người cha sẽ gửi anh vào một đan viện (cùng một món tiền quyên góp lớn) với hy vọng rằng đứa trẻ một ngày nào đó sẽ trở thành Viện phụ hoặc Giám mục.
Bệnh Dịch Hạch là lý do giải thích tại sao lại có rất nhiều giáo sĩ tham ô và ngu dốt (ít được huấn luyện và giáo dục) tại thời điểm Martin Luther gia nhập Dòng Augustinô vào năm 1505 (ông đã khấn với Thánh Anna, thân mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, rằng nếu sống sót qua trận bão sét, ông sẽ gia nhập đời sống đan viện). Bệnh Dịch Hạch (1347-1351) đã tàn phá Châu Âu và huỷ diệt một phần ba dân số, cũng như xóa sổ hai phần ba số giáo sĩ. Các giáo sĩ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi vì họ phải đi xức dầu cho người bệnh mà không có khẩu trang hoặc găng tay bảo vệ; họ nhanh chóng bị nhiễm bệnh. Vì thiếu giáo sĩ trầm trọng để ban các bí tích, nhất là bí tích xức dầu và để cử thành Thánh Lễ, nên các ứng viên cho chức thánh đã không được huấn luyện và duyệt xét một cách cẩn thận. Việc giảng dạy bị ảnh hưởng nhiều nhất, và kết quả là những giáo thuyết sai lạc hoặc méo mó đã được cổ võ trên tòa giảng. Điều mà các giáo sĩ ít học đã không thực hiện với sự mê tín và sai lầm, thì các giáo sĩ bê tha và thối nát lại thực hiện bằng những gương mù và tai tiếng. Các tiêu chuẩn đã bị hạ thấp quá mức để có thể bù vào sự thiếu thốn ơn gọi khổng lồ do Bệnh Dịch Hạch gây ra. Do đó, những người đáng lý không bao giờ có thể được phong chức lại được phong chức, thậm chí nhiều người trong số đó đã leo lên được những nấc thang Giáo hội và trở thành thành viên của phẩm trật Hội Thánh.
Sau 70 năm các Giáo Hoàng sống ở thành phố Avignon tráng lệ (nhiều sử gia so sánh giai đoạn này với thời kỳ Lưu Đày Babylon), Đức Giáo Hoàng đã trở về Rôma để rồi lại có thêm hai vị khác tự xem mình là Giáo Hoàng, một ở Avignon và một ở Pisa.
Cùng lúc đó, xuất hiện một tầng lớp trung lưu. Tầng lớp quý tộc trước đó đã quen đàn áp tầng lớp nông dân vô học, nhưng thời Trung cổ đã sản sinh ra một tầng lớp trung lưu ở giữa kẻ nghèo và người giàu. Giới thương nhân được giáo dục đôi chút và có tiền bạc. Hệ thống lao động thời Trung cổ không có chỗ cho một thành phần kinh tế được gọi là tầng lớp trung lưu.
Cuối cùng, hoàn cảnh chính trị ở Châu Âu lúc ấy giống như một quả bom nổ chậm. Từ năm 800 s.C.N., khi Đức Giáo Hoàng Lêô III phong Charlemagne làm Hoàng đế cho Đế quốc Rôma Thần Thánh, đã chỉ có một Hoàng đế ở Châu Âu. Tất cả vua chúa, nữ hoàng, hoàng tử, nam tước và bá tước phải tùng phục vị Hoàng đế này. Khi người Pháp đánh mất vương triều vào tay người Đức, quốc gia Pháp đã nổi lên như một cường quốc giống như Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Lúc ấy, vẫn chưa có nước Ý thống nhất, và Đức vẫn là liên minh của các hoàng tử và nam tước. Một đức tin (Công giáo), một nhà cai trị (Hoàng đế Rôma Thần Thánh) và một ngôn ngữ chính thức (tiếng Latinh) đã giữ cho các dân tộc và các lãnh thổ khác biệt lại với nhau.
Vào cuối thế kỷ XIV, với sự khám phá ra Tân Thế Giới vào năm 1492, vàng được gửi về Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ các nước thuộc địa. Điều này đã làm suy yếu quyền lực của Hoàng đế Đức. Các hoàng tử, nam tước và các giới quý tộc khác của Đức muốn một quốc gia Đức riêng biệt hơn là một nước Đức Đức riêng biệt hơn là một nước Đức bù nhìn của đế chế.
Khi Martin Luther từ nước Đức quê hương đến thăm viếng Rôma, ông đã bị sốc về giới giáo sĩ ít học và tham ô mà ông gặp phải trên đường. Điều làm ông xấu hổ nhất là khi nhìn thấy những giáo sĩ báng bổ đang buôn bán các ân xá, vốn bị Giáo hội cấm vì đó là tội mại thánh. Việc ông dán 95 luận đề lên cửa Nhà thờ Chính Tòa là một thông lệ chuẩn mực vì cánh cửa còn có chức năng thứ hai là tấm bảng thông tin của thị trấn. Ông đã mong đợi một cuộc tranh luận thần học về các ân xá. Nhưng mọi việc vượt tầm kiểm soát, giận giữ bùng lên, những lăng mạ và công kích cá nhân xuất hiện từ cả hai phía. Các hoàng tử nhận ra cơ hội đã đến.
Về mặt chính trị, quân sự và kinh tế, các hoàng tử không thể hủy bỏ hoặc làm suy yếu quyền lực Hoàng đế áp đặt trên họ. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà những mối ràng buộc với Đế chế trở nên suy yếu, thì đó sẽ là lợi thế của họ. Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo hội Công giáo; ngài đã phong vương cho Hoàng đế và ông có quyền trên giới quý tộc Công giáo. Nếu những mối ràng buộc với Giáo hội Công giáo bị cắt đứt, thì quyền lực của Hoàng đế Công giáo sẽ không có ảnh hưởng trên giới quý tộc không Công giáo nữa.
Trong khi đó, nhờ có xưởng in, giới trung lưu đã đọc được các luận đề thần học của Martin Luther. Thật đáng tiếc, phản hồi của Giáo hội Công giáo lại không đủ nhanh nhạy hoặc khó có thể đến tay người dân. Luther đã nhìn thấy hàng giáo phẩm thối nát và cho rằng phẩm trật Giáo hội là không cần thiết, chí ít là không cần đến Giáo Hoàng. Vì thế, thẩm quyền tối thượng không phải là Huấn Quyền hoặc Đức Giáo Hoàng nhưng là Kinh Thánh (sola scriptura). Bởi vì ơn sủng bị đem ra mua bán, ông cho rằng không cần những công việc đạo đức tốt lành nữa, vì thế khẩu hiệu sola fide hoặc “chỉ có đức tin” ra đời. Không cần phải xưng tội hoặc linh mục giải tội. Không cần Huấn Quyền hoặc phẩm trật. Đức tin Tin Lành đã ra đời. Các hoàng tử đã tận dụng hoàn cảnh này để nổi dậy chống quyền lực Hoàng đế vốn có quan hệ mật thiết với Giáo Hoàng và Giáo hội Công giáo.
Khi giới nông dân nhìn thấy các giáo sĩ bề dưới nổi dậy chống lại Giáo Hoàng và các Giám mục, các hoàng tử và nam tước nổi dậy chống Hoàng đế, họ nghĩrằng nền dân chủ đã gần kề và họ cũng đi tìm độc lập cho chính mình. Giới quý tộc không có ý định hủy bỏ thể chế chủ-nô, và thậm chí Martin Luther còn nhiệt tình đứng về phía quý tộc Đức để đập tan cuộc Chiến Tranh của giai cấp Nông Dân (1524-1525). Một khi nước Đức đã thành Tin Lành (Lutheran), nước Anh lại tiếp bước vào năm 1533 với việc Vua Henry VIII tuyên bố ông là lãnh đạo tối cao của Giáo hội ở Anh, sau khi Đức Giáo Hoàng từ chối thỉnh nguyện tiêu hôn của ông với Nữ hoàng Tây Ban Nha, Catarina Aragon, vì bà đã không thể cho ông một người con trai thừa tự, và Giáo hội Anh (hoặc Anh giáo) đã ra đời. Thụy Sĩ là nước tiếp theo vào năm 1541 khi John Calvin ở Geneva thành lập Tin Lành Calvin hoặc Giáo hội Cải Cách. Giáo hội này cũng đã khai sinh ra Giáo hội Trưởng Lão (Presbyterian Church) ở Scotland với John Knox vào năm 1560. John Smyth đã tách khỏi Anh Giáo để thành lập Giáo hội Báp-tít (Baptist Church) vào năm 1609, và John Wesley cũng tách khỏi Anh Giáo để thành lập Giáo hội Giám Lý (Methodist Church) vào năm 1739.
BỘ CHỮ CỦA NƯỚC ĐỨC ĐƯỢC HOÀN THIỆN BỞI BẢN DỊCH KINH THÁNH CỦA MARTIN LUTHER
Việc Martin Luther dịch Tân Ước ra tiếng Đức giúp người dân thường dễ tiếp cận hơn với Kinh Thánh, đồng thời làm suy giảm ảnh hưởng của giới tăng lữ. Ông đã sử dụng bản tiếng Hy Lạp của Erasmus để dịch. Trong thời gian dịch thuật, ông thường đến các thị trấn lân cận, vào các ngôi chợ để lắng nghe người dân nói chuyện với nhau nhằm có thể đưa ngôn ngữ đại chúng vào bản dịch của ông.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi khi đang ẩn náu tại Lâu đài Wartburg, năm 1521 Luther một mình bắt tay dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức. Theo Philip Schaff, nhà thần học thế kỷ 19, chỉ riêng công trình này cũng đủ để Luther được công nhận là một trong số những người đóng góp nhiều nhất cho các dân tộc nói tiếng Đức.
Bản dịch Tân Ước của Luther xuất bản vào tháng 9 năm 1522. Đến năm 1534, ông hoàn tất bản dịch Cựu Ước với sự cộng tác của Johannes Bugenhagen, Justus Jonas, Caspar Creuziger, Philipp Melanchthon, Matthäus Aurogallus, và George Rörer. Luther vẫn tiếp tục chỉnh sửa bản dịch cho đến cuối đời.
Bản dịch Kinh Thánh của Luther đã đóng góp vào sự hình thành ngôn ngữ Đức đương đại, được xem là dấu mốc trong nền văn chương Đức. Bản Kinh Thánh năm 1534 của Luther tạo ảnh hưởng trên bản dịch của William Tyndale, là ấn bản tiền thân cho bản Kinh Thánh Vua James. Philip Schaff nhận xét về bản dịch này:
Thành quả lớn nhất của Luther trong thời gian ẩn náu tại Wartburg, cũng là thành tựu quan trọng nhất và hữu ích trong suốt cuộc đời ông, là bản dịch Tân Ước, qua đó ông đã mang sự giáo huấn và cuộc đời mẫu mực của Chúa Cơ Đốc và các Sứ đồ vào lòng và tâm trí của người dân Đức, như là một sự tái tạo giống y như thật. Thành quả này có thể được xem như là sự tái ấn hành phúc âm. Ông đã làm Kinh Thánh trở nên quyển sách của nhân dân, có mặt khắp mọi nơi, trong nhà thờ, trường học và gia đình.
Cũng như bộ chữ Quốc ngữ Việt Nam được hoàn thiện bởi bản dịch Kinh thánh năm 1910 bởi Linh mục Cố Chí Linh , thì bản dịch Cựu Ước ấn hành năm 1534, Martin Luther hoàn tất công trình dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh. Công trình này giúp chuẩn hóa ngôn ngữ Đức và được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học Đức.
Tks God