BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (12) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

ĐIỀU XXIV: Lễ Mi-sa

Hội thánh chúng tôi bị lên án là hủy bỏ lễ Mi-sa. Nhưng lễ Mi-sa đã được cử hành giữa vòng chúng tôi và được thực hiện với sự kính trọng cao nhất. Hầu hết các nghi lễ thông thường đều được giữ gìn, ngoại trừ những bài hát trong tiếng La-tinh được dịch ra những bản thánh ca trong tiếng Đức khắp nơi. Những điều này được thêm vào để dạy dỗ cho dân chúng. Những nghi lễ chỉ vì một mục đích là làm thế nào những người không có học sẽ được dạy dỗ những gì  họ cần phải biết về Đấng Christ. Không chỉ Phao-lô nói đến điều này rằng mọi người trong Hội thánh đều sử dụng chung một ngôn ngữ (I Cô-rinh-tô 14:2,9), nhưng luật pháp con người cũng nói như vậy. Mọi người có thể cùng dự Tiệc thánh chung với nhau. Điều này càng gia tăng sự tôn kính và thành tâm trong sự thờ phượng cộng đồng. Không ai thừa nhận việc dự Tiệc thánh mà không chịu xét mình trước. Người ta cũng được khuyên về chân giá trị và công dụng của Thánh lễ, qua cách nó đem đến sự an ủi lớn cho những lương tâm bối rối, đến nỗi họ đã học biết cách để tin cậy Chúa, trông đợi và cầu xin những điều tốt lành đến từ Ngài. Sự thờ phượng này làm vui lòng Chúa (Cô-lô-se 1:9-10). Công dụng của Thánh lễ đã nuôi dưỡng tinh thần kính sợ Đức Chúa Trời. Do đó, không thể nói rằng những người chống đối chúng tôi chú trọng đến lễ Mi-sa hơn chúng tôi.

Thật rõ rằng trong một thời gian dài, hầu hết sự phàn nàn nghiêm trọng và công khai giữa vòng những người tốt, đã cho rằng lễ Mi-sa đã bị biến chất và trần tục do việc sử dụng nó để nhận những nguồn lợi dơ bẩn (I Ti-mô-thê 3:3). Ai cũng biết sự lạm dụng này lớn là dường nào trong tất cả các Hội thánh. Họ biết có một số người cho rằng lễ Mi-sa chỉ vì cớ tiền thù lao hay lợi tức, và biết bao nhiêu lễ Mi-sa đã cử hành trái với luật kinh điển. Phao-lô đã mạnh mẽ cảnh báo những người dự Tiệc thánh với tinh thần không xứng đáng: “Ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa.” (I Cô-rinh-tô 11:27). Do đó, khi những giám mục của chúng tôi được cảnh báo về tội này, lễ Mi-sa cá nhân không còn tiếp tục giữa vòng chúng tôi nữa, mà nó chỉ được cử hành khi không dính líu đến những lợi ích trần tục.

Các giám mục không thể thờ ơ với những lạm dụng này. Nếu họ  sửa đổi kịp lúc sẽ giảm thiểu đi mối bất hòa. Nhưng cho đến bây giờ họ phải chịu trách nhiệm đối với nhiều sự băng hoại đang len lỏi vào trong Hội thánh. Khi đã thấy quá trễ, họ bắt đầu phàn nàn về những nan đề trong Hội thánh. Sự xáo trộn nổ ra chỉ vì những sự lạm dụng đó đã cho thấy rằng chúng không còn có thể được dung dưỡng nữa. Có những bất đồng lớn về lễ Mi-sa, đó là lễ Tiệc thánh. Có lẽ thế giới đang chịu sự hình phạt vì sự uế tục của lễ Mi-sa trong khoảng một thời gian dài, và vì cớ những con người có khả năng và trách nhiệm để sửa đổi tình trạng này lại cứ dung dưỡng điều đó mãi trong Hội thánh suốt nhiều thế kỷ qua. Nó được chép trong Mười Điều răn: “Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.” (Xuất 20:7). Nhưng kể từ khi thế giới bắt đầu, không có điều gì được Đức Chúa Trời ban hành mà bị lạm dụng vì lợi ích dơ bẩn như lễ Mi-sa.

Một ý kiến được thêm rằng lễ Mi-sa cá nhân được gia tăng vô số kể. Nó nói rằng Đấng Christ, bởi sự đau khổ của mình, đã trả nợ cho nguyên tội và xem lễ Mi-sa như một của lễ cho những tội lỗi hằng ngày kể cả lớn nhỏ. Từ quan điểm này đã dấy lên một niềm tin phổ biến rằng lễ Mi-sa cất đi những tội lỗi của người sống lẫn kẻ chết chỉ bằng hành động thể hiện bên ngoài. Rồi họ bắt đầu bàn cãi không biết lễ Mi-sa dành cho nhiều người thì có giá trị bằng những lễ Mi-sa đặc biệt cho từng cá nhân không. Qua việc này, người ta muốn nhận được từ Đức Chúa Trời tất cả những gì họ cần, và trong khi ấy sự tin cậy Đấng Christ và sự thờ phượng thật thì bị quên lửng.

Các giáo sư đã cảnh báo rằng những quan điểm này đã lệch khỏi Kinh thánh và làm lu mờ đi sự vinh hiển về sự thương khó của Đấng Christ. Vì sự đau đớn của Đấng Christ là một của lễ và là sự trả nợ không chỉ cho nguyên tội, mà cũng cho tất cả những tội lỗi khác nữa, như có chép rằng: “chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.” (Hê-bơ-rơ 10:10). Cũng “vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” (Hê-bơ-rơ 10:14). (Thật là vô tâm khi dạy rằng bởi sự chết của Ngài, Đấng Christ đã trả nợ chỉ cho nguyên tội mà không cho tất cả mọi tội lỗi khác. Vì họ trông mong mọi người hiểu rằng những lầm lỗi cần phải bị sửa phạt vì mục đích tốt lành.)

Kinh thánh dạy rằng chúng ta được xưng công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời, qua đức tin nơi Đấng Christ, khi chúng ta tin rằng tội lỗi chúng ta được tha thứ vì cớ Đấng Christ. Bây giờ nếu lễ Mi-sa có thể cất tội lỗi của người sống lẫn kẻ chết chỉ bởi thực hiện lễ đó, thì sự xưng công nghĩa đến bởi việc làm của lễ Mi-sa, chứ không bởi đức tin. Kinh thánh không cho phép điều này.

Nhưng Đấng Christ đã truyền dạy chúng ta: “Hãy làm sự này để nhớ đến ta.” (Lu-ca 22:19). Do đó lễ Mi-sa được cử hành để những ai dự thì nên nhớ: bởi đức tin, họ nhận được ích lợi qua Đấng Christ và lương tâm bối rối của họ được vui mừng và an ủi. Nhớ Đấng Christ là nhớ đến những đặc ân của Ngài. Có nghĩa là nhận biết rằng những đặc ân ấy thực sự đã được ban cho chúng ta. Thật là thiếu sót khi chỉ nhớ đến biến cố lịch sử mà thôi. (người Do thái và người không tin cũng nhớ điều này) Do đó, lễ Mi-sa được sử dụng để cử hành cho những người cần sự an ủi. Ambrose nói rằng: “Vì tôi luôn luôn có tội, cho nên tôi luôn cần có thuốc chữa.”

Bởi lễ Mi-sa vì mục đích là ban Thánh lễ, nên chúng tôi có lễ Tiệc thánh vào mỗi ngày thánh, và nếu ai mong ước Thánh lễ, chúng tôi cũng đưa nó vào những ngày khác, và nó được ban phát cho tất cả những ai cần. Luật định này không phải là điều mới mẻ trong Hội thánh. Các giáo hoàng trước Gregory không để ý đến lễ Mi-sa cá nhân, nhưng họ nói nhiều về Mi-sa phổ thông, hay tiệc thánh. Chrysotom đã nói: “Các linh mục hằng ngày đứng chầu nơi bàn thờ, mời một số người đến dự Tiệc thánh và cũng từ chối một số khác.” Những quyết định của hội đồng trước đây cho rằng một người cử hành lễ Mi-sa qua đó các trưởng lão và các chấp sự khác đã nhận thân Chúa. Những tư liệu về những quyết định của Công đồng Nicaea nói rằng: “Hãy để các chấp sự, theo thứ tự, nhận lãnh Tiệc thánh từ các trưởng lão, hay từ các giám mục.” Trong I Cô-rinh-tô 11:33 đã có mạng lịnh về lễ Tiệc thánh: “Hãy chờ đợi nhau”, đó có thể là một sự tham dự chung.

Do đó, từ khi lễ Mi-sa ở giữa vòng chúng tôi theo gương của Hội thánh, Kinh thánh và các giáo phụ, chúng tôi tin rằng nó không thể không được tán thành. Điều này thật đặc biệt bởi vì chúng tôi giữ gìn những nghi lễ chung hầu hết các nơi đều giống nhau. Chỉ có số lượng buổi lễ Mi-sa là khác mà thôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, những buổi lễ này có thể được giảm đi theo chiều hướng có lợi, vì những sự lạm dụng quá lớn và rõ ràng. Trong thời gian trước đây, ngay cả những Hội thánh có người tham dự thường xuyên nhất, lễ Mi-sa cũng không được cử hành mỗi ngày, như Tripartite History (Quyển 9, chương 33) minh chứng rằng: “Tại Alexandria, mỗi thứ Tư và thứ Sáu, Kinh thánh được đọc và các học giả đã giải nghĩa, và mọi điều được thực hiện, ngoại trừ nghi thức trọng thể Tiệc thánh.”

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *