BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (13) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

ĐIỀU XXV: Sự Xưng Tội

Sự xưng tội trong Hội thánh không thể bỏ qua giữa vòng chúng tôi. Thân Chúa thường không được ban cho những con người không chịu xét mình (I Cô-rinh-tô 11:27-28) và họ không nhận được sự tha thứ. Dân chúng được dạy một cách kỹ lưỡng về đức tin để được tha thứ. Trước đây, bẵng đi một hồi, người ta chẳng được nghe nói về đức tin. Ngày nay người ta đã đánh giá cao về sự tha thứ như là tiếng phán của Đức Chúa Trời và được công bố bởi mạng lịnh của Ngài. Năng quyền của chìa khóa nước trời (Ma-thi-ơ 16:1) được công bố trong vẻ đẹp của nó. Nó đem lại sự yên ủi lớn cho những lương tâm bấn loạn và Đức Chúa Trời đòi hỏi đức tin để tin sự tha thứ như là tiếng phán đến từ trời (Giăng 12:28-30). Họ được dạy nhiều về đức tin trong Đấng Christ để thực sự nhận lãnh sự tha thứ tội lỗi. Trước đây, những sự chuộc tội thì không hạn chế trong lời ca ngợi, nhưng chỉ nói một ít về đức tin, công lao cứu chuộc của Đấng Christ, và sự xưng công nghĩa bởi đức tin. Do vậy, về phương diện này Hội thánh chúng tôi không hề bị khiển trách. Ngay cả đối phương của chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng các giáo sư của chúng tôi đã dạy một cách kỹ lưỡng về giáo lý ăn năn và giải thích về nó.

Hội thánh chúng tôi dạy rằng việc kể tên từng tội lỗi là điều không cần thiết và những lương tâm không cần phải nặng gánh với sự lo lắng về từng tội lỗi này. Thật không thể nào kể ra hết mọi tội lỗi, như Thi thiên 19:12 nói rằng: “Ai biết được các sự sai lầm mình?” Giê-rê-mi 17:9 cũng nói rằng: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa, ai có thể biết được?” Nếu chỉ những tội lỗi nào được xưng ra mới có thể được tha thứ, thì lương tâm của chúng ta không thể nào tìm thấy được sự bình an, bởi vì có quá nhiều tội lỗi mà chúng ta không thể nhìn thấy hay là nhớ đến chúng. Các tác giả xưa cũng minh chứng rằng việc xưng ra từng tội lỗi là điều không cần thiết. Trong một sắc luật, Chysostom đã nói:

“Tôi không nói rằng quí vị cần phải công khai xưng nhận tội lỗi của mình, cũng không cần phải tố cáo tội lỗi của mình với người khác, nhưng tôi khuyên quí vị hãy vâng theo lời tiên tri: Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va (Thi thiên 37:5). Vì vậy, việc xưng tội của quí vị trước mặt Đức Chúa Trời – Đấng xử đoán, với lời cầu nguyện, hãy xưng ra những lỗi lầm của mình, nhưng không phải bằng môi miếng, mà theo sự cáo trách lương tâm của quí vị.”
Và Gloss (Of Repentance, Distinct. V, Cap. Consideret)  thừa nhận rằng sự xưng tội là quyền của con người. Tuy nhiên, vì cớ lợi ích lớn của sự tha tội, và có ích cho lương tâm, sự xưng tội vẫn còn tồn tại giữa vòng chúng tôi.

ĐIỀU XXVI: Phân Biệt Các Loại Thức Ăn

Sự dạy dỗ này không chỉ được dạy cho mọi người, nhưng cũng được dạy dỗ trong Hội thánh, họ được thuyết phục để tin những sự khác biệt giữa các loại thức ăn và những truyền thống tương tự của con người. Họ tin rằng những điều này là những việc làm có ích cho việc nhận ân điển bởi công đức và có thể làm thỏa mãn những tội lỗi. Điều này dẫn đến những nghi lễ mới, những nguyên tắc, những ngày thánh, và những sự kiêng cữ mới để thực hiện hằng ngày. Các giáo sư trong Hội thánh đòi hỏi những việc làm này như là một nghi thức cần thiết cho ân điển bởi việc làm. Lương tâm của con người quá sợ hãi khi họ không thể thực hiện được những điều này. Vì cớ quan điểm này mà Hội thánh phải bị tổn hại rất lớn.

Thứ nhất, phần quan trọng của Phúc âm – giáo lý về ân điển và sự xưng công nghĩa bởi đức tin – đã bị che mờ bởi quan điểm này. Phúc âm cần nổi bật như là sự dạy dỗ nổi trội nhất trong Hội thánh để công lao cứu chuộc của Đấng Christ được biết đến và có đức tin để tin rằng những tội lỗi được tha thứ vì cớ Đấng Christ, và được tôn cao hơn những việc làm. Do đó, Phao-lô cũng đã nhấn mạnh đến tín lý này nhiều nhất, ông đã gạt bỏ luật pháp và những truyền thống con người để bày tỏ rằng sự xưng công nghĩa của Cơ Đốc nhân là quan trọng hơn những việc làm (Rô-ma 14:17). Sự xưng công nghĩa bởi đức tin là tin rằng tội lỗi được tha thứ hoàn toàn vì cớ Đấng Christ. Nhưng giáo lý này của Phao-lô hầu như hoàn toàn bị bóp nghẹt bởi những truyền thống, đã phát sinh ra ý kiến cho rằng chúng ta phải xứng đáng với ân điển và sự xưng công nghĩa bởi việc kiêng cữ các thức ăn và những hình thức tương tự. Trong khi dạy dỗ về sự ăn năn thì đức tin không được đề cập đến nhưng chỉ những việc làm để giải quyết tình trạng tội lỗi thì được nêu ra. Và như vậy sự ăn năn dường như hoàn toàn giữ đúng với những việc làm này.

Thứ hai, những truyền thống này cản trở mạng lịnh của Chúa, vì chúng đã được đặt trên mạng lịnh của Ngài.

Cơ Đốc giáo thường bị cho là chống lại hoàn toàn việc tuân giữ những ngày thánh, những nghi lễ, kiêng ăn, và những lễ phục … Những việc tuân giữ này được gán cho những cái tên rất kêu như là “đời sống thuộc linh”, “đời sống trọn vẹn”. Trong khi đó, những mạng lịnh của Đức Chúa Trời, tùy theo tâm nguyện hay sự kêu gọi của mỗi người, lại không được chú trọng. Những việc làm như là việc một người cha nuôi dạy con cái mình, một người mẹ sinh con, một ông hoàng cai trị thần dân của mình – những điều này được kể như là công việc thế tục và do đó được xem là những việc làm không trọn vẹn, ở xa bên dưới vẻ hòa quang của những sự tuân giữ trong Hội thánh. Điều lầm lỗi này là nỗi thống khổ cho những người có tấm lòng thành tâm. Họ đau buồn vì không có được đời sống trọn vẹn, như trong hôn nhân, trong những nhiệm vụ được giao, hay trong công việc thường ngày. Họ khâm phục các tu sĩ và một số người khác giống như vậy. Họ suy nghĩ lệch lạc rằng những việc tuân giữ của những người này càng được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Thứ ba, những sự tuân giữ đem đến cho lương tâm một hiểm họa lớn. Đó là chúng ta không thể tuân giữ tất cả những truyền thống, thế nhưng người ta lại nghĩ rằng những sự tuân giữ này là những hành động cần thiết cho sự thờ phượng. Gerson đã viết rằng nhiều người đã rơi vào tuyệt vọng, ngay cả một số người đã liều mạng sống mình, bởi vì họ cảm thấy không thể làm trọn được những luật truyền thống ấy. Trong khi đó họ chẳng bao giờ được nghe về sự an ủi của việc xưng công nghĩa bởi đức tin và ân điển. Chúng ta thấy tại các trường thần học, những học viên thường tập trung vào những truyền thống và tìm kiếm những phương cách để làm cho lương tâm được nhẹ nhàng và thanh thản. Nhưng lương tâm của họ không được giải thoát mà lại càng vướng mắc hơn nữa! Những trường học và các bài giảng đã quá bận rộn tập trung vào những “truyền thống” này, ngay cả họ không có đủ thì giờ thong thả để đụng đến Kinh thánh. Họ không tiếp tục để đeo đuổi thêm những giáo lý có ích về đức tin, thập tự giá, sự hy vọng, phẩm chất của những việc làm thế tục, và sự an ủi cho lương tâm với nhiều thử luyện. Do đó, Gerson và một số nhà thần học khác đã phàn nàn rằng vì cớ tất cả sự phấn đấu để đạt được những truyền thống, họ bị cản trở mà không thể chú ý đến giáo lý tốt hơn. Augustine không muốn lương tâm con người phải bị đè nặng. Ông cẩn thận khuyên Januarius phải biết rằng họ đã phải tuân giữ những điều không được truyền từ Đức Chúa Trời hay những điều bị ngăn cấm, chẳng hạn như những lời của ông.

Do đó, cũng đừng nên xem các giáo sư của chúng tôi là những người đã đề cập đến vấn đề này một cách vội vàng, hay vì căm ghét các giám mục, như một số người đã ngờ vực. Cần phải cảnh báo Hội thánh về những sai phạm này đã dấy lên từ những sự hiểu lầm về truyền thống. Phúc âm buộc chúng ta nhấn mạnh đến giáo lý ân điển và sự xưng công nghĩa bởi đức tin trong Hội thánh. Điều này không thể hiểu được nếu như người ta cứ nghĩ rằng họ nhận ân điển bởi việc tuân giữ sự chọn lựa của riêng mình.

Vì thế Hội thánh đã dạy rằng chúng ta không thể nhận được ân điển hay được xưng công nghĩa bởi việc tuân giữ những truyền thống của con người. Chúng ta đừng nghĩ rằng những sự tuân giữ truyền thống là những hành động cần thiết cho sự thờ phượng. Ở đây chúng ta có thêm những chứng cứ của Kinh thánh. Đấng Christ đã bảo vệ các Sứ đồ của mình là những người không giữ những truyền thống thường ngày (Ma-thi-ơ 15:3). Truyền thống này không phải là luật pháp, hay là một mạng lịnh, hay là một điều răn cấm. Nó giống như những sự trong sạch của luật pháp. Ngài nói trong Ma-thi-ơ 15:9 rằng: “Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi con người đặt ra.” Do đó Ngài không đòi hỏi những việc làm vô ích của con người. Ngài lại nói tiếp: “Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người, nhưng điều chi ở miệng ra, ấy là điều làm dơ dáy người vậy.” (Ma-thi-ơ 15:11). Trong Rô-ma 14:17, Phao-lô cũng nói: “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh.” Và trong Cô-lô-se 2:16, “Chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ,… hoặc ngày Sa-bát.” Và “Ví bằng anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ này ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ.” (Cô-lô-se 2:20-21). Phi-e-rơ nói rằng: “Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi? Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ ơn Đức Chúa Giê-xu, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy.” (Công vụ 15:10-11) Ở đây Phi-e-rơ đã không cho phép lương tâm phải bị chất nặng bởi nhiều nghi lễ từ thời Môi-se cũng như những người khác. Trong I Ti-mô-thê 4:1-3, Phao-lô gọi những việc kiêng cữ các thức ăn là đạo lý của quỉ dữ. Nó ngược lại với Phúc âm để thực hiện hay làm những công việc mà chúng ta cho là xứng đáng để nhận ân điển qua các việc làm ấy, hay nghĩ rằng Cơ Đốc giáo không thể tồn tại mà không có sự phục vụ Đức Chúa Trời. Đối phương đã kiện cáo các giáo sư của chúng tôi về việc chống lại kỷ luật và sự thuần phục xác thịt. Khi đọc những văn phẩm của các giáo sư, chúng ta thấy được sự trái ngược này. Họ luôn luôn dạy rằng những Cơ Đốc nhân phải vác thập tự giá (Ma-thi-ơ 16:24) bởi những sự xung đột dai dẳng. Đây là sự khuất phục thật sự của xác thịt (I Phi-e-rơ 2:11), để được đóng đinh với Đấng Christ qua nhiều sự đau khổ. Hơn thế nữa, họ dạy rằng mỗi Cơ Đốc nhân phải luyện tập và thuần phục chính mình với sự kìm chế của cơ thể, hay những nỗ lực và rèn luyện bản thân, để những sự nuông chìu hay sự lười biếng không thể cám dỗ người ấy phạm tội. Nhưng họ không dạy rằng chúng ta có thể nhận ân điển hay giải quyết tình trạng tội lỗi bởi những sự rèn luyện ấy. Sự kỷ luật con người bề ngoài phải được dạy thường xuyên chứ không phải chỉ vài ngày. Đấng Christ đã truyền dạy: “Vậy hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng về đời này làm cho lòng các ngươi mê mẫn chăng” (Lu-ca 21:34). Trong Ma-thi-ơ 17:21, “Những thứ quỉ này nếu không kiêng ăn và cầu nguyện thì chẳng trừ nó được.” Phao-lô cũng nói: “Tôi đãi thân thể tôi nghiêm khắc, bắt nó phải phục.” (I Cô-rinh-tô 9:27). Ở đây ông trình bày rõ ràng rằng ông bắt thân thể của mình phải thuần phục, không phải là để được tha thứ tội lỗi bởi việc kỷ luật bản thân, nhưng để khuất phục thân thể và sửa soạn thân thể để làm những việc thuộc linh, để làm trọn bổn phận về sự kêu gọi. Do đó, chúng ta không nên lên án việc kiêng ăn (Ê-sai 58:3-7), nhưng truyền thống thì đòi hỏi phải kiêng giữ những ngày tháng, hay những thức ăn nào đó nguy hại đến lương tâm, cho dù những việc làm là sự phục vụ cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta cần vâng giữ những điều truyền thống có thể đem đến sự trật tự tốt (I Cô-rinh-tô 14:40) trong Hội thánh, chẳng hạn như thứ tự các bài học Kinh thánh trong hội chúng và những ngày lễ quan trọng. Cùng lúc đó, chúng tôi cảnh báo cho mọi người biết rằng những sự tuân giữ truyền thống không thể xưng chúng ta công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời, và sẽ không phải là tội nếu chúng ta bỏ đi một số điều mà không gây nên sự vấp phạm. Các giáo phụ đã biết nhiều đến sự tự do trong những nghi lễ của con người. Tại phương Đông người ta tổ chức lễ phục sinh vào thời điểm khác ở La-mã. Khi người La-mã lên án giáo hội phương Đông là giáo hội ly khai, họ được dạy rằng những nghi lễ ở mỗi nơi không nhất thiết phải giống nhau. Irenaeus nói: “Sự khác biệt liên quan đến vấn đề kiêng ăn không phá vỡ sự hài hòa của đức tin.” Giáo hoàng Gregory nói rằng (Dist.XII) sự khác biệt không làm rối loạn giáo hội. Trong Tripartite History, quyển 9, nhiều nghi lễ khác nhau được tập hợp, với câu nói dưới đây:

“Nó không phải là ý tưởng của các sứ đồ về những luật lệ ban hành liên quan đến những ngày lễ kỷ niệm, nhưng để rao giảng về một nếp sống thánh khiết và tin kính.”

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *