BÌNH AN ĐÍCH THỰC

Câu truyện đời thường

Nhà Vua mở cuộc thi vẽ với chủ đề là Bình An. Có nhiều hoạ sĩ đã thi thố tài năng của mình. Có rất nhiều, nhưng vua chỉ thích 2 trong số đó.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt đẹp có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Phía trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lỏm chỏm đá. Ở phía trên là bầu trời giận dữ đổ mưa kèm theo tiếng sấm chớp đang xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.

Nhưng chú ý hơn, nhà vua thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của tảng đá. Và trong bụi cây đó, một con chim mẹ đang xây tổ. Dầu giữa dòng thác trút xuống cách giận dữ, nhưng chim mẹ vẫn đậu trên tổ của mình một cách thản nhiên.

Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang phong ba bão táp ta vẫn thấy yên tịnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.  (sưu tầm)

Câu truyện Lời Chúa

Đức Giêsu nói: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. (Giăng 14,23-29 NGKPV).

Câu truyện của chúng ta

Bình an không có nghĩa là không có khó khăn, thử thách hay gian nan nào, nhưng bình an giúp ta có đủ can đảm để đi xuyên qua nó một cách tự tin.

Giống như chân lý là chân lý, tự nó là chân lý, thì bình an cũng vậy. Tự nó là bình an. Nó chẳng lệ thuộc hay bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Và người có bình an thì luôn tỏ ra bình thản, yêu đời, không sợ hãi trước nghịch cảnh. Nét mặt họ luôn thư thái an nhàn như chẳng có chuyện gì xảy ra cả, dù đời họ đầy dẫy đắng cay.

Dấu chỉ dễ nhận thấy nơi họ là luôn vui sống với hiện tại. Không chỉ trích hay phê bình ai, càng không muốn xét đoán hay gây xung khắc với người khác cũng như chính mình. Họ không cảm thấy lo lắng gì, tiếp xúc với họ thì dễ gần dễ thân, dễ mến. Bởi họ cười nói bằng ngôn ngữ của tâm hồn an bình và sẵn sàng đón nhận mọi chuyện trong đời xảy đến với thái độ chấp nhận.

Bình an không có nghĩa là không gặp thử thách, nhưng bình an luôn làm cho con người cố gắng hơn, mạnh mẽ, can trường và dẻo dai hơn, sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống của cuộc sống một cách bình thản, tự tin.
Những ích lợi của bình an

Bình an giúp phát triển nhân đức. Bình là điều cần có cho các nhân đức phất triển, phát huy và được nâng đỡ.“Giêrusalem phải được bình an, các dinh thự trong thành mới được phồn vinh” (TT121,7). Bởi khi tâm hồn đã bị các lo lắng, sợ hãi, khủng hoảng xâm chiếm, thì còn đâu nghĩ đến việc lành việc tốt, hay việc phải làm. Một khi tâm hồn bối rối thì làm sao có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, chính xác, kịp thời được. Tâm hồn bối rối dễ làm kiệt quệ sức khỏe và tinh thần con người, hơn cả khi phải làm những việc lao động nặng nhọc.

GM. Phanxicô Salêsiô thường nói : “Chỉ một giờ, tâm hồn yên tĩnh làm được nhiều việc hơn người khác làm trong một ngày”.

Bình an giúp giảm nhẹ thử thách. Việc chúng ta nên thánh không phải là kết quả của riêng Thiên Chúa hay một mình ta. Nhưng là sự cộng tác đôi bên, mà Thiên Chúa giữ vai trò chủ động, con người thì đáp trả lại lời mời gọi ấy.

Thử thách có thể làm cho con người bị quật ngã, sợ hãi, thất vọng, tránh né. Nhưng xét về mặt tu đức, thì những gian truân trở thành cơ hội để gọt dũa tâm hồn nên thon thả, gọn gàng, sạch sẽ, trong sáng, trở nên giống Chúa hơn.

Nhờ bình an, ta tin tưởng đi theo Chúa. Một tâm hồn mến yêu thiết Ngài, thì luôn sẵn sàng chịu đựng những đau khổ đến với mình, nhờ vậy, thánh giá trở nên nhẹ nhàng. Vì họ đón nhận được nguồn sức mạnh siêu nhiên, đôi lúc còn cảm thấy tâm hồn tràn ngập hân hoan.

Còn người luôn than phiền, trách móc, nản chỉ thì càng làm cho đau khổ thêm khổ đau, và gánh nặng cuộc đời mỗi lúc một trĩu nặng hơn.

Bình giúp chiến thắng cám dỗ. Bí quyết để chiến thắng trong mọi cuộc chiến, trước tiên phải là tự chủ. Nếu biết sáng suốt nhìn thấy rõ đối phương đang muốn gì và bình tĩnh thấy được hiện trang của mình thế nào, thì đó là một khởi đầu để chiến thắng. Vì: “Khi tâm hồn tôi rối loạn, tôi chẳng còn sức lực gì và chính mắt tôi cũng mù quáng nữa” (TT 37,11). Ta càng hoảng loản và bấp bênh, thì ma quỷ càng có nhiều cơ hội để tấn công.

Người bình an sẽ dễ đón nhận những hướng dẫn, chia sẻ của người khác, giúp có những kế sách đối phó tốt nhất đối với các cơn cám dỗ.

Bình an giúp kết hợp với Chúa. Người quá bối rối hay lo âu sự đời, với bả vinh hoa phú quý, giống như hạt giống rơi vào bụi gai, thì thật khó có tâm trí nào mà nhớ đến Chúa, bàn hỏi hay tâm sự với Ngài.

Người bình an, họ biết sử dụng mọi phương tiện vật chất, các cơ hội trong các tương quan của cuộc sống để đầu tư cho sự sống đời đời. Vì thế, mọi lời nói việc làm của họ đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chứ không làm một cách chiếu lệ, cho qua. Bởi họ luôn đặt đời họ trước mặt Thiên Chúa, trong cái nhìn yêu thương quan phòng của Ngài.

Thánh Phaolô đã lưu ý như sau “Anh em hãy giữ bình an, bình an với bản thân, bình an với tha nhân, rồi Chúa bình an và tình ái sẽ ở với anh em” (2Cr 13,13).

Bình an giúp tăng thêm ân sủng. Bình an là một chiếc thuyền chứa đầy những nhân đức làm người. Chiếc thuyền này sẽ giữ cho cuộc sống và nhân đức ổn định, không bị xào xáo. Nếu chiếc thuyền bị chòng chành, nghiêng ngả, thì mọi thứ sẽ bị đảo lộn, rối tung, và nếu chìm mất bình an, thì mọi thứ cũng sẽ bị chìm theo.

Nếu luôn giữ được bình an trong đời, thì mọi nhân đức có cơ hội phát triển, bám rễ sâu vào mảnh đất công bằng, chân lý, sự thật, tình yêu và đức tin. Bình an đem lại cho đời sống con người nhiều ích lợi. Từ hy vọng, tin yêu phó thác, đến sức mạnh, nghị lực, can đảm và can trường trên đường đời.

Bình an giúp làm vinh danh Chúa. Muốn làm vinh danh Chúa đòi ta phải bình an và tin tưởng. Nhờ thế, ta mới tìm ra được ý Chúa muốn gì cho sứ vụ đời mình. Rồi trong hoàn cảnh cụ thể, ý Chúa thế nào, ta đón nhận và làm như vậy. Nhờ đó, vình quang, uy quyền và danh dự của Chúa được tỏ bày nơi trần gian, trong những con người cụ thể, qua dụng cụ tốt lành của Ngài là chúng ta.

Bình an giúp thành công trong việc tông đồ. Lo sợ là điều cấm kỵ đối với người lãnh đạo nói chung, người tông đồ nói riêng. Vì không bình tĩnh, đối phương sẽ lừa cơ lợi dụng, phát hiện điểm yếu của mình mà tấn công. Ta có thể đón nhận sức mạnh của Chúa trong bình an để tạo niềm tin mạnh mẽ cho cuộc chiến chống lại sự dữ và kiến tạo hòa bình.

Chúa Giêsu và bình an. Trước khi về trời, Ngài ban cho các tông đồ không phải là kiến thức hay tiền bạc, nhưng là bình an. Vì con người làm mất bình an, nên Ngài đã trả lại món quà này cho nhân loại: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới đất cho người thiện tâm. (Lc 2,14).

Trong cuộc đời của Ngài luôn biểu lộ và loan truyền cũng như chúc phúc cho mọi người là bình an cho các con,.. hãy về bình an. Thầy ban bình an cho anh em không như thế gian ban tặng.

Thánh kinh trích từ bản dịch của NGKPV.

THANH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *