CHỦ TỊCH CARITAS NHẬT BẢN NÓI TIỀN BẠC KHÔNG THAY ĐỔI ĐƯỢC CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI NGHÈO

John Choi từ Seoul

Chỉ có tiền bạc thôi thì không thể làm thay đổi cuộc sống của người nghèo tại các nước đang phát triển – Đức Giám mục Tarcisius Kikuchi Isao của Niigata, Chủ tịch Caritas Nhật Bản, phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế Hoà bình lần II, diễn ra từ ngày 5-6/11 tại Seoul, Hàn Quốc.

“Chỉ chuyển các nguồn tài chính từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thì không thể tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của tầng lớp thường dân được” – Đức Giám mục Tarcisius Kikuchi Isao phát biểu.

“Vì thế, khái niệm phát triển con người nên được xem là ưu tiên hàng đầu” – Đức cha Kikuchi nói trong diễn văn chính tại Hội nghị được tổ chức bởi Diễn đàn Giáo dục Công giáo tại bệnh viện Đức Bà Seoul.

Diễn đàn khám phá các vấn đề và tình hình phổ biến ở các nước Á châu và tìm cách trao đổi và hợp tác với nhau. Diễn đàn được thành lập năm ngoái, hỗ trợ giáo dục và y khoa ở châu Á.

Đức cha Chủ tịch Caritas Nhật Bản nói rằng người dân cần được trao quyền để đẩy mạnh hoà bình ở châu Á. Và các nước phát triển kinh tế và chính trị ở châu Á cần phải hỗ trợ tiến trình này.

Trong một diễn văn khác, Francis Lee Dae-hoon, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sungkonghoe của Anh giáo tại Hàn Quốc, thúc giục đẩy mạnh tình liên đới để xây dựng một nền văn hoá hoà bình.

“Để xây dựng hoà bình tại châu Á, các tổ chức tôn giáo và giáo dục cùng với các tổ chức phi chính phủ khác và giới truyền thông phải đẩy mạnh tình liên đới” – giáo sư Lee nhấn mạnh.

Ông nói thêm: “Thông qua trao đổi và hợp tác phục hồi giá trị hoà bình, các nhóm này cần xác nhận lại văn hoá hoà bình phong phú ở châu Á”.

Trước đó, trong diễn văn chào đón tham dự viên, Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin-suk của Seoul cũng thúc giục thực hành tình liên đới.

“Tình liên đới là một nhân đức của Đức Giêsu Kitô” – Đức Hồng y Cheong nói. “Khi chúng ta xây dựng tình liên đới để thực hành đức ái, Chúa Giêsu sẽ ở với chúng ta”.

Ngài nói tiếp: “Nghèo đói ở châu Á không phải do thiếu nguồn lực mà do thiếu sự chia sẻ”.

Đức Hồng y Cheong kết luận: “Nhớ lại ý nghĩa liên đới của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, chúng ta nên mang tình yêu và hy vọng đến cho tha nhân thông qua tình bằng hữu”.

Theo TTCG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *