Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội quy hướng về Chúa Giê-xu Christ với tôn hiệu “Vua các vua, Chúa các chúa” với niềm tin triều đại thái bình, công chính, thánh thiện và hạnh phúc của Thiên Chúa sẽ đến; và hết những ai trung tín với Người sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời ấy trong nước Thiên Chúa.
Giáo hội truyền thống Cơ Đốc Giáo toàn cầu thiết lập lễ Chúa Kytô, Vua vũ trụ vào ngày 11.12.1925 không nhằm mục đích loan báo với thế giới rằng, chiến tranh và bạo lực không bao giờ là cách thế để làm cho thế giới này bớt xung đột, bớt đi những chết chóc và tội ác. Đồng thời khẳng quyết rằng, thế giới này sẽ bình yên không còn xung đột, tội ác sẽ không còn đất sống nếu nhân loại biết nhìn lên thập giá Chúa Giê-xu Christ và nhận ra chân lý : chỉ có tình yêu và tha thứ mới chiến thắng tất cả. Chính Chúa Giê-xu Christ dưới tôn danh “Vua muôn vua” sẽ là mẫu giương cho hết những ai mưu tìm chân, thiện, mỹ.
Không ngẫu nhiên, Phúc Âm hôm nay đặt trong bối cảnh đồi Canvê- nơi Chúa Giê-xu chịu treo trên thập giá vì nhân loại, nhằm tôn vinh danh hiệu vương đế của Chúa Giê-xu Christ. Đây phải chăng là trò hề của những kẻ dại khờ? Vâng, trước mặt thiên hạ, trên đồi Canvê năm ấy, Chúa Giê-xu chỉ là một tên tử tội không hơn không kém. Những lời nhục mạ của dân chúng, những khinh khi nhạo cười của thủ lãnh Dothái rồi binh lính và ngay cả lời chê bai đồng tình của tên gian phi, tất cả đều cho thấy Chúa Giê-xu đã thất bại, không thể cứu vãn được tình thế!
Tuy nhiên, ngay chính trong hoàn cảnh đen tối ấy, xen giữa tiếng cười man rợ của thủ lãnh Dothái, quân lính và tên gian phi, một ánh sáng loé lên, tiếng nói từ trong trái tim của một con người cùng khốn cất lên khác hẳn với tiếng cười nhạo báng kia : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm gì trái” và “Ông Giê-xu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Có thể nói anh gian phi này quả là điển hình cho mẫu người biết hối cải, là mẫu mực cho những ai cùng khốn biết nhận ra thân phận tội lỗi của mình và chấp nhận án phạt. Chưa hết, đang khi từ thủ lãnh Dothái, quân lính cho đến dân chúng nhạo báng tư cách làm Vua của Chúa Giê-xu mà đối với họ, Chúa Giê-xu chỉ là một ông “vua giấy”, ông “vua hề” không hơn không kém, thì chính anh, con người cùng khốn đó lại nhận ra chân dung của một ông Vua uy quyền – Đấng mà anh tin rằng có thể giúp anh sau khi lìa đời. Anh tuyên xưng lòng tin của mình thật khảng khái : “Ông Giê-xu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”.
Quyền vương đế của Chúa Giê-xu không đi từ trong cung điện rực rỡ nguy nga đi ra mà phát xuất từ chính cây thập giá. Lời tuyên bố của Chúa Giê-xu với anh trộm lành trên thập giá cho ta thấy Chúa Giê-xu Christ chính là Vua, chính Người mới có quyền cứu thoát và uy quyền của Người sẽ trở thành hiện thực vào lúc tận cùng của thế gian. Và do đó, cây thập giá không còn là cây khổ hình kinh tởm nữa, nó trở thành cây Sự sống, cây đem lại phúc trường sinh và Đấng treo mình trên đó sẽ quy tụ hết những ai tin theo Người. Chính Người là Vua, là lẽ sống, và là niềm hy vọng của con người.
Mừng lễ Chúa Giê-xu Christ, Vua vũ trụ là dịp nhắc nhớ chúng ta biết rằng chúng ta có một vị Vua trên muôn vua là chính ĐứcGiê-xu Christ. Vương quyền của Chúa Giê-xu Christ không cai trị bằng sức mạnh, bằng những quân binh hùng tráng nhưng bằng trái tim, bằng tình yêu. Ngai vàng của Ngài không gì khác hơn chính là cây thập giá sần sùi khô cứng và mũ triều thiên của Người chính là vòng gai quấn trên đầu. Và cuối cùng công dân của Người là hết những ai biết chấp nhận thử thách gian lao, hy sinh chính mình vì anh em, vì đồng loại.
Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn