ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ SỰ BẤT CÔNG

Lê Anh Huy

1- Giới thiệu:

Lịch sử nhân loại là lịch sử của sự bất công và đau khổ. Có một điều con người không bao giờ hiểu trọn vẹn là Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, Toàn Năng nhưng bất công lại lan tràn khắp đất. Người ta dễ dàng có câu giải thích khi hai trong ba điều này đứng chung với nhau nhưng hình như không ai giải thích thỏa đáng khi cả ba điều đứng chung với nhau. Cụ thể là:

1. Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình và có sự bất công: Câu giải thích có thể sẽ là Đức Chúa Trời là Đấng không Toàn Năng vì nếu Toàn Năng thì tại sao Ngài lại cho phép sự bất công xảy ra?

2. Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng và có sự bất công: Câu giải thích có thể sẽ là Đức Chúa Trời không Công Bình vì nếu Công Bình thì tại sao Ngài lại để cho sự bất công xẩy ra?

3. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Công Bình nhưng sự bất công lại lan tràn trên mặt đất. Nghịch lý này làm cho nhiều người còn đang nghi ngờ về sự hiện hữu của Chúa ngả lòng và cuối cùng chối bỏ Chúa. Nó cũng làm cho nhiều tín đồ nghi ngờ vào sự tể trị và quan phòng của Chúa rồi dần dần mất đức tin vào Ngài. Do vậy, nghịch lý này là điều mà những kẻ chống báng Chúa khai thác hòng lung lạc đức tin của con cái Chúa và lôi kéo những người đang đi tìm đạo Chúa ra xa khỏi Chúa.

Như vậy chân lý nằm ở đâu? Câu trả lời ở đâu? Trong phạm vi hạn hẹp của bài này chúng ta không cố gắng phân tích nguồn gốc và bản chất của sự bất công, nhưng đi tìm sự giải đáp của Kinh Thánh về viễn ảnh của những kẻ ác đã gây ra sự bất công đó.

2- Kinh Thánh thừa nhận sự thắng thế tạm thời của kẻ ác:

Bởi vì Kinh Thánh là mặc khải của Đức Chúa Trời theo chiều dài lịch sử của đất nước Do Thái nói riêng và của nhân loại nói chung cho nên Kinh Thánh không thể nào không nói tới sự bất công. Sự bất công lộ nguyên hình thù xấu xí của nó mỗi khi nền đạo đức của một đất nước đang trên đà xuống dốc như đất nước Do Thái trước khi bị đày qua Babilon hay đất nước Việt Nam hiện nay. Tác giả Thi Thiên 73 mô tả cảnh bất công ở đời khi kẻ ác hưng thịnh trước sự đau khổ của nhiều người khác:

‘‘Vì trong cơn chết chúng nó [kẻ ác] chẳng bị đau đớn;
Sức lực của chúng nó [kẻ ác] vẫn đầy đủ.
Chúng nó [kẻ ác] chẳng bị khổ nạn như người khác,
Cũng không bị tai họa như người đời’’

Khi chứng kiến những cảnh bất công như vậy, mọi người, kể cả tác giả Thi Thiên, đều mong muốn thấy được một sự “quả báo nhãn tiền”; nghĩa kẻ ác gặt phải gặt ác báo tức thời, hoặc ít ra là trong đời sống ngắn ngủi, họ mong muốn được thấy kẻ ác phải trả cái quả mà họ đã gieo. Ai ai trong chúng ta cũng đều được thấy nhiều trường hợp quả báo nhãn tiền nhưng cũng rất nhiều khi chúng ta có cái cảm giác buồn phiền như tác giả Thi Thiên vì sự bất công lan tràn mà kẻ gieo vẫn thong dong yên ổn. Đức Chúa Trời và sự bất công

3- Kinh thánh thừa nhận sự bất công có thể gây ra vấp ngã:

Đứng trước cảnh bất công đó con người tự hỏi tại sao. Nếu Thiên Chúa là đấng Công Bình thì tại sao Ngài không trừng phạt kẻ ác để bảo vệ kẻ lành? Có một công lý tuyệt đối không? Khi thấy kẻ ác thắng thế, tác giả Thi Thiên than vãn rằng đời sống đạo đức của mình trở thành vô ích vì nó chẳng đem lại cho mình một điều thuận tiện nào:

‘‘Tôi đã làm cho lòng tôi tinh sạch,
Và rữa tay tôi trong sự vô tội,
việc ấy thật lấy làm luống công;
Vì hằng ngày tôi phải gian nan,
Mỗi buổi mai tôi bị sửa phạt’’

Tâm trạng buồn phiền và thất vọng này ai ai cũng từng kinh nghiệm qua ít nhất một lần. Một cuộc sống thánh sạch cần phải chịu nhiều hy sinh vật chất, tinh thần, tình cảm gia đình, tâm trí, thì giờ, sự êm ái thuận tiện, và nhiều khi còn cả mạng sống mình nữa. Nhưng đổi lại chỉ thấy bất công đến với chính mình, là người cố gắng giữ mình cho trọn vẹn không đụng chạm đến ai. Trong khi đó những kẻ chuyên gây đau khổ cho kẻ khác sống thong dong, nhiều khi còn hưng thịnh nữa. Hình như sự đau khổ và bất công không bao giờ đụng đến họ. Sống trong thế giới vật chất tranh dành hiện nay, có-nói-có, không-nói-không, hay bị-tát-má-này-ta-đưa-má-kia-luôn dường như đem đến cho chúng ta chỉ có thua lỗ. Ngay cả tiên tri Giê-ra-mi cũng lên tiếng phàn nàn với Chúa về vấn đề này (Giê-ra-mi 12:1-2): ỀHỡi Đức Giê-hô-va, tôi biện luận cùng Ngài, Ngài thật công bình; dầu vậy, tôi còn muốn biện luận cùng Ngài. Sao đường lối những kẻ ác được thạnh vượng? Sao những người gian trá được yên ổn? Ngài đã vun trồng họ; họ đã đâm rễ, lớn lên và ra trái. Miệng họ ở gần Ngài song lòng họ xa cách Ngài.

Khi một người có thành tâm thiện ý tự mình đi tìm câu trả lời cho vấn đề tại sao bất công lan tràn, hắn ta chỉ đụng vào một chướng ngại vật không thể vượt qua vì vấn đề này quả là quá sự hiểu biết của con người:

‘‘Khi tôi suy gẫm để hiểu biết điều ấy,
Bèn thấy là việc cực nhọc quá cho tôi,’’

Khi không đủ sức tìm ra câu giải đáp, hắn ta cảm thấy bất lực. Kết quả là hắn ta nghiên về sự thỏa hiệp hay đầu hàng. (Tại sao phải sống ép mình thánh sạch trong khi kẻ ác được đủ điều thuận lợi?) Cảm giác bất lực có thể dẫn đến scảm giác uất ức. Sự uất ức có thể dẫn đến sự phản loạn và do đó phạm tội là điều hiển nhiên:

‘‘Còn về phần tôi, chân tôi đã gần vấp,
Xuýt chút bước tôi phải trợt.
Vì khi tôi thấy sự hưng thịnh của kẻ ác,
Thì có lòng ganh ghét kẻ kiêu ngạo.’’

Như vậy, có sự giải đáp cho nan đề rất chung và rất cá nhân này không? Bằng cách nào có được khi nó vượt qua sức của con người?

4- Lời giải đáp — Chính là Đức Chúa Trời

Tác giả Thi thiên 73 viết tiếp:

‘‘Cho đến khi tôi vào nơi thánh của Đức Chúa Trời,
Suy lượng về sự cuối cùng của chúng nó.
Chúa thật đặt chúng nó tại nơi trơn trợt,
Khiến chúng nó hư nát.’’

Khi con người đi vào nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời (có nghĩa là kinh nghiệm được sự hiện diện của Ngài) thì mới thấy sự thánh khiết tuyệt đối của Ngài. Khi đứng trước ngôi Thiên Chúa, con người mới thấy mình đứng trước sự phán xét. Khi đó sự ác mới có dịp bộc lộ bộ mặt thật của nó. Đứng trước sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, không một vết nhơ nào có thể tồn tại. Do đó có hai trường hợp xảy ra: 1- Nếu con người chấp nhận Ngài, Đức Chúa Trời với tình yêu bao la sẽ tự tay Mình rữa lấy tất cả vết nhơ (ác) cho đến khi con người trắng như tuyết và vì thế họ mới có thể đi vào nơi thánh cùng Ngài (ê-sai 1:18); 2- Nếu con người (kẻ ác) tiếp tục chối bỏ Ngài thì sự nhơ ác vẫn còn đó. Vì sự nhơ ác không thể ở cùng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời cho nên kẻ ác không ăn năn sẽ bị thiêu hủy (ê-sai 1:19).

Phước thay cho tác giả Thi Thiên 73, là người kinh nghiệm được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm đó cho phép chúng ta quay đầu lại ăn năn với Ngài, vì tất cả chúng ta đều đã phạm tội. Nhưng rủa sả cho những kẻ không nhìn thấy được Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết và do đó vẫn thản nhiên vui vẻ đi trong con đường ác, không ăn năn. Sự hưng thịnh của họ chỉ là tạm bợ, nhất thời. Giữa sự đau khổ và hưng thịnh, sự hưng thịnh nguy hiểm cho kẻ ác nhiều hơn. Vì sự hưng thịnh dễ làm cho con người tự cao tự đại, do đó càng đi quá đà; trong khi sự đau khổ có khuynh hướng đem con người tới sự ăn năn và từ đó được ơn tha thứ. Do đó, sự hưng thịnh của kẻ ác chính là con đường trơn trợt mà Đức Chúa Trời giăng ra để dẫn họ vào sự vấp ngả bởi chính họ.

5- Kết luận:

Vì con người là hữu hạn, cho nên chúng ta không có câu trả lời cho nhiều vấn đề. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn. Ngài là lời giải đáp cho mọi câu hỏi của chúng ta nếu chúng ta biết vào nơi hiện diện của Ngài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *