HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

LCV – Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo cho việc ký thác niềm tin trong không gian đa chiều về quan điểm thần học.

Mỗi ngày trôi qua là lịch sử của nhân loại nhích lại gần với giờ tận thế hơn. Trên con đường không thể đảo ngược đó, Cơ-đốc nhân thấy xuất hiện trong các giáo phái Đối Kháng và Tin Lành lắm hiện tượng gây thật nhiều bối rối. Điển hình là có một số Cơ-đốc nhân được người chăn khuyến khích làm chứng cho người Công Giáo, trong khi một số khác nghe người chăn gọi Giáo hội Công Giáo là Hội Thánh. Một số tín đồ nghe thống kê rằng tại Việt Nam có khoảng 2% dân số là Cơ-đốc nhân, nhưng có số khác nghe rằng trong số những người “tin Chúa” tại Việt Nam có khoảng tám triệu là người Công Giáo. Có một tổ chức “Tin Lành” nọ liệt kê nhà thờ Đức Bà tại Sài-gòn là một “Hội Thánh” (địa phương) nữa. Như vậy, nếu chỉ được cho phép trả lời “Phải” hay “Không” thì người Cơ-đốc nên trả lời như thế nào cho câu hỏi sau đây: Sự thờ phượng của người Công Giáo trong hệ thống Vatican có phải là sự thờ phượng Đức Chúa Trời của Hội Thánh? Hay hỏi cách đơn giản hơn, phải chăng Giáo hội Công Giáo La-Mã là một phần của Hội Thánh? Chỉ một câu trả lời cụt ngũn “phải” hay “không” đó có thể nói lên một rừng quan điểm thần học về Hội Thánh của một người. Câu trả lời đó quyết định hành động của một tín nhân trong khi đi khắp thế gian làm chứng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Nếu Giáo Hội Công giáo là Hội Thánh, thì không cần thiết phải làm chứng về Tin Lành cứu rỗi cho họ nữa mà chỉ cần huấn luyện môn đồ. Nếu họ chưa phải là Hội Thánh thì không thể nói về họ như là một phần của Hội Thánh. Còn có nhiều chuyện gây bối rối khác như: có người tự xưng mình là “Cơ-đốc nhân,” đi “nhà thờ,” dâng phần mười, nhưng không tin Thánh Kinh là lời Đức Chúa Trời, không tin Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa Duy Nhất, v.v. Cũng có người vừa tin mình là con Đức Chúa Trời, nhưng cũng tin thêm mình là Con Rồng Cháu Tiên nữa. Đây chỉ là những trường hợp tiêu biểu nhưng cũng đủ làm cho người ta phải nhức đầu vì chữ nghĩa.

Ngôn ngữ vốn có nhiều giới hạn, nên nó không có khả năng lột hết ý tưởng muốn trình bày. Đã vậy, nhiều lúc từ ngữ bị thoái hoá vì bị lạm dụng, nên đi lệch khỏi giá trị chuẩn mực đã được định nghĩa trước đó. Khi sự lạm dụng vượt quá một mức độ nào đó thì ngôn ngữ bị phá sản. Khi đó, người ta phải tái định nghĩa lại từ ngữ đó hay phải đi tìm một từ ngữ khác thế vào, để cho sự diễn đạt cái ý tưởng đã từng được diễn đạt bởi từ ngữ đó được chính xác và trọn vẹn trở lại. Ngôn ngữ Cơ-đốc cũng không tránh khỏi tệ nạn bị lạm dụng đến mức phá sản. Những từ ngữ như “tội lỗi,” “đức tin,” “được cứu rỗi,” “tái sinh,” “nên thánh,” “tín đồ,” “Cơ-đốc nhân,” “Hội Thánh,” “mục vụ,” “người chăn bầy,” v.v., đã không còn nguyên vẹn ý nghĩa đã được sử dụng lúc ban đầu. Thiết tưởng, đã đến lúc chúng ta cần dành thời gian để hồi phục lại những chuẩn mực nằm đàng sau các từ ngữ nói trên, như đã được sử dụng bởi Thánh Kinh lần đầu. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu với danh xưng Hội Thánh.

I. Hội Thánh

Danh từ Hội Thánh (mà nhiều người thường gọi là Hội Thánh “Vô Hình” hay Hội Thánh “Phổ Thông”) do chính Đức Chúa Jesus Christ sử dụng lần đầu tiên trong trong câu phán sau đây:
“Khi Ðức Chúa Jêsus đã vào địa phận thành Sê-sa-rê Phi-líp, bèn hỏi môn đồ, mà rằng: Theo lời người ta nói thì Con Người là ai? Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó. Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai? Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Ðấng Christ, con Ðức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Ðức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy. Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (Ma-thi-ơ 16:13-18)

1- Nguồn gốc của tên gọi:

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, là ngôn ngữ được dùng để ghi chép Thánh Kinh Tân Ước, từ dùng cho Hội Thánh là “ekklesia” (/ek-klay-see’-ah/) có nghĩa là “những người được gọi ra khỏi nhà để hội họp về công vụ.” Thoạt đầu, “ekklesia” không mang một nghĩa nào có liên quan đến Hội Thánh, mà chỉ được dùng với các nghĩa như sau [1]:

a. Công hội, tức là các buổi hội họp của dân chúng tại các địa điểm công cộng để nghị sự và biểu quyết các vấn đề chung.

b. Nhóm người tham dự cuộc công hội.

c. Sự tụ tập của bất kỳ một nhóm ngưòi nào vì bất kỳ một mục đích gì.

Nhưng sau đó, “ekklesia” được các tín đồ Đấng Christ người Y-sơ-ra-ên nói tiếng Hy-lạp và các tín đồ dân ngoại dùng để gọi [2]:

a. Cuộc hội họp của những Christian để thờ phượng Chúa và thi hành các nghi thức biểu lộ đức tin.

b. Thực thể bao gồm những Christian ở khắp thế gian (Ê-phê-sô 3:21).

c. Thực thể bao gồm những Christian tại một địa phương mà Cơ-đốc nhân thường gọi là “Hội Thánh tại địa phương,” như Hội Thánh tại Xen-cơ-rê (Rô-ma, Romans 16:1), Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (1 Cô-rinh-tô 1:2), Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1), v.v.

Trong thời kỳ Hội Thánh mới thành lập, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ, thì các sứ đồ, các tín đồ đầu tiên cũng chưa dùng danh xưng Hội Thánh mà tự gọi là “các anh em,” “các môn đồ,” “các thánh đồ,” “những người theo đạo,” v.v.. Nếu dịch cho sát nghĩa sang tiếng Việt, thì “ekklesia” nên được dịch là “hội chúng.” Tuy nhiên, vì tín đồ Đấng Christ được Thánh Kinh gọi là “thánh” (hagios, /hag-ee-os/) (Rô-ma 1:7; 1 Cô-rinh-tô 1:2; Ê-phê-sô 1:1; v.v.), và vì “hội chúng” của Đấng Christ được chính Ngài thánh hóa (Ê-phê-sô 5:26), cho nên dùng danh từ “Hội Thánh” để gọi các thánh đồ hay sự nhóm họp thờ phượng Chúa của họ cũng là một điều hợp lý.
Theo các tài liệu lịch sử và văn hóa về xã hội thời Đức Chúa Jesus, chúng ta có thể tin rằng Chúa sử dụng tiếng A-ram của vùng Ga-li-lê [3]. Đích xác chữ gì Chúa dùng trong vị trí chữ Ekklesia thì chúng ta không rõ. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều là chữ ekklesia nguyên thủy hoàn toàn có nghĩa đời, được Sứ Đồ Ma-thi-ơ lần đầu tiên đem đến một ý nghĩa mới: Ekklesia là hội của Đức Chúa Jesus Christ.

2- Cấu trúc của Hội Thánh:

2.1- Nền tảng của Hội Thánh:

Câu phán của Đức Chúa Jesus ngoài việc lần đầu tiên công bố sự thiết lập Hội Thánh còn bao gồm nhiều đề tài thần học khác gây khá nhiều tranh luận. Một trong các đề tài đó là thẩm quyền của các nhà lãnh đạo Hội Thánh trước khi Chúa tái lâm. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ riêng Phi-e-rơ là Petros, giống đực, tức là một hòn đá lớn; còn danh từ chung “Đá” là Petra, giống cái, có nghĩa là một tảng đá khổng lồ [4]. Chúng ta nhớ lại rằng chính Đức Chúa Jesus Christ đổi tên Si-môn, con của Giô-na, thành Phi-e-rơ (Giăng 1:42). Việc đổi tên này không phải là một chuyện tình cờ vì Ngài biết trước tương lai, trong đó có việc Phi-e-rơ lần đầu tiên công xưng Ngài là Đấng Christ. Tuy nhiên, con người Phi-e-rơ có phải Hội Thánh của Đức Chúa Trời
là nền tảng mà trên đó Đức Chúa Jesus Christ xây dựng Hội Thánh không, lại là chuyện khác.

Trước hết, Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Trời là Vầng Đá Của Các Thời Đại (Ê-sai 26:4). Vầng Đá đó là Công Chính, Toàn Vẹn (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:4). Vầng Đá đó là Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Rỗi của loài người (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:18). Vầng Đá đó là Cha của loài người (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:18). Vầng Đá đó là Thần Duy Nhất trong vũ trụ (1 Sa-mu-ên 2:2). Vầng Đá đó là Đấng Bảo Vệ (Thi Thiên 94:22). Vầng Đá đó là Đời Đời (Ha-ba-cúc 1:12). Sự thiếp lập Hội Thánh trên chính Đức Chúa Trời, là Đấng đời đời không bao giờ thay đổi, là Đá, là điều Đấng khôn ngoan như Ngài làm. Sự khôn ngoan này cũng áp dụng được cho loài người theo như lời dạy của Đức Chúa Jesus:

“...một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá…
…người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.
” (Ma-thi-ơ 9:24-27)

Chúng ta thấy rằng sự khôn ngoan cần có của loài người là xây dựng một kiến trúc trên nền đá. Nếu con người đã biết vậy thì Đức Chúa Trời há chẳng biết xây dựng Hội Thánh, đã được chính Con Ngài đổ huyết để chuộc về, trên chính Ngài, là nền đá duy nhất trong cõi vật chất và cõi linh hay sao?

Tuy nhiên, nền móng của Hội Thánh không chỉ có Đức Chúa Trời là chất liệu duy nhất. Ngài mặc khải qua các đầy tớ của Ngài những bí nhiệm về sự hiện hữu của Ngài, về các thuộc tính của Ngài, về vũ trụ và loài người, và về mối tương quan giữa loài người với Ngài. Chúng ta gọi những đầy tớ này là tiên tri và sứ đồ, là những người đem chân lý của Chúa giãi bày cho nhân loại qua cuộc đời, lời rao giảng và bút ký của họ. Các đầy tớ Đức Chúa Trời, như các viên đá xây móng kết hợp lại với nhau qua mục vụ trong Đức Chúa Jesus, Đấng được gọi là hòn đá góc nhà. Phải có Đức Chúa Jesus thì những mặc khải trong Cựu Ước qua các tiên tri và những lời tiên tri trong Tân Ước cùng các điều dạy dỗ của các sứ đồ mới ăn khớp về ý nghĩa. Điều này giải thích tại sao Đức Chúa Jesus phán: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn” (Ma-thi-ơ 5:17). Cho nên, Đức Chúa Jesus là hòn đá góc nhà, là cái bản lề, để kết nối chân lý được mặc khải trong nhiều ngàn năm, qua các tiên tri khác nhau. Chính Đức Chúa Jesus (và các sứ đồ của Ngài), trong khi làm chức vụ của người tiên tri, cho chúng ta thấy tiếp những gì sẽ xẩy ra trong tương lai cho đến ngày tận thế. Như vậy, Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng chính là chân lý của Đức Chúa Trời, được sắp xếp trong một truyền thống liên tục có chính Đức Chúa Jesus làm gạch nối. Điều này được Sứ Đồ Phao-lô trong thư viết cho các tín đồ thành Ê-phê-sô mô tả một cách gợi hình như sau:

“Anh em đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Ðức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa.” (Ê-phê-sô 2:20-21)

Theo Phao-lô, Hội Thánh là một đền thờ để thờ phượng Chúa, được xây trên nền móng bằng đá, chính là Đức Chúa Trời và khải thị của Ngài qua các sứ đồ và các tiên tri, được kết hợp lại trong chính Đức Chúa Jesus Christ. Hội Thánh không được Đức Chúa Jesus thiết lập trên con người Phi-e-rơ hay chao động. (Một thí dụ điển hình về sự hay chao động của Phi-e-rơ là sau khi tuyên nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, ông nhanh nhẫu tuyên bố là Chúa sẽ không bị khổ nạn đâu (Ma-thi-ơ 16:22). Ông bị Chúa mắng vì sự cố này (Ma-thi-ơ 16:23).)

Khi tuyên xưng Đức Jesus người Na-xa-rét là Đấng Christ (Christos – /khris-tos/ theo tiếng Hy-lạp, có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu), Sứ Đồ Phi-e-rơ thừa nhận Ngài chính là Đấng Mêsi (Messiah, Đấng được xức dầu – theo tiếng Hê-bơ-rơ), tức là Đấng được hứa, được Đức Chúa Trời khải thị qua các tiên tri trong Cựu Ước. Đấng đó là Vua đời đời, Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Chúa Bình An, Cha Đời Đời, và chính là Đức Chúa Trời Quyền Năng (Ê-sai 9:6). Đấng ấy cũng chính là Đấng Cứu Chuộc nhân loại vì hình phạt cho tội lỗi của toàn thể nhân loại được chất hết trên mình Ngài (Ê-sai 53). Khi tuyên xưng Chúa như vậy Sứ Đồ Phi-e-rơ chưa hiểu là Đấng Mê-si mà dân Y-sơ-ra-ên hằng trông đợi phải chịu khổ hình (Ê-sai 53), và chịu khổ hình cho đến chết (Đa-ni-ên, Daniel 9:26). Ông cũng chưa hiểu là sau khi chết Đấng Mê-si sẽ sống lại, sẽ thăng thiên, rồi sẽ tái lâm. Chỉ sau khi Chúa phục sinh và giảng giải các sứ đồ mới hiểu biết các lời tiên tri trong Thánh Kinh về chức vụ của Ngài (Lu-ca 24). Thánh Kinh cho biết ba chức vụ được xức dầu của Đấng Mê-si là: Tiên tri (Ma-thi-ơ 24, Giăng 1:18), Thầy tế lễ (Hê-bơ-rơ 5:5-6) và Vua (Khải Huyền 17:14). Mặc dù chưa hiểu hết chương trình của Đức Chúa Trời một cách có hệ thống, lời tuyên xưng được thần cảm của Sứ Đồ Phi-e-rơ là sự bày tỏ lẽ thật về bản thể, thần tính, và chức vụ của Đức Chúa Jesus được tiên tri trong Cựu Ước và ứng nghiệm trong Tân Ước. Lời tuyên xưng đó xác nhận:

(1) Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời và chính là Đức Chúa Trời nhập thể. Ngài là đấng Cứu Chuộc đã được hứa từ lâu của dân Y-sơ-ra-ên, và cũng là Đấng Cứu Chuộc cho toàn thể nhân loại. Tên riêng Jesus [Yeshua] có nghĩa Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc. Là Đấng Cứu Chuộc, Ngài dùng chính sự sống thánh khiết và vô hạn của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho toàn thể nhân loại tội lỗi và hữu hạn. Sự chết để cứu chuộc của Đức Chúa Jesus làm trọn ý nghĩa lễ chuộc tội bằng sinh mạng của dê, bò, hoặc cừu non (Lê-vi ký 9:1-10).

(2) Đấng Cứu Chuộc đó là Đấng “Christ.” Christ (là tôi tớ, sứ giả của Đức Chúa Trời) là người được Đức Chúa Trời chọn lựa (qua nghi thức xức dầu) để giao phó sứ mạng và ban cho năng lực cùng thẩm quyền để thi hành sứ mạng đó. Là Đấng Christ, qua chức vụ tiên tri, Đức Chúa Jesus giải bày tình yêu của Đức Chúa Cha và chương trình cứu rỗi của Ngài cho nhân loại. Qua chức vụ thầy tế lễ, Đức Chúa Jesus cầu thay và dâng sinh tế chuộc tội cho nhân loại. Qua chức vụ vua, Đức Chúa Jesus làm vua cai trị trong lòng người tin nhận Chúa theo nghĩa bóng (Ma-thi-ơ 23:10); theo nghĩa đen, Ngài sẽ làm vua cai trị thế giới một ngàn năm trong chế độ thần chủ (Khải Huyền 20).

Chúng ta cần phân biệt rõ chức vụ Đấng Christ với sự hy sinh chuộc tội cho nhân loại của Đức Chúa Jesus. Các chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và vua là công vụ của Đức Chúa Jesus, một thiên sứ hay một người cũng có thể thi hành các chức vụ này. Còn sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá không phải là công vụ, không phải là chức vụ, mà là sự thể hiện toàn vẹn của tình yêu (Giăng 15:13), vì “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:8).

Nói tóm lại, Đức Chúa Jesus thiết lập Hội Thánh trên lẽ thật về Ngài mà Phi-e-rơ lần đầu tiên công bố.

2.2- Mặc khải cá biệt của Hội Thánh về Đấng Christ:

Đa số dân chúng Y-sơ-ra-ên vào thời Đức Chúa Jesus nhận thấy có một sự phi thường trong con người Jesus nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể nhận ra được Jesus thành Na-xa-rét chính là Đấng được hứa như Phi-e-rơ. Vì vậy mà có đám đông cho rằng Ngài là một tiên tri nào đó. Có đám đông trên 5000 người chạy theo Ngài để ép Ngài làm vua (Giăng 6:15). Có đám đông khác đón rước Ngài rất trọng thể khi Ngài cỡi lừa đi vào thành Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 21:6-9). Nhưng khi Ngài hé mở về thần tính của mình, thì đám đông bắt đầu đặt nghi vấn và sau đó lấy cớ Ngài phạm thượng để giết Ngài (Giăng 10:33). Xã hội loài người bây giờ cũng không khác gì xã hội Y-sơ-ra-ên hồi xưa: Đức Jesus có thể vĩ đại ra sao cũng được chỉ trừ một điều Ngài không thể là Đức Chúa Trời nhập thể, chịu chết vì tội lỗi của toàn thể nhân loại và đã phục sinh vinh hiển. Loài người không chối bỏ sự hiện hữu của con người lịch sử Jesus, nhưng chối bỏ thần tính của Ngài. Vì vậy mới có những chuyện huyễn như “Jesus có vợ, có con” và “Tìm thấy mộ có hài cốt của Jesus.”

Vào thời Đức Chúa Jesus, Y-sơ-ra-ên đang là thuộc địa của đế quốc La-mã. Toàn dân Y-sơ-ra-ên đang khao khát trông chờ một lãnh đạo chính trị dấy lên để lật đổ quyền lực của ngoại bang và sau đó cai trị họ từ ngôi Đa-vít (Ê-sai 9:7). Không có gì tỏ rằng họ đang trông chờ một Đấng Cứu Chuộc, giải phóng họ ra khỏi quyền lực của tội lỗi và tái lập địa vị dân thánh của họ. Do vậy, sự xuất hiện của Đức Chúa Jesus với những lời giảng dạy đầy quyền năng cùng với các phép lạ dường như đã đáp ứng sự trông đợi về mặt chính trị và xã hội của đám đông. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lại các lời tiên tri, thì Đấng Mê-si có nhiều chân dung. Về mặt vinh quang, Ngài là vua đời đời của Y-sơ-ra-ên; về mặt đau khổ Ngài phải chịu đánh đập và phải chịu chết vì gánh thay tội lỗi của nhân loại. Hai chân dung đó của Đấng Mê-si đối với trí óc của loài người cũng giống như nước với lửa, không thể nào hoà hợp với nhau. Vì áp lực của nhu cầu lịch sử, dân Y-sơ-ra-ên vội vả đón nhận Ngài như là một con người siêu phàm để làm vua của họ, không có chút thần tính nào hết. Mặc dù Sứ đồ Phi-e-rơ lúc đó đi một bước xa hơn trong việc công bố Ngài có thần tính, nhưng ông vẫn chưa có thể hiểu được là Đấng Mê-si đó phải chịu chết thế cho tội lỗi của mọi người. Đối với dân Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ, một là Jesus phải là cứu tinh của dân tộc, hai là Ngài không là gì hết. Vì vậy, khi Ngài hé mở Ngài chính là Đức Chúa Trời, họ bèn phản ứng, và dùng đó làm bằng cớ Ngài đã phạm thượng để giết Ngài. Sự chối bỏ Đức Chúa Jesus đến từ tấm lòng không có chổ cho Đức Chúa Trời từ trước đến nay của dân Y-sơ-ra-ên mặc dù môi miếng họ khi nào cũng nhắc đến Chúa (Ma-thi-ơ 15:8).

Đức Chúa Jesus đã đến để ban sự sống cho dân mình, nhưng Ngài đã bị chính dân Ngài ruồng bỏ. Ngài là hòn đá sống bị thế gian loại ra (1 Phi-e-rơ 2:4). Nhưng hể ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép để trở nên con cái Đức Chúa Trời. Con cái đó không phải là kết quả của ý người, của sự kết hợp xác thịt giữa người đàn ông và người đàn bà, mà con được tái sinh bởi thần linh của Ngài. Chỉ khi được sinh lại bởi Thánh Linh, một người mới vào được nước Đức Chúa Trời (Giăng 3:5). Xác chỉ sinh được phần xác, nhưng chính Linh mới tái sinh được phần linh. Sự tái sinh tâm linh của một người bắt đầu từ chổ người đó bị bắt phục vì thần tính độc tôn của Đức Chúa Jesus để người ấy phải thốt lên: “Ngài chính là Đấng Christ, là Con Đức Chúa Trời” như Phi-e-rơ đã từng tuyên xưng.

Một người không cần phải biết hết những lời tiên tri nói về Đức Chúa Jesus, cũng không cần biết hết ba chức vụ được xức dầu của Ngài mới đến được với sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus. Điển hình là tên trộm bị đóng đinh cùng với Ngài. Trong cuộc đối thoại cuối cùng của ông, chúng ta không nghe ông nhắc đến một quan điểm thần học uyên bác nào hết. Trong khi tên trộm kia đem danh hiệu Christ ra chế diễu – là một hình thức chối bỏ Đức Chúa Jesus là Đấng Christ – người trộm này công khai thừa nhận tội lỗi mình rồi khẩn nài với Chúa: “Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” Ông không nhắc đến chữ Christ; cũng chẳng có ai hướng dẫn ông “cầu nguyện tiếp nhận Chúa.” Tuy nhiên hành động của ông nói lên một sự tín nhiệm hoàn toàn vào con người đang trút những hơi thở cuối cùng bên cạnh ông, rằng, con người đó là một đấng hoàn toàn thần linh và hoàn toàn người, có toàn quyền trên cuộc đời của ông, hiện tại và mai sau. Sự cứu rỗi đến từ sự tin trong lòng và sự công bố bằng miệng đức tin của mình theo như lời của Sứ Đồ Phao-lô: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9). Mỗi người có thể có lời công bố về Đấng Christ khác nhau, nhưng tất cả những lời đó phải là những mặt của một viên kim cương duy nhất – chính là Đấng Christ – mà chân lý về Ngài được Đức Chúa Trời mặc khải qua các tiên tri, sứ đồ, và chính Đức Chúa Jesus.

“Xin nhớ đến tôi! Xin nhớ đến tôi!” phải là tiếng kêu gào của Hội Thánh với Đức Chúa Jesus trong khi cả thế gian tìm hết cách chối bỏ Ngài. Nếu họ chối Ngài là Thượng Đế, thì tín nhân công bố Ngài là Đức Chúa Trời. Nếu họ chối là Ngài không bị đóng đinh, thì tín nhân công bố Ngài đã chết trên thập giá. Nếu họ tuyên bố là đã tìm thấy xương của Ngài, thì tín nhân nhận Ngài bằng cách công bố Ngài đã phục sinh. Nếu thế gian chối bỏ sự tái lâm của Ngài, thì tín nhân công bố là chúng ta đang chờ Ngài trở lại. Nếu các thầy giáo của thế gian dạy Đức Chúa Jesus là một con đường trong số nhiều con đường cứu rỗi, thì chúng ta nhận Ngài là Đường Duy Nhất, Chân Lý Duy Nhất và Sự Sống Duy Nhất (Giăng 14:6).

3- Mục đích của Hội Thánh:

Một tội nhân được cứu chuộc vì tin và tiếp nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus (Giăng 1:12; 3:16). Khi một tội nhân có ý chí tự do tuyệt đối với lòng kiêu ngạo cao ngút bằng trời mà tự nguyện dẹp nó đi để quỳ xuống trước Đức Chúa Jesus Christ thì người đó đã bước từ chết qua sống, từ tối qua sáng, từ thế gian vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Hội Thánh là sự kết hợp hữu cơ của những người được cứu chuộc đó như một ngôi nhà được xây trên nền móng của chân lý mà Đức Chúa Trời đã mặc khải qua các tiên tri và các sứ đồ. Trong sự kết hợp hữu cơ đó, người mới được cứu được nuôi dưỡng bằng chân lý của Đức Chúa Trời để lớn mạnh lên thành môn đệ của Đức Chúa Jesus. Thiếu sự hiểu biết về mục đích, mạng lệnh và chung cuộc của Hội Thánh, chúng ta thiếu đi quyền năng để làm môn đồ và không thể chu toàn các chức vụ “Christ” trong tư thế tập thể của Hội Thánh “là thân thể của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 2:10, 1 Phi-e-rơ 2:9, Khải Huyền 1:6).

Hội Thánh không phải là “nhà thờ,” là nơi tín nhân gặp gỡ mỗi Chủ Nhật để thờ phượng Chúa. Đền thờ Đức Chúa Trời chính là Hội Thánh. Cơ-đốc nhân không đi “nhà thờ” để thờ phượng mỗi sáng Chủ nhật vì chính Cơ-đốc nhân là nhà thờ của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết về điều này như sau: “Anh em đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Ðức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa” (Ê-phê-sô 2:20-21). Sứ đồ Phi-e-rơ đã đồng thanh với Phao-lô về Hội Thánh như sau: “Và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Ðức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 2:4). Cả hai sứ đồ đều làm chứng cho Đức Chúa Trời một điều: Hội Thánh là đền thờ Đức Chúa Trời; Cơ-đốc nhân là những thầy tế lễ, làm công việc thờ phượng Chúa.

Từ lẽ thật này chúng ta mới thấy chữ nghĩa càng ngày càng lún sâu vào sự khủng hoảng: Có Cơ-đốc nhân gọi chổ nhóm lại là “Thánh Đường;” nhiều người khác gọi đó là “nhà Chúa” (như danh từ “church” dùng trong Anh ngữ). Trên trái đất này chỉ có một Đường (chổ thờ phượng, như trong “từ đường”) là Thánh. Đó là Thánh Đường (the Holy Temple) Giê-ru-sa-lem (Thi thiên 5:7). Thánh Đường Giê-ru-sa-lem là nơi có hòm giao ước, đựng hai bảng đá có khắc mười điều răn, là biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong dân sự Ngài. Thánh Đường được vua Sô-lô-môn xây vào khoảng năm 960 Trước Công Nguyên (thường gọi là Thánh Đường thứ nhất, hay Thánh Đường Sô-lô-môn). Thánh Đường Thứ Nhất bị quân Babylon tàn phá vào khoảng năm 586 TCN (Trước Công Nguyên). Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên được vua Cyrus của Đế Quốc Persian cho phép trở về để xây dựng lại thành vào khoảng năm 535 TCN. Sau nhiều lần việc xây cất bị đình trệ, Thánh Đường Thứ Hai (TĐTH) đã được hoàn tất vào năm 515 TCN, và các cuộc tế lẽ trong TĐTH được tiếp tục lại. Vào năm 19 TCN, vua Herod hoàn toàn triệt hạ Thánh Đường cũ và xây dựng lại hoàn toàn mới. Dù vậy, Thánh Đường do vua Herod xây vẫn được gọi là TĐTH bởi vì từ năm 515 TCN, sự tế lễ không bị gián đoạn [5, 6]. TĐTH (hay còn gọi là TĐ Herod) được hoàn tất vào năm 64 Công Nguyên (CN) bị quân La-mã phá hủy vào năm 70 CN; từ đó các cuộc tế lễ bị chấm dứt cho đến nay. Tuy vậy vào thời cuối, Thánh Đường Giê-ru-sa-lem phải được tái thiết, các cuộc tế lễ phải được tiếp tục. Sau đó không lâu, AntiChrist sẽ chấm dứt các cuộc tế lễ trong Thánh Đường, làm ô uế đền thờ bằng cách ngồi chễm chệ trong đó và tự xưng là Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 9:27, 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4).
Trong thời đại Ân Điển, Cơ-đốc nhân được chính Đức Chúa Jesus kêu gọi thờ phượng Ngài độc lập với nơi nhóm họp (Giăng 4:23). Khi thân thể của tín nhân là đền thờ Đức Chúa Thánh Linh (1 Cô-rinh-tô 3:16) theo nghĩa cá nhân, và cả Hội Thánh là đền thờ Đức Chúa Trời (theo nghĩa tập thể) thì chúng ta không gọi chổ nhóm là thánh đường nữa. Chổ nhóm lại có thể là chợ, nhà tù, trường học, sở làm, rừng rậm, đồng lúa, nhà ở và kể cả “nhà thờ” (tức là dinh thự để nhóm thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật). Trước đây, tại Việt Nam có thói quen gọi chỗ nhóm họp thờ phượng Chúa là “nhà giảng” hay “giảng đuờng.” Không biết từ bao giờ, danh xưng “nhà thờ” của người Công Giáo đã thay thế cho danh xưng “nhà giảng” của người Tin Lành. Trong thời đại Ân điển mà chúng ta đang sống, Hội Thánh là Thánh Đường, là nhà Chúa. Xây dựng nhà Chúa tức là dùng chân lý của Đức Chúa Trời để nuôi lớn những người mới tin Chúa và huấn luyện họ trở thành môn đệ của Chúa chứ không phải góp tiền để xây cất cơ sở. Thánh Đường trong thời Ân Điển – chính là thân thể của Cơ-đốc nhân (theo nghĩa cá nhân) và Hội Thánh (theo nghĩa tập thể) – không bao giờ thay thế [7] Thánh Đường vật chất Giê-ru-sa-lem. Thánh Đường Giê-ru-sa-lem được xây trong Thánh Địa Giê-ru-sa-lem. Đây là bất động sản của Đức Chúa Trời trên đất. Đó là nơi Ngài công bố là “nhà Ta, đất Ta” (1 Các Vua 11:36, Xa-cha-ri 1:16, 8:3). Thánh địa Giê-ru-sa-lem thật ra là một miếng đất không có gì đặc biệt, theo cái nhìn của loài người, nhưng lại là trung tâm của mâu thuẫn quốc tế trong mọi thời đại. Nhưng trong chương trình và ý định của Đức Chúa Trời, Ngài đã chọn Giê-ru-sa-lem làm nơi để danh của Ngài ngự trị đời đời. Vì thế, địa danh này trở thành vị trí tối quan trọng trong linh giới để Satan phải nổ lực mà dành dựt cho được. Một ngày kia, Thánh Đường Giê-ru-sa-lem sẽ được tay người tái thiết để những lời tiên tri về thời cuối được ứng nghiệm. Tuy vậy, nó sẽ không còn công dụng trong trời mới và đất mới, vì khi đó, thành Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời sẽ giáng xuống, chính Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là đền thờ, và Đức Thánh Linh là sông nước hằng sống tuôn chảy từ ngôi ân điển của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 21:22, 22:1, Giăng 7:38-39).

Nhờ mặc khải chúng ta có về Hội Thánh, chúng ta biết rằng những tôn giáo mang danh Chúa nào gọi một lãnh thổ trên đất nào, ngoài thành Giê-ru-sa-lem, là “thánh địa;” hay gọi một dinh thự nào, ngoài đền thờ Giê-ru-sa-lem, là “toà thánh” đều là ngụy giáo. Tiếc rằng, có không ít Cơ-đốc nhân, kể cả người chăn và giáo sư Thánh Kinh, tiếp tay với thế lực bóng tối, càng ngày càng lũng đoạn chữ nghĩa Cơ-đốc. Dù vô tình hay cố ý, họ dùng danh xưng “Đức Thánh Cha” để gọi loài người và “Toà Thánh” để gọi một cơ sở vật chất không phải là đền thờ Giê-ru-sa-lem.

4- Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh:

4.1- Phải nên thánh:

“Nhưng, như Ðấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.” (1 Phi-e-rơ 1:15-16)

Thánh khiết là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh và cái đích để Hội Thánh vươn tới. Danh từ thánh khiết bao gồm hai ý nghĩa: (1) thiện hảo, vô tội, và (2) thuộc về Đức Chúa Trời. Phần lớn, khi nói đến thánh khiết, người ta chỉ nghĩ đến ý nghĩa thứ nhất là thiện hảo, vô tội. Vì thế, khi nghe Thánh Kinh gọi những người tin Chúa là thánh đồd, nhiều người thắc mắc rằng, tại sao những người đôi khi có đời sống đạo đức tệ hại hơn một người không tin Chúa mà lại được gọi là thánh. Danh xưng thánh đồ ở đây có nghĩa người đó thuộc về Đức Chúa Trời. Thuộc về Ngài là chấp nhận lời kêu gọi của Ngài để trở nên trọn vẹn như chính Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:48). Thánh đồ không có nghĩa là một người không còn phạm tội nữa, mà là một người quyết tâm từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi trong Đấng Christ, và bằng lòng tiếp nhận sự thánh hóa của Đức Thánh Linh, nghĩa là bằng lòng vâng theo lời Chúa, và thờ phượng chỉ một mình Chúa.

Trong tiến trình thánh hóa thánh đồ vẫn còn ý chí tự do để chọn lựa giữa phạm tội hay không. Một thánh đồ vì thế có thể phạm tội vì thiếu hiểu biết, phạm tội mà không biết rằng mình phạm tội. Tỉ dụ như Sứ Đồ Phi-e-rơ khi khuyên can Chúa (Ma-thi-ơ 16:22-23). Một thánh đồ cũng có thể phạm tội vì yếu đuối, không đứng vững trước cám dỗ hoặc thử thách. Tỉ dụ như vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra vì tham tiền mà nói dối Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-11), như Phi-e-rơ vì sợ bị những tín đồ gốc Do-thái giáo bắt bớ mà giả hình, gây vấp phạm cho bao nhiêu người khác (Ga-la-ti 2:11-14).

Chúng ta được Đức Thánh Linh thánh hóa và cùng một lúc chúng ta thánh hóa Đấng Christ trong lòng mình: “Nhưng hãy tôn Ðấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình.” (1 Phi-e-rơ 3:15)

Tôn Đấng Christ làm thánh nghĩa là biệt riêng Đấng Christ trong lòng mình. Điều này nghĩa là không một thần tượng nào, hay một người nào, hay một vật nào, hay một ý tưởng, hay một chủ thuyết nào có thể cùng với Đấng Christ ngự trị trong lòng của tín nhân. Cơ-đốc nhân không thể tôn thờ Chúa cùng một lúc với các thần tượng khác hoặc tổ tiên của mình. Tôn Đấng Christ làm Chúa nghĩa là tôn Đấng Christ làm Đấng cai trị mình. Thánh đồ được nên thánh là nhờ huyết của Đấng Christ rửa sạch mọi tội lỗi của mình. Muốn tiếp tục ở trong sự thánh khiết đó, Cơ-đốc nhân phải thờ phượng chỉ một mình Đức Chúa Trời, đồng thời biết, hiểu, và làm theo lời Chúa. Sự khôn ngoan để hiểu biết lời Chúa đến từ Đức Thánh Linh. Năng lực để có thể làm theo lời Chúa cũng đến từ Đức Thánh Linh. Vì thế, công tác thánh hóa tín nhân thuộc về Đức Thánh Linh (1 Phi-e-rơ 1:2). Phương tiện để thánh hóa tín nhân là lời của Đức Chúa Trời (Giăng 17:17).

Như vậy, Hội Thánh không phải là tập thể của những người không còn phạm tội nữa, mà là những người đã có lòng ăn năn về tội lỗi của mình và tin nhận sự cứu rỗi trong Đấng Christ. Họ được biệt riêng ra để Đức Thánh Linh thánh hóa cho trọn vẹn. Sự trọn vẹn này chỉ có thể đạt được trong ngày thân xác đã nhiễm tội, đang chết này, được Chúa phục sinh thành một thân thể mới. Tuy nhiên, tiến trình thánh hóa không phải là một giấy phép phạm tội cho Cơ-đốc nhân. Người nương cậy vào sự tha thứ của Chúa để tiếp tục sống trong tội, vui thú trong tội, dự mưu để phạm tội là người không có lòng ăn năn, và như thế, cho dù họ có tin Chúa, thì đức tin ấy cũng không dẫn họ đến sự cứu rỗi, vì tiền đề của sự cứu rỗi là sự ăn năn tội.

4.2- Cầu thay và rao giảng nước trời:

Trước khi Đức Chúa Jesus về trời Ngài phán:”Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20). Chữ “muôn dân” trong nguyên ngữ Hy-lạp là ethos (/eth-nos/) tức là chủng tộc. Như vậy đối tượng của sự truyền giáo của Cơ-đốc nhân không phải là từng cá nhân một, nhưng là từng chủng tộc một, mặc dù sự cứu rỗi đến với từng người qua sự quy phục và tuyên xưng của mỗi một cá nhân như Sứ Đồ Phi-e-rơ [8]. Nói một cách cụ thể, đối tượng truyền giáo của Hội Thánh nói chung là mọi dân tộc trên mặt đất, và của Hội Thánh người Việt Nam nói riêng là toàn bộ người kinh lẫn người sắc tộc đang sống tại Việt Nam. Tín nhân người Việt Nam là các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời như lời của Sứ Đồ Phi-e-rơ: “Và anh em cũng…làm chức tế lễ thánh…” (1 Phi-e-rơ 2:4). Thầy tế lễ trong thời ân điển làm công việc thờ phượng Chúa và đứng giữa người chưa tin với Đức Chúa Trời để cầu thay cho họ. Nhờ mặc khải của Đức Chúa Trời, chúng ta nắm chân lý của sự sống và sự chết; vì vậy, chúng ta có trách nhiệm về sự cứu rỗi của hơn tám mươi triệu đồng hương Việt Nam.

Mỗi cá nhân người Việt Nam có những tội lỗi riêng, và cả dân tộc Việt Nam (kinh cũng như sắc tộc) có tội lỗi chung. Đồn lũy của tội lỗi của một dân tộc ẩn nấp trong văn hoá của dân tộc đó. Vì vậy, sự rao giảng Tin Lành của nước trời phải bắt đầu bằng sự kêu gọi ăn năn tội của cá nhân nói riêng và của dân tộc nói chung. Lịch sử cho biết rằng Đức Chúa Trời mặc khải sự phật lòng của Ngài qua các tiên tri như Giê-rê-mi, Ê-sai, Giô-na, A-mốt cho các dân tộc ngoài Y-sơ-ra-ên như Ê-díp-tô, Ba-by-lôn, Sy-ri, Ni-ni-ve, v.v. Còn Đức Chúa Jesus làm chứng về nước trời cho từng cá nhân một như Ni-cô-đem, người đàn bà Sa-ma-ri, và kêu gọi Phao-lô làm sứ đồ cho các dân tộc người ngoại. Điều này cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời song song với sự bắt phục từng cá nhân, có cái nhìn tập trung vào từng dân tộc như đối tượng để công bố Tin Lành của Ngài.

Mọi dân tộc được Đức Chúa Trời kêu gọi đi ra từ văn hoá của họ để vào nước của Ngài như Ngài đã kêu gọi Y-sơ-ra-ên đi ra từ Ê-díp-tô (hay Ai-cập). Khi chúng ta đã đi ra rồi chúng ta không quay đầu nhìn lại, tiếc nuối quá khứ như những người Y-sơ-ra-ên nhung nhớ đồ ăn thức uống của xứ đã cầm mình làm nô lệ đó. Vì vậy, muốn cầu thay và rao giảng Tin Lành cho Đức Chúa Trời chúng ta phải tinh sạch như các thầy tế lễ xưa của Y-xơ-ra-ên vậy. Chúng ta phải để cho Đức Chúa Thánh Linh tẩy rửa mình để mình được nên thánh. Song song, chúng ta phải thánh hóa Đức Chúa Jesus trong lòng mình. Mọi sự thoả hiệp với văn hoá thế gian làm ô uế hình ảnh của Đức Chúa Jesus trong lòng chúng ta, khiến cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Thánh Linh bị cắt đứt. Vai trò thầy tế lễ của chúng ta có thể bị cất đi vì cớ đó. Hậu quả là mục vụ cầu thay và rao giảng của chúng ta chỉ như tiếng la vô vọng ngoài biển cả.

Trong công tác cầu thay cho quê hương và dân tộc Việt Nam, chúng ta cần xưng nhận tội lỗi của cha ông, theo gương của Nê-hê-mi “…xưng tội lỗi mình và sự gian ác của tổ phụ mình” (Nê-hê-mi 9:1-3): “Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và lỗ tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ đầy tớ Chúa mà tôi hiện lúc này hằng ngày và đêm cầu nguyện vì dân Y-sơ-ra-ên, là các tôi tớ Chúa, ở tại trước mặt Chúa và xưng những tội của dân Y-sơ-ra-ên mà chúng tôi đã phạm với Ngài. Và lại tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội.” (Nê-hê-mi 1:6) và Đa-ni-ên: “Ta còn đương nói và cầu nguyện, xưng tội lỗi ta và tội dân Y-sơ-ra-ên ta và ta dâng lời nài xin trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, vì núi thánh Đức Chúa Trời ta.” (Đa-ni-ên 9:22)

Trong công tác rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Chúa, chúng ta phải trung thực với sứ điệp của Tin Lành. Sứ điệp Tin Lành bao gồm công bố thực trạng tội lỗi của nhân loại, sự cứu rỗi duy nhất ở trong Đấng Christ, điều kiện để tiếp nhận sự cứu rỗi là ăn năn tội và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, điều kiện để tiếp tục ở trong sự cứu rỗi là sống thánh khiết theo lời Chúa, và trung tín cho đến chết.

Nhiều người giảng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời được ban cho nhân loại vô điều kiện. Khi giảng như vậy, họ đã vô tình bỏ qua điều kiện “ăn năn tội” do Tiên Tri Giăng Báp-tít rao trước, do chính Đức Chúa Jesus công bố, và do Sứ Đồ Phi-e-rơ tái xác định:

“Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:1-2)
“Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17)
“Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-38)

Nhiều người khi rao giảng Tin Lành chỉ nhấn mạnh về sự tha thứ tội mà không nhấn mạnh về nếp sống thánh khiết từ bỏ tội. Có người khác nói đến phước hạnh trong Chúa mà không nói đến người đi theo Chúa phải chịu bắt bớ. Nhiều người giảng chỉ muốn thúc ép đối tượng “cầu nguyện tin Chúa” cho nên tận dụng các yếu tố tâm lý qua những xảo thuật về ánh sáng và âm thanh, gắng sức trau dồi nghệ thuật hùng biện, và ra ơn hay khen dồi để lấy lòng người nghe, v.v. thay vì hoàn toàn nhờ cậy vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Thánh Kinh không hề nói đến một sự “huấn luyện cá nhân chứng đạo” hay “huấn luyện truyền giảng” nào. Sự kiện huấn luyện cá nhân duy nhất được ghi lại trong Thánh Kinh là sự kiện hai vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin đem nhà truyền giáo trẻ A-bô-lô về nhà để dạy thêm về lẽ đạo (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-26). Ngày nay, những giáo phái đề xướng ra các phương pháp huấn luyện chứng đạo và truyền giảng dựa trên tâm lý học, và nghệ thuật hùng biện đã vô tình gạt bỏ quyền năng của Đức Thánh Linh. Điều mà một thánh đồ cần có trước khi đi ra rao giảng Tin Lành là biết chắc sự cứu rỗi của mình, hiểu rõ đạo Chúa, hiểu rõ Tin Lành mà mình đang rao giảng, sống mỗi ngày với Tin Lành, và chết mỗi ngày cho Tin Lành.

Công tác của Hội Thánh là rao giảng Tin Lành một cách trung thực. Công tác của Đức Thánh Linh là cáo trách người nghe về tội lỗi và bắt phục người nghe. Truyền giáo mà không cần Đức Chúa Thánh Linh bắt phục thì chỉ nhắm vào mục đích là làm gia tăng quân số. Điển hình là câu chuyện hai mục sư thuộc hai giáo hội khác nhau trong cùng một thành phố, tranh nhau đi đón những gia đình tỵ nạn mới đến, hứa giúp đỡ để dụ cả gia đình bằng lòng làm báp-tem, hầu có thêm người để báo cáo cho “Hội Thánh Mẹ” người Mỹ. Vì thế, cho nên mới có lời dụ: “Làm báp-tem bên tôi chỉ rưới chút nước lên đầu, làm báp-tem bên đó phải nhúng cả người xuống nước, bất tiện lắm!” để dành người về phía mình. Thánh Kinh không dạy Hội Thánh đi rao giảng Tin Lành kiểu này.

Trong sứ mạng môn đồ hóa muôn dân, chúng ta chỉ truyền dạy những gì Chúa đã truyền dạy cho chúng ta qua Thánh Kinh. Chúa Jesus đã phán: “…dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” Chúng ta tuyệt đối không thêm, không bớt vào lời Chúa, không đặt ra những giáo điều luật lệ làm gánh nặng cho thánh đồ, những gánh nặng mà có khi chính chúng ta cũng mang không nổi (Ma-thi-ơ 23:4). Tiếc rằng ngày hôm nay, có quá nhiều người có ăn học, tự gọi mình là giáo sư Thánh Kinh và người chăn bầy, đã dạy cho chiên của Chúa và người chưa tin Chúa những điều Chúa Jesus không hề truyền bảo.

5- Một lịch sử ngắn của Thời Đại Hội Thánh:

5.1- Khởi điểm:

Có một chữ thường thấy trong văn chương Cơ-đốc là Hội Thánh Cựu Ước (Old Testament Church) để bao gồm những người được cứu như Môi-se. Trên bề mặt, gọi sự nhóm hiệp của dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước là Hội Thánh không có gì sai, vì Thánh Kinh gọi dân Y-sơ-ra-ên là dân thánh (hay tuyển dân) (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6; 14:2, 21) và gọi sự nhóm hiệp của họ để ra mắt Chúa là sự nhóm hiệp thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:16; Lê-vi Ký 23:3-4, 7-8, 21, 24, 27, 35-37; Dân Số Ký 29:1,7,12). Cũng như Y-sơ-ra-ên, Hội Thánh cũng là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Nhưng sự hiệp lại của tuyển dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước không phải là Hội Thánh vì không có Đấng Christ làm trung tâm.

Dựa vào lời phán của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 16:13-18, chúng ta có thể khẳng định Đức Chúa Jesus thiết lập Hội Thánh cách nay gần hai ngàn năm. Trước đó, Hội Thánh chưa thực hữu vì Ngài phán là sẽ (thì tương lai) lập Hội Thánh. Khi bàn về thời điểm chính xác lúc Hội Thánh được thiết lập, nhiều Cơ-đốc nhân cho đó là ngày lễ Ngũ Tuần (50 ngày sau khi Chúa sống lại, 10 ngày sau khi Chúa thăng thiên) lúc Đức Chúa Thánh Linh giáng lâm (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Tuy nhiên, thời điểm Đức Chúa Jesus hà hơi trên các sứ đồ là thời điểm Hội Thánh hình thành nghe có vẽ hợp lý hơn. Khi đó, Ngài hà hơi cả cho các sứ đồ lẫn môn đồ và phán: “Hãy nhận lãnh Thánh Linh!” (Giăng 20:21-22). (Trong nguyên tác là “Thánh Linh” cùng nghĩa với chữ “sanh khí” trong Sáng Thế Ký 2:7 chứ không phải “Đức Thánh Linh” là Ngôi Ba Thiên Chúa [4].) Như vậy, Hội Thánh hình thành lúc Đức Chúa Jesus hà sinh khí cho các môn đồ cũng như Đức Chúa Trời hà sinh khí vào A-đam là bụi đất thì ông trở nên một sinh linh (Sáng Thế Ký 2:7).

Những người tin Chúa trong bảy năm đại nạn cũng được gọi là thánh đồd. Tuy vậy, thánh đồ trong thời kỳ này không thuộc về Hội Thánh do Đức Chúa Jesus Christ thiết lập vì Đức Chúa Jesus đã đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi bảy năm đại nạn tới.

Hội Thánh bao gồm tất cả người Y-sơ-ra-ên lẫn người ngoại, là những người ăn năn tội và công bố Jesus thành Na-xa-rét là Đấng Christ. Hội Thánh có những người Y-sơ-ra-ên là nhánh cây ô-li-ve nguyên thủy bị cắt ra nay được tháp lại vào gốc (Rô-ma 11:24). Đồng thời có những người ngoại tộc Y-sơ-ra-ên là những nhánh cây ô-li-ve hoang được cắt ra khỏi gốc hoang và được tháp vào gốc ô-li-ve tốt [6]. Trong Hội Thánh không có sự phân biệt nam, nữ, giai cấp xã hội, hoặc chủng tộc (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:9; Rô-ma 3:22, 10:12; 1 Cô-rinh-tô 11:11; Cô-lô-se 3:11). Từ ngày được thiết lập, cả Hội Thánh được Đức Chúa Thánh Linh thánh hoá, dạy dỗ, huấn luyện, ban quyền năng để đem Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Jesus tới cho mọi dân tộc.
Hội Thánh và Y-sơ-ra-ên cùng là tuyển dân, nhưng tuyển dân Y-sơ-ra-ên không phải là Hội Thánh. Cũng như vậy, sự ra đời của Hội Thánh không thay thế tuyển dân Y-sơ-ra-ên.

5.2- Tiến trình phát triển:

Gần hai ngàn năm qua, Hội Thánh của Chúa trải qua nhiều sự dữ. Lịch sử của Hội Thánh được viết bằng máu tử đạo, bắt đầu bằng cái chết của Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:54-60). Chính Đức Chúa Jesus tiên tri Hội Thánh luôn luôn bị thế gian bách hại (Giăng 15:18-21). Cơ-đốc nhân “...muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jesus Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12).

Có những lúc Hội Thánh bị sát hại khủng khiếp như thời Nero Đại Đế La-mã. Thời đó, tín nhân bị săn đuổi, bị cướp bóc, bị sát hại, bị đem ra cho thú dữ xé xác làm trò vui cho công chúng trong các đấu trường. Thậm chí họ bị cột vào các trụ đồng, tẩm dầu hắc, thiêu sống, làm đuốc soi sáng ban đêm trong ngự uyển của Nero. Ông vua này ăn mặc như phường tuồng, tự mình đánh xe ngựa chạy giữa hai hàng đuốc người cười to một cách điên dại [9]. Nhưng kinh khủng nhất là thời khoảng hơn 600 năm (1227-1834) Hội Thánh bị tàn sát bởi Giáo Hội Công Giáo, qua công cụ Pháp Đình Tôn Giáoe. Ban đầu PĐTG do các tu sĩ Dòng Dominicans và Franciscans phụ trách; vào thế kỷ 16 thì do Dòng Tênf. Hàng triệu con dân Chúa bị cầm tù, bị tra tấn, bị cướp bóc tài sản, bị hãm hiếp, bị chém đầu, bị thiêu sống, bị bán làm nô lệ, v.v. vì dám đọc và giữ Thánh Kinh trong nhà. Họ không chấp nhận thờ lạy hình tượng, chối bỏ thẩm quyền của giáo hoàng, là những người gọi mình là đại diện cho Đấng Christ [10, 11].

Satan tìm cách đánh phá Hội Thánh bằng sự bách hại từ bên ngoài, và lũng đoạn từ bên trong qua việc sử dụng các giáo sư giả và tiên tri giả, ngụy thuyết, các phong trào tôn giáo, nhất là các phong trào tôn giáo đại đồng, qua các tổ chức giáo phái, qua các hệ thống giáo quyền, v.v. được xây dựng trên truyền thống của loài người, thay vì truyền thống của các tiên tri và sứ đồ có Đức Chúa Jesus làm hòn đá góc nhà. Những trang sử của thế gian có thể mơ hồ gọi những tổ chức tôn giáo bách hại con dân Chúa, đốt diệt Thánh Kinh là Hội Thánh. Chúng có thể không gọi những người bị bách hại vì trung tín với lời Chúa là Hội Thánh. Nhưng khi nhìn vào những trang sử đó, chúng ta vẫn nhận ra được sự chiến thắng của Hội Thánh suốt gần hai ngàn năm nay. Đó là vì các cuộc bách hại đó dù có mang lấy quyền lực của âm phủ, cũng không thắng được Hội Thánh theo như lời tiên tri của chính Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 16:18).

5.3- Chung điểm và hậu chung điểm:

Thời đại Hội Thánh, là một phần của thời gian, không kéo dài bất tận như nhiều người nghĩ. Hội Thánh chỉ tồn tại trên đất để làm công việc Chúa cho đến khi được Đức Chúa Trời đem ra khỏi thế gian (1 Cô-rinh-tô 12:13, Ga-la-ti 3:28, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Chúng ta gọi biến cố này là Sự Cất Lên [12]. Sau khi được cất lên Hội Thánh:

(1) Nhận lãnh phần thưởng từ Đấng Christ, tùy theo công việc mình làm lúc còn trên đất.
“Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.” (1 Cô-rinh-tô 3:8)

“Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” (1 Cô-rinh-tô 3:11-15)

(2) Kết hợp với Đấng Christ trong mầu nhiệm của tiệc cưới Chiên Con.

“Đoạn, tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chơn thật của Đức Chúa Trời.” (Khải Huyền 19:6-9)

(3) Đồng trị với Đấng Christ cho đến đời đời.

“Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta.” (2 Ti-mô-thê 2:12)

“Và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Ê-phê-sô 2:6)

“Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước.” (Khải Huyền 2:26)

“Và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.” (Khải Huyền 22:5)

6- Tóm lược:

Hội Thánh là đền thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời. Hội viên là những viên gạch, là các tội nhân biết ăn năn tội, tuyên nhận Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa Duy Nhất của mình. Ngôi đền thờ đó được xây dựng trên một truyền thống duy nhất của chân lý đi ra từ Đấng đời đời không bao giờ thay đổi là Đức Chúa Trời. Truyền thống đó là các lời tiên tri và giảng dạy của các đầy tớ Đức Chúa Trời mà Ngài dùng để giải bày ý chỉ của Ngài ra cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm từ Cựu Uớc tới Tân Ước. Truyền thống đó không phải là những sự lưu truyền ngoài Thánh Kinh. Đó là truyền thống của loài người, đi ngược lại chân lý của Đức Chúa Trời.

Hội Thánh là “Thân Thể Đấng Christ” đang ở giữa thế gian, tiếp tục công vụ tiên tri, thầy tế lễ, và vua của Đấng Christ. Trong chức vụ tiên tri, Hội Thánh giãi bày cho thế gian tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, rao giảng Tin Lành về sự cứu rỗi chỉ có trong Đấng Christ. Trong chức vụ thầy tế lễ, Hội Thánh nhóm họp thờ phượng Đức Chúa Trời, cầu thay cho tội nhân, dâng chính mình làm của lễ sống và thánh cho Đức Chúa Trời. Trong chức vụ vua, Hội Thánh đang cai trị bản ngã xác thịt tội lỗi của tín nhân và một ngày kia, Hội Thánh sẽ đồng cai trị muôn vật với Đấng Christ.

Chính Đức Chúa Jesus nói đến Hội Thánh như là một thực thể hữu hình (Ma-thi-ơ 18:15-20). Như vậy, Hội Thánh thật sự rất hữu hình trong mọi tầm nhìn, thuộc thể lẫn thuộc linh. Thánh Kinh không hề nói đến “Hội Thánh Vô Hình.” Danh từ “Hội Thánh Phổ Thông” là một sự điệp ý, vì tự ý nghĩa của danh từ Hội Thánh, theo nghĩa đời hay nghĩa thuộc linh đã bao gồm tính phổ thông.

 

H.Long – sưu tầm

Tham khảo:
1- Joseph H. Thayer, Thayer’s Greek-English Lexicon 0f the New Testament, Hendrickson Publishers, Inc., trang 195-196 (2003)
2- Charles F. Pfeiffer, Howard F. Vos, John Rea, Wycliffe Bible Dictionary, Hendrickson Publishers, Inc., trang 350 (2003)
3- Charles F. Pfeiffer, trang 123 (2003)
4- E-sword, Strong’s Hebrew and Greek Dictionaries, http://www.e-sword.net/
5- Charles F. Pfeiffer, trang 1676-1677 (2003)
6- Stephen M. Miller, Who’s Who and Where’s Where in the Bible, Barbour Publishing, Inc., trang 364 (2004)
7- Lê Anh Huy và Huỳnh Christian Timothy, “Thần học thay thế,” http://thanhkinhthanhoc.net/tkth/?q=node/196
8- Lê Anh Huy, “Bài học đầu tiên của tân tín hữu là gì,” http://thanhkinhthanhoc.net/tkth/?q=node/141
9- Justo L. GonZáles, The Story of Christianity, Prince Press, trang 33-36 (2001)
10- Justo L. GonZáles, trang 231-427
11- Bruce L. Shelley, Church History in Plain Language, Thomas Nelson Publisher, trang 163-364 (1995)
12- Lê Anh Huy và Huỳnh Christian Timothy, “Chung thời học (1): Sự Cất Lên,” http://thanhkinhthanhoc.net/tkth/?q=node/171
Ngữ vựng:
a- Đối Kháng: Protestant
b- Tin Lành: Evangelical
c- Thời đại Hội Thánh: Church Age
d- Thánh đồ: Saint
e- Pháp Đình Tôn Giáo: The Inquisition Hội Thánh của Đức Chúa Trời Trang 14
f- Dòng Tên: Jesuits
g- Đại diện cho Đấng Christ: Vicar of Christ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *