KINH THÁNH BẢN TRUYỀN THỐNG HIỆU ĐÍNH (4)

Vấn đề: “con” và “ngươi” trong bốn sách Phúc Âm?

LCV – Trong Ma-thi-ơ 2:49 (Bản Truyền Thống) Chúa Giê-xu nói với ông Giô-sép và bà Ma-ry như sau: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi lo việc Cha tôi sao?” Đại từ “tôi” trong câu này có thể khiến độc giả Việt Nam bất bình vì con cái xưng hô với cha mẹ như vậy là vô phép, không đúng với nề nếp gia phong Việt Nam. Hơn nữa Chúa Giê-xu lúc đó chỉ là một cậu thiếu niên 12 tuổi. Nhưng thật ra, lỗi đâu có phải do cậu Giê-xu! Nếu thay đại danh từ “tôi” thành “con” thì chẳng có vấn đề gì. Chi tiết này cho thấy công tác hiệu đính rất quan trọng.

Bản Truyền Thống Hiệu Đính dùng từ “con” (“các con”) và đại từ “ngươi” (“các ngươi”) trong những câu truyền phán của Chúa Giê-xu.

1. Từ “con” (“các con) được dùng trong câu Chúa Giê-xu nói với:

– Đám đông đảo thính giả

+ Chương 5, 6, 7 trong Bài giảng trên núi: “Phước cho các con”, “Các con là muối của đất”, “Các con là ánh sáng cho thế gian”,…

– Một cá nhân:

+ Chúa phán với người bại liệt: “Hỡi con, hãy vững vàng, tội lỗi con đã được tha.” (Ma-thi-ơ 9:2)

+ Đức Chúa Jêsus quay lại, thấy bà thì phán: “Hỡi con, hãy yên tâm! Đức tin con đã cứu con.” (Ma-thi-ơ 9:22)

– Hai người:

+ Chúa phán với hai người mù: “Các con có tin Ta làm được điều các con ao ước không?” (Ma-thi-ơ 9:28)

+ Chúa phán với hai người mù ở Giê-ri-cô: “Các con muốn ta làm gì cho các con?” (Ma-thi-ơ 20:32)

– Các môn đệ.

+ Khi quở trách các môn đệ: “Hỡi những người ít đức tin kia, sao các con sợ?” (Ma-thi-ơ 8:26), nhưng lại dùng “các ngươi” trong lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Hãy theo Ta, ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” (Ma-thi-ơ 4:19)

2. Đại từ “ngươi” (“các ngươi”) được dùng trong câu Chúa Giê-xu nói với

– Một cá nhân:

+ Chúa nói với viên quan: “Hãy đi, con ngươi sẽ sống.” (Giăng 4:50)

+ Chúa nói với người bị bệnh 38 năm: “Ngươi có muốn được lành không?”, “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi mà đi.” (Giăng 5:6,8)

– Đám đông thính giả:

+ “Các ngươi hãy ăn năn, vì vương quốc thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17)

+ “Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ” (Ma-thi -ơ 11:28)

+ “Các ngươi ra xem gì trong hoang mạc?…” (Ma-thi-ơ 11:7)

– Phái Pha-ri-si và các thầy thông giáo.

+ “Các ngươi chưa đọc về việc Đa-vít đã làm, khi người cùng những người đi theo bị đói sao?” (Ma-thi-ơ 12:3)

Tóm lại:

– Đối với phái Pha-ri-si và thầy thông giáo, Chúa dùng từ “ngươi” (“các ngươi”) khi nói với họ. Bốn sách Phúc Âm trong Bản Truyền Thống dùng đại từ này cách nhất quán. Bản Hiệu Đính không đổi đại danh từ khác.

– Đối với các môn đồ, Chúa dùng từ “con” (“các con”). Bốn sách Phúc Âm trong Bản Truyền Thống Hiệu Đính dùng cách nhất quán. Nhưng Bản Truyền Thống Hiệu Đính lại dùng từ “các con” thay thế cho từ “các ngươi”. Thay đổi như vậy liệu có hợp lý và có nhất quán không?

– Còn đối với dân chúng trong Bản Hiệu Đính khi thì Chúa Giê-xu dùng từ “các ngươi”, khi thì Ngài dùng từ “các con”. Còn đối với cá nhân khi thì Chúa dùng từ “ngươi”, khi thì Ngài dùng từ “con”. Vì sao thiếu nhất quán?

(Còn tiếp)

Oaktreevu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *